Tàu ngầm Kilo của Việt Nam sẽ khiến kẻ địch tổn thất nặng nề
Trả lời phỏng vấn TNO ngày 3.1, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định nếu xung đột xảy ra, Việt Nam với đội tàu ngầm lớp Kilo hiện đại sẽ khiến kẻ địch phải gánh chịu tổn thất nặng nề.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thị sát tàu ngầm lớp Kilo mang tên Hà Nội trong chuyến thăm Nga tháng 5.2013 – Ảnh: TTXVN
* Sức mạnh hải quân Việt Nam sẽ thay đổi như thế nào khi có tàu ngầm lớp Kilo?
- Giáo sư Carl Thayer: Việc Việt Nam nhận tàu ngầm đầu tiên trong số 6 tàu ngầm lớp Kilo từ Nga cho thấy đây là một bước tiến lớn trong khả năng phòng vệ của Việt Nam.
Khi tổng cộng 6 tàu ngầm Kilo được đưa vào hoạt động, Việt Nam sẽ có đầy đủ khả năng chống tiếp cận/từ chối xâm nhập (A2/AD).
Và bất kỳ quốc gia nào định dùng sức mạnh hải quân để “cưỡng bức” Việt Nam cũng sẽ phải dè chừng đội tàu ngầm Kilo của Việt Nam.
* Các chuyên gia quốc phòng đánh giá tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam “lợi hại” hơn của Trung Quốc. Ông có nhận định gì về đánh giá này?
- Các chuyên gia hải quân đã đánh giá tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam là lớp tàu ngầm Kilo hiện đại nhất.
Giáo sư Carl Thayer là một chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á, từng có nhiều bài viết về Việt Nam.
Tất cả công nghệ, bao gồm cả hệ thống vũ khí của tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam hoàn toàn hiện đại hơn của Trung Quốc.
Trung Quốc được cho là định sắm tàu ngầm lớp Kilo hiện đại so với 12 chiếc tàu ngầm lớp Kilo hiện nay của nước này. Bắc Kinh cũng đang nghiên cứu đóng các tàu ngầm hạt nhân nội địa.
Video đang HOT
Nhưng một khi Việt Nam có đủ 6 tàu ngầm lớp Kilo, các tàu chiến của Trung Quốc cũng sẽ phải chật vật phát triển năng lực chống tàu ngầm để phòng vệ.
* Với đội tàu ngầm lớp Kilo, liệu rằng Hải quân Việt Nam có đủ sức mạnh để chống lại những mối đe dọa ở biển Đông hoặc nếu xung đột khu vực xảy ra?
- Với đội tàu ngầm lớp Kilo hiện đại, kẻ địch sẽ phải gánh chịu tổn thất nặng nề nếu tấn công Việt Nam.
Tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam có thể phóng ngư lôi, thả thủy lôi hoặc bắn tên lửa hành trình chống hạm khi đang lặn sâu dưới nước.
Ngoài ra, tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam có thể bắn các tên lửa hành trình đánh trúng các mục tiêu trên đất liền…
Chiều 2.1, PV Thanh Niên Online đã ghi lại được những hình ảnh khá rõ về tàu ngầm lớp Kilo mang tên Hà Nội của lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam
Tính đến tối 2.1, tàu ngầm Hà Nội vẫn chưa hạ thủy và đang nằm trong lòng tàu vận tải Rolldock Sea tại vịnh Cam Ranh, cách quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) không xa
Hình nhỏ cho thấy một số nhân viên đang thao tác, kiểm tra trên thân tàu ngầm Hà Nội vào chiều 2.1
Từ trên một đỉnh núi, PV Thanh Niên Online đã ghi lại được những hình ảnh đầu tiên khá hiếm hoi về tàu ngầm Hà Nội
Cũng trong ngày 2.1, nhiều nhân viên mặc quân phục đã lên xuống khu vực thân tàu để chuẩn bị cho buổi hạ thủy và lai dắt tàu vào cảng dự kiến vào ngày 3.1
Nơi neo đậu của tàu vận tải Rolldock Sea và tàu ngầm Hà Nội có góc nhìn khá đẹp – Ảnh: Nguyễn Chung
Việt Nam đã đặt mua 6 chiếc tàu ngầm điện – diesel lớp Kilo (Dự án 636 Varshavyanka, gọi tắt Kilo 636) vào năm 2009, theo hãng tin Interfax (Nga). HQ182 Hà Nội là chiếc đầu tiên Nga giao cho Việt Nam. Hợp đồng mua 6 tàu ngầm Kilo 636, bao gồm cả việc huấn huyện cho đội vận hành tàu ngầm Việt Nam, có thể trị giá đến 2 tỉ USD, theo hãng tin RIA Novosti (Nga). Tàu ngầm Kilo 636 có các đặc tính ưu việt nên nhiều quốc gia trên thế giới rất ưa chuộng và đặt mua loại tàu này cho lực lượng hải quân của mình. Tàu ngầm Kilo 636 của Việt Nam là tàu ngầm thuộc thế hệ thứ 3, có lượng giãn nước 3.100 tấn, tốc độ 20 hải lý/giờ, lặn sâu đến 300 m, thủy thủ đoàn gồm 52 người. Các chuyên gia quân sự phương Tây đặt cho tàu ngầm Kilo 636 biệt danh “Hố đen trong đại dương” do khả năng hoạt động cực êm, khó bị phát hiện. Loại tàu này còn được trang bị sáu ống phóng ngư lôi 533 mm, ngư lôi, thủy lôi và tổ hợp tên lửa đa năng 3M-54 Klub (hay còn gọi là Kalibr 3M54). Theo RIA Novosti, Kilo 636 là một loại tàu ngầm đa năng có thể thực hiện các sứ mạng chống tàu và chống tàu ngầm trong những vùng nước nông. Trong thời bình, Kilo 636 có thể được sử dụng cho mục đích tuần tiễu, bảo vệ lãnh hải, cơ sở quân sự hay trinh sát trên biển. Hôm 31.12, tàu vận tải hạng nặng Rolldock Sea chở theo tàu ngầm HQ182 Hà Nội lớp Kilo của Việt Nam đã về đến quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa). Đây là một trong số sáu tàu ngầm lớp Kilo mà Nga đóng cho Việt Nam. Theo hãng tin RIA Novosti (Nga), dự kiến Nga sẽ giao cho Việt Nam chiếc tàu ngầm lớp Kilo thứ hai và thứ ba trong năm 2014.
Theo TNO
Cam Ranh đã sẵn sàng đón tàu ngầm Kilo Hà Nội
Sáng 26/12, tàu vận tải Rolldock Sea chở tàu ngầm Kilo HQ 182 Hà Nội đã tiến vào biển Adaman, gần Malaysia. Theo kế hoạch, tàu ngầm Kilo Hà Nội về Cam Ranh vào cuối tuần này. Hiện Cam Ranh đã sẵn sàng đón tàu Kilo Hà Nội.
Để chuẩn bị tốt nhất cho việc tiếp nhận tàu ngầm Hà Nội tới đây, trước đó, đầu tháng 11/2013, nhà thầu Nga đã chuyển giao trung tâm đào tạo thủy thủ tàu ngầm tại Cam Ranh cho Hải quân Nhân dân Việt Nam.
Theo đó, buổi ký kết chuyển giao diễn ra tại Moscow. Trước đó, hơn 40 sĩ quan Hải quân Nhân dân Việt Nam đã trải qua một năm rưỡi học tập tại Nga theo chương trình đào tạo các giáo viên và huấn luyện viên cho trung tâm đào tạo. Sau khi được đào tạo ở Nga và trở về nước, các sĩ quan Hải quân Việt Nam sẽ trực tiếp vận hành hệ thống huấn luyện tàu ngầm trong nước.
Chi phí để xây dựng trung tâm huấn luyện này tuy không được tiết lộ nhưng theo Izvestia, tổng chi phí sẽ cao hơn giá một chiếc tàu ngầm Varshavyanka. Izvestia cho biết thêm, trung tâm huấn luyện gồm 2 tòa nhà. Một tòa nhà chứa một tàu ngầm mô phỏng với 30 thiết bị luyện tập riêng và được kết nối thành một mạng lưới chung.
Tàu ngầm HQ-182 Hà Nội trong một lần thử nghiệm
Các thiết bị luyện tập này mô phỏng chính xác các vị trí điều khiển của mỗi thủy thủ như trên tàu ngầm thật. Tuy nhiên, thay cho các chỉ số thực như độ sâu, tốc độ, tình trạng mục tiêu, thiết bị sẽ sử dụng thiết bị mô phỏng điện tử được vi tính hóa.
Để mô phỏng các điều kiện thực tế, trung tâm huấn luyện có một bể nước với máy phóng ngư lôi 533 mm và áp suất tăng dần. Các thủy thủ tàu ngầm tương lai của Việt Nam phải tập sơ tán từ tàu ngầm dưới sự giám sát của các huấn luyện viên.
Việc Nga chuyển giao trung tâm huấn luyện tàu ngầm cho Việt Nam mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác huấn luyện và đào tạo đội ngũ sĩ quan và thủy thủ tàu ngầm - một lĩnh vực còn mới mẻ với Hải quân Việt Nam.
Ông Vladimir Khoroshev, đại diện Hiệp hội khoa học-sản xuất Avrora cho biết, Trung tâm huấn luyện sẽ có mô hình giống như một chiếc tàu ngầm không có phần khung cứng và sẽ được lắp ráp trên bờ biển. Và "ruột" của con tàu này do Avrora chế tạo cùng với gần một trăm công ty Nga chuyên cung cấp thiết bị cho tàu ngầm.
Cũng theo ông Vladimir Khoroshev, trung tâm đào tạo có sàn chao đảo chuyển động trên ba mặt phẳng và cho phép tái hiện tình hình thực tế trên biển khi gặp bão, tàu rung lắc, nghiêng mạn lúc lặn sâu và nổi lên mặt nước.
Nếu thủy thủ thực hiện một động tác sai, ngay lập tức sẽ có cảm nhận thể chất - sàn sẽ nghiêng lệch hay nhô vọt lên trên, mô phỏng chính xác tình hình của một con tàu thật. Trong đó, mọi chuyển động đều sát với hiện thực đến mức tối đa.
Tại trung tâm có bể bơi đặc biệt, nơi thủy thủ tàu lặn sẽ học cách phản ứng trong môi trường giả định có khói ngạt, cần dập lửa bằng những phương tiện khác nhau, thực hiện công tác sửa chữa, và nhanh chóng rời khỏi tàu qua đường ống phóng ngư lôi.
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho tàu ngầm Kilo đòi hỏi một chi phí không hề nhỏ so với chi phí mua tàu. Tuy nhiên, thử hình dung những nhiệm vụ mà một căn cứ tàu ngầm cần phải đảm nhận mới thấy hết được sự phức tạp của nó.
Tàu ngầm Kilo có thể là những con "quái thú" dũng mãnh khi ra khơi, nhưng khi neo đậu ở căn cứ, chúng trở nên dễ tổn thương trước các đòn tấn công của kẻ thù. Vì vậy, trên thế giới, các tàu ngầm thường được bảo vệ rất cẩn thận bởi hệ thống an ninh và thường được neo đậu trong những đường hầm bằng bê tông có thể chịu được bom đạn cỡ lớn.
Bên cạnh các cơ sở kỹ thuật là các cơ sở hậu cần sẵn sàng cung cấp những vật dụng cần thiết cho những chuyến ra khơi của nhiều tàu ngầm cùng lúc. Ở Cam Ranh trước đây, Liên Xô luôn duy trì một hầm lạnh khổng lồ chứa được trên 250 tấn thực phẩm.
Ngoài ra còn có hệ thống thông tin liên lạc, chỉ huy tác chiến, hệ thống trang thiết bị phục vụ cho huấn luyện với rất nhiều phương tiện hiện đại. Cùng với đó là doanh trại nghỉ ngơi cho các kíp tàu ngầm và các bộ phận khác.
Không chỉ xây dựng trung tâm hậu cần kỹ thuật hiện đại để đón Kilo, Bộ Quốc phòng còn quyết định thành lập lữ đoàn tàu ngầm hiện đại đầu tiên của Hải quân Việt Nam tại Cam Ranh - Lữ đoàn 189 vào tháng 5/2013.
Lữ đoàn 189 có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, hiệp đồng với các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Việc thành lập Lữ đoàn 189 đánh dấu bước phát triển mới trong lộ trình xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Theo Đất Việt
"Soi" phương tiện chở tàu ngầm Kilo Hà Nội về Cam Ranh Tàu ngầm Kilo Project 636 đầu tiên của Việt Nam mang tên HQ-182 Hà Nội sẽ được vận chuyển bằng tàu vận tải siêu trường siêu trọng Rolldock Sea của Hà Lan. Theo truyền thông Nga, tàu ngầm phi hạt nhân tấn công Project 636 Varshavyanka (NATO định danh là Kilo) đầu tiên cho Hải quân Nhân dân Việt Nam mang tên HQ-182...