Tháo nút nghẽn: ‘Hàng thiết yếu’ bị hiểu chỉ là lương thực thực phẩm
Trừ những mặt hàng không thiết yếu, bị hạn chế lưu thông có trong danh mục, tất cả các loại hàng hóa còn lại phải được lưu thông để phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của người dân cũng như hoạt động sản xuất, xuất khẩu…
Nhiều doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn trong thủ tục vận chuyển hàng hóa – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo nhiều chuyên gia và doanh nghiệp (DN), đề xuất này vừa được Bộ Công thương gửi Thủ tướng Chính phủ nhằm khơi thông cho vận chuyển hàng hóa là rất cần thiết và kịp thời, tránh tình trạng mỗi nơi “định nghĩa” hàng thiết yếu một kiểu, gây ra tình trạng ngăn sông cấm chợ.
Tài xế chạy lòng vòng tìm lối đi
Nhiều DN vận tải cho biết dù UBND TP.HCM vừa có văn bản tháo gỡ vướng mắc trong khâu lưu thông hàng hóa nhưng DN vẫn bị nghẽn ở các chốt kiểm tra tại cửa ngõ TP.HCM. Như sáng 28-7, theo ông Nguyễn Ngọc Thanh – giám đốc Công ty vận tải Kim Phát (Q.12), DN này có xe từ TP.HCM bỏ hàng ở Bình Dương, khi quay về qua cầu Phú Cường bị ngăn lại với lý do xe chạy rỗng không có chở hàng thiết yếu dù tài xế xuất trình giấy tờ như: giấy xét nghiệm âm tính, biên nhận giao hàng ở Bến Cát (Bình Dương)…
Sáng cùng ngày, một xe hàng khác của DN này đi qua tỉnh lộ 10, khu vực giáp giữa huyện Bình Chánh và Khu công nghiệp Đức Hòa (Long An), cũng không được qua. Tài xế phải quay xe lại, tìm đường khác mới vào được TP.HCM.
“Chúng tôi đã khoanh đỏ điểm lưu ý về lưu thông của UBND TP.HCM để tài xế sử dụng có thể xuất trình với chốt kiểm tra khi cần thiết. Tuy nhiên, mỗi chốt áp dụng cách hiểu khác nhau, DN phải chạy lòng vòng tìm hướng vào TP.HCM khiến chậm trễ cho xe vận chuyển hàng tiếp theo” – ông Thanh nói.
Ông Nguyễn Tấn Lực – trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH Việt Nam Chemical Logistics – cho biết có chuyến xe vận chuyển mặt hàng giấy cuộn để làm thùng cáctông và bao bì đóng gói đi qua chốt trên đường DT747, đoạn vào Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng, nhưng không được qua vì lý do không phải mặt hàng thiết yếu. Tài xế có trình giấy tờ đầy đủ, giấy xét nghiệm SAR-COV2 được 2 ngày và đã giải thích đây là nguyên vật liệu sản xuất nhưng vẫn không được cho qua.
Theo ông Lực, các nhân viên kiểm tra ở chốt này yêu cầu phải có mã QR, có giấy xác nhận “3 tại chỗ” được cơ quan địa phương chứng thực và phải đảm bảo điều kiện “2 vị trí, 1 cung đường”. “Tôi có gọi giải thích với chốt kiểm tra đây là nguyên vật liệu sản xuất được phép vận chuyển, nhưng họ vẫn không cho đi. Nếu tài xế không quay đầu xe, đứng lâu sẽ bị lập biên bản. Tài xế quay đầu xe, tìm hướng qua các chốt khác thì được vào” – ông Lực nói.
Ông Nguyễn Lâm Vinh – giám đốc Công ty vận tải Lâm Vinh (Q.7) – cho rằng các DN không chỉ gặp khó khăn trong thủ tục vận chuyển hàng hóa mà chi phí xét nghiệm cũng là một gánh nặng, nhất là trong bối cảnh doanh thu sụt giảm mạnh. Theo Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam, cần phải có một quy định thống nhất, đặc biệt cách áp dụng kiểm tra tại các chốt, để tạo điều kiện cho DN vận chuyển, tránh trường hợp “văn bản chỉ đạo cấp trên nhưng cấp dưới không làm theo”.
Công an TP Long Xuyên kiểm tra các xe chở hàng ra vào tỉnh An Giang – Ảnh: BỬU ĐẤU
Video đang HOT
Dân thiếu hàng, DN đội chi phí
Theo các nhà bán lẻ, hoạt động vận chuyển phải đáp ứng được mục tiêu đưa hàng thiết yếu đến tay người tiêu dùng, bảo đảm không lây nhiễm COVID-19 chứ không phải nằm ở việc phân biệt hàng hóa thiết yếu cỡ nào. Tuy nhiên, cách quản lý hiện nay đang làm cho việc đưa hàng hóa đến tay người dùng khó khăn và chi phí tốn kém hơn.
Ông Nguyễn Nhơn Quý – đại diện AEON Việt Nam – cho biết việc kiểm tra những giấy tờ mà các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu ra vào TP cần xuất trình chưa được triển khai đồng bộ tại các chốt kiểm soát, dẫn đến một số nhà cung cấp giao hàng trễ hoặc không thể giao hàng đến siêu thị.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Bích Vân – giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam, việc giãn cách xã hội có thể ảnh hưởng tới thời gian giao hàng, nhưng khó nhất vẫn là mỗi chốt kiểm soát áp dụng một kiểu định nghĩa “sản phẩm thiết yếu” càng khiến khâu vận chuyển khó khăn hơn.
“Vì vậy hầu hết xe chở hàng của chúng tôi, dù đã đăng ký và được cơ quan chức năng TP.HCM cấp mã QR ưu tiên luồng xanh di chuyển nhưng việc vận chuyển hàng về TP bao giờ cũng khó khăn, một số phải nằm đợi đến khi được đi lại theo quy định mới mới về được các điểm bán” – bà Vân cho biết.
Không chỉ khó khăn trong hệ thống vận chuyển hàng hóa, các nhà bán lẻ và sàn thương mại điện tử còn gặp khó khăn trong khâu phân phối hàng hóa đến tay khách hàng. Trong sáng 28-7, một nhà ứng dụng gọi xe cho biết một tài xế đã bị phạt 2 triệu đồng vì chở hàng không thiết yếu là đơn hàng từ một cửa hàng kinh doanh… thịt bò.
Theo đại diện Saigon Co.op, các đơn đặt hàng online tăng mạnh nhưng nhân sự của các đối tác giao hàng nghỉ nhiều vì sợ bị phạt; nhân sự của đơn vị hỗ trợ nhiều khâu, nhiều trường hợp bị cách ly dẫn đến việc giao hàng cho người dân bị quá tải thêm.
“Quy định mới về điều kiện hoạt động và danh mục hàng hóa được vận chuyển rất hạn chế khiến hàng loạt shipper tắt app không nhận vận chuyển, chúng tôi đang phải tìm nhiều giải pháp để tránh đơn hàng ùn ứ quá nhiều” – vị này nói.
Một lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM thừa nhận có tình trạng các cơ quan kiểm soát đánh giá hàng thiết yếu tập trung vào lương thực thực phẩm. Đây là điều khá cứng nhắc, dẫn đến nhiều hàng hóa tiêu dùng cũng cần thiết với người dân nhưng không được tạo điều kiện thuận lợi để vận chuyển.
“Chúng tôi sẽ sớm làm việc với Sở GTVT để có thống nhất trong giải quyết lưu thông hàng hóa thiết yếu” – vị này nói.
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ của tài xế tại chốt quốc lộ 1K địa phận TP.HCM giáp tỉnh Bình Dương – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sẽ sớm có danh mục hàng không thiết yếu
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 28-7, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho hay cơ bản đồng ý với đề xuất của Bộ Công thương, đang lấy ý kiến các bên liên quan và sẽ có văn bản thông báo triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, Bộ Công thương đã có văn bản hỏa tốc gửi Thủ tướng đề xuất Chính phủ ban hành danh mục hàng hóa “cấm lưu thông” thay vì liệt kê danh mục “hàng hóa thiết yếu” được phép lưu thông nhằm hạn chế cách hiểu mỗi nơi mỗi kiểu, gây nhiều khó khăn.
Theo đó, ngoại trừ các hàng hóa nằm trong danh mục 19 hàng hóa, dịch vụ cấm hoặc hạn chế lưu thông (được ban hành từ tháng 5-2014 trên cơ sở hướng dẫn từ nghị định số 59/2006/NĐ-CP), các hàng hóa, dịch vụ còn lại sẽ được cấp “thẻ xanh” để lưu thông.
Theo nhiều DN, nếu đề xuất này được thông qua, hoạt động lưu thông hàng hóa sẽ được tháo nút thắt bởi đang có tình trạng mỗi địa phương, khu vực “định nghĩa” hàng hóa thiết yếu một kiểu, chưa kể nhiều loại hàng hóa là đầu vào của những mặt hàng thiết yếu khác, hàng hóa xuất khẩu…
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho biết rất ủng hộ đề xuất của Bộ Công thương. Tuy vậy, cần rà soát tiếp các mặt hàng, sản phẩm nào chưa bức thiết để đưa vào danh mục cần hạn chế. Bộ Công thương phải chủ trì lấy ý kiến các bộ về danh mục này.
Ngoài ra, cần có quy trình thống nhất trong vận chuyển đảm bảo việc lưu thông gắn với phòng chống dịch COVID-19, như áp dụng các biện pháp phòng hộ, bảo hộ y tế, thiết lập luồng xanh như Bộ GTVT đang làm. Có quy trình vận tải hàng hóa thống nhất trong các khâu về kiểm soát phòng dịch.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang – phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội – cho rằng không thể quản lý hết được các sản phẩm, hàng hóa, nguyên vật liệu được vận chuyển trên đường mà chỉ quản những sản phẩm cấm lưu thông thôi, tức là danh mục hàng cấm – hàng hạn chế vận chuyển. “Trong bối cảnh dịch bệnh là chưa có tiền lệ, khi triển khai thực hiện các biện pháp phải vừa làm vừa rút
kinh nghiệm, lắng nghe ý kiến của đối tượng bị tác động để điều chỉnh bổ sung trên nguyên tắc vì lợi ích sức khỏe của nhân dân là trên hết” – ông Giang nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Bảo đảm vận chuyển hàng hóa thông suốt
Chiều 23/7, tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức cuộc họp giao ban trực tuyến về vận chuyển hàng hóa với Sở Giao thông vận tải 63 tỉnh, thành phố.
Doanh nghiệp vận tải được cấp thẻ nhận diện để vận chuyển hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh và ngược lại. Ảnh: TTXVN
Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh đến việc ngành giao thông vận tải phải đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa được thông suốt.
Báo cáo tại cuộc họp, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đánh giá chung về tình hình giao thông tại các chốt kiểm dịch trên các tuyến quốc lộ, cao tốc và các chốt trên các tuyến đường đến TP Hồ Chí Minh trong hai ngày 22,23/7 cơ bản thông thoáng, không xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Tình hình giao thông tại các chốt kiểm dịch tại Hà Nội và Hải Phòng cũng không xảy ra ùn tắc. Đặc biệt, không phát sinh điểm ùn tắc nghiêm trọng trên phạm vi cả nước.
Về vận tải hàng hóa theo "luồng xanh" đường thủy, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đến nay, không phát sinh khó khăn, vướng mắc. Đối với trạm thu phí BOT, theo chỉ đạo đến ngày 23/7, đã có 23 trạm thực hiện việc dừng thu phí để hỗ trợ phòng, chống dịch.
Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, tình hình giao thông trên địa bàn Thành phố và cửa ngõ ổn định, lưu lượng giảm 70% so với trước khi áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, sản lượng hàng hóa qua các cảng thủy nội địa, cảng hàng hóa giảm khoảng 1 - 2%. Vận tải hàng hóa thông thoáng, đáp ứng nhu cầu sản xuất và nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân. Đến nay, TP Hồ Chí Minh chỉ còn cấp QR Code cho các phương tiện vận tải lưu thông đi qua và đi đến Thành phố.
Tại Thủ đô, theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, tình hình giao thông ổn định. Tuy nhiên, khi thành phố áp dụng Công điện 16/CĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội, tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài có hiện tượng lúng túng khi phân loại khách để tổ chức cách ly y tế bắt buộc do nhiều khách đi về địa phương khác...
Thành phố Hà Nội đề nghị các địa phương sẵn sàng đón công dân từ vùng dịch về, phải thống nhất với địa phương trong khu vực đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các điều kiện liên quan, đối tượng, phương án di chuyển; có thể thông qua các hãng hàng không, cảng hàng không nơi đi để nắm bắt thông tin chuyến bay, số lượng khách có nhu cầu về địa phương từ vùng dịch. Trên cơ sở đó, tỉnh chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) kết nối, rà soát, thống kê danh sách người về địa phương qua Cảng hàng không quốc tế Nội Bài để chủ động bố trí phương tiện, phương án đón và cách ly theo quy định của địa phương mình...
Theo báo cáo của các Sở Giao thông vận tải, lũy kế tính đến ngày 23/7, đã cấp QR Code lưu thông "luồng xanh" cho 42.817 xe. Tuy nhiên, theo phản ánh vẫn còn tình trạng một số địa phương như Đồng Tháp, Vĩnh Long và Long An khi xe ngoại tỉnh qua chốt có mã QR Code vẫn kiểm tra giấy xét nghiệm còn hiệu lực đối với lái xe và người phục vụ theo xe khi vào địa phương, mặc dù Bộ Y tế đã có hướng dẫn mới là không kiểm tra giấy xét nghiệm COVID-19 đối với các tỉnh, thành phố đang cùng áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết, trong thời gian 2 ngày qua, Bộ Giao thông vận tải và trực tiếp Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục chuyên ngành đã tập trung hướng dẫn, đôn đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố khẩn trương nghiên cứu, lập phương án tổ chức giao thông cho các phương tiện lưu thông tại địa phương mình và quá cảnh qua các tỉnh, thành phố trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19 có áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg. Bên cạnh đó, hướng dẫn một số nội dung liên quan đến quản lý phương tiện, người lái xe, tổ chức vận tải và việc áp dụng "luồng xanh" vận tải, các quy định của Bộ Y tế.
Đặc biệt, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho các đơn vị vận tải truy cập, sử dụng phần mềm để đăng ký cấp giấy nhận diện phương tiện có mã QR Code; yêu cầu Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố bố trí cán bộ thường trực để tiếp nhận đăng ký và cấp mã QR Code. Mặt khác, thực hiện kiểm tra, giải quyết ngay việc cấp mã cho toàn bộ phương tiện đã cung cấp đủ thông tin hợp lệ trên phần mềm, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp được giải quyết nhanh chóng, kịp thời và công khai, minh bạch trong các quy trình.
Sáng 23/7, Bộ Giao thông vận tải và Uỷ ban an toàn giao thông Quốc gia đã tổ chức đoàn kiểm tra về phòng, chống dịch COVID-19 tại cảng Tân Vũ, cảng Hoàng Diệu (Hải Phòng). Kết quả kiểm tra cho thấy, việc phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện khá chặt chẽ theo đúng chỉ đạo của Bộ Y tế; thủ tục kiểm tra nhanh gọn nên các chốt ra vào cảng không bị ùn tắc. Các nhân viên làm việc tại cảng được xét nghiệm SARS-COV-2 thường xuyên theo quy định. Các lái xe ra vào cảng phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2 mới được lưu thông. Các đơn vị này đã bố trí điểm tập kết cho lái xe, đồng thời, có lực lượng y tế kiểm tra test nhanh cho các lái xe và nhân viên tại cảng.
Tổ công tác đặc biệt và 4 tổ kiểm tra của Bộ Giao thông vận tải trong thời gian qua vẫn tích cực kiểm tra tình hình thực hiện các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 tại các doanh nghiệp vận tải; các đầu mối xuất, nhập khẩu hàng hóa tại các cảng, bến hàng hải, đường thủy nội địa khu vực phía Nam.
Đối với các chốt kiểm soát dịch trên quốc lộ, Bộ Giao thông vận tải cho hay, qua kiểm tra xác suất 19 trường hợp có mã nhận dạng QR Code, các tài xế và người đi cùng trên xe đều có xét nghiệm âm tính theo quy định.
Việc phòng, chống dich tại các khu vực bến cảng được thực hiện khá chặt chẽ, cụ thể như: Các nhân viên làm việc tại cảng được xét nghiệm SARS-COV-2 thường xuyên theo quy định, khi có kết quả âm tính mới được đi làm. Các lái xe ra vào cảng phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2 mới được lưu thông. Các thủy thủ trên tàu khi cập bến không vào cảng, chỉ có một người vào làm thủ tục thì phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2. Ở cảng bố trí luồng riêng và kiểm soát dịch từ lái xe; có lực lượng y tế kiểm tra test nhanh cho các lái xe nhận hàng và nhân viên tại cảng. Một số cảng khi xe vào cảng được xịt khử khuẩn.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho hay, hiện nay, Bộ Công Thương đã cam kết đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã cam kết về việc đảm bảo lương thực, thực phẩm, rau quả... cung cấp cho nhân dân. Vì vậy, ngành giao thông vận tải phải đảm bảo việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa đến các tỉnh đang có dịch.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các tỉnh, thành phố bám sát các hướng dẫn mới của Bộ Y tế để áp dụng thống nhất trong kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận tải hàng hóa đã có QR Code, giấy xét nghiệm của lái xe khi lưu thông qua các chốt theo nguyên tắc kiểm tra ngẫu nhiên, tiền kiểm, hậu kiểm.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu các địa phương phải sử dụng phần mềm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để quản lý, cấp giấy thông hành "luồng xanh" (qua mã QR Code) cho các doanh nghiệp và phương tiện có nhu cầu; tổ chức thực hiện liên tục, nhanh chóng và thuận tiện, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tiêu cực.
Để tránh bị động và phát sinh ùn tắc kéo dài nghiêm trọng, Bộ trưởng cũng yêu cầu các địa phương khác trên cả nước (ngoài 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội), khi áp dụng các quy định phòng, chống dịch có ảnh hưởng đến hoạt động vận tải, cần phải có sự chuẩn bị trước, thông báo, tuyên truyền rộng rãi để các đối tượng liên quan biết và chủ động thực hiện.
Tạo điều kiện thuận lợi cho một số loại phương tiện ra, vào Hà Nội Ngày 28/7, UBND thành phố Hà Nội cho biết vừa ban hành văn bản số 2401/UBND-ĐT về việc tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, phục vụ phòng chống dịch, công vụ, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia được lưu thông khi đi, đến hoặc đi qua thành phố Hà Nội. Các xe chở...