Thầy giáo hơn 20 năm “gieo mầm xanh” trên đỉnh núi đá Hà Giang
Thương những đứa trẻ vùng cao khát chữ, hơn 20 năm qua, thầy giáo Bùi Hồng Định đã miệt mài cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” với mong muốn về sự đổi thay ở vùng đất đá Yên Minh, Hà Giang.
Thầy giáo Bùi Hồng Định trong buổi nhận quà từ thiện cho học sinh tại điểm trường lẻ
Tận tâm gieo chữ
Xã Ngam La, huyện Yên Minh (Hà Giang) địa hình cách trở, dân cư sinh sống thưa thớt trong những ngôi nhà thấp lè tè, nằm cheo leo trên đỉnh núi. Đến Ngam La chúng tôi đã chứng kiến tận mắt sự khó nhọc, vất vả của đội ngũ các thầy, cô giáo “cắm bản” dạy chữ. Nơi đây, sự có mặt của các thầy, cô giáo được ví như là những người “ươm mầm xanh” cho tương lai.
Thầy giáo Bùi Hồng Định, sinh năm 1980 tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, 41 tuổi đời thì đã có hơn 20 năm tuổi nghề. Cũng là từng đó thời gian thầy tham gia dạy học ở các địa bàn khó khăn nhất của huyện vùng cao Yên Minh.
Thầy Định kể, trở thành thầy giáo có lẽ là do cái duyên đã định trước. Năm 1997, sau khi tốt nghiệp sư phạm, thầy xung phong lên công tác tại huyện vùng cao Yên Minh và được phân công giảng dạy tại xã biên giới Phú Lũng, cách trung tâm huyện khoảng 40km. Lúc đó, đường vào xã lởm chởm đất đá nên khi nào muốn ra thị trấn chỉ có cách đi bộ luồn rừng, thời gian cho một lượt đi hoặc về cũng khoảng 6 tiếng đồng hồ.
Thầy giáo Bùi Hồng Định trong buổi vận động phụ huynh đưa con về học tại trường chính
“Lúc mình vào công tác tại Phú Lũng, cả trường mới có 11 giáo viên, thậm chí còn chưa có hiệu trưởng. Lớp học lúc đó thì tạm bợ và chưa có điện. Mỗi lớp khoảng 20 học sinh, chủ yếu là con em dân tộc Mông. Trên điểm trường thì 2 thầy giáo phụ trách 3 lớp học, tự phân công nhau. Một người dạy 2 lớp phổ thông, người còn lại dạy 1 lớp phổ thông thì tối dạy thêm 1 lớp xóa mù chữ nữa. Công tác thiếu thốn, vất vả nhưng cũng có niềm vui riêng”, thầy Định nhớ lại.
Những ngày đầu nhận công tác, cảm nhận đầu tiên của thầy Định là các trường ở vùng cao vô cùng khó khăn, đặc biệt là các điểm trường còn khó khăn hơn gấp bội. Các học sinh ở đây là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc giao tiếp giữa thầy và trò cũng gặp khó, phải dùng cử chỉ, động tác mô phỏng. Mặc dù đôi lúc cũng nản lòng, nhưng tiếp xúc với các em lâu ngày, thầy Định lại cảm thấy có một tình cảm rất đặc biệt.
“Dạy học tại lớp xóa mù chữ buổi tối, lớp học rất đông, chủ yếu là người trung và cao tuổi, chưa nói được tiếng phổ thông. Ngược lại, mình cũng chưa thạo tiếng của đồng bào. Do vậy, lúc đó mình vừa dạy chữ cho bà con cũng là tự học tiếng nói địa phương cho bản thân. Đến khi kết thúc lớp học, đồng bảo biết đọc, viết còn mình có thể tự giao tiếp cơ bản với bà con. Sau vài lớp thì mình nói tiếng Mông giỏi không khác gì tiếng phổ thông cả. Có lúc tâm sự vui với đồng bào, khi nào lên lớp nói chuyện với thầy giáo thì nói tiếng phổ thông, thầy đến nhà học sinh thì chúng ta nói tiếng địa phương”, thầy Định cười nói.
Nhờ gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều đồng bào nên khả năng nói tiếng dân tộc của thầy Định cũng khá tốt, tất cả những trường hợp bỏ học, ngay khi có ý định đều được anh tới tận nhà động viên kịp thời.
Video đang HOT
Mong một sự đổi thay
Năm 2001, thầy Định được phân công về công tác tại Trường PTDT bán trú Tiểu học xã Ngam La. Điểm trường chính chủ yếu là nhà cấp 4, các điểm trường thì đều là nhà tranh, vách đất do đồng bào tự nguyện chung tay góp công sức xây dựng lên, người tấm ván, người bó gianh để làm nơi cho thầy và trò sinh hoạt học tập.
Lúc mới về, thầy Lợi xung phong đi các điểm trường khó khăn nhất, đặc biệt là có nhiều năm gắn bó với điểm trường Pờ Chừ Lủng, nơi cách điểm trường chính 2 giờ đi bộ xuyên rừng. Đến năm học 2010-2011, sau 10 năm giảng dạy, thầy Định được phân công nhiệm vụ làm Phó Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học xã Ngam La.
Vợ chồng thầy giáo Bùi Hồng Định đang công tác tại Trường PTDT bán trú Tiểu học xã Ngam La
Thầy Định tâm sự, ngoài kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ thì điều quan trọng nhất mà một giáo viên tiểu học phải có là tình thương yêu, lòng nhân ái, tính chịu khó, kiên trì… Bởi lẽ, học sinh ở lứa tuổi tiểu học các con còn nhỏ, hiếu động, tinh nghịch và chưa tập trung được lâu. Đối với học sinh vùng núi lại càng khó khăn bởi sự tiếp cận bài chậm hơn so với học sinh dưới xuôi rất nhiều.
Với nhiệt huyết, khát vọng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, trong quá trình công tác, thầy Định luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được phân công. Thầy được đồng nghiệp đánh giá là một trong những cán bộ đi đầu trong việc vận dụng sáng tạo phương pháp giáo dục, quản lý mới để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho nhà trường.
Thầy Định chia sẻ: Tình cảm thân thiết của người dân và các thế hệ học sinh giúp tôi có thêm động lực vượt qua những khó khăn. Đặc biệt, vùng đất Ngam La cũng là nơi tô thắm hạnh phúc của cá nhân tôi. Tôi tự nhận thấy mình may mắn hơn một số đồng nghiệp bởi có vợ công tác cùng trường, có thể hỗ trợ tôi nhiều trong công tác chuyên môn và cuộc sống.
Năm 2011, Trường PTDT bán trú Tiểu học xã Ngam La được đầu tư xây dựng nhà bán trú, tạo điều kiện cho học sinh ở các bản vùng sâu, vùng xa ở lại học tập. Đây vừa là điều kiện thuận lợi, vừa là khó khăn. Thuận lợi là các em được sống, học tập tại trường, khó khăn cho các thầy cô là phải lo cho các em từ bữa ăn đến giấc ngủ. Do vậy, thầy Định cùng tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường luôn xác định mình vừa là thầy, cô giáo dạy văn hóa, đồng thời còn là người cha, người mẹ dạy bảo và uốn nắn để hình thành nhân cách sống cho các em, chăm sóc các em từ bữa ăn, giấc ngủ.
Lớp học của học sinh Trường PTDT bán trú Tiểu học xã Ngam La
Với sự cố gắng và sự nhiệt huyết với nghề của cán bộ giáo viên nhà trường, hằng năm, số học sinh đi học chuyên cần ở trường và các điểm trường của Trường PTDT bán trú Tiểu học xã Ngam La đều tăng.
Thương mến đồng bào vùng cao, hiểu được sự vất vả, thiệt thòi của trẻ em nơi đây với các địa phương khác, thầy Định luôn trăn trở: “Mình vất vả quen rồi, chỉ tội cho học sinh phải học tập trong điều kiện thiếu thốn. Như vậy, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Vì vậy, mong muốn lớn nhất của mình là Nhà nước tiếp tục có thêm chính sách phát triển kinh tế vùng núi còn khó khăn cho bà con, đặc biệt là phủ sóng điện thoại đến các điểm trường để thầy cô và học sinh có điều kiện tốt hơn trong học tập, nhất là phải dạy – học trực tuyến”.
Những đứa trẻ cuốc bộ hơn 2 giờ đồng hồ đi tìm con chữ
Để tìm đến con chữ, nhiều đứa trẻ ở bản Ón, xã Tam Chung, huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) ngày nào cũng cơm đùm cơm nắm, cuốc bộ hơn 2 giờ đồng hồ mới đến điểm trường.
Đường đến trường gian nan
Điểm trường mầm non bản Ón nằm ở lưng chừng một đỉnh núi cao, nơi đây gọi là ngã 3 tiếp giáp với Lào và tỉnh Sơn La, cách cột mốc biên giới 270 khoảng 2 km theo đường chim bay. Vị trí xa nhất cách trung tâm bản là gần 7 km, bởi thế có học sinh phải đi bộ chừng ấy cây số mới tới được trường, số còn lại cũng phải đi bộ 2-5 km. Không chỉ học sinh tiểu học, những đứa trẻ 3-5 tuổi cũng chung cảnh phải cuốc bộ đến trường.
Để tìm đến con chữ, những đứa trẻ phải đi học từ 5h sáng (Ảnh: BM).
Theo cô giáo Vi Thị Bột (điểm trường mầm non bản Ón), ngày đầu lên cắm bản cô không tin vào mắt mình rằng những đứa trẻ lên 3 đã đi bộ gần 6 km đường rừng. Hành trình tìm con chữ của những đứa trẻ ở Ón là dậy từ 5h sáng và cơm đùm cơm nắm lên đường.
Chúng tôi gặp Giàng A Mùa, Mùa cho biết, nhà cách 5 km nên Mùa phải dậy từ 5h sáng, khi bố mẹ còn chưa lên nương, Mùa đã dắt em đến trường. Với đứa trẻ này thì đi học đường xa rất mỏi chân và mệt, nhưng được đi học thì rất thích.
"Không chỉ quãng đường xa, cung đường đi cũng vô cùng khó khăn. Nếu gặp trời mưa thì nhầy nhụa bùn đất, bởi thế cứ trời mưa là những đứa trẻ ở Ón nghỉ học. Với cung đường này, nếu trời mưa thì người lớn đi còn mạo hiểm chứ nói gì đến trẻ con. Phải bấm chặt các đầu ngón chân trên đoạn đường trơn tuột", cô Bột nói.
Với những đứa trẻ này thì đi bộ rất mỏi chân và mệt nhưng được đi học rất thích (Ảnh: BM).
Đúng như lời cô Bột, chúng tôi có mặt ở lớp vào trời mưa, lớp học của cô giáo này có 16 học sinh nhưng hôm nay chỉ có 3 em đi học.
"Do cơ sở vật chất nhà trường thiếu thốn, đồ dùng chưa có, chưa tổ chức nấu ăn bán trú cho các cháu được. Cháu nào học buổi sáng thì đi từ 5h còn học buổi chiều thì cũng đi cùng anh chị trong gia đình rồi chơi ở quanh trường đến chiều vào học. Bọn nhỏ đùm cơm đi ăn dọc đường", cô Bột cho biết thêm.
Học sinh rửa chân sau khi cuốc bộ quãng đường lầy lội, đùm cơm vẫn còn cầm trên tay tới trường (Ảnh: BM)
Là người có thâm niên bám bản, thầy Vi Văn Chuân, Trưởng điểm trưởng Tiểu học bản Ón chia sẻ: "Cung đường đi khá xa nên khi đến trường các con rất mệt, nhiều hôm những đứa trẻ ngồi vào lớp học vẫn còn buồn ngủ. Từ lớp 3 tuổi, anh cõng em, chị cõng em, số ít nhà có điều kiện các em được bố mẹ đưa đi, còn lại thì tự đi bộ, mệt thì nghỉ, vừa đi vừa chơi rồi cũng đến lớp".
Học để thoát nghèo
Bản Ón có 112 hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống, được biết đến là nơi nghèo khó nhất nhì tỉnh Thanh Hóa. Số hộ ngoài danh sách hộ nghèo chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cuộc sống của bà con chủ yếu nhờ vào bắp ngô, củ sắn trên nương, củ mài, bó măng trên rừng nên con cái nheo nhóc, thất học rồi đói nghèo vẫn hoàn nghèo đói.
Những cung đường nhầy nhụa mỗi khi mưa xuống là nguyên nhân khiến trẻ ở xa không thể đến trường.
Bí thư Chi bộ bản Ón - Giàng A Chống là người đầu tiên trong bản có bằng tốt nghiệp cấp 3, cũng là Đảng viên đầu tiên của bản. Với người dân trong bản, anh Chống là người tiên phong xóa mù, xóa nghèo cho người dân nơi đây. Anh quan niệm, khó mấy cũng phải đưa con em đến trường học chữ, chỉ có vậy mới thoát được đói nghèo, thoát được tảo hôn.
Những năm gần đây, học sinh ở bản Ón đến tuổi đều được cha mẹ cho đến trường (Ảnh: BM).
"Ngày trước mình đi học chỉ nghĩ làm sao để biết chữ nhưng rồi càng học lên càng thấy rằng, biết chữ còn có thể giúp thoát nghèo. Bởi vì mình có biết chữ mới có thể đọc được những kiến thức nuôi con lợn, trồng cây lúa ra sao cho hiệu quả. Muốn xóa được nghèo đói trước hết phải xóa mù", anh Chống nói.
Bí thư chi bộ bản Ón cũng cho biết, trước đây bà con chưa đề cao con chữ nhưng sau khi được tuyên truyền từ chính quyền, thầy cô giáo, họ dần dần thay đổi nhận thức, những đứa trẻ đến tuổi đều được cha mẹ cho đến trường.
Quyết tâm tìm con chữ để thoát nghèo (Ảnh: BM).
Công sức của Bí thư Giàng A Chống và thầy cô giáo cắm bản cũng đã có kết quả. Những năm gần đây, số học sinh ở bản Ón ra trung tâm huyện học cấp 2, cấp 3 ngày một nhiều. Trong bản đã những gia đình cả 4 người con đang theo học THCS đến THPT; nhiều em xuống thành phố Thanh Hóa, ra tận Thủ đô để học cao hơn, với mong muốn ngày trở về khai sáng bản mình.
Bí thư Chi bộ Giàng A Chống cũng tin rằng chẳng bao lâu nữa, những đứa trẻ chân trần cuốc bộ đến trường hôm nay sẽ trưởng thành và về giúp dân bản mình thoát nghèo.
Dồn điểm lẻ, sáp nhập trường là yêu cầu tất yếu Đáp ứng quyền học tập của học sinh (HS), điểm lẻ được trường học nhiều địa phương mở đến từng thôn, bản. Điểm lẻ đã hoàn thành nhiệm vụ khi địa phương vùng khó đều hoàn thành phổ cập GD tiểu học, MN 5 tuổi... Học sinh được chăm sóc bữa ăn tại điểm trường thuộc Trường PTDTBT TH Lùng Tám (Quản Bạ...