The Verge đánh giá màn hình 5000 USD của Apple: quá đắt để làm văn phòng, quá kém để chỉnh màu sắc
Liệu màn hình 5.000 USD của Apple có thể làm hài lòng những đối tượng mà nó hướng đến? Nó thuộc hạng mục nào trong thế giới màn hình hiện nay?
Apple đã khiến công chúng ‘há mồm’ khi công bố hai sản phẩm chuyên nghiệp vào năm ngoái. Một chiếc Mac Pro và màn hình Pro Display XDR, đếu rất đắt tiền và đều dành cho giới chuyên nghiệp. Tổng biên tập The Verge, ông Nilay Patel, đã đích thân viết bài đánh giá về bộ đôi này, huy động một số nhân sự dưới quyền mình để cùng đưa ra nhận xét về hai sản phẩm.
Thông số hứa hẹn
Điểm qua chút cấu hình, màn hình Pro Display XDR sử dụng tấm nền LCD 32 inch, độ phân giải 6K, do LG Display cung cấp. Nó có thể đạt tới đỉnh sáng 1.600 nit, hệ thống đèn nền FALD có 576 vùng làm mờ cục bộ và hỗ trợ 10-bit màu với dải màu DCI-P3. Apple cho biết họ đã sử dụng một lớp phủ tiêu chuẩn ngành công nghiệp trên bề mặt để đạt tới độ tương phản 1:1.000.000.
Apple tung hô màn hình của họ lên trời
Thông số khá ấn tượng, nhất là khi chính miệng Apple đã tuyên bố Pro Display XDR là “màn hình chuyên nghiệp tốt nhất thế giới”. Tổng biên tập The Verge càng thêm ấn tượng khi trên sân khấu, Apple đã dành thời gian so sánh nó với màn hình tham chiếu Trimaster OLED của Sony. Đây vốn là tiêu chuẩn hiển thị của ngành công nghiệp, thường sử dụng để chỉnh màu khi biên tập nội dung phim ảnh, chương trình giải trí.
Màn hình báo giá 5.000 USD với một chân dựng bán rời, giá 1.000 USD. Dẫu vậy, kể cả với trọn bộ 6.000 USD thì nó vẫn rẻ hơn nhiều màn hình Sony giá vài chục ngàn. Apple muốn bạn xem mức giá này là một món hời. Thế nhưng, theo quan điểm từ Nilay, ông nghĩ tất cả mọi người đều sẽ hài lòng hơn nếu Apple không nhắc gì đến màn hình đắt tiền đó của Sony.
Đắt liệu có sắt ra miếng?
Đầu tiên thì ông không thích chân đế 1.000 USD của Apple lắm, lí do tại sao thì có lẽ bạn nên xem video để nhận ra vấn đề, tại phút thứ 8:55 của video. “Đáng lẽ một cái chân dựng 1.000 USD thì không nên như vậy” – ông hơi thất vọng.
Khi đưa màn hình Apple vào thực tiễn sử dụng, ngay sau khi khởi động sẽ tự thiết lập ở profile màu dành cho “môi trường văn phòng và nhà riêng”. Ở chế độ này, đỉnh sáng có thể đạt tới 1.600 nit, tất cả nội dung và ứng dụng được chuyển hết về tiêu chuẩn HDR, tuy nhiên, màu sắc sẽ không chính xác.
Đi sâu hơn vào đánh giá chất lượng hình ảnh, The Verge, bao gồm cả tổng biên tập lẫn một số chuyên gia trong công ty, cho biết dù ban đầu rất ấn tượng nhưng càng sử dụng lâu, màn hình càng trở nên bình thường như các màn hình LCD khác. Nó là một mẫu LCD có khả năng làm mờ cực kỳ xuất sắc, nhưng thỉnh thoảng vẫn bị quầng sáng, màu đen ngả xám trên cả màn hình.
Thỉnh thoảng, các vùng làm mờ này vẫn hơi lóe lên, có nhiều nội dung mà bạn sẽ thấy rõ màu đen chuyển thành màu xám. Thành thực mà nói, Pro Display XDR vẫn cung cấp độ sắc nét cực kỳ cao và màu đen rất sâu, hơn nhiều các màn hình bạn có thể so sánh. Tuy nhiên, vài vấn đề sau thì rất khó chấp nhận.
The Verge quyết định đánh giá chi tiết bộ đôi sản phẩm chuyên nghiệp từ Apple bằng cách mời nhiều chuyên gia
LCD làm mờ cục bộ thì vẫn là LCD làm mờ cục bộ
Rất nhiều chuyên gia làm công việc truyền thông đa phương tiện đã sử dụng nó. Nhiều lời khen về độ sáng và độ phân giải cao như mong đợi, nhưng có hai người khác lại lưu ý về nhược điểm góc nhìn hẹp. Nhà thiết kế chuyển động Grayson Blackmon và giám đốc công nghệ hậu kỳ Murilo Silva đã có những chia sẻ thẳng thắn.
Grayson, trước khi làm cho The Verge đã có nhiều năm làm trong ngành truyền thông, cho biết: “Màn hình Apple là một trong những cái tốt nhất tôi từng làm việc, tuy nhiên, có nhiều thứ phải cân nhắc. Độ sáng giảm dần khi tiến đến rìa màn hình, cả khi bạn đang ngồi ở chính giữa. Nó ảnh hưởng rõ bất kể loại công việc là gì. Xem video toàn màn hình sẽ ít bị khó chịu hơn, nhưng nó vẫn ở đấy”.
Với Murilo, người đã làm công việc hậu kỳ trong 16 năm, thậm chí từng tham gia dự án Game of Thrones, đây là những gì ông nhận xét về Pro Display XDR: “Đáng tiếc, ấn tượng đầu tiên của tôi lại là góc nhìn hẹp một cách tệ hại, nghiêng nhẹ thôi cũng thấy sai màu.”
Pro Display XDR bị phàn nàn về góc nhìn hẹp và độ sáng không đều (ảnh: The Verge)
Murilo nói mình đã làm việc với rất nhiều màn hình chuyên dụng Sony, loại mà Apple đưa lên sân khấu để so sánh. Ông thẳng thừng nói mình rất khó chịu khi thấy Apple đưa Pro Display XDR lên trước màn hình Sony. “Đó không phải mẫu màn hình mà tôi sẽ mua để dùng làm màn hình tham chiếu cho những công việc cần nghiêm túc với màu sắc” – Murilo bộc bạch. Nhận xét này tương tự reviewer đến từ HDTVTest.
Vấn đề độ sáng không đều, bị giảm dần khi tiến tới rìa là có thể nhận ra, bởi vì bạn ngồi ở khoảng cách bình thường trước màn hình, bạn sẽ luôn thấy các rìa ở ngoài tâm. Đây chính xác là hiện tượng mờ viền (vignette) hay gặp trong nhiếp ảnh.
Dường như đây không phải vấn đề chỉ có The Verge mới gặp phải. Mẫu màn hình của Youtuber Marques Brownlee, chủ kênh MKBHD, cũng lưu ý chuyện góc nhìn thay đổi thì hình ảnh trên màn hình biến đổi theo. Chuyên gia Vincent Teoh cũng gặp tình trạng tương tự khi xem xét kỹ.
Marques Brownlee cũng nhắc đến chuyện khi nhìn nghiêng sẽ thấy màu sắc biến đổi ở phút 5:45
Và hết sức kỳ lạ khi tổng biên tập The Verge liên hệ với Apple về vấn đề này, cùng bức ảnh chứng minh. Hãng phản hồi rằng vấn đề này có tồn tại và nó… rất bình thường. Đó là cách mà LCD hoạt động, dẫn chứng là các màn hình LCD hoặc TV LCD xung quanh bạn đều có thể gặp tình trạng tương tự. Độ sáng thay đổi dần và màu sắc bị ngả khi rời khỏi trục chính.
Đây quả là câu trả lời không như kỳ vọng của ông. Bởi lẽ những người đang cảm thấy hài lòng với màn hình LCD hoặc dễ dãi cho qua chuyện này, đều không làm việc nghiêm túc với màn hình họ có. Họ không mua một màn hình sáng hơn, sắc nét hơn, chính xác hơn, để rồi lại gặp vấn đề tương tự. Pro Display XDR có giá 5.000 USD cơ mà!
Kết
Và sau nhiều lần trao đổi, phía Apple thừa nhận rằng mục đích của Pro Display XDR không để nhằm thay thế màn hình OLED chuyên dụng của Sony, mà là cung cấp một màn hình chuyên dụng với chế độ màu sắc cấp độ tham chiếu, hỗ trợ HDR, có khả năng làm việc linh hoạt.
Apple thừa nhận Pro Display XDR không nhằm thay thế màn hình Sony dù đã tiến hành so sánh trên sân khấu
Nghe khá là hợp lý nếu nhìn theo góc nhìn của Apple. Pro Display sẽ phù hợp trong trường hợp mà màn hình Sony không thể dùng để chạy Excel, viết code (vì nó đâu được thiết kế để làm vậy). Nó đa năng hơn, bạn có thể sử dụng mọi tác vụ văn phòng và đôi lúc, dùng chế độ màu tham chiếu để làm việc cần độ chính xác cao.
Theo The Verge, điều này nghe khá kỳ quặc. Apple cố gắng thuyết phục những người chỉ làm văn phòng, viết code hay giải trí bình thường – những người đã ‘ngả ngửa’ khi nghe cái giá 5.000 USD cho màn hình và 1.000 USD cho chân dựng – rằng nâng cấp lên sản phẩm này là hoàn toàn xứng đáng.
Màn hình Apple hướng đến hạng mục đa năng, làm được mọi việc từ văn phòng đến đồ họa, nhưng lại có giá quá cao với nhu cầu cơ bản và hình ảnh thì chưa đủ thuyết phục như loại chuyên nghiệp
Nhưng họ cũng lại mong muốn thuyết phục cả nhóm người cực kỳ khó tính về chất lượng hình ảnh, có đủ ngân sách để mua loại vài chục ngàn USD của Sony về chỉ để chỉnh màu chuẩn như ý muốn. Dù rõ ràng khả năng hiển thị của Pro Display XDR không thể sánh bằng đồ chuyên nghiệp đắt hơn nó nhiều lần như vậy.
Theo Nilay, thành thực mà nói thì mong muốn đó của Apple không thực tế. Người dùng ngân sách hạn hẹp hoàn toàn có thể lựa chọn nhiều mẫu màn hình khác rẻ hơn Pro Display XDR, còn với các công việc yêu cầu độ chính xác tuyệt đối, người ta sẵn sàng chi tiền mua màn hình tham chiếu chỉ nhằm đảm bảo màu sắc không bị sai – điều mà màn hình 5.000 USD không làm được.
Theo VN Review
MacBook Pro 16 inch gặp sự cố về hiệu suất CPU khi sử dụng với màn hình ngoài
Trên lý thuyết, MacBook Pro 16 inch có thể hoạt động với hai màn hình Pro Display XDR ở độ phân giải 6K mà không gặp vấn đề gì.
Tuy nhiên, một số người dùng MacBook Pro 16 inch đang phàn nàn về các vấn đề về hiệu năng với máy của họ sau khi kết nối nó với màn hình ngoài.
Theo báo cáo, việc giảm hiệu suất xảy ra bất kể màn hình nào kết nối với MacBook Pro 16 inch. Từ màn hình Full-HD thông thường cho đến màn hình cao cấp như Pro Display XDR. Người dùng cho biết hiệu suất CPU của máy giảm đáng kể sau khi được kết nối với màn hình ngoài.
Vấn đề ở đây là khi được kết nối với màn hình ngoài, MacBook Pro 16 inch chuyển sang GPU Radeon Pro 5300/5500M chuyên dụng. Ngay cả khi không hoạt động, GPU vẫn tiêu thụ khoảng 18-20W năng lượng. Không có màn hình ngoài, GPU Radeon tiêu thụ khoảng 5W năng lượng. Điều này dẫn tới việc CPU chạy ở tốc độ xung nhịp thấp hơn đáng kể khoảng 1.9 GHz đến 2.3 GHz.
Việc rút thêm năng lượng từ GPU Radeon ngay cả khi không hoạt động cũng dẫn đến việc máy chạy nóng hơn bình thường mà không có lý do rõ ràng. Một cách giải quyết cho vấn đề này là chạy MacBook Pro 16 inch ở chế độ clamshell vì điều đó dẫn đến GPU bên ngoài chỉ tiêu thụ khoảng 5W năng lượng. Vấn đề dường như không xuất hiện ở MacBook Pro 15 inch vì nó có công suất 4-5W hợp lý ngay cả khi được kết nối với màn hình ngoài.
Theo FPT Shop
Màn hình của Apple Pro Display XDR giá 5.000 USD bị chê không hiển thị đúng màu sắc, không phải sự lựa chọn của dân chuyên nghiệp Apple đã hơi quá khi nói rằng Pro Display XDR là chiếc màn hình chuyên nghiệp tốt nhất thế giới. Chuyên gia màu sắc và đánh giá màn hình hiển thị của HDTVTest, Vincent Teoh cho rằng chiếc màn hình Pro Display XDR giá 5.000 USD của Apple không phải là sự lựa chọn tốt nhất dành cho những người thiết kế cần...