Thế giới đã tiêm hơn 100 triệu liều vaccine Covid-19
Hơn 100 triệu liều vaccine Covid-19 đã được tiêm trên khắp thế giới tính đến ngày 2/2, với Israel dẫn đầu, trong khi nhiều nước chưa bắt đầu tiêm chủng.
101.317.005 mũi vaccine đã được tiêm ở 77 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo dữ liệu được AFP thống kê từ các nguồn chính thức. Tuy nhiên, không quốc gia nào trong số 29 nước nghèo nhất thế giới bắt đầu tiêm chủng đại trà, trong khi các quốc gia giàu nhất chiếm hơn 2/3 số mũi đã được tiêm.
Israel hiện dẫn đầu cuộc đua tiêm chủng với 37% dân số đã nhận được ít nhất một liều tiêm, trong khi hơn 1/5 đã nhận được liều thứ hai. Tuy nhiên, hơn 1/3 nhân loại (35%) sống ở các quốc gia chưa bắt đầu tiêm chủng.
Một y tá tiêm vaccine Covid-19 cho người dân tại trung tâm tiêm chủng ở bang California hôm 2/2. Ảnh: AFP .
Sau Israel, các quốc gia tiêm nhiều nhất ở Bắc Mỹ, châu Âu và Vịnh Ba Tư. Anh đứng đầu nhóm này về bình quân đầu người với 13,7% người dân được tiêm, tiếp đó là Mỹ với 32,2 triệu mũi, chiếm 7,9%. Liên minh châu Âu (EU) xung đột gay gắt với AstraZeneca về khả năng tiếp cận nguồn cung cấp vaccine, với chỉ 12,7 triệu mũi tiêm cho 2,3% người dân.
Ngược lại, Trung Quốc đã tiêm 24 triệu mũi, trong khi Ấn Độ, nơi sản xuất nhiều loại vaccine, chỉ mới tiêm được 4 triệu mũi, một tỷ lệ rất nhỏ ở quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới. Các quốc gia tiêm chủng tốt nhất trong EU là Malta (5,4%), Đan Mạch (3,2%) và Ba Lan (3,1%).
Đối thủ cạnh tranh gần nhất của Anh ở châu Âu là Serbia, cũng nằm ngoài khối EU. Nước này đã tiêm vaccine Sinopharm của Trung Quốc và Sputnik V của Nga cho 6,2% dân số.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phàn nàn “các nước giàu đang tung ra vaccine, trong khi các nước kém phát triển nhất phải theo dõi và chờ đợi”.
Tuy nhiên, một số quốc gia giàu có vẫn chưa bắt đầu tiêm phòng, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Ausralia. Đây là những nước đã kiềm chế được đại dịch bằng các biện pháp kiểm soát ở biên giới và cách ly nghiêm ngặt.
Những đợt giao hàng đầu tiên của chương trình phân phối vaccine toàn cầu COVAX do WHO dẫn đầu để chia sẻ mũi tiêm một cách công bằng hơn sẽ bắt đầu trong tháng này. Hiện mới chỉ Guinea nhận được vaccine từ chương trình này, nhưng số lượng rất ít.
Video đang HOT
Có 7 loại vaccine đang được lưu hành trên thế giới, tất cả đều cần tiêm hai liều. Các vaccine do Pfizer/BioNTech (Mỹ-Đức) và Moderna (Mỹ) phát triển đang chiếm ưu thế ở Bắc Mỹ, châu Âu, Israel và Vùng Vịnh. AstraZeneca-Oxford của Anh được sử dụng nhiều ở Anh, Ấn Độ, Myanmar, Sri Lanka, Morocco, và sẽ sớm được triển khai ở châu Âu.
Ấn Độ cũng sử dụng một loại vaccine “cây nhà lá vườn” do Bharat Biotech sản xuất. Vaccine Sputnik V của Nga, theo nghiên cứu mới nhất đạt hiệu quả gần 92%, đã được triển khai ở Nga, Argentina, Algeria, Belarus, Serbia cùng một số nước khác.
Vaccine Sinopharm của Trung Quốc đang được tiêm tại Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain, Seychelles và Jordan, trong khi Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ đang sử dụng vaccine Sinovac của Trung Quốc. Vacccine Sinovac, Sinopharm và Sputnik V vẫn chưa được cơ quan y tế ở Trung Quốc và Nga phê duyệt hoàn toàn.
Lý do Israel dẫn đầu thế giới về tiêm vaccine
Hơn 10% dân số Israel đã được tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên, tỷ lệ vượt xa phần còn lại của thế giới.
Chiến dịch tiêm chủng của Israel bắt đầu từ ngày 20/12 và tính đến ngày 1/1, số liều vaccine được tiêm trên 100 người ở nước này là 11,5, gấp ba lần nước nhanh thứ nhì thế giới là quốc gia "tí hon" Bahrain, theo số liệu được tổng hợp chủ yếu từ các nguồn chính quyền địa phương bởi Our World in Data.
Trong khi đó, chưa đến 1% dân số Mỹ và chỉ một phần nhỏ dân số ở nhiều nước châu Âu được tiêm vaccine tính đến cuối năm 2020, mặc dù Trung Quốc, Mỹ và Anh đã phân phối nhiều liều hơn.
"Đó là một câu chuyện đáng kinh ngạc", giáo sư Ran Balicer, chủ tịch nhóm cố vấn cho chính phủ Israel về phản ứng Covid-19, nói.
Thủ tướng Netanyahu là người đầu tiên tiêm vaccine Covid-19 tại Israel ngày 19/12. Ảnh: AFP .
Balicer cho biết lợi thế của Israel là diện tích đất nước và quy mô dân số nhỏ với 9 triệu người. Tuy nhiên, nỗ lực triển khai nhanh chóng của chính phủcũng đóng vai trò quan trọng.
Bộ trưởng Y tế Yuli Edelstein cho biết Israel đã sớm thương thảo với nhà sản xuất và các công ty sẵn lòng cung cấp vaccine cho Israel vì các Tổ chức Bảo vệ Sức khỏe (HMO - chương trình bảo hiểm sức khỏe mà thành viên phải đi khám chữa bệnh với những bác sĩ có ghi danh trước trong mạng lưới) của nước này nổi tiếng về khả năng thu thập dữ liệu hiệu quả và đáng tin cậy. "Chúng tôi đang dẫn đầu cuộc đua thế giới nhờ chuẩn bị sớm", ông nói.
Đấu đá chính trị, các chỉ thị khó hiểu và sự thiếu tin tưởng của công chúng vào chính phủ đã khiến Israel lâm vào tình thế khó khăn hồi tháng 10, khi họ chật vật đối phó với sự gia tăng ca nhiễm và tử vong thuộc hàng tồi tệ nhất thế giới, xét về quy mô dân số.
Trong khi các hạn chế được áp dụng vào mùa thu đã làm giảm số ca nCoV mới, trong những tuần gần đây, Israel chứng kiến ca nhiễm tăng hơn 5.000 trường hợp mỗi ngày, khiến đất nước phải phong tỏa lần ba. Hơn 420.000 người Israel đã nhiễm virus, trong đó hơn 3.300 người đã chết.
Israel không công khai chính xác số liều vaccine mà họ đã nhận được hay số tiền họ đã chi để mua chúng, giải thích rằng các thỏa thuận là thông tin mật. Nhưng nếu Israel chi nhiều tiền hơn so với các quốc gia khác, chi phí đó vẫn xứng đáng để mở cửa lại nền kinh tế Israel sớm hơn một tuần, Edelstein nói.
Giáo sư Jonathan Halevy, chủ tịch Trung tâm Y tế Shaare Zedek ở Jerusalem, gọi việc triển khai sớm vaccine là "chiến lược đúng đắn".
Với việc Israel ưu tiên nhân viên y tế và công dân từ 60 tuổi trở lên, Edelstein nói rằng phần lớn dân số trong nhóm nguy cơ cao có thể được tiêm mũi vaccine Pfizer-BioNTech thứ hai trước cuối tháng một. Khoảng 150.000 người Israel đang được tiêm phòng mỗi ngày.
Thủ tướng Netanyahu, đang bị xét xử với cáo buộc hối lộ, gian lận và lạm dụng tín nhiệm, đã biến chiến dịch tiêm chủng trở thành sứ mệnh cá nhân. Ông thể hiện rằng mình có công trong việc ký kết thỏa thuận và đảm bảo hàng triệu liều vaccine từ Pfizer, Moderna và công ty khác được cung cấp cho Israel.
Đầu tháng 12/2020, sau khi Pfizer công bố kết quả sơ bộ khả quan, Netanyahu cho biết ông đã làm việc "suốt ngày đêm" để đạt được thỏa thuận, thậm chí gọi điện cho giám đốc điều hành của công ty lúc 2h sáng.
Israel sẽ tổ chức bầu cử vào tháng ba và Netanyahu đang lấy viễn cảnh Israel nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và y tế làm nền tảng cho chiến dịch chính trị của mình . Ông nêu khả năng Israel trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm chủng toàn dân.
Netanyahu đã được khen ngợi về những nỗ lực của mình, ngay cả từ một số người chỉ trích lâu năm, sau khi nhiều người cho rằng ông đã xử lý kém cuộc khủng hoảng năm ngoái. "Chúng ta không thể đổ lỗi cho Netanyahu về tất cả vấn đề của Israel rồi lại bỏ qua đóng góp của ông ấy khi điều gì đó có hiệu quả", Gideon Levy, nhà bình luận của báo cánh tả Haaretz, viết trong tuần này.
Netanyahu trở thành người Israel đầu tiên tiêm vaccine vào ngày 19/12, nói rằng ông muốn làm gương cho dân chúng. Hôm 29/12, ông đến một cơ sở ở Jerusalem để chúc mừng người Israel thứ 500.000 tiêm vaccine.
Hôm 31/12, ông thăm một trung tâm tiêm chủng ở thị trấn Tira, miền trung Israel, để khuyến khích cộng đồng thiểu số Arab của đất nước đi tiêm nhiều hơn. Người Arab, chiếm 1/5 dân số, do dự về tiêm phòng hơn những cộng đồng khác.
"Chúng tôi đã mang về hàng triệu liều vaccine, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, xét về quy mô dân số", Netanyahu nói. "Chúng tôi mang chúng đến cho tất cả mọi người: Do Thái và Arab, sùng đạo và thế tục". "Hãy đi tiêm phòng", ông thúc giục bằng tiếng Arab.
Các đại diện Arab cho biết họ phải chiến đấu với tin giả về vaccine trên mạng xã hội và tin tức tiếng Arab. Samir Subhi, thị trưởng Umm al-Fahm, nơi Netanyahu và Edelstein thăm cuối tuần trước, nói với truyền hình Israel rằng ông đã gửi tin nhắn thoại đến 25.000 người trong khu vực, kêu gọi đi tiêm phòng và mô tả cuộc chiến chống virus là "thiêng liêng với tất cả mọi người".
Cộng đồng Do Thái bảo thủ, nhóm chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề trong đại dịch, cũng được coi là nhóm người có thể phản đối tiêm chủng. Tuy nhiên, những lo ngại ban đầu đó đã biến mất.
Giáo sĩ Yitzchok Zilberstein, người có tiếng nói trong cộng đồng, đưa ra tuyên bố sau khi tham khảo ý kiến của giáo sư Balicer rằng bất kỳ nguy cơ nào do vaccine gây ra là không đáng kể so với sự nguy hiểm của virus. Một số người có vai vế trong cộng đồng cũng tiêm vaccine công khai.
Chiến dịch tiêm chủng của Israel chưa mở rộng đến người Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza. Các chuyên gia pháp lý và các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng Israel có nghĩa vụ cung cấp vaccine cho người Palestine.
Cơ quan Liên Hợp Quốc phụ trách vấn đề nhân đạo đối với các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tuần này cho biết chính quyền Palestine đã xin hỗ trợ tài chính từ hệ thống chia sẻ vaccine toàn cầu Covax và đang làm việc với các tổ chức quốc tế về hậu cần.
Edelstein nói rằng nghĩa vụ trước hết của chính phủ Israel là chăm sóc công dân của mình, nhưng Israel sẵn sàng giúp ngăn chặn tình trạng lây nhiễm ở người Palestine nếu có thể.
Trung tâm xét nghiệm và tiêm vaccine tại quảng trường Rabin. Ảnh: Reuters .
Tại trụ sở của một HMO ở Jerusalem tuần này, hoạt động tiêm chủng diễn ra rất trật tự. Mọi người ngồi trong các bốt nhỏ và được tiêm vaccine trong vòng một hoặc hai phút sau khi họ đến, ít hơn nhiều so với thời gian họ gọi điện để đặt lịch.
Tại Tel Aviv, Tòa thị chính và Trung tâm Y tế Sourasky cho biết để đáp ứng nhu cầu, họ mở một trung tâm tiêm chủng lớn tại Quảng trường Rabin của thành phố vào tuần đầu tiên của tháng một.
Đôi khi họ còn kêu gọi những người không nằm trong nhóm ưu tiên đến tiêm, thay vì vứt bỏ những khay vaccine đã rã đông còn sót lại mà không thể bảo quản đến ngày hôm sau. "Chúng tôi tận dụng từng giọt", Sharon Alroy-Preis, một quan chức cấp cao của Bộ Y tế, nói.
Toàn thế giới đã ghi nhận trên 104 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 2/2 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 104.031.036 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.250.245 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 75.867.883 người. Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại Beirut, Liban, ngày 1/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN Quốc...