Tàu ngầm Trung Quốc ‘thử’ dùng tên lửa tấn công tàu sân bay Mỹ
Truyền thông Mỹ ngày 15.12 đưa tin một tàu ngầm Trung Quốc đã tiến hành cuộc tấn công mô phỏng bằng tên lửa hành trình vào tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan khi tàu này đang tập trận hồi tháng 10.2015.
Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan (CVN-76) – Ảnh: Reuters
Các quan chức hải quân Mỹ trong một cuộc điều trần trước Quốc hội gần đây đã báo cáo chi tiết về vụ một tàu ngầm Trung Quốc di chuyển gần tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan trên Biển Nhật Bản vào ngày 24.10, chỉ vài ngày trước khi tàu khu trục USS Lassens tuần tra trong khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông, theo trang tin The Washington Free Beacon (Mỹ) ngày 15.12.
Chiếc tàu ngầm Trung Quốc áp sát tàu sân bay USS Ronald Reagan trong lúc tàu Mỹ đang phối hợp tập trận với các tàu chiến khác trên Biển Nhật Bản. Vài ngày sau vụ việc này, hai máy bay tuần tra biển Tu-142 (biến thể của máy bay ném bom chiến lược Tu-95) của Nga cũng bay gần tàu Ronald Reagan ở độ cao chỉ 152 m. Các chiến đấu cơ F-18 trên tàu Ronald Reagan đã cất cánh ngăn chặn hai máy bay Nga, theo The Washington Free Beacon.
Các quan chức Mỹ gọi đây là “một vụ việc nghiêm trọng” và Trung Quốc đã vi phạm cam kết mà nước này đã ký trong Bộ quy tắc ứng xử cho những cuộc chạm trán ngoài ý muốn trên biển (CUES) với Mỹ hồi năm 2014.
Theo thỏa thuận CUES ký kết hồi năm 2014, các bên phải tránh những hành động “mô phỏng các đợt tấn công bằng pháo, tên lửa, ngư lôi hoặc những loại vũ khí khác nhằm vào tàu và hoặc máy bay”.
Tuy nhiên chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama được cho là đã giữ bí mật vụ việc này nhằm tránh làm xấu đi mối quan hệ giữa Lầu Năm Góc và quân đội Trung Quốc.
Khi được hỏi về vụ việc này, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris không bác bỏ thông tin, nhưng nói với The Washington Free Beacon rằng: “Tôi không có gì để nói”.
Video đang HOT
Trong khi đó, ông Darryn James, người phát ngôn Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ cho biết: “Tôi không thể thảo luận về các hoạt động tàu ngầm… Tôi chỉ có thể khẳng định các tàu chiến và máy bay của hải quân chúng ta hoàn toàn tự tin có đủ năng lực phòng thủ”.
Tàu sân bay USS Reagan, chạy bằng năng lượng hạt nhân, đến căn cứ hải quân ở Yokosuka, Nhật Bản vào ngày 1.10 để thay thế tàu sân bay Mỹ USS Washington về Mỹ bảo trì.
Thông tin chi tiết về vụ chạm trán này giữa tàu sân bay Mỹ và tàu ngầm Trung Quốc được đưa ra khi hai tàu chiến của hải quân Trung Quốc đến thăm Trân Châu Cảng, bang Hawaii (Mỹ) vào ngày 13.12. Tân Hoa xã loan tin hai tàu chiến này có chuyến thăm Hawaii kéo dài 5 ngày, với các hoạt động giao lưu, thi đấu thể thao giữa lực lượng hải quân Trung Quốc và Mỹ.
Ông Randy Forbes (Đảng Cộng hòa), chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, bày tỏ quan ngại trước thông tin Trung Quốc mô phỏng tấn công bằng tên lửa hành trình nhằm vào tàu sân bay Mỹ.
“Nếu thông tin này là chính xác, đây là vụ việc cho thấy Trung Quốc cố chứng tỏ họ có thể đe dọa lực lượng quân sự của chúng ta trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, ông Forbes nói.
Tàu ngầm Trung Quốc trong một cuộc tập trận chung với Nga hồi năm 2012 – Ảnh: Reuters
Các chuyên gia hải quân nhận định Trung Quốc nỗ lực củng cố năng lực quân sự nhằm đối phó với các biên đội tàu sân bay, hay nhóm tàu sân bay (bao gồm tàu sân bay và các tàu chiến hộ tống).
Ông Jim Fanell, Đại úy hải quân Mỹ nghỉ hưu, nhận định rằng mục tiêu của Trung Quốc là muốn tăng cường khả năng tấn công, tiêu diệt và vô hiệu hóa các nhóm tàu sân bay của Mỹ ở Đông Á.
Chuyên gia Rick Fisher, chuyên nghiên cứu về quân đội Trung Quốc, thuộc Trung tâm đánh giá chiến lược Mỹ, cho biết hải quân Trung Quốc sở hữu một số loại tàu ngầm có khả năng bắn các tên lửa hành trình diệt hạm.
Các tàu ngầm lớp Tống và lớp Nguyên của Trung Quốc có thể phóng những tên lửa hành trình diệt hạm như YJ-82 với tầm bắn khoảng 35 km, ông Fisher cho biết. Ngoài ra, 8 trong số 12 tàu ngầm lớp Kilo của Trung Quốc được trang bị tên lửa diệt hạm Klub (phiên bản xuất khẩu của tên lửa Kalibr) có tầm bắn đến 220 km, theo ông Fisher.
Chuyên gia quân sự Ben Ho Wan Beng, thuộc Viện nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore), nhận xét quân đội Trung Quốc đang tập trung vào việc phát triển và sử dụng các tên lửa hành trình để tiêu diệt tàu sân bay Mỹ.
Đây không phải là đầu tiên tàu ngầm Trung Quốc đe dọa nhóm tàu sân bay Mỹ. Hồi năm 2006, tàu ngầm lớp Tống của Trung Quốc đã trồi lên mặt nước ở khoảng cách đủ để bắn ngư lôi trúng tàu sân bay Mỹ USS Kitty Hawk.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Tàu ngầm Trung Quốc theo đuôi tàu sân bay Mỹ
Một tàu sân bay Mỹ tháng trước bị một tàu ngầm Trung Quốc theo dõi sát ngoài khơi Nhật Bản, trong một cuộc thử thách ý chí mới nhất giữa hai nước tại Thái Bình Dương.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan của hải quân Mỹ. Ảnh: USNavy
Tàu ngầm lớp Kilo của Trung Quốc theo đuôi tàu USS Ronald Reagan trong vòng ít nhất là nửa ngày vào hôm 24/10, CNN dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ hôm nay cho biết. Ông không nói hai tàu ở gần nhau đến mức nào, nhưng cho biết: "Nó còn hơn một cuộc chạm trán ngắn".
Không có dấu hiệu về hành vi hăm dọa, và hai tàu không liên lạc với nhau, nhưng máy bay chống ngầm của Mỹ đã theo dõi tàu Trung Quốc.
Giới chức Trung Quốc chưa bình luận về vụ việc.
Quan chức quốc phòng Mỹ cho rằng bản chất vụ việc không mang tính hăm dọa, và bất cứ khi nào Mỹ tập trận chung với Nhật, Trung Quốc thỉnh thoảng "lộ diện và xem xét điều gì đang diễn ra".
Tuy nhiên, việc các tàu hoạt động ở gần nhau luôn là mối quan ngại, nhóm tàu sân bay tấn công từng trải qua một số lần chạm trán tương tự.
"Ai đó tạt đầu phía kia. Các tàu có thể va chạm. Chúng tôi đã có những vụ việc khi mọi người không hiểu ý đồ, khi nòng pháo được chĩa ra", Pete Daly, Đô đốc đã về hưu, hiện lãnh đạo Viện Hải quân Mỹ, nói. "Luôn có nguy cơ hiểu lầm hay nguy cơ tính toán sai lầm về chiến lược".
Khi Chiến tranh Lạnh lên cao trào, tàu, tàu ngầm Mỹ và Liên Xô theo đuôi lẫn nhau khắp các đại dương trên thế giới, trong cuộc chơi mèo vờn chuột để thử năng lực của nhau. Năm 1984, một tàu ngầm Liên Xô và tàu sân bay Kitty Hawk của Mỹ va chạm ở biển Nhật Bản, gây thiệt hại cho tàu Liên Xô.
Nhưng khi các nền hải quân chạm trán ở cự ly gần, họ cũng có lợi ích tiềm ẩn. "Thực thế là, chúng tôi theo dõi họ, họ theo dõi chúng tôi, và chúng tôi tìm hiểu về năng lực của họ", Robert Daly, lãnh đạo Viện Kissinger về Trung Quốc tại Trung tâm Woodrow Wilson cho biết. "Số tàu ngầm Trung Quốc đang gia tăng, nhưng chúng vẫn khá ồn", ông nói. "Họ ở sau chúng ta ít nhất một thế hệ. Và khi họ theo dõi chúng ta, chúng ta phát hiện được họ có thể làm gì".
Tàu Reagan dài gần 305 m, có thể chở 90 máy bay chiến đấu và một đội gồm 5.000 người. Con tàu đã ở phía nam bờ biển Nhật. Vụ chạm trán diễn ra vào thời điểm căng thẳng hàng hải gia tăng giữa Mỹ - Trung, gần đây nhất liên quan đến tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ba ngày sau vụ việc với tàu ngầm, Mỹ gửi tàu chiến đi qua trong phạm vi 12 hải lý một trong các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Động thái là thách thức của Mỹ với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với đảo nhân tạo.
Trọng Giáp
Theo VNE
Tàu ngầm Trung Quốc khóa mục tiêu tên lửa vào tàu sân bay Mỹ Trong cuộc chạm trán trên biển Nhật Bản, tàu ngầm Trung Quốc được cho là đã mô phỏng một cuộc tấn công tên lửa vào tàu sân bay Mỹ. Tàu sân bay USS Reagan của hải quân Mỹ. Ảnh: Wikipedia Ngày 15/12, trang Washington Free Beacon của Mỹ dẫn lời các quan chức quốc phòng nước này cho hay tàu ngầm tấn công...