Thanh Hóa: Xúc động hình ảnh giáo viên vượt hiểm nguy đến trường cho kịp lễ khai giảng
Mùa tựu trường năm nay vào đúng thời điểm trên địa bàn Thanh Hóa mưa lũ diễn ra. Đặc biệt, khu vực huyện miền núi Mường Lát (Thanh Hóa) đường sá hư hỏng, giao thông chia cắt. Thế nhưng, để kịp cho ngày mai lễ khai giảng, các thầy cô đã liều mình vượt qua nguy hiểm, đi cả trăm cây số đường rừng để lên điểm trường.
Những ngày qua, huyện Mường Lát có mưa lớn, cùng với mực nước sông dâng cao nên đã gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn nhiều xã, thị trấn của huyện. Trong đó nặng nhất các xã Tam Chung, Trung Lý, Pù Nhi, Nhi Sơn, Mường Lý.
Hình ảnh thầy Hoàng Lê Thành – Hiệu trưởng trường Tiểu học Tam Chung dò dẫm từng bước chân đi bộ hàng chục km trên những cung đường sạt lở.
Thiệt hại nặng nề nhất đó là hệ thống đường giao thông bao gồm các quốc lộ 15C, 16, đường tỉnh và đường liên thôn, liên bản. Các điểm sạt lở nặng do ảnh hưởng của cơn bão số 4 vừa qua mới được giải tỏa, thông tuyến chưa lâu, nay lại tiếp tục bị sạt lở với khối lượng đất đá lớn hơn rất nhiều, nặng nhất là tuyến quốc lộ 15C từ xã Trung Lý đi thị trấn Mường Lát với hàng chục điểm sạt lở, khiến cho tuyến đường này tê liệt hoàn toàn.
Tuyến đường 16 từ xã Trung Lý đi cầu Chiềng Nưa (xã Mường Lý), nối với xã Tam Chung và thị trấn cùng bị chia cắt hoàn toàn do có nhiều điểm sạt lở nặng, các phương tiện giao thông không thể di chuyển qua được. Ngoài ra, tình trạng sạt lở, ngập úng cũng đã làm hư hỏng, vùi lấp và gây chia cắt nhiều tuyến đường giao thông khác, nhiều thôn, bản bị cô lập hoàn toàn.
Để vào được các điểm trường, các thầy cô giáo phải đi qua những cung đường khủng khiếp như thế này.
Rất nhiều các thầy cô giáo công tác ở Mường Lát đều xuất thân từ miền xuôi. Để kịp cho lễ khai giảng, các thầy cô giáo đã bất chấp đường sá đi lại khó khăn, bất chấp cả sự hiểm nguy vượt hàng trăm cây số để đến với học trò.
Cô giáo Trịnh Kim Quế có thâm niên 14 năm gieo chữ ở những bản xa xôi nhất Mường Lát, mỗi tuần cô vẫn vượt mấy trăm cây số bằng xe máy về thành phố với gia đình. Thế nhưng, cô tâm sự rằng, 14 năm qua chưa bao giờ cô gặp cảnh kinh hoàng như lần này.
Cô giáo Quế vẫn chưa hoàn hồn khi đi trên chiếc thuyền để vào bản Cá Giáng khi mực nước dâng cao và củi khô tràn ngập sông.
“14 năm trước khi đặt chân lên đây, sự rậm rạp âm u của rừng núi không làm mình sợ mà chùn bước. Vậy mà 14 năm sau mình đã chùn bước vì cảnh tượng này. Lần đầu tiên sau 14 năm mình đã đi một chặng đường thật khủng khiếp. Hơn 4 tiếng ngồi xe ô tô, 2 tiếng đi xe ôm, 3 tiếng cuốc bộ trong bùn lầy, 4 tiếng lênh đênh trên thuyền, rồi lại hành quân bộ trong nước, bùn ngập đầu gối mới lên được với học trò. Đúng là vượt một chặng đường mà giờ nghĩ lại vẫn không thể nào tin được mình đã đi qua được như thế” – cô giáo Quế tâm sự.
Lên đến điểm trường Cá Giáng (khu lẻ của Trường Tiểu học Trung Lý), cô mới hoàn hồn biết mình vẫn còn sống. “Mấy tiếng đồng hồ đi bộ dưới đường vỡ nát, nhiều đoạn bùn nhão nhoẹt ngập ngang bụng, đá lởm chởm, cây cối đổ khắp nơi, mệt, sợ và tủi thân nên khóc cả đoạn đường, người ta còn trêu mình, nước mắt cô giáo đủ làm một đập thủy điện Trung Sơn mới rồi” – cô giáo Quế chia sẻ.
Nhiều nơi, bùn ngập đến đầu gối hoặc ngang bụng, thầy cô vẫn cố gắng vượt qua để đến với học trò thân yêu.
Để có thể kịp để ngày mùng 5 tổ chức khai giảng cho học sinh, thầy Phạm Đăng Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Chiểu và thầy Hoàng Lê Thành, Hiệu Trưởng trường Tiểu học Tam Chung đã phải vượt gần 300 km từ dưới xuôi lên. Hai thầy đi từ sáng ngày mùng 3/9, gần 2 ngày rong ruổi trên đường mới có thể đến được điểm trường.
“Khắp nơi cây cối đổ ngổn ngang chắn đường, nhiều đoạn đường bị sạt lở, bùn đất ngập ngang người, vừa đi, chúng tôi vừa phải dò đường. Có những đoạn vô cùng nguy hiểm nhưng vẫn bám nhau từng bước một để vượt lên bờ bên kia…” – thầy Dung kể.
“Có đoạn đường nào đi được xe máy thì người dân lại “tăng bo” cho mình một đoạn. Thế mà hết 1 ngày trời, mình cùng một số đồng nghiệp mới lên đến Trung Lý. Nhóm mình phải ngủ lại ở đây, và đến sáng nay (mùng 4/9) lại tiếp tục hành trình tìm đường đến trường. Từ Trung Lý lên đến Quang Chiểu, đường sá sạt lở, hư hỏng hết nên đều phải lội bộ, lúc đến được trường cũng hết cả ngày trời. Để có thể tìm đường vào đến trường chỉ có thể là may mắn” – thầy Dung chia sẻ.
Vào đến điểm trường, các thầy cô phải lo làm sao kéo bùn ra khỏi lớp học để học sinh có chỗ ngồi.
Với tình yêu nghề, yêu học trò, giống như thầy Dung, cô Quế, thầy Thành, có rất nhiều thầy cô giáo khác nơi vùng núi này vẫn liều mình vượt hiểm nguy để bám bản, bám nghề, mang ánh sáng tri thức tới những học trò vùng sâu, vùng xa. Cảm phục và thiêng liêng biết bao sự nghiệp trồng người ấy!
Nguyễn Thùy
Theo Dân trí
Nhiều địa phương sẵn sàng cho Lễ khai giảng và Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường
Ngày mai 5/9, hơn 22 triệu học sinh trên cả nước sẽ dự lễ khai giảng năm học mới 2018-2019. Đến thời điểm này, nhiều địa phương cơ bản đã hoàn tất công tác chuẩn bị. Một số địa phương bị thiệt hại vì mưa lũ như Thanh Hóa, Sơn La, Nghệ An cũng gấp rút, quyết tâm khắc phục hậu quả để ngày khai giảng diễn ra đúng kế hoạch.
Ngày khai giảng năm học mới còn được xác định là ngày "Toàn dân đưa trẻ đến trường". Những ngày tháng 8, công tác chuẩn bị cho ngày khai giảng và các điều kiện cho năm học mới đã và đang được ngành Giáo dục và Đào tạo, các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn chuẩn bị kỹ càng, chu đáo, hứa hẹn một năm học mới thắng lợi mới.
Ninh Bình: Chuẩn bị tốt các điều kiện cơ sở vật chất chào đón năm học mới
Theo ông Phạm Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, để chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ năm học mới 2018-2019, ngay từ trong hè, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản số 761/SGDĐT-KHTC ngày 11/7/2018 chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố, các trường học khẩn trương rà soát cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học.
Trên cơ sở đó, báo cáo, tham mưu với chính quyền địa phương tu sửa, hoàn thiện, kịp thời có giải pháp khắc phục hệ thống phòng học và hạng mục công trình xây dựng xuống cấp, đảm bảo an toàn, phục vụ cho hoạt động dạy và học trước thời điểm khai giảng năm học mới.
Cơ sở vật chất của Trường THCS Hùng Tiến (Kim Sơn) được đầu tư xây dựng khang trang, sẵn sàng cho năm học mới. Ảnh: Minh Quang
Thanh Hóa: Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, có trường không kịp khai giảng
Lũ chồng lũ, cộng thêm thủy điện xả đập đã gây thiệt hại nặng nề cho giáo dục một số huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa. Nhiều trường miền núi của hai địa phương này bị bùn vùi lấp, sạt lở, cuốn trôi thiết bị... nhưng các thầy cô giáo vẫn quyết tâm nỗ lực khắc phục khó khăn để khai giảng đúng kế hoạch. Theo thống kê, mưa lũ làm 24 điểm trường bị ngập, 6 điểm trường khác bị sạt lở; 2 nhà bán trú cho học sinh và giáo viên bị vùi lấp.
Tại xã Trung Thành, huyện Quan Hóa hiện vẫn đang bị cô lập hoàn toàn do cây cầu treo duy nhất dẫn vào xã đã bị lũ cuốn. Phương tiện di chuyển duy nhất là thuyền, vì vậy, mọi hoạt động của người dân trong xã đang bị chia cắt. Theo thầy Hắc Xuân Phúc - Hiệu trưởng Trường tiểu học xã Trung Sơn (Quan Hóa) cho biết, sau trận lũ, ngôi trường gần như bị đổ hoàn toàn, hiện lượng bùn đất tuồn vào trường khá lớn, các trang thiết bị trong trường bị hư hỏng nặng. Vì vậy nên, hơn 260 học sinh của trường không thể học tại đây.
"Trước mắt, để khắc phục, nhà trường, chính quyền địa phương đã thống nhất phương án nhờ trường cấp II của xã để làm lễ khai giảng cho các em và sau đó, mượn nhà điều hành công ty 47 - đơn vị xây dựng nhà máy thủy điện Trung Sơn làm nơi cho các em học tập" - thầy Phúc nói.
Trường tiểu học xã Trung Sơn bị đổ sập khiến hơn 260 học sinh không có lớp học
Bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa - cho biết, toàn ngành đã và đang khẩn trương khắc phục hậu quả để học sinh yên tâm đi học trở lại; đồng thời tiếp tục bám sát tình hình để đảm bảo an toàn cho học sinh khi quay lại trường học.
Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã thành lập các đoàn công tác cùng với chính quyền địa phương đến thăm các trường học, gia đình học sinh bị thiệt hại tài sản do mưa lũ.
Trong những ngày tới, sở sẽ vận động mỗi cán bộ, giáo viên ủng hộ 1 - 2 ngày lương hỗ trợ học sinh, các trường chịu nhiều thiệt hại; đồng thời kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp hỗ trợ những trường học bị thiệt hại bởi mưa lũ.
Nghệ An: Khắc phục ngập lụt kịp ngày khai giảng
Theo lịch, năm nay lễ khai giảng ở Nghệ An sẽ được tổ chức đồng loạt vào ngày 5/9/2018 với sự tham gia của hơn 783.000 học sinh và hơn 53.000 giáo viên trong toàn ngành.
Gồng mình dọn dẹp sau lũ.
Năm học 2018 - 2019, trước ngày khai giảng, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại nặng nề của hai đợt ngập lụt. Hiện tại, việc khắc phục còn nhiều khó khăn nhưng các địa phương vẫn đang nỗ lực để tất cả học sinh kịp có ngày khai giảng theo đúng lịch.
Ở huyện Kỳ Sơn, theo ông Nguyễn Hồng Hoa - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo: "Trong những ngày qua, dưới sự hỗ trợ của các ban, ngành và người dân địa phương, việc dọn dẹp trường lớp cho các trường bị ảnh hưởng lũ lụt đã cơ bản hoàn thành. Ngành giáo dục huyện nhà cũng đã nhận được sự giúp đỡ về vật chất của các đơn vị với tổng số tiền gần 300 triệu đồng.
Ngày mai (5/9), Công đoàn giáo dục Việt Nam sẽ trực tiếp vào Trường Tiểu học Mường Ải dự lễ khai giảng và hỗ trợ xây nhà công vụ với tổng số tiền 500 triệu đồng.
Tại Trường Mầm non Mường Típ tại cơ sở chính và bản Xốp Típ (huyện Kỳ Sơn), nước suối dâng cao và chảy xiết đã làm ngập toàn bộ nhà ở, phòng học và các công trình khác ước tính thiệt hại ban đầu trên 800 triệu đồng.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh giúp Trường PT DTNT THCS Con Cuông chuyển sang địa điểm mới.
Sơn La: Nỗ lực khắc phục khó khăn để ngày khai giảng diễn ra đúng kế hoạch
Trong đợt mưa lũ vừa qua, tại tỉnh Sơn La có 11 điểm trường bị ảnh hưởng. Riêng tại huyện Mai Sơn đã có 3 ngôi trường bị ngập toàn bộ khuôn viên. Tại huyện Phù Yên, mưa lũ trong tháng 7 và tháng 8/2018 đã làm 6 trường học bị sập, đổ tường bao, phòng học; hơn 1.000 bộ bàn ghế bị hư hỏng. Hiện nay, ngành giáo dục Sơn La đang khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai để đảm bảo các điều kiện cho ngày khai giảng.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Yên Nguyễn Hồng Hà cho biết, hiện nay, với những lớp học phải đi học tạm, học nhờ, ngành chỉ đạo các trường khắc phục khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất cho các thầy, cô giáo bám điểm trường, bám lớp.
Đồng thời, động viên phụ huynh học sinh đưa đón con em đến trường một cách an toàn để không ảnh hưởng đến việc dạy và học của các điểm trường. Đến thời điểm này, cơ sở vật chất của các trường học đã cơ bản được khắc phục, không có điểm trường nào phải nghỉ dạy, ngày khai giảng sẽ được diễn ra theo đúng kế hoạch.
Máy xúc được huy động đến để xúc lớp bùn đất phủ ở sân trường Nà Ớt - Sơn La lên tới gần 1m.
Điện Biên: Các huyện vùng cao rộn rã chờ ngày khai giảng
Những ngày này tại huyện vùng cao Tủa Chùa, trên khắp các sân trường học sinh đã tề tựu đông đủ trong không khí vui tươi, rộn rã để chuẩn bị cho ngày khai trường và chào đón năm học mới. Công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đã được khẩn trương hoàn tất. Mọi điều kiện tốt nhất đã sẵn sàng để giáo viên, học sinh trên địa bàn huyện bước vào năm học 2018 - 2019.
Học sinh Trường THCS thị trấn Tủa Chùa luyện tập tiết mục đồng diễn chuẩn bị khai giảng năm học mới.
Năm học 2018 - 2019 dự kiến có trên 16.500 học sinh các cấp học, trong đó khoảng 5.300 học sinh mầm non, 7.400 học sinh tiểu học và gần 4.000 học sinh THCS. Với tổng số 916 giáo viên, nếu để đảm bảo phân công giảng dạy theo đúng định mức thì hiện nay toàn huyện vẫn thiếu khoảng 180 giáo viên, chủ yếu ở bậc mầm non. Năm học 2018 - 2019, ngành GD&T huyện được giao thêm 80 biên chế, trong khi chờ tuyển dụng thì Phòng GD&T sẽ hợp đồng với khoảng 30 giáo viên để đảm bảo công tác giảng dạy.
Hà Nội: Lễ khai giảng linh hoạt, sáng tạo cho học sinh mầm non
Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho năm học mới tại các trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã sẵn sàng. Năm học này, Hà Nội có 2.689 trường với gần 2 triệu học sinh.
Lễ khai giảng năm học mới sẽ được tổ chức thống nhất trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội bắt đầu từ 7h30 sáng 5/9. Ông Hoàng Hữu Trung, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD- ĐT) Hà Nội cho biết: Lễ khai giảng chú trọng đến việc đón học sinh đầu cấp, trở thành ngày hội khai trường của học sinh. Đối với học sinh mầm non tổ chức khai giảng dưới hình thức "Ngày hội đến trường của bé" linh hoạt, sáng tạo với thời lượng phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, tạo ấn tượng cho trẻ ngày đầu tiên đến trường.
Lễ khai giảng chú trọng đến việc đón học sinh đầu cấp, trở thành ngày hội khai trường của học sinh.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, chuẩn bị cho năm học mới, các quận, huyện, thị xã đã xây mới được 74 trường học (trong đó có 29 trường được thành lập mới) bổ sung thêm 1.579 phòng học. Toàn thành phố cũng đang cải tạo, sửa chữa được 387 trường học các cấp.
Trong khi đó, đối với các trường thuộc khu vực bị ngập lụt vừa qua như tại địa bàn huyện Chương Mỹ và Quốc Oai nhiều cơ sở vật chất bị hư hỏng với. Sở GD&ĐT và các đơn vị hỗ trợ hơn 1,2 tỷ đồng. Tại cuộc giao ban báo chí thành ủy Hà Nội mới đây, lãnh đạo phòng GĐ&ĐT huyện Chương Mỹ khẳng định các trường học ở vùng ngập lụt của Hà Nội cũng đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị, sẵn sàng đón học sinh vào năm học mới.
Những năm gần đây, niềm vui ngày tựu trường càng trở nên trọn vẹn hơn và trở thành "ngày hội" bởi được đồng nhất tổ chức. Thông điệp "tất cả vì học sinh thân yêu" được thực hiện, lan tỏa ngay chính trong buổi lễ thiêng liêng ấy. Phần nghi lễ, khánh tiết được thực hiện trang trọng nhưng ngắn gọn để dành nhiều thời gian cho các em tham gia các tiết mục văn nghệ, các trò chơi dân gian nhằm tạo nguồn hứng khởi, năng lượng và để lại ấn tượng khó phai trong lòng mỗi học trò.
Lệ Thu (tổng hợp)
Theo Dân trí
Thanh Hóa: Lũ rút, bùn đất phủ kín nhiều trường học, bộ đội giúp giáo viên dọn dẹp Sau lũ, nhiều trường, điểm trường ở Thanh Hóa ngập trong bùn đất, trong khi ngày khai giảng năm học mới đang cận kề. Phòng lớp học bị sạt lở, bùn đất tràn ngập, trang thiết bị hư hỏng khiến thầy và trò tại nhiều trường học gặp không ít khó khăn trước thềm năm học mới. Bộ đội giúp nhà trường dọn...