Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo người dân tộc thiểu số
Có dịp ghé thăm những vùng đặc biệt khó khăn, nhóm học sinh lớp 11 Trường THPT Trường Chinh (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai) hiểu được nỗi vất vả, cơ cực của người dân nơi đây.
Cô Đinh Thị Phương Chi cùng các em học sinh Trường THPT Trường Chinh chia sẻ về dự án.
Thương các em nhỏ, nhóm học sinh lên ý tưởng, triển khai thực hiện dự án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Chia sẻ với trẻ em dân tộc
Trong một lần theo chân đoàn từ thiện đến xã Ayun (huyện Chư Sê), em Lê Thị Hiếu, Lê Thị Mai Quỳnh (học sinh lớp 11A1) và Siu Thơm (lớp 11A7), HS Trường THPT Trường Chinh thấu hiểu được những khó khăn, thiếu thốn nơi đây. Các em không chỉ bị “ám ảnh” bởi con đường đèo dốc cheo leo, mà các thôn làng đều nằm cách xa nhau.
Bên cạnh đó, đất đai khô cằn, cây cối khô héo bởi cái nắng như cháy da cháy thịt ở vùng đất sỏi đá. Dưới tiết trời nóng bức, các em nhỏ đầu trần, chân đất đứng nép bên hông nhà khi thấy người lạ. Đặc biệt, những đứa trẻ vùng đất cằn cỗi “ngại” tiếp xúc với mọi người vì hạn chế giao tiếp bằng tiếng phổ thông.
Video đang HOT
Thương bọn trẻ, Hiếu, Quỳnh và Siu Thơm mong muốn có thể giúp các em nâng cao vốn ngôn ngữ. Qua đó, các em sẽ tự tin hơn khi gặp gỡ, giao tiếp với những người ở vùng miền khác.
Em Siu Thơm chia sẻ: Em cũng sinh ra và lớn lên ở vùng đặc biệt khó khăn của huyện Chư Sê. Khi em học lớp 1, trong lớp có 20 học sinh nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên nhiều bạn trong lớp chỉ học đến lớp 4 rồi nghỉ giữa chừng để phụ giúp gia đình. Số còn lại cũng chỉ học hết cấp 2 rồi theo bố mẹ đi làm thuê, kiếm sống. Khi Siu Thơm lên lớp 10, trong làng chỉ còn lại 3 bạn theo học THPT. Không chỉ ở làng của Siu Thơm, sự học ở nhiều làng xã khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
“Em nghĩ nguyên nhân chủ yếu khiến các bạn bỏ học sớm do rào cản ngôn ngữ. Chỉ những bạn bố mẹ rành tiếng Việt, ở gần nơi giao tiếp nhiều bằng tiếng phổ thông, việc học mới dễ dàng hơn. Thương các bạn không được đến lớp như bạn bè cùng trang lứa nên em và bạn Hiếu, Quỳnh quyết tâm tìm cách để tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người đồng bào DTTS”, em Siu Thơm cho biết.
Qua nhiều ngày trăn trở, 3 em nghĩ ra ý tưởng thu âm các bài thơ, câu đố, câu chuyện dành cho trẻ mầm non trong file mềm ở dạng song ngữ: Tiếng Việt và tiếng Jrai, tiếng Việt và tiếng Bahnar. Sau đó file này sẽ được copy vào thẻ nhớ và nghe bằng loa MP3. Tuy nhiên, do việc học tập chiếm nhiều thời gian nên 3 em tranh thủ thời gian rảnh rỗi, buổi tối để trao đổi thực hiện ý tưởng với nhau.
Để ý tưởng được hoàn thiện, các em nhỏ có hứng thú hơn với việc đến trường, nâng cao năng lực tiếng Việt, chuyên cần học tập, 3 em đã trao đổi với cô Đinh Thị Phương Chi (giáo viên môn Ngữ văn) để thực hiện ý tưởng.
Em Lê Thị Hiếu tâm sự: Ban đầu chúng em dự định thu âm các câu chuyện, bài thơ để trẻ em DTTS tiếp cận thêm ngoài giờ học. Trong quá trình đi thực tế cùng với sự góp ý của các thầy, cô, chúng em đã thực hiện theo 35 tuần học. Tổng thời gian thực hiện dự án cho tới khi thành công là 7 tháng. Hầu hết, kinh phí chính đều do nhà trường, các mạnh thường quân hỗ trợ. Để thực hiện dự án này có 12 thành viên tham gia tư vấn, dịch, thu âm và biên tập. Theo đó, các bài thơ sẽ được lặp lại 5 lần, câu chuyện lặp lại 2 lần để giúp các em nhớ lâu hơn.
Mong dự án lan tỏa nhiều nơi
Khi dự án được công bố đã nhận được sự đồng tình và khích lệ, hướng dẫn từ đông đảo giáo viên, chuyên viên bậc mầm non của ngành Giáo dục huyện Chư Sê và Sở GD&ĐT Gia Lai. Được sự tham mưu của cô Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoa Huệ (xã Ayun), các em đã thu âm file theo chủ đề 35 tuần học của bậc học mầm non để dễ tiếp cận và phù hợp với chương trình dạy của giáo viên.
Ngoài ra, Siu Thơm, Hiếu và Quỳnh còn tạo các video truyện, thơ, câu đố song ngữ để đăng lên kênh YouTube, Facebook nhằm nhân rộng đến nhiều người. Đặc biệt các video, file ghi âm đều được các em làm bằng điện thoại.
“Chúng em mong muốn góp phần nhỏ bé của mình vào việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS. Thông qua các bài thơ, câu đố, câu chuyện… của bậc học mầm non được ghi âm và nghe qua loa MP3, chúng em tin rằng, các em nhỏ sẽ dễ dàng tiếp thu. Qua đó, việc nghe, nói và hiểu tiếng Việt cơ bản, giúp việc tiếp thu kiến thức khi vào lớp 1 sẽ dễ dàng hơn. Đó sẽ là nền tảng để các em tự tin trong việc học tập và nuôi dưỡng những ước mơ, khát khao thay đổi, xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp”, em Quỳnh tâm sự.
Cô Bùi Thị Bình, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoa Huệ cho biết: File mềm song ngữ, ghi âm truyện, thơ, câu đố giúp nâng cao năng lực tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo người dân tộc thiểu số mà các em tặng cho nhà trường vô cùng ý nghĩa. Qua đó, 35 chiếc loa được phân bổ về 8 điểm làng cho các giáo viên đứng lớp. Dự án này hỗ trợ các cô rất nhiều trong công tác dạy và học. Đặc biệt, trẻ mẫu giáo có thêm một môi trường học tập mới lạ, nhưng gần gũi dễ tiếp thu.
Với nỗ lực, cố gắng của các em cùng sự giúp đỡ của thầy cô, dự án “File mềm song ngữ, ghi âm truyện, thơ, câu đố giúp nâng cao năng lực tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo người dân tộc thiểu số” đã đoạt giải Nhất trong cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Gia Lai lần thứ VIII năm 2020.
Chia sẻ về dự định sắp tới, em Lê Thị Mai Quỳnh cho hay: Chúng em đang biên dịch, thu âm song ngữ tiếng Jrai – tiếng Việt theo chương trình Tiếng Việt lớp 1. Qua đó, tăng cường tiếng Việt cho học sinh người Jrai. Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng mong dự án sẽ được lan tỏa nhiều hơn đến các em ở các vùng sâu, vùng xa được tiếp cận, giúp nâng cao khả năng sử dụng tiếng Việt, giúp việc giao tiếp, học tập dễ dàng hơn.
Quảng Ngãi: Học sinh lớp 1 dân tộc thiểu số sử dụng thành thạo tiếng Việt
Tỷ lệ học sinh lớp 1 người dân tộc thiểu số tại Quảng Ngãi sử dụng thành thạo tiếng Việt ngày càng tăng. Đây là kết quả có được từ việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp 1.
Theo sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi, đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2017-2020 đã đạt nhiều kết quả nổi bật.
Sau 3 năm thực hiện đề án, hầu hết các chỉ tiêu, mục tiêu đã đạt và vượt kế hoạch. Chất lượng hoạt động tăng cường tiếng Việt cho trẻ em, học sinh vùng DTTS trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học được nâng lên rõ rệt.
Tỷ lệ trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ được huy động ra lớp năm sau cao hơn năm trước; 100% trẻ em người DTTS được tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi.
Nhờ được dạy tăng cường tiếng Việt nên tỷ lệ học sinh lớp 1 người dân tộc thiểu số hoàn thành môn tiếng Việt ngày càng tăng
Tỷ lệ học sinh tiểu học ra lớp đạt 100% và hoàn thành chương trình tiểu học đạt trên 98%. Chất lượng môn tiếng Việt, học sinh DTTS hoàn thành đạt tỷ lệ 95,76% cao hơn năm học 2015-2016 là 43%.
Việc thực hiện đề án còn tạo môi trường giao tiếp tiếng Việt phong phú, đa dạng cho trẻ em người DTTS. Đây là điều kiện tốt để trẻ được giao tiếp, làm giàu ngôn ngữ tiếng Việt, tạo nền tảng giúp nâng cao chất lượng dạy và học toàn cấp và là giải pháp góp phần thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đề án sẽ được tiếp tục triển khai đến năm 2025. Trong giai đoạn này, toàn tỉnh phấn đấu có ít nhất 50% trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ, có ít nhất 95% trẻ em người DTTS trong độ tuổi mẫu giáo ra lớp. Duy trì vững chắc tỷ lệ trẻ em DTTS trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp với độ tuổi ở mức 100%.
Nỗ lực mang lại bình đẳng trong GD cho HS dân tộc thiểu số Học sinh người DTTS ở các tỉnh Tây Nguyên còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Do đó, ngành giáo dục vùng khó đặc biệt quan tâm, tạo mọi điều kiện để các em được tiếp cận với giáo dục và bình đẳng trong giáo dục. Ngành giáo dục vùng khó đặc biệt quan tâm, tạo mọi điều kiện để học sinh DTTS...