Thắp lửa nghề bằng lòng tâm huyết và sự say mê sáng tạo
21 năm trong nghề, thầy Hoàng Đức Mạnh luôn tận tâm, không ngừng đổi mới trong dạy học, nắm vững tâm lý học trò, truyền ngọn lửa đam mê học tập môn Lịch sử đến các thế hệ HS.
Thầy Hoàng Đức Mạnh truyền niềm đam mê học đến học trò.
13 năm làm công tác chủ nhiệm lớp, HS cá biệt của các lớp do thầy Hoàng Đức Mạnh- Tổ phó Tổ KHXH, GV Lịch sử Trường THCS Lê Thanh (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) chủ nhiệm đều tiến bộ trong rèn luyện và học tập. Đặc biệt, thầy Mạnh đã có sáng kiến thành lập và duy trì Câu lạc bộ “Goodbye game”.
Thầy Mạnh cho biết, năm 2014, tôi thành lập CLB “Goodbye game” để tập hợp những HS mải chơi và nghiện game online tham gia, đến nay CLB vẫn tiếp tục được duy trì. Qua hoạt động này, nhiều HS đã thoát được nghiện game, có ý thức vươn lên trong học tập và rèn luyện, nhiều em đã đỗ vào các trường đại học.
Không chỉ là một GV chủ nhiệm nhiệt tình, tâm huyết, có phương pháp chủ nhiệm hay, trong nhiều năm qua, thầy Hoàng Đức Mạnh còn tham gia ôn luyện bồi dưỡng đội tuyển HSG Lịch sử của trường, của huyện và đã bồi dưỡng được 121 HS giỏi cấp tỉnh, thành phố trong đó có nhiều giải Nhất.
Thầy Hoàng Đức Mạnh hạnh phúc bên học trò.
Chia sẻ về công tác bồi dưỡng HSG, thầy Mạnh bộc bạch, “vì môn Lịch sử không phải là môn chính, nên khi bồi dưỡng đội tuyển HSG, khó khăn tôi gặp phải chính là sự cản trở từ gia đình HS, cách nhìn nhận của xã hội. Nhưng cũng có thuận lợi là HS yêu quý tôi, vì tôi đã truyền được ngọn lửa đam mê môn học đến cho các em.
Do đó, các em đã nhiệt tình tham gia. Khi bồi dưỡng cho các em, tôi cũng không đặt nặng thành tích, mà luôn động viên HS cố gắng để nếu được vào đội tuyển cấp thành phố các em sẽ được giao lưu với nhiều thầy cô, bạn bè, được cọ sát mở rộng tầm hiểu biết của mình.
Video đang HOT
Với tôi, thành công của HS chính là động lực lớn nhất để tôi vượt qua tất cả khó khăn gắn bó với nghề. Tôi cũng mong muốn làm sao có thể thu hẹp khoảng cách trình độ giữa thành thị và nông thôn”.
Liên tục sáng tạo, không bằng lòng với hiện tại, tích cực tham gia các phong trào thi đua của ngành, nhiều năm liền, thầy Hoàng Đức Mạnh đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; đạt danh hiệu GVDG cấp thành phố; có nhiều SKKN đạt giải A cấp huyện, 4 SKKN xếp loại B, C cấp thành phố; đạt giải Ba cấp thành phố thiết kế bài giảng E – learning lần thứ 4, có sản phẩm lọt vào chung khảo cấp quốc gia.
Năm 2015, thầy giáo Hoàng Đức Mạnh được tặng Kỷ niệm chương Vì thế hệ trẻ; 2 lần được công nhận người tốt việc tốt cấp huyện. Năm 2018, được UBND thành phố tặng danh hiệu người tốt, việc tốt; Sở GD&ĐT Hà Nội và Công đoàn ngành giáo dục trao tặng giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” năm 2019. Năm 2020, thầy được UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen.
Thầy Hoàng Đức Mạnh chia sẻ: Những danh hiệu và giải thưởng này chính là động lực để tôi tiếp tục nỗ lực học hỏi, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn ngày càng hoàn thiện bản thân vững tin cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người”, cho nghề dạy học cao quý mà tôi đã lựa chọn.
Không giấu được niềm tự hào khi nói về thầy Hoàng Đức Mạnh, thầy Nguyễn Văn Ban – Hiệu trưởng Trường THCS Lê Thanh (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết: Thầy Mạnh là một GV có năng lực chuyên môn tốt. Trong quá trình công tác tại trường chúng tôi, thầy đã có nhiều đóng góp cho nhà trường.
Thầy chính là một tấm gương sáng về sự tâm huyết và sáng tạo để các GV trẻ trong trường noi theo. Không ngừng nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê, sự đam mê sáng tạo và lòng yêu nghề của thầy đã lan tỏa tới tất cả GV trong trường để tập thể GV cùng nhau nỗ lực thi đua đưa trường THCS Lê Thanh ngày càng phát triển xứng đáng với niềm tin của các cấp lãnh đạo, các bậc phụ huynh và toàn xã hội.
Chương trình mới cần đổi mới đánh giá chất lượng, tránh bội thực dự giờ thăm lớp
Trong giai đoạn thay đổi chương trình, thay sách giáo khoa thì việc sinh hoạt chuyên môn cũng cần xoáy vào việc tìm hiểu sâu về chương trình mới, đọc, nghiền ngẫm
Ngành giáo dục hiện đang thực hiện công cuộc đổi mới được kỳ vọng là lớn nhất từ trước đến nay. Để góp phần đạt được mục tiêu to lớn ấy thì vai trò của nhà trường vô cùng quan trọng.
Một tiết dạy dự giờ VNEN (Báo Quảng Ngãi)
Tuy nhiên, không ít trường học hiện nay vẫn chưa thật sự chuyển mình, cách làm việc, cách tổ chức sinh hoạt chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng dạy và học vẫn đang trung thành với kiểu xưa cũ, thể hiện rõ nhất là việc dự giờ thăm lớp giáo viên.
Bội thực với dự giờ
Không ít cán bộ quản lý trường học hiện nay vẫn thường mặc định, đánh giá một giáo viên phải thông qua dự giờ, để nâng cao chất lượng dạy và học cũng cần phải dự giờ...
Vì thế, một năm, giáo viên nhiều trường tiểu học phải dạy và dự giờ không hề ít. Hoạt động này, không chỉ tạo áp lực cho giáo viên mà cũng không mang lại lợi ích thiết thực như nâng cao chất lượng giảng dạy như nhiều người vẫn nghĩ.
Có thể kể đến dự giờ đột xuất, dự giờ giáo viên chuyển đến, dự giờ giáo viên chuyển khối, dự giờ chuyên môn tổ, dự giờ thao giảng trường, dự giờ thao giảng cụm, dự giờ thao giảng thị xã, hội giảng cấp trường chào mừng các ngày lễ...và chưa kể dự giờ thanh tra khi trường có kiểm tra.
Để chuẩn bị cho những tiết dạy dự giờ giáo viên phải bỏ ra rất nhiều thời gian chuẩn bị cho mình, cho học sinh. Nào là chuẩn bị đồ dùng dạy học, chuẩn bị trò chơi cho tiết dạy sinh động, rồi phải gà bài, mớm bài, dạy đi dạy lại không ít lần.
Vì thế tiết dạy nào cũng hoàn hảo, học sinh lớp nào học cũng tốt, cũng giỏi nên rất khó học tập cũng như đánh giá những khó khăn học sinh đang mắc phải để có biện pháp giúp đỡ.
Nâng cao chất lượng chuyên môn đâu mỗi chỉ mỗi dự giờ?
Nếu dự một giờ học tự nhiên thì thông qua tiết dạy đó, giáo viên mới biết được những khó khăn học sinh đang gặp phải do chương trình quá nặng hay do giáo viên triển khai phương pháp dạy học chưa hợp lý?
Từ đó, các thầy cô giáo mới rút ra kinh nghiệm điều chỉnh kiến thức và phương pháp giảng dạy cho phù hợp.
Thế nhưng trước một tiết dạy cái gì cũng hoàn hảo thì những lời góp ý sẽ trở nên dư thừa và vô ích.
Không chỉ thế, để đánh giá một phương pháp dạy học mới, một mô hình giáo dục mới mà chỉ căn cứ vào những tiết dự giờ như vậy sẽ làm cho những nhận xét không sát với thực tế.
Đây cũng chính là nguyên nhân vì sao mô hình dạy học, hay những tiết dạy thực nghiệm chuyên đề, thực nghiệm sách giáo khoa trong thời gian thử nghiệm luôn được đánh giá tốt nhưng khi đưa vào dạy thực tế thường vấp phải những phản ứng trái chiều.
Có nhiều biện pháp thiết thực nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn
Một số cán bộ quản lý thường mặc định sinh hoạt chuyên môn là phải dự giờ để trao đổi kinh nghiệm học hỏi lẫn nhau. Bởi thế, giáo viên trong trường có bao nhiều đều phải lên tiết dự giờ cho toàn trường dự bấy nhiêu.
Mỗi buổi sinh hoạt chuyên môn thường dự 2 tiết dạy, rồi góp ý, nhận xét cũng quá trưa chưa xong nhưng rốt cuộc cũng chẳng ai học hỏi được gì nhiều. Bởi, ai cũng hiểu ở lớp mà dạy y chang những tiết dạy dự giờ thì nhiều học sinh sẽ không thể theo kịp.
Để nâng cao chất lượng dạy và học đâu chỉ mỗi dự giờ? Việc giáo viên ngồi lại với nhau trao đổi những kinh nghiệm, đưa ra những biện pháp bản thân đã và đang sử dụng hiệu quả sẽ bổ ích hơn nhiều.
Đó là biện pháp nào để giúp học sinh học yếu theo kịp chương trình? Biện pháp nào bồi dưỡng học sinh khá, giỏi đạt hiệu quả? Làm cách nào để học sinh hứng thú với học tập? Hay, cách nào để giáo dục học sinh cá biệt? Làm thế nào để học sinh ngoan hơn?...
Ngoài ra, cả tổ sẽ cùng nhau nghiên cứu một số bài học của các môn học trong tuần cùng đưa ra phương pháp dạy, hình thức tổ chức lớp học sao cho sinh động, cách vào bài gây hứng thú cho học sinh, cách tổ chức trò chơi học tập sinh động...
Những khó khăn vướng mắc trong khi dạy ở lớp, giáo viên có thể chia sẻ ra trong buổi sinh hoạt chuyên môn để cùng nhau tháo gỡ...
Những điều này sẽ thiết thực hiệu quả hơn rất nhiều việc chỉ tập trung vào tiết dự giờ và cố tìm ra những lỗi sai của đồng nghiệp để còn góp ý.
Và, ngay trong giai đoạn thay đổi chương trình, thay sách giáo khoa thì việc sinh hoạt chuyên môn cũng cần xoáy vào việc tìm hiểu sâu về chương trình mới, đọc, nghiền ngẫm những bài học trong sách để tự điều chỉnh, thay thế khi chưa thật hợp lý vẫn hiệu quả hơn ngàn vạn lần kiểu sinh hoạt chuyên môn nặng dự giờ như hiện nay.
Thầy cô phải làm sao nếu gặp học sinh cá biệt, thách thức? Chẳng thầy cô giáo nào muốn phê bình, quở trách học trò làm gì nhưng một bộ phận học trò bây giờ không đơn giản chỉ nhắc nhở, động viên mà các em nghe lời... Bắt đầu từ ngày 1/11/2020 này, khi mà Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực thì giáo viên không còn được phê bình học sinh trung học cơ sở,...