Tham vọng xây dựng đội tàu chiến gần 2.000 tỷ USD của Mỹ
Hải quân Mỹ sẽ tốn 102 tỷ USD mỗi năm trong gần hai thập kỷ để đóng mới, vận hành và sửa chữa hạm đội 355 tàu chiến theo kế hoạch đề ra.
Mỹ phải thay toàn bộ hạm đội để đạt con số 355 tàu. Ảnh: Business Insider.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) mới đây cho biết kế hoạch tăng số lượng tàu chiến của hải quân Mỹ lên 355 chiếc sẽ mất tới 18 năm để thực hiện, tiêu tốn 102 tỷ USD/năm cho việc đóng mới, vận hành và bảo dưỡng, theo Popular Mechanics.
Chuyên gia quân sự Kyle Mizokami cho biết hải quân Mỹ hiện có 275 tàu chiến, chủ yếu là tàu sân bay, tàu tuần dương, tàu khu trục, tàu ngầm, tàu tiếp liệu và hậu cần. Nhiều năm qua, hải quân Mỹ đã phải chật vật tìm cách tăng số lượng chiến hạm lên con số tối thiểu 300 chiếc.
Kế hoạch trong năm nay yêu cầu lực lượng này duy trì mức tối thiểu 308 tàu, có thể thay đổi chút ít do việc biên chế và loại biên. CBO tin rằng hải quân Mỹ chỉ có thể vận hành số lượng chiến hạm như vậy sau 22-30 năm tới.
Khi tranh cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết xây dựng hạm đội 350 tàu chiến cho hải quân Mỹ. Ngay sau khi ông đắc cử, các quan chức hải quân Mỹ thể hiện tham vọng sở hữu 355 tàu chiến, trong đó tăng thêm một tàu sân bay, 16 tàu tuần dương và khu trục, 18 tàu ngầm tấn công, 7 tàu đổ bộ và 12 tàu hậu cần hỗ trợ.
Các chuyên gia cho rằng việc xây dựng hạm đội thường thực hiện theo nguyên tắc “tiến ba bước, lùi hai bước”. Theo đó, các tàu cũ chỉ bị loại biên khi có tàu mới đi vào biên chế. Báo cáo của CBO đánh giá thời điểm sớm nhất hải quân Mỹ đạt mục tiêu 355 tàu là năm 2035.
Video đang HOT
Để hiện thực hóa kế hoạch đầy tham vọng này, hải quân Mỹ sẽ phải mua 329 tàu trong vòng 30 năm tới. Hầu hết những tàu đang vận hành hiện nay sẽ bị loại biên vào thời điểm Mỹ đạt mục tiêu trên. Kế hoạch sở hữu 355 tàu chiến sẽ có chi phí cao hơn từ 157 đến 164 tỷ USD so với dự kiến ban đầu là 308 tàu trong vòng 30 năm tới.
Một phần khiến chi phí đóng tàu tăng cao nằm ở 10 tàu sân bay mới trong giai đoạn này. Hải quân Mỹ hiện có 10 tàu sân bay, con số này sẽ tăng lên 11 chiếc khi tàu USS Gerald R. Ford được biên chế. Nếu muốn nắm trong tay 12 tàu sân bay, hải quân Mỹ phải mua thêm 10 chiếc trong giai đoạn 2018-2048, nhằm thay thế 9 trong 10 tàu sân bay lớp Nimitz.
CBO ước tính tàu khu trục và tàu ngầm tiêu tốn 1,8 tỷ USD/chiếc, trong khi giá tàu sân bay và tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Columbia còn cao gấp nhiều lần. Ngoài ra, báo cáo của CBO còn đề xuất đóng tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường mới để thay thế lớp Ticonderoga lạc hậu. Bên cạnh đó là một mẫu khinh hạm tốc độ cao, lấp chỗ trống của lớp Oliver Hazard Perry đã bị loại biên.
Trung bình trong 10 năm qua, hải quân Mỹ mua mới 8 tàu chiến mỗi năm, trong khi kế hoạch sở hữu 355 tàu đòi hỏi họ phải mua tới 12-15 chiếc/năm. Ngoài đóng mới, tổng chi phí vận hành hạm đội 355 tàu sẽ ở mức 102 tỷ/năm đến năm 2047, gồm chi phí vận hành, bảo dưỡng và trả lương cho binh sĩ. Số lượng thủy thủ ước tính bổ sung vào biên chế hải quân Mỹ lên tới 19.000 người.
Với chi phí quá tốn kém và thời gian thực hiện quá dài, kế hoạch tham vọng này có nguy cơ đổ bể trong tương lai, khi quan điểm chi tiêu quốc phòng của mỗi đời tổng thống Mỹ rất khác nhau, chuyên gia Mizokami nhận định.
Kế hoạch này sẽ tiêu tốn tổng cộng 2.000 tỷ USD. Ảnh: USNI.
Duy Sơn
Theo VNE
Khiên chắn bất khả xâm phạm của tàu chiến Mỹ
Được trang bị hệ thống radar soi sóng chủ động, tên lửa Chim sẻ Biển cải tiến có thể xác định và đánh chặn tất cả các mối đe dọa đối với tàu chiến Mỹ.
Tên lửa đánh chặn ESSM Block II phóng ra từ tàu chiến Mỹ. Ảnh: Navytimes
Hải quân Mỹ và các đối tác thuộc khối NATO đang phát triển một vũ khí phòng thủ công nghệ cao mới trên tàu chiến có thể phát hiện, dò tìm và phá hủy tên lửa hành trình của đối phương đang bay tới, theo Scout.com.
Tên lửa Chim sẻ Biển Cải tiến (ESSM) Block II là một biến thể mới của hệ thống vũ khí Chim sẻ Biển (Sea Sparrow) đang được Mỹ sử dụng để bảo vệ tàu sân bay, tàu khu trục, tàu tuần dương, tàu tấn công đổ bộ và các loại tàu khác trước mối đe dọa từ tên lửa diệt hạm và các vũ khí chống tàu tầm ngắn bắn từ trên không, theo các quan chức hải quân Mỹ.
Tên lửa ESSM Block 2 sử dụng hệ thống dẫn đường chủ động, cho phép nó tự hiệu chỉnh đường bay tới mục tiêu nhờ nhận và chủ động gửi đi các tín hiệu điện từ, nhà thầu quốc phòng Raytheon cho biết.
Tên lửa này sử dụng radar soi sóng để định vị sau đó đánh chặn mục tiêu đang bay nhanh về phía tàu chiến. Radar soi sóng này được tích hợp vào bên trong tên lửa, giúp nó có thể nhận và chủ động phát đi những tín hiệu điện từ để xác định cự ly, tốc độ của mục tiêu cần đánh chặn.
Radar soi sóng gắn ở đầu tên lửa sẽ chủ động phát đi tín hiệu tần số radio về phía mục tiêu, và ăng-ten gắn trên tên lửa sẽ thu được tín hiệu phản xạ từ mục tiêu, sau đó điều chỉnh hướng bay của tên lửa để đánh chặn.
Với việc sử dụng hệ thống dẫn đường chủ động này, biến thể Block 2 giúp tên lửa giảm sự phụ thuộc lớn vào hệ thống radar soi sóng trên tàu khi thực hiện nhiệm vụ phòng vệ tầm ngắn, theo các quan chức hải quân Mỹ.
Tương tự, tên lửa này có thể đánh chặn các mối đe dọa bay sát mặt nước nhờ tính năng "bay lướt" hoặc "bổ nhào" xuống mục tiêu từ trên cao, kết quả của những cải tiến về công nghệ dẫn đường của tên lửa Block 2.
Công nghệ dẫn đường chủ động giúp ESSM Block II giảm bớt sự phụ thuộc vào radar soi sóng trên tàu để đánh chặn mục tiêu. Ảnh: USNI
ESSM Block 2 là một phần của hệ thống phòng thủ đa tầng gồm một loạt các vũ khí tích hợp, thiết bị cảm biến, tên lửa đánh chặn như một "khiên chắn" bất khả xâm phạm được thiết kế để phát hiện và phá hủy các mối đe dọa đang lao tới tàu chiến Mỹ từ các khoảng cách khác nhau.
Chẳng hạn, tàu chiến có thể sử dụng radar Aegis và các tên lửa SM-3 để phòng thủ tên lửa đạn đạo tầm xa. Khi tên lửa diệt hạm, chiến đấu cơ, máy bay không người lái hay tàu chiến đối phương lọt qua được vòng phòng thủ thứ nhất này, các tên lửa SM-6, ESSM, Rolling AirFrame, và SeaRAM sẽ được kích hoạt để đối phó. Trong trường hợp mối đe dọa bay tới sát tàu, hệ thống phòng không tầm gần (CIWS) sử dụng pháo bắn nhanh Phalanx 20 mm sẽ khai hỏa với tốc độ cực nhanh để tiêu diệt.
Tên lửa ESSM Block 2 hiện được Mỹ và một loạt các nước đồng minh như Australia, Canada, Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ đặt mua, và vũ khí này dự kiến được trang bị và vận hành đầy đủ trên tàu chiến vào năm 2020.
Duy Sơn
Theo VNE
Tàu tuần dương chưa bắn phát nào đã thành phế liệu của Pháp Colbert (C611) từng là tàu phòng không hạm đội chủ lực của Pháp, nhưng chưa khai hỏa bất cứ vũ khí nào và đang nằm ở bãi phế liệu suốt 10 năm qua. Nhiếp ảnh gia mang biệt danh "Brian Preciousdecay" mới đây tìm cách qua mặt lực lượng cảnh vệ để đột nhập lên xác tàu tuần dương Colbert (C611) của hải...