Tạo ‘vitamin hạnh phúc’ trong nhà trường
Tháng 3.2020, là một trong số trường đầu tiên dạy học online, nhưng chưa kịp hạnh phúc vì có thể duy trì dạy học, chúng tôi đã phát hiện ra học sinh của mình gặp khó khăn vì bị nhốt trong nhà, bị giảm tương tác so với thường ngày.
Nên ngay từ đó, song hành với giải pháp dạy và học online hiệu quả, trường cũng quan tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh – TS. Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) chia sẻ.
Giảm bớt áp lực cho thầy cô, học sinh
Từ thực tế đó, các thầy cô giáo Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành đã cùng trao đổi, làm xuất hiện khái niệm vitamin hạnh phúc. Theo đó, nhà trường khích lệ mỗi thầy cô phải luôn có kho vitamin hạnh phúc, để mỗi giờ học có thể tặng cho học trò; mỗi học sinh có thể tự tạo ra vitamin hạnh phúc để tặng thầy cô, bạn bè; tổ chức cuộc thi ảnh về vitamin hạnh phúc thể hiện các hoạt động trong gia đình của học sinh. Vitamin hạnh phúc của học sinh còn được gửi đến mọi người, với cuộc thi vẽ tranh tuyên truyền phòng chống Covid-19, viết thư cho bố mẹ, người thân của các bạn trong lớp là bác sĩ… giúp các em cảm thấy có thêm niềm vui, tạo thêm động lực. Với việc học tập, nhà trường quan tâm xây dựng đề cương ôn tập, kiểm tra đánh giá phù hợp với việc dạy học trực tuyến…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu tại tọa đàm tham vấn chuyên gia về giải pháp đối với vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh chiều 8.4
TS. Nguyễn Thị Thu Anh cho biết, ảnh hưởng Covid-19 vẫn còn hiện hữu với nhiều khó khăn. “Quay trở lại trường học trực tiếp 1 tháng nay, chúng tôi thấy giáo viên không còn chuyên nghiệp như trước, sức khỏe cũng không còn tốt như trước. Học sinh cũng vậy. Ngay khi học sinh trở lại trường, chúng tôi tổ chức kiểm tra giữa học kỳ II, các thầy cô choáng, sốc với kết quả. Bởi so với thời điểm này cách đây 2 năm, học sinh của chúng tôi không còn học tốt như trước, dù đề cương ôn tập cũng như kiểm tra đã giảm so với yêu cầu”.
“Chúng tôi tìm cách giảm bớt áp lực với giáo viên, học sinh. Tôi trao đổi với các giáo viên chủ nhiệm về giải pháp hỗ trợ học sinh đến trường học trực tiếp. Ở mỗi khối lớp, các cô giáo đưa ra giải pháp, như cử học sinh tốt hơn hỗ trợ bạn, học nhóm qua phần mềm; hướng dẫn học sinh kém là vai trò của giáo viên bộ môn, đặc biệt là sự đồng hành của cha mẹ…”.
Quan tâm bằng các hoạt động cụ thể
Khi học sinh có điểm kiểm tra giữa kỳ II kém, có tình trạng một số khối lớp đã yêu cầu học sinh viết bản kiểm điểm, cam kết giai đoạn tới cố gắng học hơn. TS. Nguyễn Thị Thu Anh cho rằng, kết quả học tập của học trò là kết quả dạy của giáo viên. Kết quả kém thì người đầu tiên phải viết bản kiểm điểm là giáo viên. Kết quả học của con là kết quả của sự đồng hành, quan tâm của bố mẹ. Nếu con có kết quả học tập kém, thì người thứ hai phải viết bản kiểm điểm là bố mẹ. “Hai người ấy chưa viết bản kiểm điểm, thì đừng vội yêu cầu học sinh viết bản kiểm điểm…”
TS. Nguyễn Thị Thu Anh cho rằng, tuyên truyền để thầy cô, cha mẹ học sinh cùng hiểu vai trò của sức khỏe tâm thần là điều quan trọng, cần được đề cao
Bên cạnh đó, nhận thức về sức khỏe tâm thần trong xã hội còn hạn chế. Nhiều người quan tâm tới sức khỏe thể chất, nhưng quan tâm tới sức khỏe tâm thần còn hạn chế. Chẳng hạn, khi có một học sinh bị trầm cảm, bác sĩ đề nghị phải nhập viện và nghỉ học 10 ngày, thì phụ huynh học sinh cho rằng con mình giả vờ. Đưa ra ví dụ này, TS. Nguyễn Thị Thu Anh đề xuất, đẩy mạnh tuyên truyền để thầy cô, cha mẹ học sinh cùng hiểu vai trò của sức khỏe tâm thần. Các bộ, ngành cần tăng cường tập huấn kỹ năng liên quan đến sức khỏe tâm thần cho mỗi cha mẹ biết cách chăm sóc con. Các nhà trường cũng nên quan tâm vấn đề này. Như Trường Nguyễn Tất Thành có sinh hoạt CLB cha mẹ học sinh về chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học trò, ngoài chuyên gia trao đổi, bố mẹ cũng cần chia sẻ kinh nghiệm của mình…
Từ câu chuyện của nhà trường Nguyễn Tất Thành, TS. Nguyễn Thị Thu Anh khẳng định: Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh là điều mỗi nhà trường cần quan tâm, có các hoạt động cụ thể và triển khai đồng bộ trong nhà trường, để hỗ trợ những khó khăn, vấn đề của học trò.
Chiều 8.4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức tọa đàm tham vấn chuyên gia về giải pháp đối với vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh. Phân tích những ảnh hưởng của Covid-19, áp lực học tập, giáo dục gia đình, tác động của thông tin trên môi trường mạng internet… từ đó các chuyên gia, đại diện bộ, ngành liên quan đã đưa ra nhiều giải pháp từ các góc độ khác nhau cho vấn đề này.
Video đang HOT
Trường học các nước làm gì để học sinh hạnh phúc?
Đồng cảm là một môn học trong chương trình giảng dạy phổ thông tại Đan Mạch.
Giáo viên khuyến khích học sinh Đan Mạch tự khám phá kiến thức.
Còn Australia lồng ghép khóa học Positive Detective (Công nhận điều tích cực) trong các nhà trường, còn học sinh Ấn Độ được dạy về hạnh phúc...
Phần Lan: Chơi nhiều, học ít
Ít người biết rằng, học sinh Phần Lan từng được đánh giá là ít hạnh phúc nhất thế giới trong khảo sát năm 2004. Lý do các em đưa ra là môi trường giáo dục không có lợi cho việc học, có khoảng cách giữa giáo viên và học sinh, thiếu sự tương tác với bạn cùng lớp.
Với mong muốn thay đổi trải nghiệm của học sinh, trường học Phần Lan đã tìm cách thay đổi môi trường học tập theo hướng tích cực hơn. Đi đầu là kế hoạch "Schools on the move" (Trường học không ngừng chuyển động) được triển khai từ năm 2010. Theo đó, học sinh được tăng cường các giờ học thể chất, giảm thời gian ngồi trong phòng học để thúc đẩy hoạt động ngoài trời, kích thích sự sáng tạo, yêu thích học tập. Ngoài ra, các nhà trường cũng tổ chức nhiều chương trình ngoài trời để trẻ xây dựng tình yêu và sự gắn bó với môi trường.
Phòng học trong các nhà trường cũng được thiết kế lại để khơi dậy niềm vui học tập vì "mục đích chính của môi trường học là truyền cảm hứng cho học sinh". Phòng giáo viên cũng được sắp xếp tương tự.
Đến nay, Phần Lan là một trong những quốc gia sở hữu nền giáo dục phổ thông chất lượng hàng đầu thế giới. Trẻ em tại quốc gia này luôn nằm trong tốp hạnh phúc trong bảng xếp hạng toàn cầu. Nền tảng của sự hạnh phúc đã được các nhà giáo dục Phần Lan ươm mầm cho thế hệ học sinh từ khi các em học mẫu giáo.
Ở trường mầm non, trẻ em không cần tập đọc, viết để chuẩn bị cho chương trình lớp 1. Đến năm 7 tuổi, các em mới bắt đầu học tiểu học trong khi ở nhiều quốc gia khác, độ tuổi đi học tiểu học là 6. Bà Tiina Marjoniemi, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Mầm non Franzenia, Phần Lan, cho biết: "Chúng tôi tin rằng, trẻ em dưới 7 tuổi chưa sẵn sàng để học. Thời gian đó, các em nên được vui chơi, hoạt động thể chất và sáng tạo".
Học mầm non, trẻ sẽ được trau dồi những kỹ năng xã hội như học cách kết bạn, tôn trọng mọi người xung quanh, khả năng giao tiếp... Các em có ít nhất 90 phút vui chơi ngoài trời mỗi ngày.
Trong chương trình giáo dục phổ thông, Phần Lan không tổ chức các kỳ thi kiểm tra đánh giá định kỳ, không giao bài tập về nhà cho học sinh. Bên cạnh đó, chương trình lồng ghép môn Đồng cảm, Hòa nhập và Tư duy phát triển, dạy trẻ biết yêu thương, chia sẻ. Các nhà giáo dục Phần Lan tin rằng, đồng cảm sẽ giúp trẻ em hạnh phúc và lan tỏa niềm hạnh phúc đến mọi người xung quanh.
Học sinh Phần Lan trải nghiệm học tập ngoài trời.
Đan Mạch: 5 nguyên tắc vàng
Hệ thống giáo dục Đan Mạch hoạt động dựa trên 5 nguyên tắc giúp học sinh cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc khi đến trường. Nhờ đó, học sinh quốc gia này luôn nằm trong tốp hạnh phúc nhất thế giới.
Đầu tiên, trẻ em được dạy rằng mỗi người có phẩm chất, năng khiếu riêng. Do vậy, dù điểm số cao hay thấp, mỗi học sinh đều sẽ tìm được vị trí công việc phù hợp và trở thành người có ích trong xã hội. Không chú trọng điểm số, chương trình học tại Đan Mạch giúp học sinh phát triển tính tò mò và năng khiếu cá nhân.
Tiếp đó, học sinh phải tự tìm kiếm thông tin, tự hoàn thành các thí nghiệm, dự án. Trong giờ học, học sinh phải chủ động tích lũy thông tin và thực hành chứ không chỉ nghe và làm theo yêu cầu của giáo viên. Giáo dục Đan Mạch không hoan nghênh học sinh học vẹt, học thuộc lòng.
Thứ ba, học sinh được khuyến khích là chính mình. Điều này đồng nghĩa mỗi học sinh được giao bài tập, nhiệm vụ riêng dựa trên khả năng của các em như mở rộng vốn từ, học cách sẻ chia, khoan dung...
Học tập phải vui vẻ là nguyên tắc thứ tư trong hệ thống giáo dục Đan Mạch. Điểm số không phải ưu tiên hàng đầu, học sinh được nghỉ ngơi vào những ngày cuối tuần. Nếu học sinh không biết chắc muốn làm gì, các em có thể theo học chương trình đặc biệt, nằm ngoài chương trình giáo dục phổ thông. Nội dung chương trình tập trung vào khám phá, phát triển tài năng và sự sáng tạo cá nhân. Từ đó, học sinh vừa tận hưởng việc học tập, vừa khám phá bản thân.
Cuối cùng, giáo dục giúp học sinh nhận ra rằng mọi cơ hội học tập đều bình đẳng. Giáo viên không định hướng học sinh theo đuổi công việc nào để phát huy khả năng cũng như năng lực của mình. Thay vào đó, họ luôn nhấn mạnh rằng lựa chọn nghề nghiệp phải giúp mỗi cá nhân cảm thấy hạnh phúc. Nhà trường thường tổ chức các buổi trò chuyện, hội thảo giúp học sinh nhận thức rằng cơ hội nghề nghiệp là bình đẳng.
Australia: Lan tỏa những điều tích cực
Học sinh Australia lan tỏa những điều tích cực cho bạn bè.
Những năm gần đây, trong giờ ăn trưa, các trường phổ thông tại Australia khuyến khích hoạt động lan tỏa điều tích cực. Cụ thể, thay vì mách tội bạn bè với giáo viên, học sinh sẽ chia sẻ về những hành động tốt, việc làm hay của bạn bè.
Ban đầu, học sinh khá rụt rè nêu lên những hành động tích cực của bạn bè do mới chỉ biết cách tìm lỗi sai. Nhưng theo các chuyên gia giáo dục, hành động này không làm nâng tư duy phản biện, trái lại sẽ khiến trẻ em thiếu hòa đồng.
Trong giờ ăn trưa, giáo viên thường ngồi chung với học sinh và khuyến khích các em chia sẻ những câu chuyện thú vị, tích cực trong ngày. Dần dần, các em tranh nhau liệt kê những điểm tốt ở bạn bè.
Để làm được điều này, học sinh phải quan sát hành vi lẫn nhau, xây dựng ý thức học hỏi và thực hành làm việc tốt. Từ đó, những niềm hạnh phúc được lan tỏa.
Nổi bật nhất, nhiều trường phổ thông tại Australia đang triển khai Chương trình Positive Detective (Công nhận những điều tích cực). Nội dung của chương trình là dạy trẻ cách tìm kiếm những điều tốt đẹp xung quanh mình và chia sẻ với mọi người. Chương trình cũng dạy trẻ em cách kiểm soát và chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ; hình thành tư duy chống lại tin tức tiêu cực được lan truyền bởi các phương tiện truyền thông; phương pháp tìm kiếm tin tức tốt đẹp và lan tỏa trong cuộc sống.
Positive Detective được xây dựng như một khóa học ngắn hạn trong nhà trường. Mỗi bài học kéo dài 45 phút, thường diễn ra trong 5 tuần hoặc một học kỳ.
Một số mục tiêu của chương trình gồm: Tìm kiếm những điều tích cực trong thế giới của học sinh. Kết nối học sinh với bạn bè, giáo viên và trường học. Xây dựng tinh thần học tập thông qua hoạt động nhóm. Tạo kết nối tích cực giữa nhà trường và gia đình. Trau dồi kỹ năng sống kiên cường và hạnh phúc. Phát triển kỹ năng trải nghiệm, biết ơn và sống tử tế.
Chuyên gia giáo dục Lea Waters, đồng sáng lập Positive Detective, cho biết: Không chỉ thực hành ở trường, học sinh sẽ mang niềm vui, câu chuyện tích cực về nhà và chia sẻ với những người thân yêu. Các em cũng biết cách viết thư cảm ơn cha mẹ, tìm kiếm niềm vui trong sinh hoạt gia đình.
Ấn Độ: Khóa học về hạnh phúc
"Hạnh phúc" là môn học mới trong chương trình phổ thông Ấn Độ.
Từ giữa năm 2019, "Hạnh phúc" đã trở thành một môn học trong chương trình phổ thông tại Ấn Độ, tương đương với Toán, Văn, Vật lý, Hóa học... Rời xa các kiến thức truyền thống hơn, chương trình "Hạnh phúc" hướng dẫn học sinh thiền định, kể chuyện cùng các hoạt động tập trung vào nhu cầu cảm xúc và tinh thần.
Những kỹ năng này nhằm mục đích giảm căng thẳng, lo lắng và kiểm soát chứng trầm cảm ở học sinh. Để tránh tạo thêm gánh nặng cho học sinh, môn "Hạnh phúc" không chấm điểm, không có sách giáo khoa cũng không có bài kiểm tra, bài tập về nhà.
Tùy độ tuổi, học sinh phổ thông sẽ tập thiền 30 - 45 phút. Giáo viên bộ môn hướng dẫn các em lắng nghe kỹ âm thanh xung quanh khi nhắm mắt. Sau đó, học sinh sẽ ghi lại những âm thanh có thể nghe được, sàng lọc âm thanh để tập trung vào nhịp thở của chính mình.
Ngoài ra, giáo viên, cán bộ quản lý các trường phổ thông phải tham gia các khóa tập huấn về giáo dục hạnh phúc nhằm mục tiêu mọi thầy cô đều có thể giúp học sinh khơi gợi những điều tích cực.
Ông Rajesh Kumar, quản lý chương trình đào tạo về "Hạnh phúc", chia sẻ: Mỗi giáo viên đều là tấm gương để trẻ em noi theo, học hỏi, đặc biệt trong môn học còn mới lạ như "Hạnh phúc". Nhưng làm sao giáo viên có thể dạy về hạnh phúc nếu chưa tìm được hạnh phúc và hiểu về hạnh phúc.
Chương trình tập huấn dành cho giáo viên gồm nhiều hoạt động như thực hành chánh niệm, khái niệm về hạnh phúc, cách xây dựng và lan tỏa hạnh phúc... Trong các bài học, giáo viên phải lấy học sinh làm trung tâm và giúp các em phát triển lòng tự trọng, sự tự tin và mang lại tiếng nói cho học sinh.
Chính quyền bang Delhi, Ấn Độ, đã thành lập Ủy ban Hạnh phúc gồm 200 cố vấn để theo dõi, quản lý tiến độ triển khai môn "Hạnh phúc" trong trường học. Đội ngũ này sẽ hỗ trợ giáo viên khi truyền tải kiến thức mới mẻ cho học sinh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2019, khoảng 11% thanh thiếu niên Ấn Độ (13 - 15 tuổi) bị phân tâm, khó tập trung trong học tập và sinh hoạt hàng ngày. Quốc gia này cũng có tỷ lệ học sinh tự tử nằm ở nhóm cao trong khu vực.
Mong muốn xây dựng môi trường học tập lành mạnh, tích cực, trong những năm gần đây, Ấn Độ đã cố gắng xây dựng nền giáo dục dựa trên giá trị và quá trình, thay vì tập trung vào kết quả học tập. Môn học "Hạnh phúc" là một trong những hoạt động nổi bật của kế hoạch thay đổi sâu rộng lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại Ấn Độ.
Công nhận PGS.TS Lê Anh Phương là Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) Sáng 29/3, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) tổ chức Lễ công bố quyết định công nhận hiệu trưởng đối với PGS.TS Lê Anh Phương, nhiệm kỳ 2020 - 2025. PGS.TS Huỳnh Văn Chương - Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế trao Nghị quyết công nhận Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm cho PGS.TS Lê Anh Phương (bên phải) Ngày 31/12/2021,...