Thả nổi tiếng Anh mầm non – Kỳ 3: Chưa có quy định về trình độ giáo viên
Khoảng 30 trường mầm non công lập ở Hà Nội đang thực hiện thí điểm chương trình làm quen với tiếng Anh, trong đó giáo viên chỉ cần yêu cầu có chứng chỉ tiếng Anh A, B, C.
Giờ học làm quen tiếng Anh của học sinh Trường mầm non 20.10 (Hà Nội) – Ảnh: Minh Anh
Lại tiếp tục thí điểm
Bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: “Hiện Hà Nội có 30 trường đang thực hiện thí điểm chương trình tiếng Anh theo đề tài cho trẻ ở tuổi mầm non làm quen với ngoại ngữ do Viện Khoa học giáo dục VN nghiên cứu. Đây đều là những trường có điều kiện dạy và học tốt nhất nằm rải rác ở các quận huyện. Tuy nhiên, ở mỗi trường này, việc tổ chức dạy tiếng Anh hoàn toàn dựa trên nhu cầu tự nguyện của phụ huynh”.
Bà Hương cũng cho rằng Hà Nội chủ động xin thực hiện thí điểm. Đây thực ra là chương trình làm quen với tiếng Anh chứ không phải là dạy tiếng Anh như đối với bậc tiểu học. Được biết, chương trình triển khai thí điểm rộng ở nhiều trường từ năm học 2012-2013.
Cách thức thực hiện ở các trường này cũng là liên kết với Công ty phát triển công nghệ giáo dục VN. Với các trường ký hợp đồng liên kết, công ty này có trách nhiệm đầu tư một phòng lab với máy chiếu, máy vi tính… để phục vụ dạy tiếng Anh bằng phần mềm mang tên Eduplay. Học sinh tham gia chương trình này phải đóng mức phí là 350.000 – 450.000 đồng/tháng, tham gia khoảng 2 – 3 hoạt động/tuần, mỗi hoạt động không quá 30 phút…
Khi được hỏi tại sao lại chỉ có Công ty phát triển công nghệ giáo dục VN được chọn phối hợp với cả 30 trường, bà Hoàng Thanh Hương cho biết: “Sở GD-ĐT Hà Nội không có chủ trương liên kết độc quyền. Bất cứ nơi nào đủ điều kiện gửi hồ sơ đến Sở GD-ĐT, chúng tôi đều sẵn sàng xem xét”. Bà Hương nói thêm: “Sau thí điểm, đến 2015 sẽ cho đánh giá nghiệm thu, nếu cái tốt được lan tỏa thì mới thực hiện tiếp, ngược lại sẽ cho dừng nếu tính hiệu quả không cao”.
Giáo viên chỉ cần chứng chỉ “a bờ cờ”
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học phải đạt yêu cầu chuẩn châu Âu, trong khi đó hiện nay chưa có bất cứ quy định nào về trình độ đối với giáo viên dạy tiếng Anh ở mầm non. Vì vậy, không ai kiểm soát chương trình được đưa vào giảng dạy cho những “mầm non” cả.
Theo báo cáo vào tháng 7 năm nay của Sở GD-ĐT Hà Nội về chương trình thí điểm này, ở cả 30 trường, ngoài khoảng 7 người nước ngoài tham gia dạy mỗi tuần/buổi cho mỗi lớp học, còn lại hơn 125 giáo viên được chọn từ nguồn sẵn có của các trường mầm non. Xuất phát điểm của những giáo viên này chỉ là: “Có chứng chỉ A, B, C tiếng Anh, được nhà trường và phòng GD-ĐT cử tham gia khóa bồi dưỡng tiếng Anh cơ bản và phương pháp giảng dạy mầm non do Sở GD-ĐT phối hợp với Công ty phát triển công nghệ giáo dục VN tổ chức”. Mỗi khóa đào tạo như vậy kéo dài tối đa khoảng 3 tháng.
Báo cáo của Sở GD-ĐT khẳng định: “Giáo viên mầm non cũng chính là người trực tiếp tham gia giảng dạy”. Hơn thế nữa, các giáo viên này lại còn có thêm nhiệm vụ nặng nề hơn, đó là: “Giám sát công việc của giáo viên chuyên ngữ, đảm bảo chất lượng chương trình” (?!).
Video đang HOT
“Chơi với công nghệ là chính”
Một phụ huynh có con học mẫu giáo tại Trường mầm non 20.10 (Hà Nội) cho biết: “Năm nay trường định hoạt động theo mô hình chất lượng cao nên áp dụng đại trà việc dạy tiếng Anh cho tất cả các lớp. Đầu năm học có phụ huynh không muốn con học chương trình tiếng Anh nhưng vì đã trót đăng ký học chất lượng cao nên đành phải theo”.
Một phụ huynh Trường mầm non thực hành Hoa Sen cho rằng dù con đã học tiếng Anh 2 năm ở trường với mức học phí là 400.000 đồng/tháng, nhưng đến 5 tuổi gia đình vẫn phải chọn một trung tâm ngoại ngữ uy tín của nước ngoài cho cháu học 2 buổi/tuần để có thể vào lớp 1 của trường ngoài công lập có kiểm tra đầu vào tiếng Anh. Vị phụ huynh này
nhận xét: “Số tiền phải đóng cho việc làm quen với tiếng Anh cũng tới gần chục triệu đồng, thế nhưng mỗi tiết học chỉ như một giờ chơi với công nghệ là chính”.
Bộ GD-ĐT chưa có chủ trương về dạy tiếng Anh mầm non
Trao đổi với PV Thanh Niên về thực trạng giảng dạy tiếng Anh trong trường mầm non, bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: “Sau khi đọc bài Thả nổi tiếng Anh mầm non, tôi đã yêu cầu Vụ Giáo dục mầm non nắm tình hình thực tế để có hướng chỉ đạo”.
Bà Nghĩa khẳng định: “Bộ chưa có một chủ trương nào về việc tổ chức dạy học tiếng Anh ở mầm non. Tuy nhiên, Bộ đã giao cho Viện Nghiên cứu giáo dục VN nghiên cứu đề tài cho trẻ ở tuổi mầm non làm quen với ngoại ngữ. Theo kế hoạch, Bộ nghiệm thu đề tài trong tháng 10 vừa rồi nhưng hiện chỉ mới nghiệm thu ở cấp cơ sở. Thực tế là nhiều phụ huynh có nhu cầu cho con làm quen với tiếng Anh từ tuổi mầm non nhưng cơ sở lý luận nào để cho phép các trường mầm non triển khai việc này thì Bộ phải nghiên cứu đã. Trong điều kiện các trường mầm non ở ta hiện nay, liệu có nên cho trẻ làm quen với tiếng Anh chưa? Nếu nên thì ở mức độ nào, ở lứa tuổi nào – nhà trẻ, 3, 4 hay 5 tuổi? Sau khi nghiệm thu đề tài, căn cứ vào kết quả nghiên cứu, Bộ mới đưa ra hướng chỉ đạo được”.
Vất vả kêu gọi sự tập trung của trẻ
Chúng tôi đến dự giờ dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non theo chương trình POLY tại một trường mầm non trên địa bàn Q.5, TP.HCM. Lớp học hôm đó có 3 giáo viên người Việt. Mở đầu tiết dạy, giáo viên hướng dẫn trẻ ổn định chỗ ngồi, mở nhạc để học sinh khởi động, nhún nhảy theo nhịp. Tiếp đến trẻ được giáo viên dạy ghép chữ cái (có kèm theo vật dụng tương ứng với từ tiếng Anh) và phát âm. Nhìn chung, trong suốt thời gian học, giáo viên trao đổi với học sinh bằng tiếng Anh, rất hiếm khi dùng tiếng Việt. Trong giờ học, phần bóc quà là học sinh hứng thú nhất. Khi bóc được quà, học sinh sẽ gọi chúng bằng tiếng Anh.
Do học thông qua hình ảnh và âm thanh khá vui nhộn nên đa số trẻ tỏ ra hứng thú. Thế nhưng không khí lớp học rất ồn ào, giáo viên phải khá vất vả khi kêu gọi sự tập trung của trẻ vào bài học. Vào tiết học của một trường mầm non ở Q.3, trong khi các bạn đang hào hứng với hình ảnh con hải cẩu, con hổ trên màn hình thì có bạn lại nằm phủ phục trên bàn khiến cô trợ giảng phải xuống động viên ngồi dậy học tiếp. Sau đó thì cả lớp cùng quay ra bàn tán về các con thú đến mức giáo viên phải liên tục ra dấu hiệu im lặng. Ở một lớp học của trường mầm non tại Q.Phú Nhuận, chỉ cần một học sinh lên bảng nối từ thích hợp với hình ảnh hiện trên màn hình là các trẻ còn lại ngồi dưới nói chuyện, đùa nghịch, mất tập trung.
Theo TNO
Thả nổi tiếng Anh mầm non
Nhu cầu cho con học tiếng Anh ngay từ lứa tuổi mẫu giáo ngày càng tăng khiến thời gian gần đây dạy tiếng Anh trở thành dịch vụ "trăm hoa đua nở", khó kiểm soát về chất lượng và hiệu quả ở các trường mầm non.
Các trường mầm non ào ạt đưa chương trình tiếng Anh vào giảng dạy cho học sinh - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Nhu cầu cho con học tiếng Anh ngay từ lứa tuổi mẫu giáo ngày càng tăng khiến thời gian gần đây dạy tiếng Anh trở thành dịch vụ "trăm hoa đua nở", khó kiểm soát về chất lượng và hiệu quả ở các trường mầm non.
Cứ có tiếng Anh là... quốc tế
Tôi không biết là các trường có động lực gì mà có hiệu trưởng sau khi nhận lời liên kết với một trung tâm tiếng Anh nào đó thì không khác gì người làm thuê cho trung tâm đó, lo lắng cho công việc đưa tiếng Anh vào trường còn hơn lo cả việc chuyên môn chính của mình
Bà LƯU THỊ TƯỜNG VÂN - Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.Ba Đình, Hà Nội
Tại Hà Nội, hàng loạt trường mầm non tư thục tùy tiện gắn mác trường "quốc tế", trường "song ngữ" có tên Tây như: Seasame Garden, mầm non quốc tế Kid's Garden, Blue Star, mẫu giáo quốc tế Cherie Hearts, Color House... Ở những trường này, việc dạy tiếng Anh được giới thiệu như là một thế mạnh, dù thậm chí có trường cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu thốn, một sân chơi nhỏ cho học sinh nô đùa cũng không, nhưng vì có tổ chức dạy tiếng Anh nên tự xem là quốc tế.
Chúng tôi có mặt ở Trường năng khiếu song ngữ Victoria Việt Mỹ nằm trên phố Định Công Thượng, Q.Hoàng Mai, trong vai một phụ huynh tìm chỗ gửi con. Có tới hàng chục mục tiêu đẹp đẽ mà trường đưa ra cho phụ huynh, chẳng hạn: "Bé Victo Việt Mỹ khỏe mạnh - tài năng - vượt trội từ 0 tuổi"... thế nhưng trường thực ra chỉ là một căn nhà hình ống vốn thiết kế là nhà ở. Chúng tôi hỏi chất lượng giáo viên dạy tiếng Anh thế nào trong một trường trường song ngữ thì người được giao "quản lý" ở điểm này cũng không giải thích được gì.
"Nâng cao danh tiếng của trường mầm non" !
Trung tâm tiếng Anh Smart Kids tại Hà Nội không ngần ngại quảng cáo rằng: "Liên kết học tiếng Anh với Trung tâm tiếng Anh Smart Kids Centre sẽ góp một phần nâng cao danh tiếng của các trường mầm non liên kết". Hiện tại, trung tâm này đang liên kết giảng dạy tiếng Anh cho một loạt các trường mầm non công lập và tư thục của Hà Nội như: mầm non Tuổi Hoa (Đống Đa), Hoàng Gia, Nhật Mai (Thái Hà), Bim Bon (Định Công - Linh Đàm)...
Không chịu thua kém, các trường mầm non công lập cũng ồ ạt tổ chức dạy tiếng Anh thông qua hình thức liên kết với các trung tâm tiếng Anh ở bên ngoài. Tuy không quảng cáo rầm rộ như trường tư thục, biến tiếng Anh trở thành một "chiêu trò" để hút người học, nhưng rất nhiều trường công lập cũng đưa tiếng Anh vào như một môn học ngoại khóa.
Học phí cho các lớp tiếng Anh cũng không theo quy định nào mà phụ thuộc vào sự thỏa thuận, chủ yếu giữa các trung tâm ngoại ngữ hay các công ty giáo dục với các nhà trường. Mức học phí phổ biến của môn tiếng Anh trong các trường mầm non từ 80.000 đến 450.000 đồng/tháng. Phụ huynh chỉ dựa trên cơ sở những giới thiệu từ phía nhà trường nên không có nhiều cơ hội lựa chọn. Thông thường, mỗi trường chỉ chọn một chương trình tiếng Anh để giới thiệu đến các phụ huynh.
Nhiều trường mầm non tư thục ở Hà Nội gắn mác quốc tế, song ngữ... xem việc dạy tiếng Anh như là một ưu thế trong khi cơ sở vật chất không đạt chuẩn - Ảnh: Ngọc Thắng
Không biết có động lực gì ?
Chúng tôi trao đổi với bà Lưu Thị Tường Vân, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.Ba Đình, về thực trạng này. Bà Vân cho biết: "Chưa hề có một văn bản nào quy định xung quanh vấn đề này nên đây vẫn còn là vấn đề đang... rất mở". Bà Vân nói thêm: "Chúng tôi rất lo khi các trường tiểu học thực hiện đề án ngoại ngữ của Bộ có hướng dẫn chi tiết từ chương trình tới trình độ giáo viên, thời lượng học tập, kiểm tra đánh giá... Nhất cử nhất động đều có hướng dẫn cặn kẽ của Bộ, của Sở. Trong khi đó tiếng Anh mầm non lại đang bị thả nổi như vậy. Các trường tự liên kết với trung tâm bên ngoài không cần phải báo cáo ai cả. Quận có muốn đi kiểm tra thì cũng lực bất tòng tâm vì cả phòng giáo dục có một chuyên viên tiếng Anh, lo cho chương trình tiếng Anh chính khóa của tiểu học và THCS đã không đủ, nên không có thời gian để mắt tới mầm non".
Tuy nhiên, bà Tường Vân cũng bức xúc: "Tôi không biết là các trường có động lực gì mà có hiệu trưởng sau khi nhận lời liên kết với một trung tâm tiếng Anh nào đó thì không khác gì người làm thuê cho trung tâm đó, lo lắng cho công việc đưa tiếng Anh vào trường còn hơn lo cả việc chuyên môn chính của mình".
Bà Tường Vân cũng cho hay hiện quận đang cho rà soát lại tất cả các trường mầm non có liên kết dạy tiếng Anh. Sau khi rà soát rồi thì lên kế hoạch thẩm định, trung tâm nào không xuất trình được giấy phép thì cho dừng ngay. Tiếp đến là phải có thẩm định năng lực của giáo viên.
Phải xin phép cơ quan quản lý giáo dục
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT Hà Nội, cũng cho rằng Sở không khuyến khích các trường cho trẻ làm quen với tiếng Anh bằng cách tự liên kết với trung tâm mà không qua thẩm định, xác minh. Bà Hương cũng khẳng định: "Các trường giải thích do nhu cầu phụ huynh là không thỏa đáng vì nếu phụ huynh có nhu cầu thì có thể tìm đến những trung tâm ở bên ngoài, phù hợp với mong muốn, điều kiện kinh phí... nhà trường không nên ôm tất cả những việc đó".
Một lãnh đạo của Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng những trường liên kết với các trung tâm ngoại ngữ và đưa tiếng Anh vào giảng dạy như một hoạt động ngoại khóa hay một môn năng khiếu cũng phải làm hồ sơ xin phép cơ quan quản lý giáo dục vì trong chương trình của bậc học này chưa hề có môn ngoại ngữ. Những trường đưa tiếng Anh vào giảng dạy phải hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện của phụ huynh học sinh và đảm bảo dạy đúng, dạy đủ, không cắt xén chương trình giáo dục mầm non mà Bộ ban hành.
Về việc các trường tự xưng là trường song ngữ, quốc tế..., bà Nguyễn Diệp Hồng, Phó trưởng phòng Giáo dục có yếu tố nước ngoài Sở GD-ĐT, cho biết: "Sở đang yêu cầu kiên quyết không để các trường tự xưng rồi tự treo biển song ngữ, quốc tế như hiện nay để tránh gây nhầm lẫn cho phụ huynh". Bà Hồng nói thêm: "Có những trường tự mượn người nước ngoài theo kiểu du lịch tây ba lô sang làm giáo viên dạy tiếng Anh... là không được phép".
Theo TNO
ĐH Cần Thơ được phép đào tạo một số chuyên ngành Thạc sĩ từng bị dừng tuyển sinh Ngày 18/3, Trường ĐH Cần Thơ cho biết, Bộ GD-ĐT vừa có công văn cho phép trường tiếp tục đào tào trình độ thạc sĩ đối với một số chuyên ngành bị dừng tuyển sinh. Theo đó, Bộ GD-ĐT cho phép Trường ĐH Cần Thơ tiếp tục tuyển sinh và tổ chức đào tạo trình độ Thạc sĩ từ năm 2013 đối với...