Thi giáo viên giỏi và chuyện chuyển-mượn học trò
Để có kết quả thi giáo viên giỏi khả quan hơn, nhiều học sinh bị đánh giá là yếu, hoặc “không an toàn” bị tạm chuyển sang lớp khác; đổi lại, các em học sinh giỏi và ngoan ở các lớp khác được “mượn” để trám vào số bị tạm điều chuyển đó.
Trong một lớp học, khó có thể tất cả học sinh đều giỏi như nhau. Vì thế, mỗi lần thi giáo viên giỏi, một số em học yếu hơn thường bị chuyển tạm sang lớp khác. Ảnh: Nguyễn Hùng
Tổ chức những cuộc thi như thế để làm gì, khi mà ngay từ đầu đã không có sự trung thực từ chính những người làm giáo dục?
Ngày mai, cô giáo chủ nhiệm thi giáo viên giỏi cấp thành phố, cô con gái học lớp 1 tại một trường tiểu học của TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh về hồn nhiên khoe với bố, mẹ: “Sáng mai con cùng 7 bạn nữa sẽ chuyển sang lớp khác”.
Có lẽ phải nhiều năm nữa bọn trẻ mới hiểu vì sao lại như thế!. Trước giờ thi của cô, “nhân sự” trong lớp đã được an bài: 8 gương mặt thân quen đã được thay thế bằng 8 gương mặt lạ lẫm nhưng được đánh giá là có học lực tốt hơn. Bọn trẻ còn lại chắc cũng chẳng hiểu vì sao lại xuất hiện các bạn từ lớp khác trong lớp của mình, còn một số bạn cùng lớp thì lại vắng mặt; nhưng đàn anh, đàn chị đang học cấp 2 nghe chuyện thì hiểu liền bởi đã trải qua giai đoạn đó.
Ban giám khảo, trong đó có những cán bộ, chuyên viên từ trên phòng giáo dục-đào tạo thành phố, có lẽ cũng chẳng lạ gì với “chiêu trò” thi giáo viên giỏi lâu nay, nhưng chắc chỉ cần nắm sĩ số học sinh trong lớp, chứ mấy ai quan tâm những học sinh nào được “mượn” từ lớp khác.
Một cuộc thi nghiêm túc luôn cần mọi khâu, quy trình nghiêm túc, trong đó ít nhất phải xác minh được học sinh của lớp đích thực gồm những ai? Việc này cực kỳ đơn giản, nhưng căn bệnh thành tích đã dẫn tới những cuộc chuyển – mượn học sinh như thế ở các cuộc thi giáo viên giỏi, mà chính các thầy, cô và phụ huynh đều biết.
Hỏi một số phụ huynh, giáo viên ở các địa phương khác, được biết, tình trạng thi kiểu trên cũng không còn gì xa lạ.
Video đang HOT
Một lớp học tất nhiên phải có em nọ, em kia – không thể đồng đều ngoan và giỏi như nhau. Vấn đề là thầy, cô dạy dỗ các em thế nào, cho dù chỉ qua một buổi, thậm chí cả cuộc thi giáo viên giỏi cấp thành phố, không đánh giá hết được năng lực của các thầy, cô.
Trước đây, thi giáo viên giỏi, vẫn thường có chuyện thầy-cô chủ nhiệm yêu cầu khi được hỏi thì cả lớp giơ tay để đẹp đội hình, nhưng không có chuyện tạm “chuyển”, “nhượng” học sinh.
“Đẩy” tạm các em có học lực kém hơn, hoặc học sinh cá biệt sang lớp khác, với hi vọng kết quả thi của các thầy, cô sẽ tốt hơn, là một cách phản giáo dục của những người làm giáo dục. Những người quản lý giáo dục, những thầy, cô hàng ngày vẫn đứng trên bục giảng, dạy các em những điều hay lẽ phải sẽ nghĩ gì khi những việc làm không trung thực của mình.
Những cuộc thi như thế cũng chẳng khác gì những trận bóng đá được dàn xếp tỉ số. Vậy thì thi làm gì?
Theo Laodong.vn
Người thắp sáng ước mơ cho trẻ quê nghèo
Từ năm 2014 đến nay, đều đặn mỗi tuần 3 buổi, lớp học tình thương của cô giáo Trương Thị Thu Cúc (64 tuổi, ngụ xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) lại rộn ràng tiếng trẻ đánh vần, làm phép toán. Điều đặc biệt là học trò đến lớp học tình thương của "bà giáo" này đều là những em có hoàn cảnh đặc biệt, chậm phát triển trí tuệ...
ảnh minh họa
Những số phận kém may mắn
Lớp học của cô Cúc nằm trong nhà văn hóa xã Hành Minh. Trước đây, cô Cúc là Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hành Minh. Năm 2009, cô nghỉ hưu. Từ năm 2011 đến nay, cô Cúc được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã Hành Minh.
Nói về cơ duyên với lớp học tình thương này, cô Cúc : "Qua điều tra phổ cập, tôi thấy trong vùng có nhiều trẻ em kém may mắn, trí tuệ chậm phát triển... không theo kịp bạn bè cùng trang lứa, có cháu đã gần trưởng thành mà vẫn chưa biết chữ. Từ đó, tôi mới nảy ra việc mở lớp học tình thương này".
Các em bị bệnh down, thiểu năng trí tuệ, khó khăn về việc học hay gia đình có hoàn cảnh khó khăn... đều đặn tuần 3 buổi chiều thứ Hai, Tư, Sáu được gửi đến lớp học đặc biệt của cô giáo Cúc. Lớp học hiện có gần 20 em đủ lứa tuổi và hoàn cảnh. Em lớn nhất năm nay 15 tuổi, em nhỏ nhất mới lên 7.
Đúng giờ, các em lại có mặt tại nhà văn hóa xã Hành Minh, sắp xếp sách vở, trật tự vào chỗ ngồi được quy định sẵn để chờ cô giáo tới. Đúng 13h30, cô Cúc bước vào, cả lớp đồng loạt đứng lên hô to rõ ràng: "Chúng con chào cô ạ". Và buổi học bắt đầu...
Hôm thì tập viết, hôm thì làm phép tính, cô Cúc kèm cặp riêng từng em từ đánh vần đến việc thực hiện những phép tính đơn giản. Mỗi ngày đến lớp, cô Cúc đều điểm danh để đảm bảo không có em nào vắng mặt không lý do.
Trong lớp học có hai chị em song sinh Nguyễn Thị Hồng Vang và Nguyễn Thị Hồng Diễm đều học lớp 6. Tuy được đi học nhưng do khiếm khuyết nên cả hai em đều không theo kịp chương trình. Trong đó, Hồng Vang chỉ mới biết cộng trừ, nhân chia như những học sinh đầu cấp 1.
Gia đình của hai chị em Vang là hộ cận nghèo, cha mẹ các em ngày nào cũng làm việc từ tờ mờ sáng đến tối mới về, nên không chú ý mấy đến việc học của các con. Được gửi vào lớp học, Vang được cô Cúc rèn luyện lại từ những nét chữ, phép tính đơn giản nhất. Còn Diễm lại được học nâng cao kiến thức đã học ở trường. Đến giờ, với sự kiên trì của cô trò, Vang cũng đã từng bước nắm được mặt chữ và làm những phép tính đơn giản.
Cậu học trò mới nhất của năm học này là Ngô Nguyễn Gia Khang. Năm nay vừa lên 7, lẽ ra Khang đã vào lớp 1 với các bạn đồng trang lứa, nhưng do sinh thiếu tháng, cơ thể khá nhỏ bé, lại không được lanh lợi nên mẹ Khang định để em ở nhà một thời gian. Nhìn đám bạn ngày ngày cắp sách đến trường, Khang cảm thấy tủi thân.
Sau đó, cô giáo Cúc đến nhà vận động mẹ cho Khang ra lớp, em đã nằng nặc đòi mẹ cho đi học. Giờ Khang đã quen mặt chữ, nét bút tuy còn vụng về, nhưng đã thành hình. Hỏi em có thích đi học không? Khang dõng dạc: "Dạ, con thích học lắm".
"Cô Cúc đã thắp sáng ước mơ cho các con tôi"
Lớp học của cô giáo Cúc chỉ có vài bộ bàn ghế chắp vá mà cô xin được ở các trường học xung quanh, chiếc bảng đen phồng rộp gãy một chân được gá tạm trên ghế. Phòng học tạm bợ, nhưng sách vở, bút mực của lũ trẻ thì không thiếu bao giờ.
Mỗi năm, cô Cúc đều vận động các mạnh thường quân hỗ trợ dụng cụ học tập, tặng quần áo, xe đạp cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Không chỉ vậy, cô Cúc còn trích một phần lương hưu, vận động thêm một số cá nhân hảo tâm mua đầy đủ thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn cho các em trong lớp.
Cô Cúc không giấu được niềm vui khi về những tiến bộ của các em. Học sinh cứ đến rồi lại đi, em nào học tốt sẽ chuyển đến các trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật để học nghề, tiếp cận với môi trường mới. Giờ tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình có con em đặc biệt đều gửi gắm một tay cô giáo Cúc dạy dỗ.
Anh Nguyễn Xuân Vinh (cha của Vang và Diễm) từng là học trò của cô Cúc, giờ cô lại trở thành cô giáo đặc biệt của con mình, chẳng biết lấy gì cảm ơn, chỉ nói đơn giản: "Cô Cúc đã gánh lấy phần cực khổ nhất của vợ chồng tôi. Mỗi lần từ lớp về thấy hai đứa đọc cho nghe bài thơ thôi mà tôi mừng rớt nước mắt".
Theo ông Phan Thanh Trinh - Phó Chủ tịch UBND xã Hành Minh, lớp học tình thương do một tay cô giáo Cúc thành lập, giảng dạy. Xã Hành Minh còn nhiều khó khăn nên chỉ hỗ trợ được một ít kinh phí lúc ban đầu. Dù khó khăn, thiếu thốn đủ bề, thế nhưng cô Cúc vẫn quyết bám lớp suốt nhiều năm qua.
"Cô Cúc là tấm gương sáng về lòng yêu trẻ, lớp học của cô là nơi các em khuyết tật được yêu thương, xoa dịu bớt những nỗi đau, thiệt thòi. Chúng tôi mong cô luôn khỏe để đồng hành cùng các cháu, cũng mong sao có thêm sự hỗ trợ để lớp học được đầy đủ hơn", ông Trinh cho biết.
Ông Bùi Đình Thời - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành cho biết: "Cứ hình dung dạy một đứa trẻ bình thường đã khó khăn, vậy mà cô phải dạy một lúc đến gần 20 cháu hết sức đặc biệt. Nói thật, tôi từng không tin rằng các cháu sẽ ngoan. Vậy mà giờ lâu lâu vào thăm lớp, tôi thấy bọn trẻ lễ phép vòng tay chào hết sức bất ngờ. Công lao của cô Cúc dù thầm lặng nhưng quá ý nghĩa với cuộc đời này".
Theo Phapluatvn.vn
Những điều tuyệt vời trong đào tạo giáo viên tại Singapore Giáo dục Singapore hiện đang được công nhận là một trong những nền giáo dục chất lượng hàng đầu châu Á, nền tảng cho sự thành công ấy chính là nhờ quá trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên rất đáng để nghiên cứu, học hỏi. ảnh minh họa Một số bài học nổi bật trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng...