Tăng phần kiểm tra năng lực và tuyển thẳng
Trong khi nhiều trường ĐH đang tính toán tuyển sinh theo môn thi và bài thi của kỳ thi THPT quốc gia, một số trường ĐH dự kiến tổ chức thêm kỳ thi kiểm tra năng lực.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQG TP.HCM, cho biết bên cạnh kỳ thi THPT quốc gia, năm 2017, ĐHQG TP.HCM sẽ tổ chức kỳ kiểm tra năng lực để các trường có thể dựa vào đó để có thêm hình thức xét tuyển. Nhiều trường ĐH khác cũng tổ chức kỳ kiểm tra năng lực để xét tuyển.
Tuyển sinh bằng nhiều phương thức
TS Nguyễn Quốc Chính cho biết ĐHQG TP.HCM tổ chức kỳ kiểm tra năng lực không có nghĩa là những thí sinh muốn đăng ký xét tuyển vào các trường thành viên đều phải tham gia kỳ kiểm tra năng lực này mà các em vẫn có thể xét tuyển theo nhiều phương thức khác nhau.
Cụ thể, năm 2017, các trường thành viên của ĐHQG TP.HCM vẫn thực hiện tuyển thẳng học sinh giỏi ở các trường chuyên, năng khiếu.
“Năm 2016, ĐHQG TP.HCM thí điểm tuyển thẳng đối tượng trên và thấy rất ổn”, TS Chính nói đồng thời cho biết năm 2017 sẽ nâng tỉ lệ xét tuyển từ 10% của năm 2016 lên 20%, thậm chí 30%.
Bên cạnh đó, các trường chỉ cần dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, một số ngành sẽ dùng đến kết quả kỳ kiểm tra năng lực, kể cả các trường có thể xét kết hợp kết quả học bạ, kỳ thi THPT quốc gia với kết quả kiểm tra năng lực như của ĐH Luật TP.HCM.
Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2016 tại TP.HCM. Ảnh: Người Lao Động.
TS Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết ĐHQG TP.HCM tổ chức kỳ kiểm tra năng lực sẽ làm tăng cơ hội cho thí sinh khi các em muốn đăng ký vào trường. Có thể trong cùng một ngành, thí sinh có thể có 2 hồ sơ xét tuyển khi vừa dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia vừa dùng thêm kết quả kỳ kiểm tra năng lực.
Tại ĐH Luật TP.HCM, năm 2017, trường vẫn tổ chức kỳ kiểm tra năng lực để xét tuyển. Ông Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng Đào tạo ĐH Luật TP.HCM, cho biết điểm xét tuyển năm 2017 vào trường vẫn là tổng điểm học bạ, điểm kỳ thi THPT quốc gia và điểm kỳ kiểm tra năng lực do trường tổ chức.
Tuy nhiên, tỷ trọng điểm từng thành phần sẽ thay đổi. Nếu như năm 2016, tỷ trọng điểm học bạ chiếm 20%, điểm kỳ thi THPT quốc gia 60%, kiểm tra năng lực 20% thì năm 2017 sẽ tăng tỷ trọng điểm kỳ kiểm tra năng lực bởi kỳ thi THPT quốc gia 2017 do sở giáo dục và đào tạo địa phương tổ chức nên mức độ tin cậy giảm hơn so với khi còn do các trường ĐH chủ trì.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho hay năm 2017, trường sẽ phối hợp cùng ĐHQG Hà Nội và có thể thêm với ĐHQG TP.HCM tổ chức kỳ kiểm tra năng lực.
Video đang HOT
Theo dự thảo, trường sẽ dành 50% chỉ tiêu để xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia, 50% còn lại cho các phương thức xét tuyển khác nhau.
Phức tạp xét tuyển theo môn
Trong khi đó, nhiều trường ĐH vẫn chỉ dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển. PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết năm 2017, trường vẫn xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia.
Điểm xét tuyển sẽ là tổng điểm của 3 bài thi. Những ngành lâu nay xét tuyển khối A thì trường sẽ dùng kết quả 3 bài thi môn toán, văn và bài thi khoa học tự nhiên.
Theo ông Minh, nếu bóc tách điểm của môn thành phần trong bài thi khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội kết hợp với bài thi các môn riêng biệt sẽ rất phức tạp trong khi dùng kết quả cả bài thi (khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội) sẽ thuận lợi hơn.
TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết năm 2017, trường dự kiến vẫn dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển. Đồng thời, trường cũng đang tính đến khả năng tổ chức trắc nghiệm định hướng nghề nghiệp để đánh giá mức độ phù hợp năng lực nghề nghiệp của thí sinh.
Theo dự thảo, ĐH Nông Lâm TP.HCM vẫn xét tuyển theo tổ hợp môn và sẽ bóc tách điểm của môn thi thành phần trong bài thi khoa học tự nhiên để xét theo khối thi. Tuy nhiên, việc xác định điểm vẫn còn bỏ ngỏ vì chưa biết thang điểm bài thi khoa học tự nhiên là 30 hay 10 điểm như bài thi 3 môn độc lập toán, văn, ngoại ngữ.
Chờ quy chế
Trong khi đó, nhiều trường ĐH cho biết chưa lên phương án tuyển sinh 2017 bởi phải chờ quy chế xét tuyển của Bộ GD&ĐT. Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng ĐH Tài chính – Marketing, cho biết trường chưa lên phương án xét tuyển 2017 bởi lúc này chưa biết hướng của bộ như thế nào.
Theo Huy Lân / Người Lao Động
Những điều lưu ý về phương án thi THPT quốc gia 2017
Theo Bộ GD&ĐT, bài thi tổ hợp khác bài thi tổng hợp và tích hợp. Thí sinh không bắt buộc làm hết 3 môn trong bài thi tổ hợp, điểm liệt cho từng môn là 1 điểm.
Chiều 28/9, Bộ GD&ĐT công bố phương án thi THPT quốc gia 2017. Về cơ bản, phương án thi THPT quốc gia 2017 giống dự thảo của Bộ GD&ĐT đưa ra trước đó.
Thí sinh sẽ thi 4 bài trắc nghiệm gồm Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (tổ hợp Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) đối với thí sinh hệ giáo dục THPT.
Thi tổ hợp khác tổng hợp và tích hợp
Một trong những điểm khác biệt quan trọng của kỳ thi THPT quốc gia 2017 là việc hình thành các bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.
Trong đó, học sinh giáo dục THPT thi 4 bài gồm: 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi tự chọn trong bài thi Khoa học Tự nhiên hoặc bài thi Khoa học Xã hội.
Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh có thể chọn thi một trong các thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật. Thí sinh có thể dự thi cả 5 bài thi để sử dụng kết quả xét tuyển vào đại học và cao đẳng.
Một trong những điểm mới trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 là không bắt buộc thí sinh làm hết 3 môn đề tổ hợp. Ảnh: Phượng Nguyễn.
Học sinh hệ giáo dục thường xuyên thi 3 bài thi gồm: 2 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và một bài thi tự chọn giữa Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Thí sinh có thể chọn thi thêm bài thi Ngoại ngữ để xét tuyển vào cao đẳng, đại học nếu có nguyện vọng.
Các bài Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng. Thí sinh làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Phiếu này sẽ được chấm bằng phần mềm máy tính.
Theo lý giải của Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga, bài thi tổ hợp chỉ là sự thay đổi về kỹ thuật khi ghép ba môn thi riêng lại làm một. Đó không phải sự kết hợp kiến thức của các môn thi, đòi hỏi sự phức tạp hơn nhiều.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT cũng cho biết sắp tới sẽ chuyển bài thi từ tổ hợp sang tổng hợp và tích hợp, phù hợp với đổi mới chương trình phổ thông.
Điểm liệt cho từng phần trong bài thi tổ hợp
Khác với những năm trước, điểm liệt được tính chung cho toàn bài thi. Nhưng với bài thi tổ hợp của kỳ thi THPT quốc gia 2017, điểm liệt của mỗi bài thi Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên và điểm liệt thành phần của mỗi môn thi trong bài thi tổ hợp là 1 điểm.
Như vậy, các trường cao đẳng, đại học có thể yêu cầu xét tuyển thí sinh theo khối A với bài thi Toán và điểm Vật lý, Hóa học (trong bài thi tổ hợp).
Trước băn khoăn về điểm liệt cho mỗi môn thi trong bài tổ hợp là 1 có phù hợp khi học sinh "đánh bừa" cũng có thể đạt 2,5 điểm, ông Mai Văn Trinh khẳng định mức điểm liệt như vậy là hợp lý, sau khi đã có những thống kê, nghiên cứu từ thực tế.
Đề thi khác với kỳ thi Đánh giá năng lực
Bộ GD&ĐT cho biết đã bắt đầu triển khai việc tập hợp lực lượng gồm các nhà khoa học, các thầy giáo có nhiều kinh nghiệm trong việc ra đề thi thành các nhóm để xây dựng ngân hàng câu hỏi.
Dự kiến các nhóm sẽ làm việc liên tục từ đầu tháng 10/2016 đến tháng 5/2017 để chuẩn bị số lượng câu hỏi đủ lớn cho kỳ thi. Ngân hàng đề thi sẽ được kế thừa từ kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội. Tuy nhiên, kỳ thi Đánh giá năng lực nhằm mục đích tuyển sinh, còn kỳ thi THPT quốc gia có cả mục đích xét tốt nghiệp. Vì vậy, đề thi của Bộ GD&ĐT sẽ có nhiều đổi khác.
Đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT sẽ được công bố trong đầu tháng 10.
Nói về đề thi, ông Mai Văn Trinh cho biết: "Thực tế kỳ thi năm 2015 và 2016, đề thi phải thiết kế bao gồm kiến thức ở mức độ cơ bản để phục vụ mục đích xét tốt nghiệp và phần phân hóa để xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Hai năm qua, tỷ lệ cơ bản khoảng 60% và nâng cao khoảng 40% trong đề thi".
Đây là mức tối thiểu, còn khi xây dựng ma trận đề thi và ngân hàng câu hỏi sẽ có sự tính toán hợp lý để bảo đảm đạt được mục tiêu của kỳ thi, phù hợp thời gian làm bài và phương thức thi.
Cũng theo ông Trinh, ngân hàng câu hỏi sẽ đáp ứng được số lượng để mỗi thí sinh có một đề thi khác nhau, với mức độ trùng lặp cho phép là 20%. Điều này hạn chế mức thấp nhất việc học sinh có thể quay cóp tài liệu và nhìn bài bạn.
Kỳ thi THPT quốc gia 2017 diễn ra trong 2 ngày tháng 6, với các bài thi bao gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Chỉ bài thi môn Ngữ văn thực hiện theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại theo hình thức trắc nghiệm.
Mỗi bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học Xã hội gồm 120 câu hỏi với 4 lựa chọn duy nhất một phương án đúng. Thời gian làm bài thi trắc nghiệm 150 phút.
Bài thi ngoại ngữ cũng được tăng số câu hỏi lên thành 50 câu (trước là 40 câu) nhưng thời gian làm bài thi vẫn là 60 phút. Riêng môn Toán vẫn 50 câu hỏi trắc nghiệm và thời gian làm bài là 90 phút.
Theo Zing
Tuyển sinh 2017: Tỷ lệ hồ sơ ảo có khả năng tăng cao Tỷ lệ hồ sơ ảo có khả năng tăng cao tại kỳ thi THPT quốc gia 2017. Đây cũng là nỗi lo lắng, làm đau đầu thí sinh và cả các trường xét tuyển. Những điểm mới trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 như giao kỳ thi lại các Sở GD&ĐT địa phương phụ trách, thay đổi về phương án tổ chức...