Thầy cô yêu nghề, tôn trọng học sinh
Mô hình “Trường học hạnh phúc” không chỉ đề cao vai trò của hiệu trưởng, các thầy cô giáo mà ngay cả những nhân viên bình thường như tạp vụ, bảo vệ trong trường học cũng không kém phần quan trọng.
Học sinh Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội)
Chia sẻ tại buổi tập huấn chuyên đề “Thay đổi vì trường học hạnh phúc” do Phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) tổ chức, TS Nguyễn Ngọc Ân – Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho rằng, muốn xây dựng ngôi trường hạnh phúc trước tiên phải có những thầy cô hạnh phúc.
Thầy cô phải thực sự yêu nghề, yêu thương và tôn trọng học sinh; luôn sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ, thông cảm và làm những điều tốt nhất cho học sinh của mình. Khi hạnh phúc của thầy cô được lan tỏa đến học sinh, các em cũng thay đổi theo hướng tích cực hơn.
Theo TS Nguyễn Ngọc Ân, thầy cô muốn học trò của mình cảm nhận được hạnh phúc trong mỗi buổi đến trường thì phải có phương pháp giúp học trò cảm nhận việc học thật sự thoải mái, không bị áp lực bởi điểm số thành tích. Các em đến trường không chỉ học kiến thức để đạt được những điểm số cao, mà còn học làm người và trau dồi những kỹ năng cần thiết cho quá trình trưởng thành.
Một trường học hạnh phúc có 21 tiêu chí. Nhưng cốt lõi có 3 tiêu chí quan trọng, đó là: Yêu thương, an toàn và tôn trọng. Làm tốt 3 tiêu chí này, mỗi người sẽ thấy hạnh phúc và hạnh phúc thực sự, chứ không phải sự ép buộc. Đây là nhu cầu tự thân, là động lực để các thành viên trong nhà trường phấn đấu.
Trao đổi về các tiêu chí nêu trên, TS Nguyễn Ngọc Ân dẫn giải: Về tiêu chí yêu thương, nội hàm của tiêu chí này gồm 5 thành tố: Quan tâm, chia sẻ, tin tưởng lẫn nhau, hỗ trợ và bao dung.
Thứ nhất là sự quan tâm. Thầy cô quan tâm đến đồng nghiệp, học trò và học sinh quan tâm đến nhau. Nếu thiếu sự quan tâm, chỉ làm việc theo trách nhiệm, thờ ơ, vô cảm thì chúng ta không hạnh phúc được.
TS Nguyễn Ngọc Ân
Thứ hai là chia sẻ. Mỗi người có thuận lợi, khó khăn riêng. Do đó sự chia sẻ cho đi, nhận lại sẽ tạo ra một sự gần gũi và không có khoảng cách.
Thứ ba là sự tin tưởng lẫn nhau. Thầy cô tin tưởng đồng nghiệp, học sinh và ngược lại. Nếu hoài nghi, đố kỵ sẽ không hạnh phúc được. Chúng ta có niềm tin thì sẽ có sức mạnh và chắp cánh ước mơ.
Video đang HOT
Thứ tư là sự hỗ trợ. Hỗ trợ về tinh thần bằng sự chia sẻ và hỗ trợ về vật chất bằng sự giúp đỡ. Qua hỗ trợ, tình cảm sẽ nảy nở, ích kỷ cá nhân là kẻ thù của hạnh phúc giảm dần.
Thứ năm là sự bao dung. Không ai có thể hoàn hảo, không ai tránh khỏi sai lầm nhưng khi đã có sự bao dung thì mọi việc sẽ được nhìn nhận rất nhẹ nhàng. Như vậy, nội hàm sơ bộ của tiêu chí yêu thương là sự quan tâm, chia sẻ, tin tưởng, hỗ trợ và bao trùm lên là bao dung.
Về tiêu chí an toàn: Trong trường học phải an toàn về thể chất và tinh thần. Giáo viên và học sinh phải được bảo vệ, không có sự xúc phạm về thể xác và tinh thần để mỗi khi đến trường như là về nhà. Do vậy an toàn về thể chất, trước hết là chúng ta phát triển để khỏe mạnh, an toàn tinh thần, bởi tổn thương về tinh thần thậm chí còn nguy hiểm hơn là tổn thương về thể xác và có thể đi hết cả cuộc đời.
Về tiêu chí tôn trọng: Cần tôn trọng sự khác biệt bởi chính sự khác biệt ấy mới tạo nên sự đa dạng về văn hóa và đổi mới. Tôn trọng sự khác biệt, trước hết là không áp đặt, đem giá trị của một vài cá nhân, áp đặt cho cái chung.
Chúng ta hướng tới sự tốt đẹp, nhưng không có nghĩa là tất cả giống nhau, dẫn đến đồng phục hóa trăm người như một. Nếu tất cả đều giống nhau thì đó là triệt tiêu sự sáng tạo, triệt tiêu những tư tưởng đổi mới. Cho nên khuyến khích sự khác biệt nhưng phải trong sự thống nhất.
TS Nguyễn Ngọc Ân nhấn mạnh: Các trường cần khảo sát, đánh giá, những tiêu chí nào đạt thì tiếp tục triển khai nhân rộng, những tiêu chí nào chưa đạt cần có kế hoạch cụ thể, triển khai dần từng bước để mỗi một năm, mỗi nhà trường, mỗi thành viên trong nhà trường cùng toàn thể các em học sinh cảm thấy được hạnh phúc hơn.
Vân Anh
Theo giaoducthoidai
Thầy cô lội bùn lầy, vượt dốc dựng đứng đi 'gieo chữ' giữa đại ngàn Tây Nguyên
Dù ngoài trời gió rít từng cơn, nhưng từ tờ mờ sáng, các thầy cô vẫn hăng say vượt qua cung đường lầy nguy hiểm mang con chữ tới điểm trường Đê Kôn, Gia Lai.
Gian nan 'cõng chữ' lên bản
Một ngày tháng 12, mặt trời còn chưa tỏ, khi ngồi trong nhà còn cảm nhận được từng cơn gió rét căm, thì bên ngoài các giáo viên vẫn đôn đốc nhau nhanh nhanh tới trường để gặp học trò nhỏ.
Xắn vội gấu quần, chân đi ủng, họ bắt đầu nổ máy xuất phát. Hành trình mang con chữ hay đồ ăn, thức uống đến với những học trò nghèo làng Đê Kôn (xã Hra, Mang Yang, Gia Lai) là cả quãng đường gian khổ khi bánh xe bám dày đặc đất đỏ.
Quãng đường vất vả là thế, nhưng thầy cô giáo luôn nở nụ cười.
Để đến được điểm trường Đê Kôn thuộc trường Tiểu học Hra số 2, giáo viên phải vượt qua dốc núi dựng đứng khoảng 4km. Đây là điểm trường khó khăn nhất, sống tách biệt nơi đỉnh núi cao, người dân quanh năm suốt tháng chỉ biết đến cây sắn, cây mì..
Tờ mờ trong lớp sương sớm là hình ảnh của cô Lê Thị Diệu (55 tuổi) và cô Hà Thị Linh (48 tuổi) đang cố đi lên từng con dốc. Một người ghì chặt lấy tay lái, một người đi theo phía sau dùng hết sức để đẩy, mong sao vượt qua quãng đường khó.
Chỉ còn 1 - 2 năm nữa là cô Diệu về hưu, nhưng cô vẫn xung phong lên điểm trường khó khăn nhất, bởi cô mong mấy đứa trò nhỏ có con chữ. Cô cũng mong bản thân là động lực để nhiều giáo viên trẻ thấu hiểu và yêu hơn điểm trường vùng khó này.
"Trời lạnh, rét chúng tôi quen rồi. Nhưng nhiều hôm trời mưa, tay yếu mà đường thì dốc đứng, trơn trợt, chúng tôi lúc đó chỉ biết bỏ xe máy lại mà bò lên núi từng đoạn. Đường xa, đi bộ phải vài tiếng đồng hồ mới đến được điểm trường. Dân thấy xe các cô bỏ lại cũng không ai lấy. Lúc trời tạnh ráo, chúng tôi nhờ dân chở xuống lấy xe rồi về", cô Diệu kể.
Kéo rồ ga, người thì đẩy, cứ thế mấy tiếng đồng hồ các thầy cô mới tới được điểm trường
Phải hơn một tiếng vượt vũng lầy, các thầy cô mới đến được điểm trường. Tay cầm chổi, tay cầm khăn, mấy đứa trò nhỏ thấy thầy cô reo lên vui mừng. Có bạn chạy đến ôm chầm lấy, bạn lại kéo tay lại thủ thỉ một điều gì đó, cũng em e thẹn đứng một góc nhìn thầy cô bằng ánh mắt tràn ngập niềm vui.
Tiếng trống trường điểm 7h30, như một thói quen, 28 học sinh đứng ngay ngắn trên sân trường. Nhìn đảo quanh, phát hiện có 4 em vắng học, cô Linh và cô Diệu nhanh chóng không ai bảo ai, mỗi người một hướng xuống làng Đê Kôn để tìm học sinh. Trong chốc lát, 4 em đã có mặt tại trường. Thì ra là các em ngủ quên giờ tới lớp.
"Công việc đầu tiên đến trường là điểm danh sĩ số, nếu em nào vắng thì giáo viên đến nhà hỏi thăm và chở lên trường. Nhiều lúc học sinh ốm nặng chúng tôi cũng chở xuống núi để đưa đến trạm xá khám", cô Linh chia sẻ.
Những cô cậu học trò xòe bàn tay bé xíu, nhận những nắm xôi, miếng ram còn bốc khói nghi ngút được các giáo viên nấu vội từ sớm, mang lên cho học sinh. Hình ảnh những gương mặt nhem nhuốc ăn ngon lành từng miếng xôi, vương cả ra quần áo giữa trời giá rét khiến ai cũng động lòng. Ăn xong, các em khoác lên mình những bộ áo ấm được các giáo viên mang tặng, bước vào lớp học với niềm vui và hạnh phúc khôn tả.
Cậu bé ăn ngon lành gói xôi thầy cô cất công nấu vội từ sớm.
Phụ huynh tin tưởng giáo viên
Tín hiệu đáng mừng ở điểm trường làng Đê Kôn là nhiều năm nay, bà con ý thức được tầm quan trọng của con chữ nên tự giác đưa con đến lớp. Ai ở gần trường thì sang phụ giúp nấu ăn, dọn dẹp vệ sinh trường lớp. Đi rừng có con gà, bó rau rừng, hay củ khoai, củ mỳ cũng mang qua biếu thầy cô.
Là giáo viên "cắm bản" hơn chục năm tại điểm trường làng Đê Kôn, thầy Nguyễn Huy Ba cho biết, năm 2018 khi mới lên dạy tại đây, thầy phải đi xuyên rừng mất hàng tiếng đồng hồ. Thấy giáo viên ăn ở thiếu thốn lại vác gạo miền xuôi lên, người dân mời đến nhà ở, không phải mang gì lên cả. Ở đây, người dân có gạo thì ăn gạo, có rau rừng thì ăn rau rừng, không để cho giáo viên đói.
Uống dở chén trà nóng, thầy Ba nhớ lại: "Hồi đầu bà con còn chưa hiểu tầm quan trọng của con chữ nên lúc đi vận động học sinh ra lớp rất khó khăn. Có hôm chúng tôi cứ ngồi lỳ mãi ở nhà dân, bị đuổi cũng không về. Chắc cũng nhờ kiên trì, không nản nên rồi sau này cũng thay đổi được suy nghĩ của bà con. Rồi được người dân tin tưởng, giúp đỡ rất nhiều khi dạy trên đỉnh Đê Kôn này".
Nhiều năm nay, mỗi ngày đến trường của các em đều là ngày vui vì được học tập, vui chơi cùng thầy cô và các bạn.
Gắn bó gần như cả tuổi thanh xuân, hơn 20 năm, thầy Nguyễn Huy Ba và thầy Mai Ánh Dương thay nhau cắm bản trên điểm trường làng Đê Kon. Năm 2018, dân làng mong muốn trường cho giáo viên nữ lên đây cùng dạy học sinh. Vì thế mà cô Diệu và cô Linh xung phong lên điểm trường vùng khó cùng bà con gieo con chữ.
Cô Lê Thị Kim Quy, hiệu trưởng trường Tiểu học Hra số 2 cho biết, trường có 556 học sinh, đa phần là các em đồng bào Bahnar. Tại các làng đều có điểm trường và thuận lợi cho các em học sinh đi học. Với điểm trường làng Đê Kôn nằm tách biệt trên đỉnh núi nên các giáo viên gặp khó khăn trong việc đến trường. Những năm tới, trường sẽ có sự luân phiên nhằm duy trì công tác dạy và học xuyên suốt nhằm nâng cao được chất lượng giáo dục vùng cao.
"Gia Lai những ngày cuối năm, trời bắt đầu rét căm, ở nhà nhiều em cơm không đủ ăn thì lấy đâu ra đủ áo để mặc. Có em cả tuần đi học chỉ có mỗi một bộ đồ duy nhất, vì thế chúng tôi cắm bản ở đây, thương các em không biết kể sao cho xiết", cô Kim rưng rưng và đưa ánh mắt xa xăm nhìn vào những đứa học trò nghèo đang vui vẻ chơi đùa.
Hầu hết thầy cô 'cắm bản' điểm trường làng Đê Kôn tuổi đều khá cao nhưng vẫn rất nhiệt huyết giúp các em học tập.
Rời làng Đê Kon, trên quãng đường về, chúng tôi thầm thán phục và cảm ơn những thầy giáo, cô giáo chấp nhận hy sinh, sẵn sàng nhận thiệt thòi về mình, ngày đêm bám trường, bám bản để "gieo chữ" cho con em đồng bào dân tộc giữa đại ngàn Tây Nguyên.
Theo VTC
Nghề giáo Nghề giáo là nghề được xã hội trân quý và tôn trọng! Không cần nhiều, với thầy cô, món quà quý giá nhất chính là tình cảm yêu thương và chăm ngoan của học sinh qua từng ngày. "Tuổi thơ con gọi thầy cô/ Bạc đầu con vẫn thưa cô gọi thầy", câu thơ khiến những người theo nghề "trồng người" không khỏi...