Thí điểm tiếng Hàn là ngoại ngữ 1, tôi tin chắc chắn sẽ không thất bại
“Tôi nghĩ đã là “thí điểm” thì luôn phải lường trước các khả năng. Cá nhân tôi thì tin là môn tiếng Hàn sẽ không thất bại”, Phó Giáo sư. Tiến sĩ Ngô Minh Thủy nói
Trước việc Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thí điểm môn tiếng Hàn là “ngoại ngữ 1″ trong Chương trình Giáo dục phổ thông, Phó giáo sư. Tiến sĩ Ngô Minh Thủy, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển văn hóa, ngôn ngữ và giáo dục (CLEF), nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng hợp lý, phù hợp với nhu cầu của xã hội và đúng với tinh thần của Luật giáo dục.
Phó giáo sư. Tiến sĩ Ngô Minh Thủy, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển văn hóa, ngôn ngữ và giáo dục (CLEF), nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp
“Luật Giáo dục của ta nhấn mạnh việc tạo điều kiện để người dân học các ngoại ngữ mà xã hội và người dân có nhu cầu.
Chương trình giáo dục phổ thông mới nhất của nước ta được Quốc hội thông qua và Chính phủ (Bộ Giáo dục và Đào tạo) ban hành năm 2018 nêu rõ môn ngoại ngữ 1 được học trong 10 năm, từ năm lớp 3 của tiểu học, và môn ngoại ngữ 1 này có thể là tiếng Anh hoặc một ngoại ngữ khác phù hợp với nhu cầu của xã hội. Học sinh cũng có thể học thêm môn ngoại ngữ 2 (không bắt buộc), sớm nhất là từ lớp 6″.
Phó Giáo sư.Tiến sĩ Ngô Minh Thủy cho rằng giáo dục của bất cứ quốc gia nào cũng phải phục vụ nhu cầu của đất nước đó đầu tiên, vì thế, việc dạy và học ngoại ngữ cũng cần dựa trên nhu cầu của xã hội đó, của đất nước đó đầu tiên.
“Tất nhiên, khi lựa chọn ngôn ngữ để dạy và học, thông tin về vị trí của ngôn ngữ đó hay số lượng người sử dụng ngôn ngữ đó trên thế giới cũng quan trọng, nhưng nếu nhìn từ nhu cầu thực sự cho người dân của mình thì một số ngôn ngữ được coi là “không phổ biến” trên thế giới lại có tác dụng và mang lại lợi ích cho đất nước đó nhiều hơn.
Ví dụ, hiện nay, tại Việt Nam, bên cạnh tiếng Anh có nhu cầu áp đảo, thì một số ngôn ngữ như tiếng Hàn, tiếng Nhật…cũng có nhu cầu rất lớn và là nhu cầu thực sự.
Theo con số thống kê cuối năm 2018 thì số người Hàn Quốc sinh sống và làm việc tại Việt Nam là hơn 150 ngàn người, số người Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập tại Hàn Quốc là hơn 200 ngàn người. Đối với Nhật Bản, các con số tương ứng lần lượt là hơn 20 ngàn và hơn 400 ngàn người. Tại Việt Nam, từ cách đây vài năm đã có hơn 2.000 công ty Nhật Bản đang hoạt động và con số này đang tiếp tục tăng lên. Số lượng công ty Hàn Quốc tại Việt Nam cũng rất đông và bao gồm nhiều tập đoàn lớn.
Số lượng khách du lịch đi lại giữa Việt Nam với Nhật Bản và Hàn Quốc hàng năm rất đông (năm 2019 có gần 1 triệu lượt khách Nhật Bản và hơn 4 triệu lượt khách Hàn Quốc sang Việt Nam, gần 500 ngàn lượt khách Việt Nam sang Nhật Bản, hơn 500 ngàn lượt khách Việt Nam sang Hàn Quốc.) Với một thị trường như vậy, rõ ràng nhu cầu về tiếng Hàn và tiếng Nhật rất lớn và việc dạy – học tiếng Hàn hay tiếng Nhật sẽ mang lại nhiều cơ hội việc làm cho người Việt Nam.
Video đang HOT
Một số ý kiến cho rằng sao không học tiếng Ấn Độ, Ấn Độ và Việt Nam cũng có quan hệ đối tác chiến lược cơ mà. Về vấn đề này, tôi cho rằng mặc dù tiếng Ấn Độ có nhiều người sử dụng trên thế giới (một phần do dân số của Ấn Độ rất đông), là đối tác chiến lược của ta, nhưng tại thời điểm này thì tại Việt Nam ít có cơ hội và nhu cầu dùng tiếng Ấn Độ, cũng ít người Việt đi học, đi làm hay sinh sống tại Ấn Độ.
Rõ ràng là nhu cầu của tiếng Hàn hay tiếng Nhật đối với người Việt Nam đang cao hơn tiếng Ấn Độ rất nhiều. Tuy nhiên, nếu tại Việt Nam có nhu cầu cao về tiếng Ấn Độ thì tôi nghĩ tiếng Ấn Độ cũng có thể được đưa vào, vì điều đó phù hợp với luật giáo dục Việt Nam về quyền được học ngoại ngữ của người dân. Nhưng rõ rằng thời điểm này xã hội chưa có nhu cầu nhiều.
Nhưng đó là chỉ nói về nhu cầu của xã hội liên quan đến việc làm hoặc việc du học hay học tập lên bậc cao hơn. Nếu nói rộng ra thì học ngoại ngữ còn liên quan đến văn hoá. Thông qua việc học ngoại ngữ các em học sinh còn được làm quen với nhiều nền văn hóa, được trang bị thêm các kiến thức văn hoá, xã hội nữa. Môn ngoại ngữ cũng cùng với các môn học khác góp phần tạo nên những công dân Việt Nam toàn diện. Nên tôi cho rằng ta càng mang lại nhiều cơ hội lựa chọn cho người dân càng tốt”.
Có quan điểm cho rằng cứ học tiếng Anh cho hiệu quả vào, người Hàn còn phải học tiếng Anh để giao tiếp cơ mà? Về điều này, Phó giáo sư. Tiến sĩ Ngô Minh Thủy khẳng định không phải tất cả mọi người đều muốn chỉ sử dụng tiếng Anh:
“Đúng là tiếng Anh có nhu cầu lớn và biết tiếng Anh cũng là lợi thế, nhưng không phải tất cả mọi người đều muốn chỉ sử dụng tiếng Anh. Cũng không phải tất cả người Hàn Quốc (tại Hàn Quốc và tại Việt Nam) đều nói được tiếng Anh. Ngay tại Việt Nam cũng có những lĩnh vực, địa phương, nghề nghiệp mà tiếng Anh lại không giúp ích được bằng các ngôn ngữ khác. Bởi vậy, tăng thêm cơ hội học ngoại ngữ khác, cụ thể ở đây là tiếng Hàn, cho học sinh là điều tốt đẹp và cần thiết.
Trên thực tế, người Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc đều cần biết tiếng Hàn. Tương tự như vậy, để đi làm việc hoặc du học tự túc tại Nhật Bản thì phần lớn các trường hợp đều đòi hỏi một trình độ tiếng Nhật nhất định (rất ít trường hợp yêu cầu biết tiếng Anh). Đấy là chưa nói để học lên cao hơn, để được thăng tiến trong công việc, để có thể sống thoải mái ở Nhật Bản hay Hàn Quốc thì rất cần sử dụng tốt tiếng Nhật hay tiếng Hàn.
Ngoài ra, như tôi đã nói, việc chọn tiếng Hàn hay tiếng Anh hay tiếng Nhật hay một ngoại ngữ khác là quyền của người dân. Bên cạnh đó, học sinh có thể học thêm một ngoại ngữ thứ hai (không bắt buộc) và đối với những em đã chọn tiếng Hàn, tiếng Nhật hay một ngoại ngữ khác làm “ngoại ngữ 1″ thì các em có thể học tiếng Anh như môn ngoại ngữ 2″.
Với nhu cầu và triển vọng của tiếng Hàn tại Việt Nam, Phó giáo sư. Tiến sĩ Ngô Minh Thủy tin rằng việc thí điểm môn tiếng Hàn là “ngoại ngữ 1″, hệ 10 năm trong Chương trình Giáo dục phổ thông sẽ không thất bại:
“Tôi nghĩ đã là “thí điểm” thì luôn phải lường trước các khả năng. Và việc đưa tiếng Hàn vào trước tiên như môn học thí điểm chứ không chính thức ngay thể hiện sự thận trọng và nghiêm túc của cơ quan quản lý khi thực hiện luật giáo dục.
Chắc chắn là cơ quan quản lý và các đơn vị liên quan, các nhà chuyên môn sẽ có sự theo dõi và đánh giá nghiêm túc quá trình thí điểm trước khi quyết định chính thức đưa môn tiếng Hàn thành môn ngoại ngữ 1.
Cá nhân tôi thì tin là môn tiếng Hàn sẽ không thất bại, còn mức độ phát triển tới mức nào thì còn tùy vào nhiều yếu tố.
Trước đây, khi bắt đầu đưa tiếng Nhật vào dạy thí điểm năm 2003 cũng có rất nhiều khó khăn và nhiều ý kiến, nhưng rõ ràng là việc đưa tiếng Nhật vào đã đáp ứng rất tốt nhu cầu của xã hội ta và đã thu được những thành quả lớn.
Tới thời điểm này, trên toàn quốc có 37 trường trung học phổ thông, 82 trường trung học cơ sở dạy tiếng Nhật một cách chính thức. Các trường tiểu học từ năm 2016 tham gia dạy thí điểm tiếng Nhật ngoại ngữ 1 theo chương trình 10 năm (từ lớp 3) cũng đã vận hành tốt. Ngoài ra có rất nhiều trường đang dạy tiếng Nhật dưới hình thức môn ngoại khóa hoặc là hoạt động câu lạc bộ. Tôi nghĩ là với tiếng Hàn cũng sẽ có những thành quả tốt đẹp”.
Tiếng Đức, Hàn là ngoại ngữ 1: Tiệm cận nhu cầu nhân lực, tuyển sinh
Môn Tiếng Hàn, Tiếng Đức được thí điểm là ngoại ngữ 1 trong Chương trình GDPT, dạy từ lớp 3 - 12. Việc thêm hai ngoại ngữ mới giúp học sinh có thêm lựa chọn, được nhiều chuyên gia đánh giá phù hợp xu thế.
Sinh viên Khoa Hàn Quốc học của Trường ĐH Văn Hiến.
Xu hướng quốc tế hóa đòi hỏi sự đa dạng ngôn ngữ
Xu hướng hội nhập quốc tế sâu rộng đã mang đến những thay đổi lớn về nhu cầu, tính đa dạng của nguồn nhân lực. Đặc biệt, khi Việt Nam đẩy mạnh giao lưu văn hóa, thúc đẩy trao đổi nhân lực, xuất khẩu lao động, nhu cầu nhân lực thông thạo tiếng Đức, Hàn ngày một lớn.
Bằng chứng, hàng loạt trường ĐH - CĐ mở và tuyển sinh ngành Hàn Quốc học hay tiếng Đức từ rất sớm như ĐH Ngoại ngữ & Tin học TPHCM, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Lạc Hồng, ĐH Văn Lang, ĐH Văn Hiến, Cao đẳng Công Thương Việt Nam... Chỉ tiêu tuyển sinh mỗi ngành dao động từ 60 - 150 SV/năm tùy trường.
Tại TPHCM, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) là trường đầu tiên đào tạo những ngành này. Bộ môn Hàn Quốc học (Khoa Hàn Quốc học) được trường thành lập từ năm 1994 với chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm đều tăng, hiện là hơn 140 sinh viên. Trường cũng là đơn vị duy trì tuyển sinh và đào tạo ngành Ngôn ngữ Đức (80 chỉ tiêu). Điều đáng nói, số lượng sinh viên ngành Hàn Quốc học và Ngôn ngữ Đức sau khi ra trường đều được các doanh nghiệp Hàn Quốc và Đức tại TPHCM tuyển dụng hết. Phần lớn, chỉ tiêu tuyển sinh của trường đều được doanh nghiệp đặt hàng hoặc đào tạo theo địa chỉ.
Khát nhân lực ngành Hàn Quốc học còn thể hiện rõ khi số lượng hồ sơ xét tuyển vào ngành học tăng nhanh chóng 2 năm qua. Năm 2020, điểm trúng tuyển ngành Hàn Quốc học dao động từ 20 - 30 điểm tùy trường. Riêng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), điểm trúng tuyển vào ngành Hàn Quốc học lên tới 30 điểm. Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) điểm chuẩn trúng tuyển vào ngành Hàn Quốc học cũng lên tới 25,2 điểm. Ngành Ngôn ngữ Đức điểm trúng tuyển là 22 điểm.
ThS Trần Nam - Trưởng phòng Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM cho biết: Nhu cầu nhân lực của 2 ngành tiếng Hàn và tiếng Đức rất lớn. Sinh viên của hai ngành này chưa tốt nghiệp đã có doanh nghiệp đến đặt hàng tuyển dụng, đặc biệt là với các cử nhân ngôn ngữ Đức. Nhóm nhân lực lĩnh vực biên, phiên dịch, giảng viên, hướng dẫn viên du lịch, viện nghiên cứu... hút nhân lực hai ngành này nhất.
Hangeul Festival - lễ hội tôn vinh vẻ đẹp chữ Hàn, vẻ đẹp Hàn Quốc do Khoa Hàn Quốc học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM tổ chức.
Cơ hội nghề nghiệp rộng mở
Theo TS Nguyễn Thị Phương Mai - Trưởng khoa Hàn Quốc học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM), từ năm 2017 trở lại đây, tính riêng TPHCM có thêm 6 trường ĐH - CĐ đào tạo chính quy ngành Hàn Quốc học hoặc Ngôn ngữ Hàn Quốc. Số doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia đầu tư, sản xuất tại Việt Nam trong những năm qua cũng ngày một tăng. Việt Nam hiện có hơn 9.000 doanh nghiệp với tổng số vốn đầu tư tích lũy đến tháng 10/2020 đạt gần 70,4 tỉ USD, chiếm 18,5% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam. Điều này cho thấy, nhu cầu nhân lực phục vụ cho các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng như của ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam đang rất "khát".
ThS Nguyễn Thị Xuân Dung - Phó Trưởng phòng Truyền thông & Tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) nhìn nhận: Với ngôn ngữ chưa thông dụng như tiếng Hàn và tiếng Đức nếu được tiếp cận và học từ sớm, việc bước tiếp lên ĐH - CĐ sẽ mang đến cho người học nhiều cơ hội việc làm.
"Khảo sát từ doanh nghiệp của chúng tôi cho thấy, nhu cầu nhân lực ngành tiếng Hàn và tiếng Đức rất lớn. Ngoài việc cung chưa đủ cầu, các chính sách khuyến khích học tập, nghiên cứu, lao động bằng hình thức sang công tác tại nước bản địa mang đến cơ hội phát triển lớn cho nhân lực nhóm ngành này. Sinh viên theo học hai ngành này có những lợi thế nhất định, khi nhu cầu cạnh tranh không cao nhưng phạm vi và địa hạt để tham gia vào thị trường lao động lại rộng" - ThS Dung nói.
Không chỉ có cơ hội việc làm với mức lương cao khi tham gia thị trường lao động trong nước, nhân lực giỏi tiếng Hàn và tiếng Đức còn có cơ hội lớn xuất ngoại, làm việc ở chính các quốc gia trên bằng chương trình hợp tác, trao đổi nhân lực.
Đơn cử, tại Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II (TPHCM) có chương trình đào tạo hoàn toàn miễn phí do phía CHLB Đức tài trợ gồm: Môi trường (xử lý nước thải công nghiệp và kỹ thuật thoát nước); Xử lý nước thải (công nghệ nước). Sinh viên theo học 2 ngành này ngoài việc học chương trình theo chuẩn của Đức, được miễn phí hoàn toàn, sau khi tốt nghiệp có thể lựa chọn làm việc cho các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam hay ở CHLB Đức với mức lương cao.
Với tiếng Đức, hiện ngoài Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, Trường ĐH Việt Đức được xem là nơi đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp của Đức lớn nhất tại TPHCM và các tỉnh phía Nam. Sinh viên có thể sang Đức học tập, nghiên cứu chuyên sâu sau năm 2. Ngoài ra, nhiều học bổng, đào tạo của doanh nghiệp Đức tại Việt Nam và Đức cũng mang đến cơ hội học tập và việc làm rất lớn cho sinh viên của trường.
TS Hà Thúc Viên - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức (VGU) cho biết: Khoảng 90% sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp có việc làm. 40% sinh viên đại học và 60% học viên cao học có cơ hội nhận học bổng. Mặt khác, với sự hợp tác từ các trường đại học đối tác tại CHLB Đức, tất cả sinh viên Trường Việt Đức sau khi hoàn thành chương trình học sẽ được cấp văn bằng của Việt Nam và Đức. Những văn bằng này đều theo tiêu chuẩn Đức và có giá trị ở hầu hết nước châu Âu.
Phần lớn sinh viên theo học ngành Hàn Quốc học đều tìm được việc làm đúng chuyên ngành ngay sau khi tốt nghiệp. Thậm chí, sinh viên năm thứ 3, 4 đã được doanh nghiệp đến tận trường "săn đón" hoặc đào tạo theo đơn đặt hàng. - TS Nguyễn Thị Phương Mai
Trường THPT chuyên Ngoại ngữ công bố cấu trúc đề thi vào lớp 10 Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) vừa công bố cấu trúc đề thi lớp 10 vào trường THPT chuyên Ngoại ngữ năm 2021. Ảnh minh họa Năm nay, thí sinh thi vào lớp 10 trường THPT chuyên Ngoại ngữ tham gia bài thi 3 môn. Môn 1 là Đánh giá năng lực ngoại ngữ. Đề thi gồm 60 câu...