Tạo sự trải nghiệm
Ban Chỉ huy (BCH) Liên đội Trường THCS Lương Thế Vinh ( quận Ninh Kiều) đã tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm cho học sinh ở trong và ngoài thành phố, như: Giao lưu kết nghĩa với các trường bạn, tham quan các di tích lịch sử, văn hóa… Tại trường, Liên đội cũng xây dựng nhiều mô hình để học sinh rèn luyện kỹ năng, phát triển toàn diện.
Các đội viên Trường THCS Lương Thế Vinh tìm hiểu về Khu di tích lịch sử chiến thắng Ông Hào.
Năm học qua, Liên đội Trường THCS Lương Thế Vinh đã kết hợp với các tổ bộ môn tổ chức 6 chuyến trải nghiệm thực tế ở các tỉnh Bạc Liêu, Bến Tre; tổ chức tham quan Khu di tích lịch sử chiến thắng Ông Hào (xã Trường Long, huyện Phong Điền), Khu di tích lịch sử – văn hóa Căn cứ Vườn Mận (quận Bình Thủy)… Các chuyến về nguồn, tham quan ở trong và ngoài quận đã giúp đội viên trải nghiệm thực tế cũng như học thêm kỹ năng giao tiếp, tư duy. Trong đó, nổi bật là chuyến về nguồn với chủ đề “Tiếp bước cha anh” ở xã Trường Long, huyện Phong Điền đã thu hút 270 đội viên tham gia. Các học sinh đã được nghe các cô chú cựu chiến binh kể về chiến công của lực lượng vũ trang thành phố ở rạch Ông Hào vào tháng 6-1965. Đồng thời giao lưu với các đội viên Liên đội Trường THCS Trường Long. Em Huỳnh Huyền Gia Hân, Chi đội trưởng Chi đội 9A3, cho biết: “Chuyến đi không những giúp em hiểu thêm về lịch sử địa phương mà còn giúp em làm quen thêm nhiều bạn mới, học hỏi các kỹ năng trong công tác Đội”.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật ở trường, tháng 10-2019, BCH Liên đội Trường THCS Lương Thế Vinh kết hợp với Tổ Giáo dục công dân – Sử – Địa thành lập Câu lạc bộ (CLB) Giáo dục pháp luật học đường, gồm 12 thành viên là đại diện Ban Giám hiệu trường, các tổ chuyên môn, đoàn thể. CLB đã tổ chức một buổi tuyên truyền về phòng chống tai nạn thương tích; phòng, chống bạo lực học đường, bệnh tật học đường; phòng, chống tệ nạn xã hội; giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản… cho gần 2.530 học sinh. Đồng thời tổ chức cho các đội viên thi vẽ tranh, cổ động Ngày Pháp luật Việt Nam (9-11) với các chủ đề về pháp luật. “Năm học trước, Liên đội còn kết hợp với Chi đoàn giáo viên thành lập Ban Dân vận khéo để hướng dẫn, tuyên truyền về pháp luật giao thông cho phụ huynh, học sinh ở cổng trường” – anh Nguyễn Ngọc Thọ, Tổng phụ trách Đội trường, cho biết.
Những năm qua, BCH Liên đội còn cụ thể các nội dung làm theo lời Bác ở các Chi đội. Các đội viên đăng ký xây dựng cảnh quan lớp học sáng – xanh – sạch – đẹp bằng cách thiết kế chậu hoa, bình hoa, trang trí lớp từ vật liệu đã qua sử dụng nhằm tiết kiệm chi phí. Trong phong trào “Kế hoạch nhỏ”, các đội viên tự làm các ống heo rồi đóng góp tiền để tham gia phong trào. Năm học 2018-2019, các đội viên của Liên đội Trường THCS Lương Thế Vinh đã tiết kiệm được 22 triệu đồng để thực hiện các công trình, phần việc của Chi đội. Đặc biệt, Liên đội tiếp tục củng cố, xây dựng nhiều hoạt động, phong trào giúp đỡ bạn: “Vòng tay bè bạn”, “Giúp bạn vượt khó”, “Giúp bạn tới trường – Hướng tới tương lai”… Kết quả, Liên đội đã đóng góp, vận động và trao tặng 161 suất học bổng; nhiều quà tặng, sách giáo khoa cho các đội viên có hoàn cảnh khó khăn; đề nghị Ban Giám hiệu trường xem xét miễn, giảm các khoản học phí cho các đội viên nghèo… Tổng giá trị của các hoạt động là 78 triệu đồng.
Theo anh Nguyễn Ngọc Thọ, Tổng phụ trách Đội, thời gian tới, BCH Liên đội tiếp tục tổ chức và tham mưu cho Ban Giám hiệu trường tổ chức các hoạt động trải nghiệm gắn với học tập để học sinh tìm hiểu về khoa học kỹ thuật, bảo vệ môi trường, lịch sử vẻ vang của quê hương và dân tộc.
Video đang HOT
Bài, ảnh: Phạm Trung
Theo baocantho
Hạnh phúc từ những điều bình dị
Với quan niệm, lớp học hạnh phúc đến từ những điều bình dị và nhỏ bé, cô Phạm Thúy Nhung - giáo viên Trường THCS Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) luôn chủ động thay đổi để tạo dựng mối quan hệ yêu thương, thấu hiểu giữa cô với trò và trò với cô, trò với trò.
Cô Nhung (hàng 1, ngồi giữa) luôn thân thiện với học trò và mang đến nhiều niềm vui cho lớp học. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nguyên tắc xây dựng lớp học hạnh phúc
Theo cô Nhung, mọi thành công của cô hay trò trong dạy - học chính là kết quả của sự tương tác. Vậy nên, lớp học hạnh phúc là nơi có tình yêu thương, cô yêu quý, quan tâm, lo lắng, dạy dỗ và luôn đồng hành cùng học trò. Ngược lại, học trò được nuôi dưỡng, cố gắng phấn đấu trong học tập và biết yêu thương, đoàn kết với nhau. "Lớp học hạnh phúc không chỉ là nơi các em đến để học tập, mà còn là nơi để chia sẻ yêu thương và không nỡ rời xa" - cô Nhung bộc bạch.
Nói về kinh nghiệm xây dựng lớp học hạnh phúc, cô Nhung cho rằng, nó giống như chúng ta xây dựng và giữ gìn hạnh phúc trong gia đình. Thứ nhất, tôn trọng học sinh, giao nhiệm vụ cho các em, mỗi người nhận nhiệm vụ khác nhau trong các hoạt động học tập. Điều đó khiến các em thấy mình được cô giáo tin tưởng và mong muốn thực hiện nhiệm vụ của mình tốt nhất có thể. Thứ hai, lắng nghe một cách chân thành nhất những chia sẻ của học sinh và cùng "gỡ rối" khi các em gặp khúc mắc trong học tập cũng như trong cuộc sống.
Thứ ba, cùng xây dựng những quy định chung và có kế hoạch cụ thể hướng dẫn học sinh thực hiện. Thứ tư, thường xuyên tổ chức các buổi học kỹ năng sống, tạo điều kiện cho học sinh trao đổi theo chủ đề, từ đó lắng nghe những chia sẻ, tâm tư, nguyện vọng của các em. Thứ năm, tìm hiểu gia cảnh của học sinh. Hỗ trợ, động viên, định hướng học tập cho các em có hoàn cảnh khó khăn và có chút khác biệt về tính cách.
Thứ sáu, sẵn sàng giúp đỡ khi học sinh gặp khó khăn, thậm chí đến nhà các em chơi và thăm hỏi, động viên để các em vượt lên hoàn cảnh. Thứ bảy, tổ chức cho học sinh các hoạt động trải nghiệm, phát triển kỹ năng sống. "Khi nhà trường chưa có điều kiện để tổ chức trong toàn trường, tôi tổ chức cho học sinh gói bánh chưng Tết tại nhà mình. Qua đó, giúp các em được trải nghiệm và hiểu hơn về truyền thống Tết cổ truyền của dân tộc. Sản phẩm của các em sẽ được tặng lại cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong lớp" - cô Nhung dẫn giải.
Kỷ niệm khó quên
Nhớ về kỷ niệm khi làm chủ nhiệm lớp 8B năm học 2017 - 2018, cô Nhung kể lại, năm đó, là giáo viên chủ nhiệm kiêm dạy môn Văn của lớp, khi tiếp nhận lớp học, không ít đồng nghiệp cảnh báo đó là lớp có nhiều trò học yếu và nghịch.
"Không lo lắng hay chán nản, tôi bắt tay vào nghiên cứu, tìm hiểu một số phương pháp để giúp học sinh hứng thú trong học tập. Tôi tổ chức cho các em bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình, đồng thời thu hút trò bằng các hoạt động ngoại khóa. Tôi đến sớm trước giờ truy bài để cùng ôn bài và nhắc nhở các em...
Cô Phạm Thúy Nhung
Một thời gian sau, lớp tôi chủ nhiệm có tiến bộ rõ rệt cả về nề nếp và chất lượng học tập" - cô Nhung chia vui đồng thời cho biết: Trong lớp, tôi ấn tượng với học sinh tên Quân. Học lực khá nhưng thân hình nhỏ như học sinh lớp 4, em hay ngượng, xấu hổ và thiếu tự tin trước tập thể. Không thể đi xe đạp dành cho người lớn nên em chọn đi bộ hoặc nhờ mẹ đưa đến gần trường rồi tự vào lớp. "Biết Quân có chút mặc cảm về bản thân, tôi luôn gần gũi, chuyện trò để động viên em.
Ngoài chức tổ trưởng, tôi hướng dẫn em cách thuyết trình trước lớp, khuyến khích em thực hiện sở thích của mình là nhảy hiphop... với mong muốn giúp em hiểu thầy cô, bạn bè và bố mẹ luôn yêu thương, đồng hành cùng em trên mọi nẻo đường. Dần dần, Quân lấy được tự tin. Em có thể trình diễn những điệu nhảy hiphop trước toàn trường. Khi bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10, tôi đã chở em đi thi. Kết quả, Quân trúng tuyển vào ngôi trường em hằng yêu thích - Trường THPT Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội)" - cô Nhung chia sẻ.
Trong quá trình dạy học, cô Nhung cũng luôn chủ động đổi mới, sáng tạo và ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. "Tôi thích tính hiện đại, yêu thích công nghệ thông tin nên chú trọng đến phương pháp dạy học tích cực, lấy học sinh làm trung tâm. Riêng môn Văn, tôi thường kết hợp phương pháp truyền thống và hiện đại trong mỗi giờ lên lớp.
Để tạo hứng thú học tập cho học sinh về bộ môn Văn - Sử, tôi thực hiện các hoạt động dạy học linh hoạt theo đặc trưng phân môn như: Dành 5 - 7 phút để khởi động trước khi nhập môn; kết hợp với việc cho học sinh chia sẻ về mình, kể một số câu chuyện vui để tiết học nhẹ nhàng, vui vẻ" - cô Nhung trao đổi.
Tôi chú trọng xây dựng các tình huống có trong thực tiễn để học sinh cùng thảo luận và đưa ra các giải pháp tháo gỡ. Ngoài ra, giữa các phần trong một tiết học, tôi thường chuyển ý một cách mềm mại, linh hoạt, có thể là một tình huống hài hước, một câu thơ hoặc một vài câu nói vui... Qua đó tạo cảm giác thoải mái và giúp học sinh hứng khởi hơn trong các phần học tiếp theo. - Cô Phạm Thúy Nhung
Minh Phong
Theo GDTĐ
Kinh nghiệm tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh trong môn Vật lí Hoạt động trải nghiệm trong nhà trường trung học được hiểu là hoạt động có động cơ, có đối tượng để chiếm lĩnh, được tổ chức bằng các việc làm cụ thể của học sinh (HS), được thực hiện trong thực tế, được sự định hướng, hướng dẫn của nhà trường. Ảnh minh họa Đối tượng để trải nghiệm nằm trong thực tiễn....