Thầy và trò đều khổ vì hội thi giáo viên giỏi
Phục vụ cho thầy cô dạy thử để đi thi huyện, tỉnh, nhà trường điều động các lớp tham gia, thử nghiệm các phương pháp, gây nhiều xáo trộn.
Sau vụ trường tiểu học Lê Hồng Phong và Chu Văn An ở TP Hải Phòng chỉ chọn học sinh ngoan, học giỏi dự tiết học thi giáo viên giỏi cấp thành phố, thầy giáo Nguyễn Văn Lực (Khánh Hòa) chia sẻ góc nhìn của mình.
Phong trào, cuộc thi nào cũng tốn nhiều thời gian của giáo viên, học sinh, hiệu quả như thế nào thì chưa có sự tổng kết đánh giá. Nhưng nếu nhà trường, giáo viên không tham gia thì bị phê bình và trừ điểm thi đua.
Hiện nhà trường có rất nhiều cuộc thi, tiêu biểu nhất là hội thi giáo viên dạy giỏi, được tổ chức tuần tự ở cấp trường mỗi năm một lần, cấp huyện hai năm một lần và cấp tỉnh bốn năm một lần. Hội thi sẽ không có gì đáng nói nếu không làm giáo viên lo âu mất ăn, mất ngủ chỉ vì danh hiệu, thành tích của nhà trường, chứ không phải làm căn cứ đánh giá thực trạng đội ngũ, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên như Thông tư 21 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành nêu.
Là giáo viên dạy Giáo dục công dân trường THCS Trịnh Phong (Diên Khánh, Khánh Hòa), từng được trường chọn đi thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, đến nay tôi vẫn không sao quên được hành trình khi ấy. Tôi muốn sẻ chia phần nào nỗi khổ cùng đồng nghiệp đã, đang và sẽ thi giáo viên dạy giỏi.
Bắt đầu hành trình là tham gia Hội giảng giáo viên giỏi cấp trường, diễn ra vào tháng 10. Thi cấp trường nhưng khá gay go và xem ra thực chất hơn vì cá nhân tự lo cho tiết dạy của mình mà không có sự trợ giúp nào. Vượt qua cấp trường, Ban giám hiệu chọn “gà” đi thi đấu huyện. Giáo viên chúng tôi nói đùa là “chọn mặt gửi vàng” để “đem chuông đi đánh xứ người”.
Tôi mất ăn, mất ngủ cả tháng để chuẩn bị cho tiết dạy cấp tỉnh. Giáo án phải soạn đi soạn lại cả chục lần, vô số tài liệu, tranh ảnh, đồ dùng dạy học phải tìm kiếm. Giáo viên sau đó phải dạy thử vài ba lần để đồng nghiệp trong nhóm, tổ, ban giám hiệu dự giờ góp ý, chỉnh đi sửa lại không biết bao nhiêu lần nữa vì mỗi người mỗi ý. Chỉ một tiết dạy thôi mà vất vả vô cùng.
Đến khi đi thi, thú thật giáo viên như là diễn viên, còn kịch bản, đạo diễn là tổ, ban giám hiệu xây dựng. Nếu được chọn đi thi giáo viên giỏi cấp tỉnh thì trình tự lại được chuyển giao cho tổ nghiệp vụ Phòng Giáo dục dự giờ dạy thử, góp ý cũng năm lần bảy lượt rồi chờ ngày lên đường thi đấu.
Yếu tố diễn ở hội thi cấp tỉnh được thể hiện từ A đến Z, tất cả đều được chuẩn bị công phu từ giáo án, hệ thống câu hỏi, nội dung ghi bảng, phương pháp, phương tiện, đồ dùng… do tập thể (trường, phòng) đầu tư, giáo viên chỉ việc thể hiện theo đúng kịch bản. Điều này chỉ thể hiện ở những tiết hội thi mà thôi (vì nhà có khách), còn những tiết dạy bình thường thì vẫn đâu vào đấy.
Video đang HOT
Còn học sinh thì sao? Để phục vụ cho thầy cô dạy thử tiết đi thi huyện, tỉnh, nhà trường điều động các lớp tham gia, đổi tiết, đổi giờ, đổi xuất, dạy thay, dạy học thử nghiệm các phương pháp, gây nhiều xáo trộn, ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh. Ở một số trường, ban giám hiệu còn cho giáo viên nghỉ dạy để tập trung đầu tư cho tiết dạy đi thi, dẫn đến học sinh mất bài, mất tiết, chất lượng học tập bị ảnh hưởng.
Điều đáng buồn là học sinh lẽ ra phải được hưởng niềm vui mỗi ngày đến trường nhưng nhiều thầy cô không ngần ngại đem ra làm thí nghiệm, thí điểm phục vụ cho thầy cô thi giáo viên giỏi. Để diễn cho nhập tâm, giáo viên được tự do lựa chọn lớp, chọn học sinh để dạy thử bất cứ khi nào cần.
Khi chuẩn bị thi tỉnh môn Giáo dục công dân, tôi nhớ phải điều lần lượt cả khối 7 (6 lớp để dạy), đặc biệt có lớp được dạy 2 lần, các em chủ yếu là ngồi nghe lại do tôi đã dạy thử lần một. Mỗi lớp tôi thử nghiệm một phương pháp khác nhau để chọn ra cách phù hợp.
Mục đích thi giáo viên dạy giỏi nếu chỉ để học tập, trao đổi kinh nghiệm thì theo tôi Bộ, Sở nên xây dựng những tiết dạy mẫu trực tuyến hay trên mạng trường học kết nối cho giáo viên cả nước cùng trao đổi là tốt nhất. Đừng bắt thi giáo viên giỏi làm gì vì không mang lại hiệu quả. Nếu để đánh giá giáo viên thì nên đánh giá hiệu quả giảng dạy, cuối năm lãnh đạo tiến hành khảo sát năng lực học sinh, khảo sát sự hài lòng của các em.
Nhân đây nói về ban giám khảo, những người “cầm cân nảy mực” cũng lắm chuyện phải bàn. Có giám khảo thật sự có năng lực chấm giáo viên giỏi các cấp và không ít người do cơ cấu nên năng lực tầm tầm bậc trung. Có giáo viên hai lần thi giáo viên giỏi cấp tỉnh đều thất bại nhưng lại được Phòng Giáo dục cơ cấu chấm giáo viên giỏi cấp huyện, hoặc có người không được công nhận dạy giỏi cấp tỉnh lại đi chấm thi giáo viên giỏi tỉnh.
Lâu nay chúng ta tổ chức thi giáo viên giỏi là do cơ chế, căn bệnh “thành tích” trong giáo dục và bệnh “diễn” trong giáo viên mỗi khi phong trào được ép từ trên xuống, đúng như nhận định: “Áp lực không tự nhiên sinh ra và cũng không tự nhiên mất đi, nó được đưa từ Bộ xuống Sở, Sở xuống Phòng, Phòng xuống trường, trường xuống giáo viên và học sinh là người gánh chịu cuối cùng”.
Ngày 3/3/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn lưu ý “việc tham gia thi giáo viên dạy giỏi các cấp là do giáo viên tự nguyện, không được ép buộc tham gia và không được tạo áp lực cho giáo viên để lấy thành tích cho nhà trường dưới mọi hình thức”. Chúng tôi thật hoan hỉ vì được cởi trói trong việc thi giáo viên giỏi, nhưng thực tế sau đó không có gì thay đổi.
Mới đây Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ đề nghị xem xét điều chỉnh Thông tư 21 ban hành điều lệ hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và thường xuyên, mong rằng Bộ chỉ đạo quyết liệt và thực sự đem lại hiệu quả.
Nguyễn Văn Lực
Theo VNE
Học sinh yếu không được vào lớp ở Hải Phòng: Bộ GD&ĐT lập tổ công tác rà soát
Trước việc một số trường học ở Hải Phòng cho học sinh có học lực yếu ở nhà trong thời gian tổ chức thi giáo viên giỏi, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vừa chỉ đạo tổ công tác tiến hành kiểm tra, rà soát ngay, kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, làm căn cứ sửa đổi thông tư 21/2010/TT-BGDĐT.
Dư luận đang xôn xao về tin nhắn của một giáo viên Trường tiểu học Lê Hồng Phong, Hải Phòng, gửi cho các phụ huynh với nội dung: " Thứ 4 (9/11) đến thứ 6 (11/1), Sở GD&ĐT tổ chức hội thi giáo viên giỏi thành phố tại trường. Học sinh được giáo viên chủ nhiệm lựa chọn tham gia các tiết dạy của giáo viên dự thi có mặt tại trường theo sự dặn dò của giáo viên chủ nhiệm. Học sinh khác nghỉ học. Trân trọng!"
Việc một số học sinh phải ở nhà, do không được lựa chọn để tham dự lớp học thi giáo viên giỏi cấp thành phố khiến nhiều người bất bình.
Chiều 12/1, Bộ GD&ĐT đã thông tin đến báo chí về sự việc.
Thông tin một số trường học ở Hải Phòng cho học sinh có học lực yếu ở nhà trong thời gian tổ chức thi giáo viên giỏi, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo một tổ công tác tiến hành kiểm tra, rà soát ngay.
Theo đó, thông tin một số trường học ở Hải Phòng cho học sinh có học lực yếu ở nhà trong thời gian tổ chức thi giáo viên giỏi, Bộ trưởng đã chỉ đạo một tổ công tác tiến hành kiểm tra, rà soát ngay địa bàn này để kịp thời chấn chỉnh, làm căn cứ cho việc sửa đổi Thông tư 21/2010/TT-BGDĐT, ngày 20/7/2010 Ban hành Điều lệ hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Được biết, thời gian qua, để giảm áp lực của đội ngũ giáo viên từ quy định hồ sơ, sổ sách tới một số hội thi, cuộc thi giáo viên giỏi thiếu thiết thực và hiệu quả, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn của Bộ tổ chức kiểm tra, rà soát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của giáo viên và tình hình thực tế tại các địa phương.
Việc rà soát này, nhằm làm căn cứ để chỉnh sửa, bổ sung các quy định đã cũ, không còn phù hợp.
Hiện Bộ GD&ĐT đang trong quá trình rà soát, sửa đổi Thông tư 21 theo hướng thiết thực, tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học có chất lượng; khắc phục triệt để việc áp dụng các quy định một cách máy móc, hình thức, gây lãng phí và tạo áp lực cho giáo viên.
Dự kiến trong thời gian tới, dự thảo Thông tư 21 sửa đổi sẽ được đăng tải trên mạng để lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân trước khi ban hành.
Bộ GD&ĐT cũng đang tích cực rà soát để cắt giảm các quy định về sổ sách, hồ sơ của giáo viên.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng đang tích cực rà soát để cắt giảm các quy định về sổ sách, hồ sơ của giáo viên và sẽ ban hành trong thời gian sớm nhất để có những điều chỉnh về tiêu chí thi đua trong năm 2019, bảo đảm thực chất, thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục.
Trước đó, trong chuyến công tác lắng nghe tâm tư nguyện vọng của giáo viên tỉnh Yên Bái cuối năm 2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ: "Các cuộc thi, hội thi dạy giỏi cũng đang gây áp lực lớn cho giáo viên.
Nhiều cuộc thi mang tính hình thức. Thi đua dạy tốt học tốt là việc cần có trong mỗi nhà trường nhưng phải tốt thật, thiết thực chứ không phải gây áp lực theo hướng xấu.
Từ năm ngoái, Bộ đã cắt giảm rất nhiều cuộc thi nhưng vẫn phải tiếp tục rà soát để cố gắng đưa thi đua thành việc thiết thực và hiệu quả".
Trong các bài trả lời phỏng vấn báo chí đầu năm 2019, người đứng đầu ngành Giáo dục tiếp tục khẳng định sẽ trả lại cho giáo viên thời gian làm việc chuyên môn bằng việc rà soát cắt giảm mạnh mẽ hơn nữa hồ sơ, sổ sách cho giáo viên và tiếp tục cắt giảm các cuộc thi, hội thi thiếu thiết thực và hiệu quả.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Giáo viên thi dạy giỏi cấm học sinh kém: Nên bỏ thi giáo viên dạy giỏi thưa Bộ trưởng! Câu chuyện "Giáo viên thi dạy giỏi, học sinh kém không được vào lớp" xảy ra ở Hải Phòng đã gây bức xúc dư luận những ngày qua. Thêm một cái tát nữa vào c - thứ lâu nay gây ra không ít áp lực cho cả giáo viên và học sinh. Nhiều giáo viên thừa nhận, tiết dự giờ, thao giảng, thi...