Teen và chuyện “tủ đè”
“Học tủ” vốn là chuyện muôn thuở của teen. Thường thì teen “chủ động” “chui” vào tủ, nhưng đôi khi có những cái “tủ” lại vô tình tìm đến…
Không hoàn toàn là lỗi của teen
Với lượng kiến thức ngày càng lớn qua từng cấp học, teen thường phải “gồng mình” lên để “chống đỡ”, chính vì thế mà khi thi cử, bớt được phần kiến thức nào, teen “sướng” phần đó.
M.T (THPT Đ – HN) kể: “Trước khi thi Văn, lớp mình chẳng cần phải “ra sức” năn nỉ thì cô giáo cũng nói: các em chỉ học hai bài đầu thôi, bỏ bài 3 đi nhé. “Được lời như cởi tấm lòng”, lớp mình “sướng âm ỉ” và “vô tư” bỏ bài 3, chẳng lẽ cô nói mình lại không tin”.
Không chỉ ở những môn xã hội như Văn, Sử, Địa… đòi hỏi teen phải học thuộc nhiều, với những môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa đôi khi teen cũng được các giáo viên “phím” trước.
S.T (THPT P.) kể: “Trước khi thi, cô giáo Toán “gợi ý” với lớp mình rằng: chắc chắn trong kì thi không có phần phương trình tiếp tuyến đạo hàm, vì cô chưa hề thấy một giáo viên nào trong trường mình ra đề có dạng đó cả, vậy là lớp mình thở phào vì bớt được một phần dài và khó”.
Sự “gợi ý” của các giáo viên như vậy không chỉ nằm ở 1, 2 lớp mà có khi là cả khối, thế nên khi teen trao đổi với nhau, lớp này giống lớp nọ, teen tha hồ tin “sái cổ”.
Sức mạnh của “tin đồn”
Học tủ một cách “bị động” như trên là một chuyện nhưng đôi khi chính teen nhà mình lại “vô tình” gây ra việc “học tủ”.
Video đang HOT
Đề cương Anh ở nhiều trường lúc nào cũng dày cộp, 500 – 600 câu là chuyện bình thường, ai cũng biết là những câu đó sẽ tương tự với đề thi, nhưng để học hết thì “gian nan” vô cùng. Chính thế mà chỉ cần một tin đồn rằng: phần này không phải học đâu, cái này khó như vậy chắc chắn không vào đâu… cũng sẽ làm teen “nao núng” và “liều mình” gạt phần đó qua một bên.
“Chẳng hiểu sao tối trước hôm thi, cả friend-list của tớ đồng loạt trưng status “Mai Văn chắc chắn vào bài 2 mọi người nhé”, cùng với đó là một loạt những lý luận mà người nghe dù không muốn tin nhưng cũng phải “siêu lòng”. Vậy là tớ quyết định chỉ ôn bài giống như mọi người để có thể đi ngủ sớm cho buổi thi ngày mai” – V.A (THPT Đ.) chia sẻ.
“Học tủ” rồi có ngày bị “tủ đè”.
Dù có là lý do nào đi chăng nữa thì teen “học tủ” rồi sẽ có lúc bị “tủ đè”.
Vào ngày thi Văn, V.A và M.T (THPT Đ.) tự tin bước vào phòng thi với bài Văn trong đầu mà hai bạn chắc chắn là trúng, nào ngờ đề lại rơi vào bài 3… Thế là không chỉ V.A, M.T mà cả khối 11 trường Đ. lệch tủ. V.A kể lại: “Vừa đau khổ lại vừa buồn cười, lúc đề thi được phát ra cũng là lúc mình nghe được một tiếng ồ… kéo dài và xôn xao cả dãy hàng lang. Phòng mình “gục” gần hết, chẳng ai làm được sang tờ thứ hai vì đơn giản không học thì hết một tờ cũng khó”.
Đích đến nào cho teen, khi bạn không muốn nỗ lực học tập mà chỉ chăm chăm giảm bớt cái này, làm nhẹ cái kia. Sẽ chẳng có sự thành công nếu không có nỗ lực, vì vậy hãy luôn học tập hết mình teen nhé!
Theo BĐVN
Bí quyết làm bài thi Văn tốt nghiệp đạt điểm cao
Một mùa thi lại đến mang theo bao hy vọng đan xen bao âu lo trong các em học sinh lớp 12. Để giúp các em có thể ôn tập và làm bài tốt môn Ngữ Văn, cô giáo dạy văn Trương Thị Hiền Lương chia sẻ bí quyết để đạt điểm cao môn Văn.
Ôn luyện là công việc bắt buộc cho tất cả các học sinh cuối cấp. Ôn là học lại những kiến thức của 12 năm đèn sách và để xem khối kiến thức ấy các em đã nắm được bao nhiêu phần trăm. Còn luyện là việc các em vận dụng kiến thức để đi vào làm các bài văn cụ thể.
Một điều rất cần thiết là các em luôn phải nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, nắm vững được bài giảng của các thầy cô trên lớp về nội dung và nghệ thuật của từng tác phẩm văn học cụ thể. Ví dụ như học về bài thơ Tây tiến của nhà thơ Quang Dũng, các em không thể không biết về hoàn cảnh sáng tác của bài thơ này, về hình ảnh những anh bộ đội cụ Hồ - những người con của đất Thăng Long Hà Nội đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc, đã được Quang Dũng xây dựng thành bức tượng đài bi tráng trong tác phẩm Tây tiến như thế nào. Hay như học về tác phẩm Thuốc của nhà văn Lỗ Tấn, các em không thể không hiểu về hình ảnh chiếc bánh bao tẩm máu người mang theo các lớp nghĩa hàm ẩn như thế nào.
Học Văn tối kỵ là học vẹt, học tủ. Các em phải biết hệ thống hóa kiến thức và phải biết chốt lại những kiến thức trọng tâm của tác phẩm, để tránh lan man xa đề, lệch đề khi làm bài.
Các em nên tạo thói quen học tập hàng ngày, không nên để bài vở dồn lại và thức trắng đêm để giải quyết chúng. Hãy luyện cho mình giống như một chú kiến chăm chỉ cần mẫn tha dần từng khối lượng kiến thức về cho mình. Có được thói quen chăm chỉ đó các em vừa hoàn thành được bài vở của mình mà vẫn có thể vui chơi cùng bè bạn trong năm học cuối cấp này.
Hãy lên một kế hoạch thật cụ thể, tỉ mỉ và chi tiết để có được một thời gian biểu hợp lý: học tập, ăn uống, nghỉ ngơi hài hòa thì mới có được sức khỏe để vững vàng bước vào những kỳ thi đầy thử thách ở phía trước. Trong thời điểm này sức khỏe là yếu tố tiên quyết giúp các em có được 50% thắng lợi.
Bên cạnh đó để làm bài thi cho thật tốt, các em hãy bám sát vào cấu trúc đề thi mà các thầy cô giáo đã hướng dẫn các em trên lớp. Bắt đầu từ năm học 2008-2009, học sinh khối 12 trong cả nước đã được học theo chương trình và sách giáo khoa mới. Bộ GD-ĐT đã có thông báo về cấu trúc đề thi tốt nghiệp và đại học theo hai phần rất rõ rệt:
I. Phần chung cho tất cả các thí sinh (5 điểm)
Câu 1 (2 điểm): Tái hiện kiến thức về giai đoạn văn học, tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam và tác giả, tác phẩm văn học nước ngoài.
Câu 2 (3 điểm): Vận dụng kiến thức xã hội và đời sống để viết bài nghị luận xã hội ngắn khoảng 400-600 từ để nghị luận về một tư tưởng đạo lý hoặc một hiện tượng xã hội.
II. Phần riêng - Phần tự chọn: Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu 3a hoặc 3b theo chương trình Chuẩn hoặc Nâng cao. Đó là phần vận dụng khả năng đọc hiểu và kiến thức văn học để các em có thể viết được hoàn chỉnh một bài nghị luận văn học.
Khi vào phòng thi các em hãy luôn giữ bình tĩnh không tự tạo áp lực cho bản thân. Hãy đọc kỹ đề bài và lựa chọn những câu hỏi phù hợp với khả năng của các em để làm trước.
Một điều tối cần thiết là các em phải phân bố thời gian hợp lý khi làm bài để tránh hết thời gian mà bài vẫn chưa hoàn thành. Thay vì làm lan man mỗi câu một chút, các em nên tập trung vào từng câu một để có thể chắc chắn có những cơ số điểm thích hợp.
Chúc các em một mùa thi thành công!
Cô giáo Trương Thị Hiền Lương
Giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Đào Duy Từ, Hà Nội
Theo Dân Trí
Những chiêu đối phó với bài kiểm tra của teen lười biếng Nhiều teen đã bắt đầu những lớp học thêm hè và dĩ nhiên là không thể thiếu các bài kiểm tra. Và cứ đến hẹn lại lên, một số teen lười học lại nghĩ ra vô số chiêu để đối phó với các bài kiểm tra. Học tủ thì thỉnh thoảng cũng bị tủ đè Thông thường, giới hạn nội dung cho một...