Thay đổi căn bản, toàn diện cách dạy và học ngoại ngữ
GD&TĐ -Đề án “Tăng cường dạy và học Ngoại ngữ trong hệ thống GD quốc dân giai đoạn 2008- 2020″ (xin gọi tắt Đề án NNQG 2020) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/9/2008
Được chính thức được triển khai từ năm 2011 đến nay ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo, trong và ngoài công lập, hệ chính quy và phi chính quy, Đề án đã mang lại nhiều kết quả rất tích cực.
PV Báo GD&TĐ có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Thị Tú Anh, PVT vụ GD trung học, PTB thường trực BQL Đề án NNQG 2020 xung quanh vấn đề này.
Xin bà cho biết, từ khi triển khai đến nay Đề án NNQG 2020 đã đạt được những kết quả như thế nào trong đổi mới việc dạy và học NN?
- Thời gian qua, được sự quan tâm của lãnh đạo chính phủ và các cấp, các ngành, dưới chỉ đạo sát sao và quyết liệt của lãnh đạo Bộ GDĐT, nhiều địa phương, đơn vị, cá nhân trong toàn quốc đã sôi nổi, hăng hái triển khai đổi mới dạy học NN, tạo nên những thay đổi căn bản và toàn diện trong việc dạy và học NN ở Việt Nam.
Tính đến nay, về cơ bản Đề án đã hoàn thiện các tài liệu là cơ sở khoa học cho công cuộc đổi mới dạy học NN như xây dựng và ban hành Khung Năng lực NN 6 bậc dùng cho VN trên cơ sở tham khảo khung tham chiếu Châu Âu; khung năng lực giáo viên tiếng Anh Việt Nam, khung năng lực ứng dụng CNTT cho giáo viên tiếng Anh;
Trên cơ sở đó đã và đang từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý; đồng thời xây dựng, phát triển cụ thể hoá các chương trình, học liệu, đổi mới phương pháp trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh theo tiêu chuẩn mới;
Video đang HOT
Xây dựng, công bố và từng bước đưa vào sử dụng các định dạng đề thi cho các bậc năng lực tiếng Anh; đầu tư ưu tiên về đổi mới chương trình, học liệu, phương pháp và công tác bồi dưỡng giảng viên, giáo viên dạy bằng tiếng Anh cho một số môn chuyên ngành ở bậc đại học và môn toán và các môn khoa học ở phổ thông.
Các công việc này đang có tác động điều chỉnh tốt đến việc dạy và học NN như là một môn học kỹ năng bao gồm các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; chứ không phải dạy NN như một môn khoa học và tập trung vào một hai kỹ năng như trước đây.
Cụ thể, tính đến năm học 2015-2016, chương trình tiếng Anh mới (10 năm) được triển khai dạy và học tại đủ 63 tỉnh, thành phổ, với 11.947 trường phổ thông các cấp (chiếm tỉ lệ 43,3%), 158.297 lớp học (chiếm tỉ lệ 32,4%) và 2.858.734 học sinh (chiếm tỉ lệ 19,8%).
Các chương trình NN khác ở phổ thông đã được xây dựng bao gồm: Tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức và tiếng Nhật, trong đó có chương trình tiếng Pháp song ngữ.
Ngoài chương trình đào tạo môn NN bắt buộc (NN 1), đã khuyến khích các địa phương, trường học lựa chọn, dạy học NN 2 và triển khai các chương trình dạy và học bằng NN cho một số môn như: Toán và các môn khoa học tự nhiên.
Đối với giáo dục đại học, đã công bố, giới thiệu trên toàn hệ thống mô hình CT tiếng Anh tăng cường cho SV không chuyên cao đẳng, đại học, các mô hình đào tạo cử nhân sư phạm NN tiên tiến.
Một điểm đổi mới nổi bật là sau khi được sự đồng tình đón nhận của xã hội về chủ trương một CT nhiều SGK, Bộ GDĐT đã hoàn tất các bước cần thiết tiếp theo như công bố bộ tiêu chí lựa chọn SGK tiếng Anh cho CT giáo dục phổ thông và các hướng dẫn về quy trình, thủ tục thực hiện tại cấp cơ sở.
Có ý kiến đề xuất, sau khi tốt nghiệp THPT, người học phải đạt được một trình độ nhất định về NN mới được dự thi vào các trường ĐH, CĐ. Đề án có xây dựng mục tiêu này cùng với các vấn đề tham mưu về chính sách NN thưa bà?
- Hiện nay đã có chính sách quy định NN là môn học bắt buộc trong các cơ sở giáo dục và đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân và là một trong các môn thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia chính sách đề nghị cần đưa môn NN thành môn thi bắt buộc ở các cấp học và trình độ đào tạo. Tất cả học sinh tốt nghiệp phổ thông nếu muốn học tiếp lên bậc đại học đều phải đạt và có chứng chỉ (trình độ bậc 2 hoặc bậc 3 theo lộ trình) năng lực NN thì mới được nộp đơn vào đại học.
Ở cấp đại học, tất cả sinh viên phải đạt và có chứng chỉ tiếng Anh tối thiểu ở trình độ bậc 3 (B1) (hoặc một NN khác) thì mới hội đủ điều kiện để xét tốt nghiệp.
Theo tôi, chính sách trên (nếu được bổ sung) sẽ là điểm mốc quan trọng để tạo nên thành công đột phá trong đổi mới dạy học NN nói riêng, và góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung để nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam.
Thực tế trong khu vực và trên thế giới đã cho thấy, quốc gia nào có chính sách NN tốt và tổ chức triển khai quyết liệt, hiệu quả thì sẽ có sự phát triển kinh tế, xã hội nhanh, mạnh.
Chính phủ cần có thông báo lộ trình cụ thể, rõ ràng về thời điểm áp dụng chuẩn mới này thì chắc chắn mỗi địa phương, đơn vị, từng gia đình và cá nhân sẽ tìm được cách thức để tối ưu hoá những nguồn lực tại chỗ, sẵn có kết hợp với với một đầu tư khiêm tốn nhất để tạo được một tác động thay đổi làm việc sử dụng cũng như việc dạy và học NN có hiệu quả hơn trước.
Chính sách một CT nhiều SGK trong giáo dục phổ thông cũng là một bước đột phá làm thay đổi nhận thức về vai trò của CT, SGK và các nguồn học liệu, cho phép sự sáng tạo của người dạy, người học, đổi mới học liệu để đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá hiệu quả.
Từ nay đến năm 2020, việc tiếp tục đổi mới dạy và học NN sẽ như thế nào, giải pháp nào để phát triển bền vững trong các hoạt động đổi mới, thưa bà?
- Thành công trong việc học NN cần đến từ việc dạy, việc học, và việc tổ chức môi trường học tiếng một cách có ý thức để cho việc học xảy ra tốt nhất.
Bởi lẽ, đa số người học đã qua lứa tuổi mà có thể tiếp thu một thứ tiếng thứ 2 một cách tự nhiên như khi tiếp thu tiếng mẹ đẻ từ những ngày đầu của cuộc sống, việc học NN phải được xây dựng trên cơ sở là một quá trình có sự tham gia tích cực của ý thức, của động cơ, của ý chí và ý muốn của người học, và trong một môi trường được tổ chức và quản lý để việc học được xảy ra một cách tối ưu
Nếu quan niệm học NN giống như học bơi. Giỏi kỹ thuật bao nhiêu mà không có cơ hội xuống nước thì cũng chưa thể biết bơi. Chúng ta dạy học bơi mà thiếu hồ bơi thì cũng không thể đánh giá được chất lượng dạy học bơi.
Muốn phát triển bền vững Đề án, tương tự phải có hồ bơi cho người bơi; chúng ta cần có nhiều môi trường tiếng cho người học thực hành tiếng. Việt Nam hiện nay có khoảng 22 triệu người học với khoảng gần 100 nghìn giáo viên tiếng Anh.
Để đảm bảo cơ hội học tập NN cho mọi người, cần phát huy mạnh việc học, tự học, tự bồi dưỡng NN thông qua truyền thông và ứng dụng công nghệ thông tin như phương pháp học trực tuyến, học kết hợp; đồng thời huy động nguồn lực trong cộng đồng, người biết nhiều dạy cho người biết ít, người biết ít dạy cho người chưa biết; tăng cường hợp tác quốc tế như mô hình huy động, trao đổi tình nguyện viên, giáo viên (nước ngoài tại Việt Nam và Việt Nam tại nước ngoài).
Năm 2015-2016, xây dựng 308 trường phổ thông điển hình các cấp học, 38 mô hình cộng đồng học tập NN với hơn 50 hình thức học tập cộng đồng khác nhau dành cho nhiều đối tượng người học trong phạm vi cả nước; phát động việc học và sử dụng tiếng Anh thông qua các CLB tiếng Anh, Olympic tiếng Anh, đại sứ tiếng Anh trong phong trào Đoàn thanh niên, Hội sinh viên.
Chúng tôi cũng quan niệm để công cuộc đổi mới thành công, việc đổi mới dạy học NN không phải chỉ diễn ra trong nhà trường, trong lớp học hoặc chỉ ở những thành phố lớn hay những nơi có điều kiện thuận lợi mà cần phải được lan toả hiển hiện hàng ngày trong cuộc sống ở mọi nơi, mọi lúc; đặc biệt phải thực hiện thành công được ở những địa phương, đơn vị vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Muốn làm được như vậy, công cuộc đổi mới dạy học NN nói riêng, việc phát triển NN nói chung không chỉ là công việc của ngành giáo dục mà phải nhận được sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các cấp lãnh đạo các ban ngành, địa phương cũng như của các tổ chức đoàn hội trong cả nước.
Xin trân trọng cảm ơn!
Theo GD&TĐ