Thầy giáo Chuyên Ams mách cách làm bài thi Tiếng Anh tốt nghiệp 2021
Về từ vựng phải ôn tập tập thật kỹ trong chương trình sách giáo khoa lớp 11 và 12. Nếu học chương trình thí điểm cần ôn thêm các từ vựng chương trình lớp 12 cũ.
Đề tham khảo môn Tiếng Anh thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2021 được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đã giúp các em học sinh làm quen với cấu trúc đề thi, tìm ra những điểm yếu, lỗ hổng trong kiến thức của mình để kịp thời bổ sung.
Bên cạnh đó, việc rèn luyện đề có ý nghĩa quan trọng đối với môn Tiếng Anh bởi luyện tập là yếu tố cần thiết để học sinh ghi nhớ cấu trúc, từ vựng, qua đó nắm bắt được sự thay đổi trong đề thi qua từng đợt sẽ giúp học sinh có phương pháp ôn tập hiệu quả, chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021
Để giúp học sinh có định hướng ôn tập và rèn luyện kỹ năng làm tốt bài thi môn Tiếng Anh, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với thầy Nguyễn Văn Bắc – Tổ Phó chuyên môn Tiếng Anh Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội – Amsterdam, thầy Bắc đã chia sẻ: “Cấu trúc đề thi Tiếng Anh tốt nghiệp Trung học phổ thông của Bộ trong mấy năm gần đây khá giống nhau, không có nhiều thay đổi, đều có phần ngữ âm, phần từ vựng ngữ pháp, phần đọc hiểu…
Vậy nên học sinh có thể bám sát theo đề tham khảo năm 2021 để ôn tập, xem lại tổng quan kiến thức của mình. Đề thi tham khảo và đề thi chính thức Tiếng Anh của năm 2020 khá sát với nhau, về đề mục câu hỏi trong cùng một nội dung bài thi, mức độ khó, so sánh cũng khá tương đồng.
Về từ vựng, cần phải ôn tập tập thật kỹ từ vựng trong chương trình sách giáo khoa, đặc biệt là lớp 11 và 12. Nếu học sinh nào đang theo học chương trình thí điểm thì nên ôn thêm các từ vựng trong chương trình 12 cũ, và ngược lại, để làm tăng nền tảng từ vựng nói chung. Trong quá trình ôn tập, cần chú ý đến sự kết hợp từ, từ đồng nghĩa – trái nghĩa, sự lựa chọn từ, các từ dễ gây nhầm lẫn”.
Thầy Bắc cho biết: “Riêng về Từ vựng, tìm từ đồng nghĩa và trái nghĩa, nếu học sinh có một vốn từ rộng thì với bài này các em không đáng lo vì đã gặp những cụm từ này trong quá trình ôn luyện”. Ảnh: Tùng Dương.
Theo thầy Bắc: “Đề thi Tiếng Anh tham khảo năm nay chia làm 7 phần. Đầu tiên là phần ngữ âm thường sẽ có 2 câu là tìm từ có cách phát âm khác và 2 câu là tìm trọng âm.
Ở câu tìm từ có cách phát âm khác học sinh phải nắm vững cách phát âm đuôi S hoặc đuôi ES và ED, vấn đề này thường hay có trong đề thi. Còn phần trọng âm 2 câu thường tập chung vào các từ có 2 và 3 âm tiết, tìm từ có trọng âm chính khác với những từ còn lại. Với từ 3 âm tiết thường đã có quy tắc như sử dụng các hậu tố để xem dấu hiệu từ đấy là trọng âm thứ 3 hay trước hậu tố đó, học sinh có thể dựa vào hậu tố đó phát hiện ra cách đánh trọng âm.
Mục thứ 2 của đề thi là ngữ pháp và từ vựng, mục này thường có 15 câu và mức độ câu hỏi khá rộng các mục các chuyên đề ngữ pháp, học sinh cần ôn lại các chuyên đề: Về động từ có chia động từ, động từ nguyên thể, động từ khuyết thiếu. Ngoài ra có chuyên đề về danh từ, về tính từ.
Một mục nữa cũng khá rộng là tìm và sửa lỗi sai, chỉ có 3 câu thôi nhưng để làm được bài tìm lỗi sai thì học sinh cũng phải nắm được kiến thức khá tổng quát. Khi tìm lỗi sai phải tìm đó là lỗi về từ vựng hay ngữ pháp, hoặc lỗi kết hợp từ?
Có 2 mục trong khi ôn tập học sinh sẽ bổ sung cho cả những phần kiến thức trước đó như mục từ vựng ngữ pháp, trong mục này khi ôn phần sửa lỗi sai và tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa thì 2 mục đó đã bao trùm cả mục ngữ pháp. Ví dụ các mục ngữ pháp về các loại mệnh đề, kết hợp từ.
Trong mục sửa lỗi sai có chia thành các mục cụ thể và trong các đề thi gần đây có những mục kết hợp từ, từ lặp hai từ không đứng cạnh nhau thì phải bỏ bớt đi một từ. Thứ ba là các mệnh đề phân từ các em cũng cần phải quan tâm ôn luyện.
Video đang HOT
Các mệnh đề quan hệ, có một chút trong bài sửa lỗi sai hoặc tìm câu đồng nghĩa sẽ có một số câu nâng cao về đảo ngữ, phần đảo ngữ này khá khó nên học sinh cần phải để ý”.
Thầy Bắc cho biết: “Riêng về từ vựng, tìm từ đồng nghĩa và trái nghĩa thì trong phần đồng nghĩa có hai từ và trái nghĩa cũng có hai từ. Nếu học sinh có một vốn từ rộng thì với bài này các em không đáng lo vì đã gặp những cụm từ này trong quá trình ôn luyện.
Còn với những học sinh chưa gặp cũng không nên mất bình tĩnh bởi mục đích của người ra đề thi trong bốn câu này là học sinh phải phán đoán nghĩa dựa trên ngữ cảnh của câu, các em phải phân tích câu để đoán nghĩa chứ không phải để kiểm tra xem học sinh đã biết từ đó hay chưa.
Ví dụ: Mấy em nhỏ cảm thấy rất…..khi bỗng nhiên cả căn phòng bị mất điện, mọi thứ chìm trong bóng tối. Vậy cụm từ ở chỗ chấm chấm đó có thể là hoảng sợ, bất ngờ, giật mình …Học sinh sẽ đoán một từ nào đó để điền vào cho phù hợp nhất với ngữ cảnh mà câu văn đưa ra.
Học sinh chú ý bài tìm từ đồng nghĩa và trái nghĩa, các em phải đọc rõ bài đó xem đề thi hỏi đồng nghĩa hay trái nghĩa, có nhiều trường hợp học sinh không đọc kỹ bởi trong bài từ đồng nghĩa bao giờ người ta cũng để từ đồng nghĩa và từ trái nghĩa vào đó, và ngược lại trong bài trái nghĩa cũng như vậy.
Nếu học sinh đọc vội, làm ẩu thì ở bài trái nghĩa các em lại điền một từ đồng nghĩa. Các em rất hay sai ở bài trái nghĩa mặc dù biết nghĩa nhưng lại làm sai yêu cầu của đề bài trong khi đề thi đã in rõ ràng viết hoa từ đồng nghĩa hay trái nghĩa. Nhiều khi các em làm theo thói quen nghĩ rằng đó là bài đồng nghĩa nên bị sai”.
Thầy Nguyễn Văn Bắc – Tổ Phó chuyên môn Tiếng Anh và các em học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội – Amsterdam. Ảnh: NVCC.
Có hai bài khá thách thức
Thầy Bắc lưu ý: “Bài đọc hiểu và bài đọc và điền từ vào chỗ trống, bài này thường có năm câu tương đối khó. Đọc và điền từ vào chỗ trống cũng gợi ý với năm đoạn đọc bỏ khuyết chỗ trống, có kèm theo năm câu hỏi và gợi ý trả lời.
Trong bài này nếu học sinh tinh ý thì những phần chỗ trống đó thường liên quan đến phần động từ. Ví dụ chỗ đó người ta đã để sẵn Động từ và các em xem còn thiếu giới từ nào? Nếu trong đầu đã tư duy được ngay là thiếu giới từ nào đó thì nên kiểm tra chéo 4 phương án đề thi cho ở dưới thì cơ hội điền câu đúng rất cao.
Ngoài ra có những phần về ngữ pháp, trong mục đó nếu đề thi yêu cầu phải chia thì hiện tại hoàn thành, hoặc dạng bị động thì cần chú ý về cấu tạo của động từ. Cũng có thể có một số từ vựng riêng rẽ thì phải đọc cả câu để điền đúng ngữ cảnh.
Đối với bài đọc hiểu gồm có hai đoạn, một đoạn ngắn đơn giản gồm năm câu đọc và tìm câu trả lời đúng. Đoạn thứ hai dài hơn thường có 7 đến 8 câu và cũng có tính chuyên môn hơn.
Trong hai bài này học sinh cần phân ra các dạng câu hỏi, bao giờ cũng có dạng câu hỏi tổng quan để tìm ý chính trong đoạn, hoặc đặt tiêu đề cho đoạn thì theo kinh nghiệm các em nên trả lời sau cùng bởi khi đọc hết các đoạn và trả lời hết các câu hỏi thì khi đó các em cũng đã hình dung ra được đề thi nói về cái gì”.
Thầy Bắc chia sẻ thêm: ” Trong phần đọc không nên đọc chậm, đọc dò bởi thời gian làm bài rất ít, khi đọc các em cần nắm vững kỹ năng đọc nhanh lấy ý chính. Ngoài ra đọc nhanh nhưng tìm ý chi tiết, ví dụ đề thi hỏi: Năm 1914 đó có sự kiện gì xảy ra? Thông tin rõ ràng năm 1914 thì nên khoanh luôn vào 1914 hoặc dò trên bài rất nhanh xem chỗ 1914 đó ở đoạn nào và đọc quanh câu đó thì có thể đã ra đáp án rồi.
Trong bài đọc này cũng có những câu hỏi về từ vựng, ví dụ từ này trong bài gần nhất với nghĩa gì? Cái này cũng gần giống với bài tìm từ đồng nghĩa, nhưng bài tìm từ đồng nghĩa trong câu đó chỉ có một câu, còn ở đây thì là cả một đoạn nên không chỉ đọc một câu đó mà phải đọc cả câu trước và câu sau thì ngữ cảnh sử dụng từ đó sẽ rộng hơn.
Ngoài ra trong bài thi sẽ có loại hình câu hỏi tìm xem từ thay thế các đại từ đó thay thế cho từ gì? Thường có hai cách, thứ nhất là đọc câu trước đó xem nói về vấn đề gì và dùng một đại từ thay thế ngay câu đằng sau.
Còn một dạng khác ít gặp hơn nhưng người ta lại dùng đại từ đó trước rồi phía sau mới dùng từ gốc của nó. Thường câu trước đó hay xảy ra hơn”.
Thầy Bắc cho biết thêm: “Câu hỏi khó nhất trong bài đọc hiểu chính là câu hỏi suy luận xem ý câu hỏi đó là gì, ý của tác giả là gì thì đó là đọc hiểu chính đoạn đó. Ví dụ đoạn đó nói về việc sử dụng thực phẩm thế nào cho hợp lý, đảm bảo sức khỏe.
Như vậy ý của tác giả là học sinh phải sử dụng logic hợp lý nhưng họ không nói cụ thể ra như vậy mà chỉ là bạn nên thế này, nên thế kia và nếu làm thế này bạn sẽ có sức khỏe tốt. Nhưng thường sẽ có một câu hỏi bạn có thể suy luận ra ẩn ý bài này là gì?
Ở phần Chức năng giao tiếp sẽ có tình huống giao tiếp giữa hai người nói chuyện với nhau, một người đưa ra lời nói và người kia sẽ hồi đáp. Ví dụ một người nói cảm ơn vì người kia đã giúp đỡ một việc gì đó thì người thứ hai sẽ có hồi đáp thế nào để phù hợp.
Phần này học sinh chú ý đến những chuẩn mực về giao tiếp, nhiều khi các em thấy phương án nào điền vào cũng đúng vì trong thực tế cuộc sống ngôn ngữ nói sẽ thoải mái hơn mọi người vẫn hiểu.
Nhưng trong chuẩn mực giao tiếp thì học sinh cần phải có những phương án trả lời đúng, hợp với lứa tuổi, sự việc và ngữ cảnh của lời cảm ơn đó sao cho nhã nhặn, chuẩn mực”.
Chủ động chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT trước diễn biến mới dịch Covid-19
Hiện HS Nghệ An đã hoàn thành đăng ký thi Tốt nghiệp THPT 2021. Trong khi đó, địa bàn xuất hiện bệnh nhân Covid-19 đầu tiên. Sở GD&ĐT nhanh chóng chỉ đạo trường các THPT điều chỉnh phương thức dạy học, ôn tập.
Học sinh trường THPT Huỳnh Thúc Khảng (TP Vinh, Nghệ An) làm bài thi thử THPT
Đồng thời yêu cầu các trường thực hiện nghiêm công tác vệ sinh, khử khuẩn, phòng dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên và phụ huynh.
Hoàn thành chương trình lớp 12
Thời điểm này, học sinh lớp 12 trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng đã hoàn thành nộp hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2021. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở GD&ĐT đã chủ động chỉ đạo các nhà trường đẩy nhanh thực hiện chương trình năm học. Thực hiện tinh giản nhưng không cắt xét, bỏ qua kiến thức. Sớm tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ cho học sinh các khối lớp theo tiến độ chương trình.
Ngày 6/5, Nghệ An ghi nhận ca dương tính với Covid-19 đầu tiên, ngay sau đó, Sở tiếp tục chỉ đạo các trường học hoàn thành kiểm tra đánh giá định kỳ, muộn nhất vào ngày Chủ nhật (ngày 9/5). Trong đó, học sinh thị xã Hoàng Mai (nơi xuất hiện ca dương tính) tạm nghỉ học từ ngày 7/5 để phòng dịch và chờ kết quả xét nghiệm các F1, F2. Nhà trường tiếp tục dạy học trực tiếp hoặc kết hợp trực tuyến cho học sinh tùy theo điều kiện thực tế.
Các trường THPT hiện tổ chức cho học sinh lướp 12 luyện đề thi thử để hệ thống kiến thức
Qua ghi nhận tại các trường THPT, hiện học sinh lớp 12 đã cơ bản hoàn thành chương trình năm học và kiểm tra định kỳ. Công tác ôn tập hiện nay chủ yếu là xây dựng ma trận đề thi cho học sinh thi thử. Qua đó hệ thống kiến thức và rèn luyện kỹ năng làm bài cho các em. Ông Đào Công Lợi - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho hay, từ đầu năm học này, do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên công tác chuyên môn Sở đã triển khai rất sớm.
Ngoài phương án phòng chống dịch bệnh Covid-19 đặt lên hàng đầu, Sở cũng đã có các giải pháp cụ thể nếu dịch bệnh xảy ra trên địa bàn như: học trực tuyến, dạy học trên truyền hình, chuyển đổi thời gian học hợp lý, điều chỉnh giảm tải .... Vì vậy, thời điểm này, khi có ca dương tính xuất hiện, các trường THPT cũng không bị động, mà chủ động chuyển hướng ôn tập cho học sinh lớp 12. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, ổn định tâm lý, không tạo áp lực căng thẳng cho học sinh, phụ huynh.
Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh
Liên quan đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng, kỳ thi năm nay tương đối ổn định so với các năm trước và đây là điều thuận lợi cho thí sinh và cho các nhà trường.
Tuy nhiên, để chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết, các nhà trường cũng đã tuyên truyền, phổ biến quy chế thi cho học sinh, phụ huynh. Hướng dẫn học sinh chuẩn bị giấy tờ, tài liệu cần thiết liên quan đến chế độ ưu tiên hoặc miễn thi Ngoại ngữ (nếu có chứng chỉ quốc tế)...
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An, quy chế thi tốt nghiệp THPT 2021 cũng có bổ sung một số điều về Hội đồng thi, xếp phòng thi, đối tượng dự thi, đăng ký bài thi và các nội dung về điểm thi về sử dụng thiết bị, phần mềm công nghệ thông tin và truyền thông.
Theo quy chế này, các thí sinh là thí sinh tự do cũng cần lưu ý. Đó là những trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại yếu về hạnh kiểm ở lớp 12, phải được UBND cấp xã nơi cư trú xác nhận việc chấp hành chính sách pháp luật và các quy định của địa phương để được trường phổ thông nơi học lớp 12 xác nhận đủ điều kiện dự thi về xếp loại hạnh kiểm theo quy định.
Học sinh lớp 12 được ưu tiên làm căn cước công dân sớm để thuận lợi trong đăng ký dự thi Tốt nghiệp THPT
Năm nay, Kỳ thi tốt nghiệp THPTtại hội đồng thi tỉnh Nghệ An cơ bản có quy mô như năm trước với hơn 30 nghìn thí sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tạo mọi điều kiện để thí sinh thuận lợi trong việc tham dự Kỳ thi.
Học sinh lớp 12 tỉnh Nghệ An cũng được ưu tiên làm thẻ căn cước công dân để cấp phát trước khi kỳ thi diễn ra. Đại úy Chu Chí Quốc - Đội trưởng Đội đăng ký quản lý cư trú cấp quản lý CMND, CCCD - Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính - Công an tỉnh Nghệ An cho biết: Tổ lưu động của đơn vị đã hoàn thành làm căn cước công dân cho học sinh các nhà trường, xem đây là đối tượng ưu tiên. Nhằm tạo thuận lợi cho các em trong quá trình thi cử và làm các thủ tục khác.
Ông Đào Công Lợi - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An khẳng định: Kế thừa kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Kỳ thi năm nay Sở luôn chủ động để đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, an toàn, trung thực khách quan nhưng không gây căng thẳng, áp lực không cần thiết cho thí sinh và xã hội, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các em. Bên cạnh đó là tinh thần phòng chống dịch bệnh Covid-19 luôn luôn thường trực; các phương án phòng chống luôn sàng, cụ thể: công tác tuyên truyền nhắc nhở thường xuyên; tuân thủ hướng dẫn của các tổ chức y tế khi có dịch bệnh xảy ra; tham mưu, phối hợp các ban ngành cấp tỉnh cùng cộng đồng chống dịch hiệu quả.
"Bí kíp bỏ túi" cho thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông Sau đây là "bí kíp bỏ túi" với danh sách những việc nên làm, giúp thí sinh ôn tập hiệu quả, làm bài thi tốt nghiệp THPT một cách tốt nhất. Đồ họa: An Nhiên