Thấu hiểu trò để đưa ra phương pháp giáo dục phù hợp
Với mong muốn thấu hiểu, sẻ chia để đem đến cho học sinh niềm vui từ học tập, nhiều thầy cô giáo tại Tuyên Quang đã đặt mình vào hoàn cảnh của trò, dạy học với tất cả tâm huyết và trách nhiệm.
Cô Đặng Thị Hà (trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Na Hang, Tuyên Quang) đến nhà hướng dẫn trò học bài .
Muốn chia sẻ, cần lắng nghe
Tại trường tiểu học Hồng Thái (TP Tuyên Quang), hòm thư “Điều em muốn nói” đang là một địa chỉ được các bạn nhỏ rất yêu mến, tin cậy. Rất nhiều câu chuyện, mong muốn, suy ngẫm được học trò viết ra trang giấy để thầy cô có thể hiểu các em hơn.
Cô giáo Nguyễn Thị Minh Huế, Tổng Phụ trách Đội, trường Tiểu học Hồng Thái là người trăn trở để xây dựng ý tưởng và đề xuất nhà trường “mở” hòm thư. Theo cô Huế, những bày tỏ của học sinh thông qua hòm thư tưởng chừng giản đơn, nhưng chính là một cơ sở quan trọng để thầy cô thấu hiểu và có những phương pháp giáo dục phù hợp.
“Mô hình được triển khai đã giúp nhà trường nắm bắt được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của học trò, kịp thời chia sẻ và giải quyết những khó khăn mà các em khó nói”, cô Huế chia sẻ.
Các cô giáo trường Tiểu học Hồng Thái (TP Tuyên Quang) đọc thư của học trò để hiểu thêm điều các em muốn nói.
Từ đầu năm học 2021 – 2022 đến nay, nhà trường đã nhận được hơn 800 lượt thư của học sinh, với những tâm tư, tình cảm mà các em cảm thấy khó nói trực tiếp với thầy cô hay gia đình. Học sinh nhà trường rất hưởng ứng mô hình này, nhiều em còn dành thời gian để trang trí, vẽ lên những bức thư trước khi gửi đi.
Hòm thư không chỉ giúp các em được bày tỏ tâm tư, tình cảm của mình mà còn thực sự cần thiết cho nhà trường và gia đình trong giáo dục học sinh. Sự ngây thơ, trong sáng của các em được thể hiện qua những lá thư xinh xắn, giúp cho tình thầy, trò trở nên gần gũi, thân thiết hơn.
“Mẹ đi chống dịch tại Hà Nội, em ở nhà với bố và ông nội. Dù rất nhớ mẹ nhưng em không dám khóc để mẹ có thể yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Em gửi những mong ước của mình vào lời viết, em mong dịch bệnh sẽ qua đi, mong mẹ sớm trở về nhà” – Nguyễn Bảo Ngọc( học sinh lớp 5B) bày tỏ về những điều mình viết gửi vào hòm thư đặc biệt của nhà trường.
Sát sao hỗ trợ học trò
Tại trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Na Hang, giáo viên nhà trường luôn xác định ngoài dạy học trên lớp còn cần sát sao hỗ trợ các em nhiều vấn đề trong đời sống hằng ngày. Một trong những giáo viên luôn hết lòng trong việc quan tâm giúp đỡ học trò là cô giáo Đặng Thị Hà.
Dạy học trong một ngôi trường đặc thù với nhiều học trò hoàn cảnh khó khăn, trong quá trình giảng dạy, cô Hà luôn hết mực quan tâm, yêu thương chăm sóc học sinh, đặc biệt là các em người dân tộc thiểu số thuộc địa bàn gặp nhiều thiệt thòi.
Cô Đặng Thị Hà (trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Na Hang) tặng chăn ấm cho học trò
Video đang HOT
“Tôi luôn nghĩ rằng, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh, phối hợp cùng đồng nghiệp và phía gia đình để có phương pháp giáo dục phù hợp, hiệu quả là điều đặc biệt quan trọng. Có những em rất thiệt thòi, vất vả, nếu mình không đặt vào hoàn cảnh cụ thể từng học trò thì khó có thể giúp các em học tập tốt”, cô Hà bộc bạch.
Ngoài việc truyền đạt một cách thân thiện, giản dị, dễ hiểu trên lớp để học sinh tiếp cận bài học thuận lợi, cô Hà còn chủ động, tự nguyện bố trí thêm thời gian để hướng dẫn, bổ trợ thêm ngoài giờ cho những em chưa nắm vững kiến thức. Với những trường hợp gia đình chưa sát sao việc học của con, cô Hà đến tận nhà để tìm hiều, trao đổi, tháo gỡ.
Biết gia đình còn khó khăn, cô Hà dành tặng những khoản hỗ trợ kịp thời. Khi là chiếc chăn ấm mùa đông, khi là khoản tiền nhỏ mua thêm sách vở học tập. Những món quà của cô giáo là niềm động viên lớn, là tình cảm yêu thương mà học trò chính là người cảm nhận được rõ nhất.
“Em được cô Hà đến tận nhà cho thêm tài liệu, hướng dẫn cách học bài, dạy cho những chỗ em còn thấy khó. Nếu không có những buổi như thế, chắc em sẽ khó theo được hết các bài học”, Bàn Tứ Quý (học sinh lớp 9A) cảm động nói về cô giáo của mình.
Chia sẻ về cô giáo Hà, em Bàn Thị Anh Thư (học sinh lớp 8A) kể lại: “Biết gia đình em khó khăn, cô mua chăn ấm tặng và còn đông viên em yên tâm cố gắng học tập. Cô luôn lo lắng cho chúng em, cả việc học tập cũng như những chuyện hằng ngày”.
Hướng đến một nền giáo dục thực chất phải xuất phát từ nhu cầu thực tế
PGS Lê Công Sự: "Nhiệm vụ của giáo dục bắt đầu từ nhu cầu thực tiễn, còn mục đích giáo dục nhất thiết phải hướng tới phục vụ mọi vấn đề cấp thiết của cuộc sống".
"Học thật, thi thật, nhân tài thật" là yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra với ngành giáo dục và đã được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn quyết tâm thực hiện trong chiến lược hành động nhiệm kỳ 2021 - 2025 của toàn ngành.
Hướng đến một nền giáo dục thực chất cũng chính là một yêu cầu cấp thiết, quan trọng trong bối cảnh xã hội hiện nay.
Trong cuộc trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Công Sự - giảng viên Trường Đại học Hà Nội nhấn mạnh, giáo dục phải luôn thay đổi theo cuộc sống, một chương trình, giáo trình, một phương pháp giáo dục dù có hay như thế nào cũng không thể đứng mãi với thời gian. Bởi vậy, nền giáo dục hiện đại phải tương thích với con người và tư duy sáng tạo, phù hợp với nhu cầu cuộc sống và nền sản xuất hiện đại, đồng thời cũng phải đảm bảo tính lý tưởng và tính nhân văn.
Phó Giáo sư Lê Công Sự cho rằng, nền giáo dục hiện đại phải tương thích tư duy sáng tạo, phù hợp với nhu cầu cuộc sống và nền sản xuất hiện đại, đồng thời cũng phải đảm bảo tính lý tưởng và tính nhân văn. (Ảnh: NVCC)
Sản phẩm giáo dục là những con người, thế hệ người cụ thể, mà con người là vốn quý nhất, là lực lượng lao động hàng đầu của xã hội. Vấn đề ở chỗ, phải tạo nên nguồn lực con người có chất lượng cao, làm việc có hiệu quả - một nguồn lực như vậy chỉ xuất phát từ một nền giáo dục đúng cả về nội dung, chương trình lẫn phương pháp và mục đích - đó là một nền giáo dục thực chất.
Giáo dục thực dụng và những mục tiêu quan trọng
Theo Phó Giáo sư Lê Công Sự, để đối phó với những hiểm họa toàn cầu về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường sinh thái, sự gia tăng dân số, nguy cơ chiến tranh, bệnh dịch bùng phát và nghèo đói đang diễn ra, đưa nhân loại đến viễn cảnh chung sống hòa bình, giáo dục tương lai trước hết phải là một nền giáo dục thực dụng.
Thực hiện giáo dục thực dụng là "học bằng làm" (Learning by Doing), người dạy phải có nhiệm vụ hướng sự tham gia tích cực của người học vào những mục tiêu thực tế của hoạt động giáo dục hiện đại.
Như nhận định của triết gia - nhà giáo dục người Mỹ John Dewey: "Giáo dục chính là bản thân cuộc sống", nhiệm vụ của giáo dục phải bắt đầu từ nhu cầu thực tiễn, còn mục đích giáo dục nhất thiết phải hướng tới phục vụ mọi vấn đề cấp thiết của cuộc sống.
Chương trình, nội dung các môn học trong nhà trường từ bậc tiểu học đến cao học phải xuất phát từ nhu cầu thực tế, giải quyết những vấn đề liên quan đến cuộc sống hiện tại (cái đang là) và tương lai (cái sẽ là) mà không quá thiên về hoài niệm quá khứ (cái đã là).
Giáo dục thực dụng đòi hỏi việc dạy và học phải có tính hiệu quả cao, không dạy thừa và không học thiếu. (Ảnh minh họa)
Các nhà hoạch định và quản lý giáo dục phải được đào tạo một cách căn bản những kiến thức môn Tương lai học (Futurology), từ đó mới có cơ sở dữ liệu hoạch định chiến lược giáo dục cho các bậc tiểu học và trung học, vì các bậc học này không chỉ cần kiến thức vận dụng hiện tại mà chủ yếu là phải cập nhật những kiến thức chuẩn hành trang cho cuộc hành trình đi tới tương lai vài chục năm tới.
Thêm vào đó, trong xã hội ngày nay, sự lão hóa tri thức diễn ra một cách nhanh chóng, nên cần thiết phải giảng dạy những tri thức mang tính đón đầu.
Giáo dục thực dụng đòi hỏi việc dạy và học phải có tính hiệu quả cao, không dạy thừa và không học thiếu, không dạy và học một cách tràn lan. Tính hiệu quả thể hiện không chỉ trong nội dung dạy và học mà còn ở sự sắp xếp thời gian biểu giảng dạy và học tập. Do vậy, cần sử dụng thời gian dạy - học một cách tối đa, rút ngắn thời gian đào tạo một cách tối thiểu, nhưng chung cuộc vẫn phải đạt kết quả mong muốn.
"Hoa Kỳ là quốc gia có nền giáo dục thực dụng do vậy họ đã đạt được những thành quả kinh tế, khoa học công nghệ to lớn, mặc dù ở đó không có sức ép về thời gian học tập nhiều như ở Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.
Mô hình trường lớp hay không gian giáo dục phải đi trước thời đại, hoạch định chiến lược theo phương thức đón đầu thực tiễn dựa trên cơ sở dự báo về dân số và phát triển, nghĩa là khuôn viên trường học phải theo hướng mở, có thể phát triển rộng thêm trong tương lai khi dân số tăng trưởng.
Nếu không làm được như vậy, sẽ gây lãng phí trong đầu tư xây dựng, vì luôn phải ở trong tình trạng cơi nới lớp học, dời địa điểm trường học đi nơi khác. Thiết bị trường học phải được đầu tư theo phương thức hướng nghiệp, đầy đủ trang thiết bị, đồ dùng giảng dạy, học tập chứ không dạy và học lý thuyết suông", Phó Giáo sư Lê Công Sự nêu quan điểm.
Một nền giáo dục mở cho tất cả mọi người
Theo Phó Giáo sư Lê Công Sự, giáo dục thực dụng không đồng nghĩa với học lệch, mà trái lại đề cao giáo dục toàn diện trên tinh thần sáng tạo và tư duy độc lập hay một nền giáo dục mở.
Thực tế cho thấy, bất kì ở thời đại nào thì sản phẩm của giáo dục vẫn là con người. Trong xã hội tương lai, nếu không hội đủ các giá trị cơ bản, con người sẽ trở nên lạc hậu và bị đào thải khỏi guồng máy sản xuất hiện đại, dễ bị rơi vào cảnh thất nghiệp. Do vậy, cần triển khai một nền giáo dục mở theo hướng liên thông các giá trị, các loại kiến thức và năng lực, là nền giáo dục cho tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác. Nền giáo dục này phải đảm bảo sự phát triển bền vững xã hội và tạo ra những công dân toàn cầu có tính năng động, tích cực, biết tự xử lý linh hoạt mọi tình huống xảy ra bất trắc mà không cần chờ đợi mệnh lệnh ban hành từ phía người quản lý.
Nếu giáo dục truyền thống thiên về truyền thụ kiến thức một cách thụ động thì giáo dục hiện nay cần hướng tới phát triển tư duy sáng tạo, khơi dậy tiềm năng trong con người để họ có thể đưa ra những tri thức mới, rút tri thức từ trong (con người) ra, chứ không phải đưa tri thức từ bên ngoài (giáo viên) vào.
Bên cạnh các năng lực sáng tạo, tưởng tượng, phát minh và sáng chế, người học cần được đào tạo để có sự tự tin, bản lĩnh vững vàng, khả năng lãnh đạo và tự định hướng, tự đảm bảo cuộc sống sung túc, tự quản và đặc biệt là có năng lực giao tiếp tốt. Một nền giáo dục như vậy tất yếu sẽ đào tạo ra những con người hội đủ các thông số: IQ (chỉ số thông minh), EQ (chỉ số cảm xúc), CQ (chỉ số sáng tạo), AQ (chỉ số thành tích), PQ (chỉ số đam mê).
Giáo dục hiện nay cần hướng tới phát triển tư duy sáng tạo, khơi dậy tiềm năng trong con người để người học có thể đưa ra những tri thức mới. (Ảnh minh họa: UKA Bình Thạnh)
Năng lực tư duy sáng tạo là tiền đề của tư duy độc lập, không bắt chước, sao chép hay làm theo ý tưởng người khác mà phải biết tạo ra cái mới trong khoa học và cuộc sống. Nhật Bản và Hoa Kỳ là những quốc gia đi đầu trong giáo dục tư duy độc lập, ở đây cho ra đời những sản phẩm khoa học công nghệ phong phú với nhiều kiểu dáng, mẫu mã khác nhau.
Tư duy độc lập là cơ sở lý luận và phương pháp luận để hình thành tư duy phản biện - một hình thức đặc thù của tư duy dựa trên phân tích và đánh giá thông tin đã có theo cách nhìn khác nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của thông tin. Những thập kỷ gần đây, qua nghiên cứu tình hình xã hội hiện đại, các nhà giáo dục đã đi đến quan điểm thống nhất rằng, trường học các cấp nên chú ý và tập trung hơn vào việc dạy học sinh tư duy phản biện.
Một nền giáo dục mang tính toàn cầu
Giáo dục thực chất phải là một nền giáo dục mang tính toàn cầu và hướng tới chung sống hài hòa với tự nhiên.
Thập niên đầu thế kỷ XXI, toàn cầu hóa đã trở thành xu hướng chủ đạo chi phối đời sống nhân loại trên mọi phương diện từ kinh tế đến chính trị, văn hóa. Để có một nền giáo dục toàn cầu thì việc chia sẻ tri thức giữa các quốc gia là điều cần thiết.
Trong thời đại ngày nay, biến đổi khí hậu, sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường không còn là sự cảnh báo mà đã trở thành hiện thực. Nhân loại đang phải gánh chịu nhiều mất mát, đau thương từ sự đáp trả của thiên nhiên. Do vậy, chung sống hài hòa với tự nhiên là yêu cầu cấp thiết của cuộc sống.
Điều này đòi hỏi nền giáo dục thực chất cần phải trang bị cho người học những kiến thức cơ bản của môn Đạo đức sinh thái. Đạo đức sinh thái có nguồn gốc trực tiếp từ "Đạo đức ngưỡng mộ sự sống" do triết gia, nhà thần học Đức - người đạt giải Nobel hòa bình (1954) - Albert Schweitzer đề xuất. Theo đó "cái thiện là những gì phục vụ cho việc giữ gìn và phát huy sự sống, cái ác là những gì hủy diệt hoặc cản trở sự sống... Đạo đức là thái độ có trách nhiệm vô hạn đối với tất cả những gì đang sống" .
Giáo dục thực chất phải là một nền giáo dục mang tính toàn cầu và hướng tới chung sống hài hòa với tự nhiên. (Ảnh minh họa)
Về phương diện lịch sử, "Đạo đức sinh thái" hình thành trong quá trình con người tác động vào tự nhiên, khai thác từ giới tự nhiên những dạng nguyên - nhiên liệu thô cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của xã hội. Đạo đức sinh thái phản ánh quan hệ một chiều nghĩa là chỉ có con người chủ động quan hệ, tác động lên giới tự nhiên, tự giác tạo ra các nguyên tắc, chuẩn mực giá trị phục vụ lợi ích, để từ đó, tự điều chỉnh hành vi của mình trong quan hệ với tự nhiên.
Do vậy, để đảm bảo sự hài hòa về lợi ích lâu dài, đòi hỏi con người phải có ý thức cao về môi trường sinh thái, và do đó cần thiết phải đưa "Đạo đức sinh thái" vào trường học như một môn học cơ bản có tính bắt buộc ở tất cả các cấp. Nội dung môn học được xây dựng tùy thuộc vào trình độ nhận thức và khả năng hành động xã hội của người học. Nếu không làm vậy, việc học sẽ trở nên phiến diện, khiếm khuyết, không mang tính thực tiễn và giá trị nhân sinh.
Ngoài ra, giáo dục thực chất cần đề cao giảng dạy, học tập ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Trong thời đại ngày nay, để hòa nhập với một thế giới công nghệ cao đòi hỏi mỗi "công dân mạng" phải tự trang bị cho mình ngoại ngữ với tư cách là một phương tiện giao tiếp.
Bởi vì, ngôn ngữ thông dụng trên internet chính là tiếng Anh, hiện nay tiếng Anh đang trở thành phương tiện giao tiếp quốc tế và truyền bá khoa học.
"Thực tế cho thấy các quốc gia nói tiếng Anh đa phần có tiềm lực kinh tế, nên cũng dễ dàng phát triển mạnh về phương diện văn hoá, khoa học...để tiếp nhận văn hoá - khoa học của cộng đồng nói tiếng Anh, không còn sự lựa chọn nào khác ngoài phải tự học tập, sử dụng thành thạo ngôn ngữ này trong giao dịch quốc tế.
Kinh nghiệm các nước giảng dạy đại học bằng tiếng Anh như Ấn Độ, Singapore, Cộng đồng châu Âu cho thấy, muốn phát triển thương mại, ngân hàng, du lịch, muốn tiếp cận nhanh công nghệ thông tin, muốn đứng đầu trong lĩnh vực lập trình phần mềm và chung cuộc, muốn hội nhập kinh tế quốc tế, hòa cùng làn sóng toàn cầu thì không còn cách nào khác ngoài trau dồi khả năng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh", thầy Sự khẳng định.
Về phương châm xây dựng nội dung, chương trình giáo dục, cần phải tham khảo quan điểm của nhà tư tưởng Ấn Độ - Jidu Krishnamurti, đó là phương châm giáo dục phải bắt nguồn từ cuộc sống và hướng tới cuộc sống sinh động, nội dung giáo dục phải phản ánh ý nghĩa đích thực của cuộc sống hiện thời.
Trên bình diện thực tế, chúng ta thấy, ý nghĩa cuộc sống dường như có giá trị như nhau ở mọi quốc gia, mọi dân tộc, mọi thời đại; bởi vì cuộc sống hoàn toàn bình đẳng đối với mọi người, nên giáo dục đúng theo nghĩa chân chính cũng cần phải mang những giá trị phổ quát toàn nhân loại, đó là hình thành các giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Nếu làm được như vậy, giáo dục đã thực hiện chức năng dân chủ của nó.
Phó Giáo sư Lê Công Sự khẳng định, một nền giáo dục thực chất được xây dựng bởi nhiều thành tố khác nhau, trong đó nhân lõi chính là nội dung và phương châm giáo dục. Bởi vì, nội dung giáo dục quyết định chất lượng sản phẩm đào tạo, tức nguồn lực con người; còn phương châm giáo dục quyết định tính thực tiễn, giá trị đích thực của giáo dục.
Xây dựng một nền giáo dục thực chất là điều kiện tiên quyết trong mục đích đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra với tốc độ sâu rộng, mạnh mẽ như hiện nay, giáo dục Việt Nam đang có nhiều cơ hội để học hỏi các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, tiếp nhận những tri thức hiện đại.
Bên cạnh những thuận lợi thì nền giáo dục nước ta vẫn còn những khó khăn, bất cập về cơ sở vật chất, sự thiếu đồng đều về trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên... Trong đó, khó khăn rào cản lớn nhất đó là chúng ta đang thiếu một triết lý và phương châm giáo dục đúng nghĩa. Điều này đòi hỏi các trường đại học sư phạm phải gánh vác trách nhiệm trước xã hội; với tư cách là cơ sở đào tạo các thế hệ người thầy, trường sư phạm phải là nơi hội tụ lực lượng trí tuệ ưu tú nhất của xã hội, là trung tâm nghiên cứu giáo dục và xây dựng triết lý giáo dục làm "hoa tiêu" cho nền giáo dục thực chất của nước nhà, làm được như vậy giáo dục Việt Nam mới hy vọng thoát khỏi những khó khăn hiện tại, cất cánh và đuổi kịp giáo dục quốc tế trong tương lai.
Nghe học sinh vùng nông thôn Hà Tĩnh thuyết minh về địa chỉ đỏ bằng tiếng Anh Tích cực áp dụng các phương pháp giáo dục hiện đại vào những tiết học, Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã tạo hứng thú học tập cho học sinh. Video: Học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi tự làm video thuyết minh di tích lịch sử - văn hóa bằng Tiếng Anh. Em Đặng Quỳnh Trâm, học sinh 10A5...