Thầy giáo chuyên Toán chia sẻ bí quyết ôn và làm bài thi vào lớp 10 Hà Nội
Học sinh cần hệ thống, ghi nhớ thật kỹ các kiến thức Toán đã học từ các lớp 6, 7, 8 và đặc biệt là trọng tâm ở lớp 9. Các phần kiến thức Logic chặt chẽ với nhau.
“Ngay từ đầu năm lớp 9 giáo viên chúng tôi đã chọn chương trình để dạy cho học sinh, đối với từng mảng kiến thức hay từng dạng bài đều được ôn rất kỹ, đồng thời trang bị kiến thức cơ bản, hệ thống bài tập cũng như hướng dẫn tài liệu để các con tham khảo thêm.
Tất cả các dạng bài cơ bản thường xuyên xuất hiện trong đề thi hoặc xu hướng ra đề thi từng năm đều được chúng tôi trang bị cho học sinh. Các em học sinh lưu ý không thể chỉ chú trọng ôn tập riêng phần nào cũng như giáo viên không thể dạy “tủ” vì nếu lệch “tủ” thì học sinh sẽ không làm được bài.
Đối với học sinh thi vào lớp 10 các trường công lập năm nay của Hà Nội thì nên bám vào cấu trúc dạng đề thi của Hà Nội trong những năm gần đây để phân dạng bài tập, hướng dẫn kỹ cho học sinh ôn tập.
Với mỗi dạng bài đó thì cách làm và cách tiếp cận thế nào, cách khai thác kết quả các bài Toán như thế nào để khi gặp đề thi các con không bị bỡ ngỡ và xử lý được ngay”, thầy Hạ Vũ Anh – Tổ trưởng tổ Toán Trường trung học phổ thông chuyên Hà Nội – Amsterdam đã chia sẻ như vậy.
Thầy Vũ Anh cho biết: “Không bao giờ được phép xem qua đề thi rồi lao vào làm bài, điều này có thể dẫn đến việc suốt cả thời gian thi học sinh chỉ làm được 1 câu”. Ảnh: Tùng Dương.
Theo thầy Vũ Anh: “Đề thi môn Toán thì ở tỉnh nào cũng vậy và không thể có chuyện ôn trọng tâm được bởi kiến thức trong chương trình học xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 9, ngay như phép tính cộng, trừ, nhân, chia thì từ lớp 1 học sinh đã được học rồi.
Trong mỗi đề thi bao giờ cũng có tính phân hóa khoảng 60 đến 70% cho học sinh trung bình, có những câu khó cho học sinh khá giỏi. Đối với những phần đó đòi hỏi kiến thức sâu cũng như kỹ năng tốt hơn và việc này đòi hỏi giáo viên trong khi dạy cần thiết phải trang bị cho học sinh những kỹ năng như thế.
Học sinh cần hệ thống và ghi nhớ thật kỹ các kiến thức Toán đã được học ở các lớp 6, 7, 8 và đặc biệt là kiến thức trọng tâm ở lớp 9. Tất cả các phần kiến thức trong môn Toán có tính liên tục, logic chặt chẽ với nhau.
Vì vậy nếu các em bị thiếu kiến thức cơ bản ở các lớp dưới thì việc học tốt môn toán ở lớp 9 rất khó khăn và đặc biệt các phần kiến thức của lớp 8 như phép nhân chia đa thức, phân thức đại số, tam giác đồng dạng, đường tròn là những kiến thức cơ bản nhất, quan trọng nhất để học tốt toán lớp 9″.
Cần phải có một “chiến lược” làm bài rõ ràng
Thầy Vũ Anh cho biết: “Không bao giờ được phép xem qua đề thi rồi lao vào làm bài, điều này có thể dẫn đến việc suốt cả thời gian thi học sinh chỉ làm được 1 câu.
Vậy nên sau khi nhận đề thi, học sinh nhất định phải đọc kỹ, kiểm tra trang in đề thi có rõ không, mờ chỗ nào, thiếu trang thiếu nét…để kịp thời báo với giám thị phòng thi.
Video đang HOT
Động tác thứ 2 là đọc lại đề, đánh giá mức độ khó, dễ, quen hay lạ…theo chủ quan của mình bởi mỗi học sinh có sở trường và mức độ khác nhau. Câu nào dễ, câu nào quen thì tiến hành làm trước. Câu khó và lạ để lại làm sau.
Lưu ý việc trình bày trên giấy nháp học sinh cần hết sức cẩn thận, mỗi bài Toán đều có một mấu chốt, một “chìa khóa” để giải quyết nên khi nháp ra kết quả các em cần phải đóng khung khoang vùng lại ngay để tiện kiểm tra lại, hoặc sau khi làm xong bài khác ta quay lại kiểm tra, khóa đó sẽ gọn trong khung dễ nhìn không bị lẫn sang bài khác.
Các con nhớ trong khi làm bài nếu câu nào khó quá, suy nghĩ trong khoảng 15 đến 20 phút mà chưa ra thì lập tức phải chuyển ngay sang làm câu khác vì thời gian làm bài có 120 phút mà cứ theo mãi 1 câu sẽ không ổn.
Việc làm bài trong phòng thi khác với việc ngồi nhà làm bài, ở nhà các con có thể ngồi cả đêm để giải 1 bài Toán nhưng khi thi phải giải 5 bài Toán trong 120 phút, vậy rất cần phải giải nhanh, đồng thời cũng phải chính xác.
Việc trình bày lời giải cần phải chặt chẽ, lập luận logic từng bước từng bước một chứ tuyệt đối không viết theo kiểu viết ở giấy nháp, giấy nháp khác với giấy thi”.
Việc làm bài trong phòng thi khác với việc ngồi nhà làm bài, ở nhà các con có thể ngồi cả đêm để giải 1 bài Toán nhưng khi thi phải giải 5 bài Toán trong 120 phút, vậy rất cần phải giải nhanh, đồng thời cũng phải chính xác. Ảnh minh họa: Tùng Dương.
Thầy Vũ Anh nhận định: “Theo dõi qua nhiều năm cấu trúc đề thi Toán đại trà của các trường công lập tại Hà Nội thường có mấy phần là Đại số, phần Hình học và phần bài Toán thực tế.
Phần Đại số thì tất cả các mảng Đại số học sinh đã được học đều có thể ra đề thi, ví dụ biến đổi đồng nhất, giải phương trình hệ phương trình, giải bài Toán bằng cách lập phương trình, hay như bài Toán về bất đẳng thức cực trị…
Về phần Hình học chủ yếu tập trung vào kiến thức lớp 9 bởi lớp 9 các em mới được học đầy đủ Hình học sơ cấp, Hình học phẳng. Ở lớp 7 lớp 8 học ít hơn nhưng kiến thức để sử dụng giải quyết bài Toán lớp 9 đó lại nằm rải rác ở lớp 6-7-8 như tam giác cân, tam giác đều, tam giác đồng dạng, tam giác bằng nhau…đều từ những lớp dưới.
Ở lớp 9 có phần Hình tròn, tứ giác nội tiếp…tất cả những thứ đó đều phải liên quan đến. Phần Hình học không gian liên quan đến việc đo lường thể tích các vật thể, các khối đa diện đều, khối lập phương.
Phần Hình học không gian ở lớp 9 học rất ít và chỉ mang tính chất ghi nhận công thức vận dụng, ví dụ Hình học không gian có thể cho 1 bình nước hình trụ và cho kích thước để các con tính thể tích, chứ không phải cho một hình trụ chung chung mà cụ thể là một vật dạng hình trụ có ngoài thực tế.
Khi vẽ hình, học sinh chú ý đề bài cho hình gì thì hãy vẽ hình đó và làm đến đâu vẽ hình đến đó, có thực tế nhiều học sinh khi làm bài lại vẽ chung tất cả hình vào một hình. Một bài Toán có nhiều phần mà lại vẽ chung tất cả vào một hình sẽ rất rối khó quan sát, quan trọng là hình vẽ phải làm sao nhìn được ra và rõ hình, phải khai thác tính chất trên hình đó thì mới giải được.
Vậy nên học sinh không được ngại vẽ nhiều hình, nếu một bài có 4 hình thì thậm chí có thể vẽ cả 4. Việc kỹ năng vẽ hình học sinh cũng cần phải luyện tập nhiều ở nhà hoặc trong lúc ôn tập để làm sao vẽ rõ ràng, dễ nhìn và chính xác.
Ở phần bài Toán thực tế vận dụng các kiến thức Toán vào các bài Toán trong thực tế như chuyển động, đo đạc. Ví dụ người ta muốn làm một bình đựng nước hoặc một lon nước giải khát…họ sẽ cho dữ kiện bài Toán về giá thành, cách làm rồi yêu cầu học sinh tính toán. Nó sẽ có dạng như vậy.
Những sai lầm cần tránh khi giải bài toán thực tế: Trong quá trình giải, học sinh thường mắc những sai lầm căn bản dưới đây dẫn đến mất điểm đáng tiếc như không nắm vững công thức, phương pháp giải các bài toán quen thuộc.
Không đọc kỹ đề, hiểu nhầm đề. Không biết cách suy luận, phân tích đề bài, biểu thị sai mối quan hệ giữa các đại lượng trong đề bài. Quên không đặt điều kiện bài toán, tính toán bị sai trong quá trình biến đổi, hoặc diễn đạt, trình bày lời giải chưa logic.
Để không bị mất điểm trong quá trình làm bài thi, học sinh cần đọc kỹ đề, tự phân dạng, phân tích các dữ liệu để giải quyết triệt để các yêu cầu mà bài toán đặt ra”.
Tiến sĩ Lan Hương bật mí cách ôn Lịch sử thi vào 10 đỡ "vất vả" và hiệu quả nhất
Ngay sau khi Sở Giáo dục Hà Nội công bố Lịch sử là môn thi thứ 4 trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021 - 2022, nhiều học sinh khối Tự nhiên bắt đầu lo ngại.
Trái ngược với những lo lắng ấy, theo ý kiến của giảng viên có kinh nghiệm, nếu có phương pháp hợp lý, học sinh khối Tự nhiên vẫn có thể dễ dàng làm bài thi này.
Để truyền tiếp thêm động lực cho các sĩ tử năm nay, Tiến sĩ Ngô Thị Lan Hương (Trưởng bộ môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và Tư tưởng Hồ Chí Minh - trường Đại học Sư Phạm Hà Nội 2) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bật mí những bí quyết chinh phục đề thi.
Tiến sĩ Ngô Thị Lan Hương, Trưởng bộ môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và Tư tưởng Hồ Chí Minh - trường Đại học Sư Phạm Hà Nội 2. Ảnh: NVCC
Phóng viên:Thưa Tiến sĩ Ngô Thị Lan Hương, Lịch sử vừa được chọn làm môn thi thứ 4 trong kỳ thi vào lớp 10 năm nay tại Hà Nội. Trong lúc nhiều phụ huynh và thí sinh đang lo lắng, cô có lời nhắn nhủ nào trước kỳ thi?
Tiến sĩ Ngô Thị Lan Hương: Trước hết, thí sinh và các bậc phụ huynh nên bình tĩnh, không nên lo lắng. Các bậc phụ huynh hãy giúp các con bằng cách chia sẻ, động viên và có kế hoạch chăm sóc để đảm bảo sức khỏe cho các con trong mùa thi.
Trên thực tế, tất cả các nhà trường đều lên kế hoạch ôn tập theo lộ trình cho học sinh tương đối phù hợp. Ở nhà, các thí sinh cần lên kế hoạch tự ôn tập thật khoa học, cân đối giữa các môn để có thể lĩnh hội được kiến thức được các thầy cô truyền đạt và rèn luyện khả năng ghi nhớ cũng như làm bài của mình.
Phóng viên: Nhiều thí sinh vốn có thế mạnh về các môn Tự nhiên cũng khá lo lắng về môn thi thứ 4 này. Môn thuộc ban xã hội liệu có phải thử thách cho các bạn thí sinh học thiên về môn Tự nhiên, thưa cô?
Tiến sĩ Ngô Thị Lan Hương: Trong quá trình dạy học Lịch sử, tôi đánh giá rất cao tư duy của các bạn học tốt ban Tự nhiên và tôi nhấn mạnh đó còn là lợi thế trong việc học môn Lịch sử. Vì từ trước đến nay, nhiều học sinh nghĩ môn Lịch sử là môn học thuộc lòng, nhiều sự kiện dài, khó nhớ. Nhưng không phải như vậy!
Lịch sử cũng có các quy luật khoa học và cần có tư duy để liên kết chuỗi sự kiện; tư duy để đánh giá vấn đề đúng. Vì vậy với sự thông minh vốn có của các bạn ban Tự nhiên, tôi khẳng định, chỉ cần phương pháp học đúng, mỗi học sinh sẽ thấy học Lịch sử không hề khô khan mà còn rất thú vị. Nhiều học sinh còn rất hứng thú khi được học theo các sơ đồ tư duy - hệ thống; với các sự kiện và câu chuyện lịch sử liên quan đến bài học.
Phóng viên:Tiến sĩ có gợi ý nào về nội dung ôn tập môn Lịch sử cho các thí sinh thi vào lớp 10 năm nay?
Tiến sĩ Ngô Thị Lan Hương: Có thể khẳng định, với đề thi trắc nghiệm khách quan, môn Lịch sử không có trọng tâm kiến thức tập trung vào bài nào, giai đoạn nào mà dàn trải cả chương trình lớp 9.
Trong đó, học sinh nên bám sát vào hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tại Công văn số 3280/BGDĐT-GDTrH ngày 27/08/2020 và của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành tại Công văn số 2786/SGDĐT-GDPT ngày 03/9/2020. Trong hướng dẫn có những phần giảm tải đã ghi rất rõ ràng từng bài.
Về cơ cấu các câu hỏi trong đề thi môn Lịch sử, qua nghiên cứu đề thi chính thức năm 2019 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tôi thấy đề thi có khoảng 70% câu hỏi thuộc kiến thức phần lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến năm 2000; 30% câu hỏi thuộc kiến thức phần lịch sử thế giới từ năm 1945 đến năm 2000. Chính vì vậy, các thí sinh có thể tập trung nhiều thời gian ôn tập hơn cho phần Việt Nam nhưng cũng không thể bỏ qua phần lịch sử thế giới.
Đề thi cũng có 3 cấp độ Nhận biết, Thông hiểu và Vận dụng, trong đó, nội dung tập trung chủ yếu ở mức độ Nhận biết và Thông hiểu, chỉ có khoảng 4 - 5 câu ở mức độ Vận dụng để phân hóa cao học sinh. Do vậy, chỉ cần nắm chắc kiến thức chương trình lịch sử lớp 9, các thí sinh có thể chinh phục được bài thi môn Lịch sử.
Phóng viên: Để giúp các thí sinh thêm tự tin trong kỳ thi sắp tới, Tiến sĩ có thể bật mí một vài bí quyết ghi nhớ và làm bài thi?
Tiến sĩ Ngô Thị Lan Hương: Để đỡ "vất vả" hơn trong quá trình ôn tập Lịch sử và có thể đạt điểm cao trong kỳ thi vào cuối tháng 5/2021, các thí sinh có thể ôn thi theo lộ trình, dựa vào một số bí quyết làm bài hiệu quả dưới đây:
Trước hết, trong quá trình ôn thi, các bạn nên cố gắng học chắc kiến thức. Phương pháp học ở đây rất quan trọng, nhất là tự học. Ở nhà, các bạn nên lập kế hoạch cụ thể, dành khoảng 45 phút (tương ứng với 1 tiết học trên lớp) để tự học ở nhà và đặt rõ mục tiêu hôm nay mình phải hoàn thành bài học này. Trong đó, các bạn cũng nên hệ thống kiến thức theo sơ đồ tư duy; kết hợp làm hệ thống trắc nghiệm từng bài để vừa học vừa thực hành.
Bên cạnh đó, các bạn nên học cách phân tích câu hỏi trắc nghiệm trước khi lựa chọn đáp án. Trên thực tế, tôi thấy nhiều học sinh khi gặp đề thi trắc nghiệm chỉ đọc đề (có bạn dùng nháp liệt kê kiến thức theo trí nhớ), sau đó khoanh đáp án vào đề rồi tô vào phiếu trắc nghiệm. Nhưng đó đang là phương pháp không thực sự hiệu quả. Nếu biết cách phân tích đề, các thí sinh hoàn toàn có thể tự tin khẳng định và lựa chọn đáp án đúng.
Tôi gợi ý cách phân tích như sau, các bạn hãy đọc kỹ câu hỏi, thực hiện thao tác khoanh mốc thời gian và gạch từ khóa. Việc khoanh mốc thời gian là để kết nối sự kiện lịch sử với trí nhớ; mốc thời gian thay đổi sẽ là một sự kiện khác và nhiều bạn rất hay nhầm. Gạch chân từ khóa trên câu hỏi và các đáp án: Xác định từ khóa trên câu hỏi trước và gạch chân sẽ giúp các bạn tìm được đáp án đúng trong phần trả lời. Trong các đáp án có những từ khóa sai, các bạn có thể gạch chéo để loại trừ, như vậy cũng sẽ tìm ra đáp án đúng với những câu hỏi khó.
Đây có thể coi là phương pháp riêng rất hiệu quả của tôi trong quá trình nghiên cứu về sư phạm và giảng dạy lịch sử.
Chúc các thí sinh năm nay ôn thi và làm bài thi môn Lịch sử thật tốt, đỗ vào các trường Trung học phổ thông theo nguyện vọng!
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!
Thi tuyển sinh lớp 10 Hà Nội: Chạy đua ôn luyện cấp tốc môn Lịch sử Trước quyết định chọn Lịch sử làm môn thứ 4 trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập của Hà Nội, nhiều phụ huynh, học sinh đang rất lo lắng. Đó là làm thế nào để "nhồi nhét" chương trình lớp 9 của môn học này trong vòng 2 tháng khi mà vẫn phải chạy đua thời gian để hoàn thành các...