Thái Bình là 1 trong 5 tỉnh trên cả nước thí điểm dạy học trực tuyến
Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình, cùng với TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bắc Ninh và Yên Bái, Thái Bình là một trong năm tỉnh trên cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn để thí điểm dạy và học trực tuyến cho học sinh.
Dạy học trực tuyến cho học sinh lớp 9 tại trường THCS Trần Phú, TP Thái Bình.
Cụ thể, tại các tỉnh này, mỗi cấp học lựa chọn 1 trường, mỗi trường lựa chọn 1 lớp, mỗi lớp lựa chọn 1 môn để tổ chức thí điểm. Trong thời gian này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên trong việc dạy học trực tuyến và hỗ trợ các địa phương trong việc lựa chọn các tập đoàn công nghệ và miễn cước truy cập mạng trong mùa dịch.
Trước mắt, chương trình thí điểm này sẽ phục vụ việc dạy và học trong thời gian dịch bệnh. Sau thời gian này, ngành giáo dục sẽ tổ chức tổng kết và nhân rộng trong các trường học trên địa bàn.
Tại cuộc họp trực tuyến giữa năm tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo diễn ra mới đây, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình Nguyễn Viết Hiển cho biết, từ giữa tháng 3.2020, ngành giáo dục Thái Bình đã phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh lớp 9 và lớp 12. Đối với học sinh các khối lớp còn lại, các nhà trường đã chỉ đạo giáo viên sử dụng hình thức dạy học trực tuyến phù hợp với điều kiện địa phương.
Mặc dù đây là giải pháp tối ưu nhất trong thời gian học sinh nghỉ học dài ngày để phòng, chống dịch COVID-19 nhưng quá trình triển khai thực hiện còn gặp một số khó khăn, hạn chế về đường truyền internet, trang thiết bị dạy học, công tác phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc quản lý học sinh còn nhiều hạn chế.
Video đang HOT
KHÁNH LINH
Những người "chèo đò" thầm lặng trong mùa dịch
Nằm khá xa trung tâm huyện lỵ, Trường tiểu học và trung học cơ sở An Vũ (gọi tắt là Trường An Vũ), huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) mới được sáp nhập thành trường hai cấp học chưa lâu.
Mô hình mới, con người mới, cơ sở vật chất còn khiêm tốn, cộng với những khó khăn đan xen trong cơn dịch bệnh Covid-19, nhưng ở ngôi trường nhỏ bé này xuất hiện những tấm gương hết sức bình dị của thầy cô khi không quản ngại gian khó, tận tâm, tận lực vì học trò thân yêu.
Một buổi dạy tại lớp học thông minh của thầy Hòa Quang Khâm, giáo viên môn Toán, Trường tiểu học và trung học cơ sở An Vũ (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình).
Hơn một tuần nay, nhiều bậc phụ huynh lớp 6B, 6C Trường An Vũ khá phấn khởi, an tâm bởi con em mình được tham dự đều đặn các buổi dạy học trực tuyến do thày giáo Hòa Quang Khâm đảm nhiệm. Điều đáng nói, thiết bị dạy trực tuyến hoàn toàn do thầy bỏ tiền cá nhân mua phục vụ giảng dạy cho học sinh trong thời điểm dịch bệnh.
Hơn 100 USD để có bộ thiết bị, số tiền quá nhỏ trong suy nghĩ nhiều người, song với mức lương khiêm tốn khoảng sáu đến bảy triệu đồng/tháng của giáo viên vùng thôn quê, đó đã là mức chi phí khá lớn.
Thầy Khâm âm thầm thực hiện công việc dạy học trực tuyến chính từ sự thúc ép của bản thân, mong muốn các con tiếp tục được học tập, trau dồi tri thức trong thời điểm trường tạm thời đóng cửa suốt hơn tháng qua do dịch bệnh bùng phát.
Cùng với thầy, cô Nguyễn Thị Mùi, giáo viên dạy môn Anh văn khối lớp 5, lớp 6 cũng lặng lẽ bỏ tiền túi mua thiết bị dạy học trực tuyến cho học sinh. Cô Mùi có điều kiện kinh tế gia đình không mấy dư giả, chồng lái tàu nên thường xuyên xa nhà. Mình cô lo toan, vun vén, chăm sóc bố mẹ chồng cùng hai con nhỏ tuổi.
Hỏi các thầy cô giáo, họ có chung nỗi niềm, rằng cả nước đang chung sức chống dịch, người giáo viên chỉ muốn góp sức nhỏ bé đối với ngành, mong các con được học, để mỗi bậc phụ huynh yên tâm, làm vì cái tâm, không toan tính thiệt hơn.
Trường An Vũ tập hợp rất nhiều học sinh từ khắp các xã lân cận theo học như: An Lễ, An Tràng, An Dục, An Bài, An Qúy. Để một giờ học trực tuyến diễn ra trôi chảy, thầy Khâm, cô Mùi không quản thời gian, xăng xe đi quanh các xã có học sinh để cài đặt chương trình. Học sinh nào gia cảnh khó khăn, không có ti-vi, không có máy tính thì xuống tận nhà phát đề cương ôn tập, rồi xuống thu và chấm bài. Sau đó, lại cất công đến trả bài, phát đề cương mới... Công sức ấy không thể đong đếm được, tất cả vì tương lai của các em và cũng an lòng dân.
Cô Mai Thị Bích Nguyện, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, trong thời gian học sinh nghỉ dài ngày, trường không bị gián đoạn công tác giảng dạy mà chủ động, linh hoạt bằng nhiều hình thức như phát đề xuống tận nhà từng học sinh, rồi thu, chấm, chữa; dạy qua mạng; dạy trực tuyến, phụ huynh rất phấn khởi. Về việc làm bình dị nhưng rất ý nghĩa của thầy Khâm, cô Mùi, lãnh đạo nhà trường rất trân trọng. Bản thân cô Hiệu trưởng hết sức bất ngờ vì các thầy cô không hề chia sẻ, hay phô trương, chỉ gần đây khi xuống nhà dân kiểm tra học tập của các con mới biết, các bậc phụ huynh cũng nhầm tưởng là của nhà trường trang bị!
Những dòng tin nhắn cảm ơn của các bậc phụ huynh gửi đến thầy cô giáo nhà trường trong dịch.
Những ngày này, trên trang web của Trường An Vũ, Ban Giám hiệu đăng trang trọng đôi dòng mộc mạc: "Nhiệt liệt biểu dương các thầy cô đã tăng cường dạy học sinh trong mùa dịch! Nhiều thầy cô rất tích cực như: cô Phương, cô Nhung, cô Trang, cô Sinh, cô Vân, cô Lan, cô Huyền, cô Duyên, cô Thảo, thày Dự, thày Diếu... Đặc biệt, cô Mùi, thầy Khâm tự bỏ tiền túi cá nhân để mua trang, thiết bị dạy học hiện đại, dạy học sinh một cách tích cực, hiệu quả nhất! Trân trọng!".
Chỉ có thế thôi để biểu dương, động viên, khích lệ tinh thần mọi người, nhưng thầy Khâm, cô Mùi dứt khoát đề nghị nhà trường gỡ xuống bởi suy nghĩ rằng: "Em có gì đâu", "Việc làm nhỏ bé, kể gì".
Theo đánh giá của cán bộ, giáo viên Trường An Vũ, thầy cô đều là những người tâm huyết với nghề, giáo viên giỏi nhiều năm, hiện thầy Khâm là Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên của nhà trường. Nói riêng về thầy Khâm, mọi người đều nể phục bởi có tư duy sáng tạo, luôn tìm tòi những ý tưởng mới áp dụng vào việc dạy và học.
Thời gian qua, Ban Giám hiệu giao cho thầy nghiên cứu, xây dựng phòng học thông minh. Thầy nhiều đêm đến trường, thức khuya nghiên cứu, thậm chí ngủ tại lớp học. Thành quả cuối cùng mang lại là các sản phẩm đồ dùng dạy học sử dụng công nghệ thông tin rất đơn giản, giá thành rẻ nhưng bổ trợ hữu hiệu cho việc tương tác giữa giáo viên và học sinh trong giờ học, mang đến cách tiếp cận bài giảng mới mẻ, cuốn hút hơn với học sinh. Mô hình lớp học thông minh đang được áp dụng thường xuyên tại Trường An Vũ, nhiều trường trên địa bàn đến học tập, về áp dụng thành công, góp phần lan tỏa nhanh một mô hình giáo dục thiết thực, hiệu quả.
Thầy Khâm, cô Mùi và biết bao thầy cô khác ở An Vũ như những người "chèo đò" âm thầm, lặng lẽ trong mùa dịch. Mỗi người một cách làm, sưởi ấm và nhân lên điều tốt đẹp, rất đáng được ngợi khen và trân trọng.
Theo nhandan.com.vn
Phương án nào cho kỳ thi THPT quốc gia 2020 ? Trong khi chờ Bộ GD-ĐT đưa ra phương án thích hợp cho kỳ thi THPT quốc gia 2020 do dịch Covid-19, học sinh phải nghỉ học kéo dài, Báo Thanh Niên ghi nhận các ý kiến từ phía giáo viên, học sinh về vấn đề này. Do hầu như chỉ học từ xa chương trình học kỳ 2 nên nhiều học sinh lớp...