Thầy giáo trẻ ‘gieo chữ’ cho trẻ em nghèo
Không ngại đường xa phải di chuyển bằng xe buýt và công việc bận rộn, thầy Lê Tấn Phát đã gắn bó hơn ba năm với các lớp học miễn phí cho trẻ em nghèo tại các xóm trọ, xóm công nhân.
TP.HCM một chiều cuối tuần tháng 11 nóng oi ả, sau khi hết giờ dạy ở quận 5, thầy Lê Tấn Phát (26 tuổi, quê Bến Tre) vội vã bắt xe buýt để kịp đến lớp học miễn phí mỗi thứ Bảy cho trẻ em nghèo tại phường 6, quận 4.
Mong được học với thầy thật lâu
Xuống trạm dừng, rảo bước vào con hẻm nhỏ dẫn tới một xóm trọ công nhân. Tới nơi, thầy đứng ngoài gọi: “Quốc ơi, vào học nào!”. Từ trong nhà, một bé trai tầm 10 tuổi chạy ra, tay cầm tập vở với hai cây bút, miệng cười tươi chào thầy. Đi vòng vèo một hồi thầy cũng gom đủ lớp.
“Nay xe buýt tới sớm nên mình có thời gian đi gọi các em cho vui. Nhiều hôm kẹt đường, vội chạy đến lớp đã thấy các em đợi sẵn trước cửa lớp, vui mừng ra đón thầy. Mình xúc động vì tình cảm các em dành cho mình, bao mệt nhọc tan biến” – thầy Lê Tấn Phát tâm sự.
Lớp học của thầy Lê Tấn Phát chỉ vỏn vẹn năm học sinh từ lớp 2 đến lớp 5. Nhờ Đoàn thanh niên phường kết nối, hỗ trợ nên lớp được đặt tại điểm sinh hoạt khu phố của phường, rất thoáng đãng, mát mẻ. Ngoài những buổi học trực tiếp, thầy còn tranh thủ dạy trực tuyến vào buổi tối cho học sinh khi sắp xếp được thời gian.
Tới lớp, mặc cho lưng áo đang đẫm mồ hôi, thầy bê bàn ghế xếp ngay ngắn rồi bắt đầu buổi học. Thầy “xoay như chong chóng” trong cái lớp ghép bé nhỏ của mình, khi em này tập đọc thì em khác viết chính tả, số còn lại làm toán. Không khí học tập rất vui vẻ, thoải mái.
Thầy Lê Tấn Phát trong giờ dạy miễn phí cho các em nhỏ tại xóm trọ công nhân ở quận 4. Ảnh: VÕ THƠ
Giờ giải lao, em Thiên Kim (học lớp 4) cho biết trước đây ngoài giờ học trên trường em phải phụ gia đình, không có nhiều thời gian ôn lại bài cũ, khi gặp bài khó cũng không biết hỏi ai. “Từ khi có thầy Lê Tấn Phát đến dạy, em thấy rất thích vì thầy vui tính, chỉ bài cho em rất kỹ, em học tốt hơn. Em mong thầy sẽ dạy chúng em dài dài, lâu thiệt là lâu” – Thiên Kim chia sẻ.
Năm học 2022-2023, chương trình “Gia sư áo xanh” đã giảng dạy cho 1.260 học sinh khó khăn tại khắp các quận, huyện, TP Thủ Đức với 122.117 buổi dạy.
Còn Khả Uyên (học lớp 5) cho hay trước đây em viết chính tả vừa chậm vừa sai nhiều, nhờ thầy Lê Tấn Phát kèm thêm mà em đã cải thiện. “Giờ ngoài viết tốt em cũng làm toán nhanh và chính xác hơn, được thầy khen. Sắp tới ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, em mong thầy luôn vui vẻ, mạnh khỏe. Em đã chuẩn bị quà tặng thầy Lê Tấn Phát là một bức tranh do em tự vẽ…” – Khả Uyên vui vẻ khoe.
Video đang HOT
Sau mỗi buổi học kéo dài 1 tiếng rưỡi như thế, thầy Phát còn đích thân đưa từng học sinh về giao tận tay cho người thân rồi mới quay lại lớp dọn dẹp. Khi ấy trời cũng đã tối… “Chính sự hiếu học và tinh thần vượt khó vươn lên của các em là điều khiến mình cảm động và gắn bó đến giờ” – thầy Lê Tấn Phát tâm sự.
Các em còn cần học thì còn dạy
Thầy Lê Tấn Phát bắt đầu dạy học miễn phí cho trẻ em khó khăn từ năm 2021 qua chương trình “Gia sư áo xanh” của Thành đoàn TP.HCM. Đây là chương trình giúp đỡ, hỗ trợ các học sinh là con em công nhân, người lao động khó khăn ở TP.HCM được phụ đạo kiến thức trong năm học.
Không có xe máy, mỗi lần đi dạy, thầy Lê Tấn Phát đều mất ít nhất 2 tiếng di chuyển bằng xe buýt. Tuy nhiên, chưa khi nào anh thấy nản vì luôn tâm niệm còn trẻ là phải biết cho đi, phải biết cống hiến.
“Thời gian đầu mình gặp chút khó khăn là lớp học ghép, học sinh đủ lứa tuổi, không dạy đồng bộ được. Thế là mình mày mò, vạch ra hướng dạy phù hợp cho từng nhóm, từng em. Làm vậy thì vất vả hơn bình thường nhưng các em được rèn kỹ hơn” – thầy Lê Tấn Phát kể.
Thầy Lê Tấn Phát đang dạy học cho một em nhỏ tại khu lưu trú công nhân ở quận 7. Ảnh: CTV
Bên cạnh học các môn chính như tiếng Việt, toán, thầy Lê Tấn Phát còn giúp các em phát triển về sức khỏe tinh thần thông qua những hoạt động như vẽ tranh, ca hát… Tranh thủ giờ nghỉ trưa, thầy cũng không ngại lặn lội đến các nhà sách tìm mua truyện phù hợp với lứa tuổi cho các em đọc bằng tiền dành dụm của mình.
“Khi còn là sinh viên ĐH Sư phạm, mình từng tham gia các chuyến lên Tây Bắc hay về miền Tây để dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo. Đi nhiều, tiếp xúc với các hoàn cảnh khó khăn, mình luôn muốn làm được nhiều thứ cho các em hơn nữa. Bởi vậy nên khi nào các em còn cần mình sẽ còn dạy, cho dù lớp chỉ có một em” – thầy Lê Tấn Phát bộc bạch.
Chị Thu Thủy (ngụ quận 4) có con đang theo học lớp của thầy Lê Tấn Phát cho biết người dân nghèo xóm trọ, công nhân ở phường rất yêu mến thầy. “Thầy Phát hiền, trách nhiệm, kèm bọn trẻ học rất kiên nhẫn và tận tâm. Bé nhà tôi học với thầy thấy tiến bộ hơn nhiều, giờ giấc học hành cũng tự giác hơn khiến tôi yên tâm lắm” – chị bày tỏ.
Lớp học miễn phí của thầy Lê Tấn Phát thuộc chương trình “Gia sư áo xanh”, do Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM (Thành đoàn TP.HCM) phối hợp với các ban ngành tổ chức. Trước đó, thầy dạy ở khu lưu trú công nhân tại quận 7. Lớp học tại quận 4 được tổ chức từ hè 2023, hiện vẫn còn một số trẻ khó khăn có nhu cầu được kèm cặp, phụ đạo kiến thức nên thầy Lê Tấn Phát không quản ngại tiếp tục duy trì.
Trong thời gian tới, Đoàn thanh niên phường 6 sẽ phối hợp với các đơn vị để hỗ trợ thêm về cơ sở vật chất cho lớp như trang trí lại phòng học, bố trí thêm bảng đen, dụng cụ học tập… nhằm thuận lợi hơn cho việc dạy và học của thầy và trò.
Thầy Lê Tấn Phát đã được Đoàn thanh niên tặng bằng khen do có thành tích xuất sắc trong các chương trình, chiến dịch tình nguyện hè năm 2022; được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phường 6, quận 4 tặng bằng khen tuyên dương gương thanh niên sống đẹp, sống có ích…
'Bà giáo già' và lớp học tình thương
Gần 70 tuổi, hàng ngày, cô Phạm Thị Liêm (SN 1954, ngụ xã Bình Quới, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) vẫn miệt mài 'gieo chữ' cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại lớp học tình thương giữa lòng TP.Tân An.
Ở tuổi xế chiều, cô chỉ mong tìm được người tâm huyết, trách nhiệm, có một trái tim yêu thương để tiếp tục duy trì lớp học đặc biệt này.
Các cấp, các ngành luôn đồng hành với lớp học tình thương. Đây là một phần động lực để cô Phạm Thị Liêm duy trì lớp học tình thương
Lớp học đặc biệt giữa lòng thành phố
Mặc dù 17 giờ 30 phút, lớp học tình thương dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đặt tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng liên phường 1 - phường 3, TP.Tân An mới bắt đầu nhưng cô Liêm đã có mặt từ rất sớm. Cô đến để vệ sinh lớp, chuẩn bị bánh, sữa cho những trẻ chưa kịp về nhà ăn cơm chiều lót dạ sau giờ mưu sinh trước khi vào lớp học.
Có em đến lớp còn cầm trên tay xấp vé số, có em vừa đến nơi thì chạy vào lớp xin cô Liêm cái bánh, chai nước,... Em nào cũng khoanh tay: "Thưa cô, con mới tới". Cô Liêm kể: "Lớp học có 24 trẻ là 24 hoàn cảnh khác nhau, có em mồ côi, bán vé số; có em làm phục vụ quán ăn; cũng có em đi giữ trẻ thuê;...
Như em Lâm Thái Hoàng Ngọc, ban ngày vừa giữ em, vừa dọn dẹp nhà cửa cho một người quen, thậm chí, buổi trưa còn phải đi xin cơm đem về nhà trọ cho mẹ ăn bởi mẹ em không đi làm, sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Còn đứa này (cô vừa nói vừa vuốt tóc em Nguyễn Thị Bích Vân), bữa nào bán không hết vé số là về bị mẹ đánh. Hoàn cảnh vậy nhưng đứa nào cũng ham học, thương lắm!".
Có lẽ phải có một trái tim yêu thương sâu sắc thì cô Liêm mới biết rõ hoàn cảnh, tính nết từng em. Và cũng chính tình thương yêu đó mà cô đã gắn bó với lớp học gần 30 năm nay. Cô Liêm tâm sự: "Công tác tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh nên tôi biết khá nhiều hoàn cảnh khó khăn, có em không được đến trường mà phải vào đời mưu sinh sớm.
Không biết chữ, ít được cha mẹ quan tâm dạy bảo, nhiều em ngỗ nghịch, nói tục và trộm cắp. Trăn trở với điều đó, tôi bàn bạc với một số bạn bè mở lớp học tình thương tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu. Năm 2017, lớp học dời về Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng liên phường 1 - phường 3".
Mở được lớp học là điều không dễ nhưng để vận động trẻ đến lớp thường xuyên và duy trì lớp học còn khó khăn gấp bội. Theo đó, cô Liêm phối hợp các ban, ngành, đoàn thể địa phương gặp gỡ những trẻ em bán vé số, phụ quán cơm, quán nước,... và hỏi về mong muốn đến lớp học của các em.
Đồng thời, cô kể cho các em nghe về những dự định của lớp học, giải thích để các em hiểu lợi ích khi biết chữ và đặc biệt là có thêm bạn bè và sân chơi lành mạnh khi đến với lớp học tình thương. Riêng chương trình học, cô thường xuyên đổi mới bằng hình thức vừa học, vừa chơi, không tạo áp lực về điểm số, chỉ hướng đến mục đích giúp trẻ biết đọc, biết viết.
"Tiếng lành đồn xa", các em có hoàn cảnh khó khăn truyền tai nhau về lớp học đặc biệt này nên công tác vận động không còn khó khăn như trước. Đặc biệt, các nhà hảo tâm biết đến, ủng hộ kinh phí, giúp cô Liêm và những người bạn duy trì lớp học đặc biệt này. Thầy Nguyễn Hoàng chia sẻ: "Sách vở, dụng cụ học tập của lớp chủ yếu do các nhà hảo tâm giúp đỡ.
Còn vào dịp lễ, tết, các cấp, các ngành, đoàn thể tổ chức hoạt động văn nghệ, thể dục - thể thao hoặc tặng quà, nhu yếu phẩm cho các em. Chính sự đồng hành, quan tâm của toàn xã hội đã giúp tôi và cô Liêm có thêm động lực để duy trì lớp học đến hôm nay".
Mong tìm được người tâm huyết
Lớp học được thành lập gần 30 năm, cô Liêm không nhớ hết đã tạo điều kiện cho bao nhiêu trẻ biết đọc, biết viết. Song điều đọng lại trong cô chính là niềm vui khi thấy học trò của mình trưởng thành, trở thành người sống có ích hay ít ra là không sa ngã vào các tệ nạn xã hội.
Cô Liêm bộc bạch: "Sau khi học hết lớp 5, em nào không có điều kiện đi học tiếp thì tôi giới thiệu đi học may, phụ bán quán ăn,... Giờ nhiều em có thu nhập cả chục triệu đồng/tháng. Hàng năm, vào dịp 20/11, các em kéo đến nhà tôi mở tiệc, chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. Nhìn các em trưởng thành, tôi mừng vì công sức, tâm huyết của mình bỏ ra rất xứng đáng".
Gần 30 năm qua, cô Phạm Thị Liêm luôn nỗ lực duy trì lớp học tình thương giữa lòng TP.Tân An
Gần cả đời người gắn bó với công tác an sinh xã hội, chăm lo cho những mảnh đời bất hạnh, cô Liêm không còn thời gian tính chuyện thành gia lập thất. Nhiều lần, cha mẹ cũng muốn cô yên bề gia thất bởi cô là người con duy nhất trong gia đình, thế nhưng, cô lại sợ khi lập gia đình sẽ không có thời gian chăm sóc những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Để rồi, đến hôm nay, cô vẫn đi về lẻ bóng.
Gần 70 tuổi, gắn bó với lớp học tình thương gần 30 năm. Giờ đây, ở tuổi xế chiều, cô còn băn khoăn khi chưa tìm được người tâm huyết, đủ yêu thương, lòng nhân ái và sự kiên nhẫn để tiếp tục duy trì lớp học tình thương. Cô Liêm trải lòng: "Các em đến lớp học có nhiều lứa tuổi, trình độ khác nhau, thậm chí, nhiều em khi mới vào học chưa biết lễ phép, thường chửi thề.
Do đó, những ai có đủ tâm huyết, sự kiên nhẫn và trái tim yêu thương mới có thể gắn bó lâu dài với lớp. Trước đây, nhiều giáo viên cũng tình nguyện đến lớp giảng dạy nhưng chỉ vài ngày, nhiều nhất thì 2 tuần cũng "lặn" mất tăm. Tôi và thầy Hoàng lớn tuổi, sức khỏe yếu, không thể đứng lớp mãi nên cần một lực lượng trẻ kế thừa bởi nhu cầu tìm con chữ của nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vẫn rất lớn".
Tạm chia tay cô Liêm và những học sinh trong lớp học đặc biệt giữa lòng thành phố, chúng tôi ra về mà tâm trạng ngổn ngang bởi rồi đây, khi cô Liêm, thầy Hoàng không còn đủ sức khỏe để "gieo chữ" cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thì ai sẽ là người thay thầy, cô thực hiện công việc này? Rồi những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn biết tìm con chữ ở nơi đâu?.../.
Vào lớp muộn để tặng quà cho cô giáo, nữ sinh bị dọa ghi vào sổ đầu bài: "Đây không phải giờ tổ chức!" Đoạn clip đang thu hút nhiều bình luận trái chiều. Mới đây, vụ việc một nữ sinh bị phạt vì vào lớp trễ để tổ chức 20/10 cho cô giáo đã khiến nhiều người tranh cãi. Theo đoạn clip được chia sẻ trên MXH, có thể thấy cảnh cả lớp học đã ngồi ngay ngắn và cô giáo đang đứng giảng bài rồi...