Thầy trò cùng học ở công trường metro
Được tận mắt thấy kết cấu đường hầm, được các kỹ sư giải thích cặn kẽ, học sinh hiểu thêm rất nhiều nguyên tắc hoạt động của robot đào hầm, kiến thức về mặt phẳng nghiêng, áp suất.
Học sinh tham quan thi công dự án đường sắt đô thị sáng 9-5 – Ảnh: PHƯƠNG NGUYỄN
Em hiểu thêm nguyên tắc hoạt động của robot đào hầm, kiến thức về mặt phẳng nghiêng, áp suất… Quan trọng hơn, em hiểu được tại sao lại làm tuyến metro này”
Nguyễn Hữu Gia Hưng – học sinh lớp 8A1
Sáng 9-5, Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1, TP.HCM tổ chức cho học sinh tham quan công trườngxây dựng đường sắt đô thị metro TP.HCM.
Đây là một phần dự án dạy học theo định hướng STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) của trường với chủ đề “Giải pháp giao thông tương lai cho thành phố”.
Dự án nhằm giúp học sinh tìm hiểu kiến thức về áp suất, máy nén thủy lực, mặt phẳng nghiêng của môn vật lý; kiến thức địa chất trong địa lý; kiến thức về công nghệ robot…
Xem robot khoan hầm
Sáng sớm, 40 học sinh có mặt tại công trường xây dựng metro trên đường Ngô Văn Năm (Q.1). Các em mặc đồng phục thể dục của trường, đứng thành từng nhóm nhỏ, háo hức trao đổi với nhau những nội dung kiến thức cần tìm hiểu đã được thầy cô hướng dẫn trước đó.
“Wow, ngầu quá!” – Đinh Lê Minh Trí, học sinh lớp 8A1, tròn mắt thốt lên khi bước xuống đường hầm metro phía tây từ ga Ba Son đến Nhà hát TP.HCM. Đầu đội nón bảo hộ lao động, mặc trên mình áo phản quang, Minh Trí cùng các bạn phấn khích khi được tham quan đường hầm, tận mắt chứng kiến robot khoan hầm.
Dưới sự hướng dẫn của đại diện ban quản lý đường sắt đô thị, học sinh xếp thành hai hàng ngay ngắn, di chuyển vào khu vực công trường đang thi công. Cái nắng gay gắt tháng 5 chiếu xuống những gương mặt nhễ nhại mồ hôi, ánh lên những tia nhìn tò mò ham khám phá.
Video đang HOT
Bước xuống hầm là một thế giới hoàn toàn khác. Âm thanh ù ù liên tục của máy móc, hơi nóng hầm hập khiến một số em nhíu mày, vội vàng đeo khẩu trang. Học sinh được ban quản lý dự án cho phép tham quan 500m đường hầm, đi dọc theo phần công trình đã được lắp hệ thống chiếu sáng đến điểm robot đang khoan.
Một lúc sau, như quên đi cảm giác khó chịu dưới hầm, nhóm học sinh vây quanh các kỹ sư đang làm việc và liên tục đặt câu hỏi: “Các khối bêtông đó được di chuyển xuống hầm bằng cách nào vậy chú?”.
“Lúc vô, tụi em nghe thấy những tiếng giật ầm ầm, đó là tiếng gì vậy?”, “Đường hầm dài như vậy thì khi gặp sự cố với công nhân, các chú xử lý như thế nào?”…
Các em cũng không bỏ qua cơ hội xem xét và tìm hiểu cách vận hành của robot, máy trộn và máy khuấy phụ gia, bồn chứa thủy lực… được đặt hai bên đường hầm.
“Các chú kỹ sư trả lời nhiệt tình lắm. Vừa được xem kết cấu đường hầm, vừa được các chú chỉ vào từng thứ và giải thích cấu tạo cùng nguyên lý hoạt động giúp em hiểu thêm rất nhiều nguyên tắc hoạt động của robot đào hầm, kiến thức về mặt phẳng nghiêng, áp suất.
Quan trọng hơn, em hiểu được tại sao người ta lại chọn tuyến metro này” – Nguyễn Hữu Gia Hưng, học sinh lớp 8A1, chia sẻ.
Học từ thực tế
Học sinh được chia nhóm tìm hiểu về dự án đường sắt đô thị – Ảnh: PHƯƠNG NGUYỄN
Học sinh tham gia dự án được chia thành ba nhóm. Mục tiêu cho từng nhóm rất rõ ràng. Nhóm thứ nhất trang bị kiến thức về robot khoan hầm dưới lòng đất TBM. Nhóm thứ hai tìm hiểu về định hướng phát triển và quy hoạch của hệ thống metro thành phố. Nhóm còn lại nghiên cứu về kết cấu xây dựng của hầm metro.
Trước khi tham quan, các em tự tìm hiểu về dự án metro, đúc rút ra những kiến thức phù hợp với cấp học. Sau đó, các em liệt kê ra những vấn đề thắc mắc và cùng nhau giải quyết. Còn những vấn đề không giải quyết được sẽ mang ra thảo luận trong buổi trao đổi với đại diện ban quản lý đường sắt đô thị sáng 9-5.
“Việc đào hầm như vậy có ảnh hưởng đến các công trình kiến trúc bên trên không?”, em Phạm Ngân Nhi, lớp 8A6, thắc mắc. Trong khi đó, em Trương Nguyễn Khánh Đan lại băn khoăn về vấn đề tu sửa đường hầm sẽ diễn ra như thế nào.
Chỉ vào bản đồ đường hầm metro rộng bằng một bức tường lớn, đại diện ban quản lý đường sắt đô thị giới thiệu, giải thích về tiêu chuẩn độ lún của các công trình bên trên cho học sinh. Một số em lấy điện thoại quay phim lại, trong khi một số em khác lại chăm chú ghi chép các điểm đáng lưu ý…
“Điều mà chúng tôi hướng tới là sự trải nghiệm của học sinh. Học sinh hiểu những kiến thức học được trong lớp áp dụng vào đời sống xã hội như thế nào.
Sau buổi tham quan hôm nay, các em sẽ về nhà làm bài thuyết trình cho những bạn chưa đi biết và hiểu được những hoạt động của hệ thống metro xây dựng như thế nào”, thầy Trương Quý Lâm – tổ trưởng chuyên môn môn vật lý, một trong số giáo viên hướng dẫn dự án, cho biết.
Thầy trò cùng học
Thầy Lâm cũng chia sẻ trước khi triển khai dự án cho các em, thầy cô đã phải tìm hiểu thật kỹ về dự án metro, lựa chọn những chủ đề phù hợp rồi thảo luận, lên kế hoạch thực hiện, giao việc, hướng dẫn cho các em. “Trò học, thầy cũng học. Dự án kết hợp nhiều môn, không phải cái gì mình cũng biết nên mình phải tự cập nhật kiến thức, trao đổi học hỏi lẫn nhau để có thể dẫn dắt học trò” – thầy Lâm nói.
Theo tuoitre.vn
Hơn 27.000 bài dự thi trực tuyến hội thi "Sinh viên lái xe ôtô an toàn"
Ban tổ chức cuộc thi "Sinh viên lái xe ô tô an toàn" cho hay, với hiệu ứng tích cực, khơi dậy phong trào tìm hiểu kiến thức, kỹ năng lái xe ôtô an toàn của các bạn sinh viên thì vòng sơ loại đã tiếp nhận 27.448 bài dự thi trực tuyến. Ban tổ chức cũng đã tìm ra được những gương mặt xuất sắc của mỗi đội để tiếp tục tranh tài ở vòng chung kết.
Nhằm mục đích đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về an toàn giao thông, nâng cao kỹ năng điều khiển ô tô trong sinh viên đồng thời khuyến khích phong trào tìm hiểu về an toàn giao thông và góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông trong độ tuổi thanh niên và cộng đồng. Honda Việt Nam phối hợp với Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia, Vụ Công tác học sinh sinh viên - Bộ GD&ĐT đã tổ chức cuộc thi Sinh viên lái xe ô tô an toàn cùng Honda năm 2018 cho tất cả sinh viên của 06 trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội gồm Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Giao thông Vận tải, Đại học Bách Khoa, Đại học Thương Mại, Đại học Ngoại thương, Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Vòng loại diễn ra từ ngày 18/03 đến 15/04/2018 bằng hình thức thi lý thuyết online qua website http://sinhvienlaixeantoan.com/ đã thu đã hút được 27.448 bài dự thi trực tuyến.
Dẫn đầu số bài dự thi ở vòng loại là trường ĐH Kinh tế Quốc dân với 6.760 bài, kế tiếp là trường ĐH Thương mại với 6.084 bài dự thi. Trường ĐH Giao thông Vận tải có 5.028 bài dự thi; trường ĐH Ngoại Thương có 4.677 bài dự thi.
Trường đại học mà phần lớn là nam sinh viên theo học - ĐH Bách Khoa Hà Nội có số lượng bài dự thi là 2.995. Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội có số bài dự thi thấp nhất với 1.904 bài, điều này cũng khá dễ hiểu bởi quy mô sinh viên nhà trường không quá lớn, phần lớn sinh viên là nữ.
Ban tổ chức cuộc thi cho biết, dựa trên các tiêu chí: bài thi đạt điểm cao nhất với thời gian hoàn thành nhanh nhất, Ban tổ chức đã chọn ra 6 đội, mỗi đội 4 sinh viên đại diện cho 6 trường Đại học bước vào Vòng chung kết.
Vòng chung kết sẽ diễn ra vào tháng 6/2018 tại Hà Nội theo hình thức sân khấu hóa tuyên truyền về an toàn giao thông. Các đội thi sẽ tham gia vào các phần thi tương ứng với nội dung và tỷ lệ điểm số như sau: Kiến thức luật an toàn giao thông, tính năng an toàn của ôtô 20%; Hiểu biết về kỹ năng lái xe ôtô an toàn 20%; Hiểu biết về xử lý tình huống khi tham gia giao thông 20%; Trình diễn tiểu phẩm tuyên truyền an toàn giao thông 40%.
6 đội ở vòng chung khảo sẽ tranh tài với nhau để xác định ra 1 đội giải nhất với phần thưởng là 4 chuyến du lịch Nhật Bản dành cho 4 thành viên của đội; 1 đội giải nhì với phần thưởng 4 xe máy Honda Wave RSX 110cc dành cho 4 thành viên của đội; 1 đội giải ba với phần thưởng là 4 máy tính bảng Samsung Tab A dành cho 4 thành viên của đội. 3 đội còn lại sẽ đạt giải khuyến khích với phần thưởng là đồng hồ G-shock dành cho mỗi thành viên.
Bên cạnh đó, 12 suất học bổng "Học và thi lấy GPLX ôtô" do Công ty Honda Việt Nam tổ chức cũng được trao cho 12 bạn sinh viên của 3 đội đạt giải Nhất, Nhì, Ba ở Vòng chung kết.
"Với nội dung đa dạng về luật an toàn giao thông đường bộ, kỹ năng xử lý tình huống khi tham gia giao thông và đặc biệt là kiến thức về tính năng an toàn trên xe ôtô Honda cùng với sức trẻ và sự sáng tạo của các bạn sinh viên, Vòng chung kết hứa hẹn sẽ diễn ra sôi động và ấn tượng, đem đến cho khán giả những phần trình diễn xuất sắc và đầy bất ngờ", đại diện Ban tổ chức cho hay.
Được biết, trong năm phát động đầu tiên 2017, chương trình được triển khai tới sinh viên các khoa, trường của Đại học Thái Nguyên, đã tạo được hiệu ứng tích cực, thu hút sự tham gia đông đảo của các bạn sinh viên với gần 10.000 bài dự thi trên tổng số 16.000 sinh viên chính quy (chiếm 60%). Đây là con số ấn tượng vượt lên trên kỳ vọng ban đầu của Ban tổ chức.
Bước sang năm thứ hai, với số lượng bài dự thi trực tuyến "tăng vọt", cuộc thi "Sinh viên lái xe ôtô an toàn năm 2018" lại một lần nữa mang đến nhiều điều thú vị, bất ngờ đến từ tài năng cũng như sự sáng tạo của các bạn sinh viên.
Theo đánh giá của nhiều trường đại học, đây là sân chơi bổ ích dành cho các bạn trẻ thỏa sức thể hiện bản thân, đem tuổi trẻ, tài năng của mình lan tỏa thông điệp tham gia giao thông an toàn tới cộng đồng, góp phần xây dựng nên xã hội giao thông văn minh. Chính vì thế thời gian tới cuộc thi cần phải tiếp tục mở rộng để hướng tới quy mô toàn quốc.
H.Nguyễn
Theo Dân trí
Bạn đọc viết: Mùa hè thú vị của con tôi Thế là chỉ còn một tuần nữa là kì nghỉ hè bắt đầu. Nhìn các con vui vẻ, thoải mái sau những tháng ngày vất vả mà tôi mừng vô cùng. Năm nay, tôi tiếp tục đồng hành cùng con trong những ngày hè bổ ích. Ảnh minh họa Những năm trước, mỗi khi hè tới là tôi lại đôn đáo kiếm chỗ...