Tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi vùng dân tộc thiểu số: Hóa giải rào cản
Lào Cai – địa phương có đông học sinh người DTTS, nhiều năm qua đã tích cực triển khai các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS trong trường mầm non.
Tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi DTTS góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Ảnh: Phòng GD&ĐT Bắc Hà cung cấp
Thách thức
Theo số liệu của Sở GD&ĐT Lào Cai, năm 2020, 100% trẻ DTTS đến trường được tăng cường Tiếng Việt (TCTV). Trong đó có 14,4% trẻ người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ, 2,5% trẻ người DTTS học mẫu giáo. Tuy nhiên, việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS nói chung và trẻ DTTS 5 tuổi trước khi vào lớp 1 vẫn còn rào cản vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Theo cô Nguyễn Thị Duyên – Hiệu trưởng Trường MN Thải Giàng Phố (Bắc Hà – Lào Cai), trình độ dân trí thấp, đời sống khó khăn nên phần lớn phụ huynh chưa quan tâm đến việc học tập của con em. Tình trạng gia đình phó mặc hoàn toàn việc dạy học cho nhà trường, GV phổ biến. HS đa số thuộc dân tộc Mông, địa hình sinh sống không tập trung, nhiều phong tục lạc hậu. Đến trường, các em chủ yếu giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ, về nhà cha mẹ cũng không biết tiếng Việt, hoặc không có ý thức giao tiếp với trẻ bằng tiếng Việt… dẫn tới hạn chế môi trường giao tiếp.
Kinh phí đầu tư cho phát triển sự nghiệp mặc dù đã được ưu tiên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục và chưa có nguồn kinh phí riêng cho thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS. Trình độ đội ngũ không đồng đều… là những rào cản cho hoạt động dạy tiếng Việt cho trẻ DTTS.
Tăng cường học liệu, trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi và xây dựng môi trường tiếng Việt giúp HS tiến bộ trong học tiếng Việt. Ảnh: Phòng GD&ĐT Bắc Hà cung cấp
Giúp trẻ tự tin bước vào lớp 1
Video đang HOT
Cô Cao Thị Hải Yến – Hiệu trưởng Trường MN Bản Phố (Bắc Hà – Lào Cai) chia sẻ: Trẻ DTTS 5 tuổi cơ bản nói và hiểu tiếng Việt tốt. Tuy nhiên, để trẻ tự tin bước vào lớp 1, nhà trường đã tích cực cho trẻ hoạt động, học tập tại khu trải nghiệm trong trường. Từ đó, trẻ nắm bắt được tổng thể về môi trường xung quanh, phát triển hơn về thẩm mĩ, kiến thức, tình cảm xã hội… bằng tiếng Việt.
Theo cô Yến, dịch Covid-19 ảnh hưởng phần nào tới việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi. Tuy nhiên, nhà trường vẫn cố gắng cung cấp bài giảng đến phụ huynh để cùng phối hợp dạy trẻ tại nhà. Năm học tới trường có 84 trẻ bước vào lớp 1. 100% số trẻ 5 tuổi đã cơ bản đạt được yêu cầu chung của chương trình, nói thông thạo tiếng Việt… Đây là tiền đề vững chắc để trẻ nhanh chóng tiếp cận chương trình, sách giáo khoa lớp 1 mới.
Chia sẻ kinh nghiệm TCTV cho trẻ 5 tuổi, cô Nguyễn Thị Thanh Thủy – Hiệu trưởng Trường MN Hàm Rồng (Sa Pa – Lào Cai) nói: Trước hết, trường yêu cầu GV phải làm tốt công tác dân vận, tạo được thương hiệu, hình ảnh, môi trường giáo dục… để phụ huynh hiểu được yêu cầu phổ cập GD trẻ MN 5 tuổi. Sự quan trọng của tăng cường tiếng Việt cho trẻ MN 5 tuổi khi chuẩn bị bước vào lớp 1. Quyền và trách nhiệm của phụ huynh trong việc tạo điều kiện cho trẻ 5 tuổi tới trường và học tập…
Nhà trường huy động gia đình, HS các lớp lớn hơn… tăng cường giao tiếp với trẻ 5 tuổi bằng tiếng Việt tại nhà để tăng cường khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt cho HS DTTS. Những năm qua, trường đặc biệt chú trọng xây dựng môi trường tiếng Việt ở không gian bên ngoài lớp học.
Ngoài ra, tại các điểm trường, ban giám hiệu cố gắng tổ chức bữa ăn bán trú để trẻ 5 tuổi ra lớp đều hơn, GV có thêm thời gian hỗ trợ tiếng Việt cho trẻ trong giờ học lẫn hoạt động ngoại khóa. Trường cũng yêu cầu GV dạy trẻ 5 tuổi thường xuyên trao đổi chuyên môn với GV lớp 1 để tìm hiểu những yêu cầu chung từ đó có cách hướng dẫn dạy trẻ phù hợp, bảo đảm sự liên thông kiến thức, nhận biết khi bước vào lớp 1…
Ông Trần Ngọc Cừ – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sa Pa (Sa Pa – Lào Cai) cũng cho biết: Để tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi, ngành chỉ đạo các nhà trường thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt về mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, bậc cha mẹ, GV, cán bộ quản lý và cộng đồng với việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS số gắn với đổi mới Chương trình GDPT.
Mặt khác, phát huy vai trò nòng cốt chủ động, tích cực của đội ngũ cốt cán trong việc đổi mới phương pháp dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá, kiểm tra kết hợp với tư vấn giúp đỡ để nâng cao chất lượng hoạt động tăng cường tiếng Việt cũng như chất lượng giáo dục vùng DTTS.
Phòng GD&ĐT tiếp tục mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, GV dạy trẻ em MN người dân tộc thiểu số về tiếng dân tộc. Công tác quản lý, phương pháp, kỹ năng tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt phù hợp với đối tượng cũng được phòng chú trọng. Đặc biệt, quan tâm bồi dưỡng công tác quản lý, kỹ thuật tổ chức các hoạt động tại các điểm trường, lớp ghép tích hợp với tập huấn đổi mới sách giáo khoa theo Chương trình GDPT 2018.
Với trẻ 5 tuổi, nhà trường sẽ cho tham quan các phân hiệu trường, trường tiểu học để tiếp cận môi trường học mới. GV tiểu học có dịp làm quen, cung cấp kiến thức liên quan cơ bản nhất cho trẻ. – Cô Cao Thị Hải Yến
Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo người dân tộc thiểu số
Có dịp ghé thăm những vùng đặc biệt khó khăn, nhóm học sinh lớp 11 Trường THPT Trường Chinh (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai) hiểu được nỗi vất vả, cơ cực của người dân nơi đây.
Cô Đinh Thị Phương Chi cùng các em học sinh Trường THPT Trường Chinh chia sẻ về dự án.
Thương các em nhỏ, nhóm học sinh lên ý tưởng, triển khai thực hiện dự án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Chia sẻ với trẻ em dân tộc
Trong một lần theo chân đoàn từ thiện đến xã Ayun (huyện Chư Sê), em Lê Thị Hiếu, Lê Thị Mai Quỳnh (học sinh lớp 11A1) và Siu Thơm (lớp 11A7), HS Trường THPT Trường Chinh thấu hiểu được những khó khăn, thiếu thốn nơi đây. Các em không chỉ bị "ám ảnh" bởi con đường đèo dốc cheo leo, mà các thôn làng đều nằm cách xa nhau.
Bên cạnh đó, đất đai khô cằn, cây cối khô héo bởi cái nắng như cháy da cháy thịt ở vùng đất sỏi đá. Dưới tiết trời nóng bức, các em nhỏ đầu trần, chân đất đứng nép bên hông nhà khi thấy người lạ. Đặc biệt, những đứa trẻ vùng đất cằn cỗi "ngại" tiếp xúc với mọi người vì hạn chế giao tiếp bằng tiếng phổ thông.
Thương bọn trẻ, Hiếu, Quỳnh và Siu Thơm mong muốn có thể giúp các em nâng cao vốn ngôn ngữ. Qua đó, các em sẽ tự tin hơn khi gặp gỡ, giao tiếp với những người ở vùng miền khác.
Em Siu Thơm chia sẻ: Em cũng sinh ra và lớn lên ở vùng đặc biệt khó khăn của huyện Chư Sê. Khi em học lớp 1, trong lớp có 20 học sinh nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên nhiều bạn trong lớp chỉ học đến lớp 4 rồi nghỉ giữa chừng để phụ giúp gia đình. Số còn lại cũng chỉ học hết cấp 2 rồi theo bố mẹ đi làm thuê, kiếm sống. Khi Siu Thơm lên lớp 10, trong làng chỉ còn lại 3 bạn theo học THPT. Không chỉ ở làng của Siu Thơm, sự học ở nhiều làng xã khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
"Em nghĩ nguyên nhân chủ yếu khiến các bạn bỏ học sớm do rào cản ngôn ngữ. Chỉ những bạn bố mẹ rành tiếng Việt, ở gần nơi giao tiếp nhiều bằng tiếng phổ thông, việc học mới dễ dàng hơn. Thương các bạn không được đến lớp như bạn bè cùng trang lứa nên em và bạn Hiếu, Quỳnh quyết tâm tìm cách để tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người đồng bào DTTS", em Siu Thơm cho biết.
Qua nhiều ngày trăn trở, 3 em nghĩ ra ý tưởng thu âm các bài thơ, câu đố, câu chuyện dành cho trẻ mầm non trong file mềm ở dạng song ngữ: Tiếng Việt và tiếng Jrai, tiếng Việt và tiếng Bahnar. Sau đó file này sẽ được copy vào thẻ nhớ và nghe bằng loa MP3. Tuy nhiên, do việc học tập chiếm nhiều thời gian nên 3 em tranh thủ thời gian rảnh rỗi, buổi tối để trao đổi thực hiện ý tưởng với nhau.
Để ý tưởng được hoàn thiện, các em nhỏ có hứng thú hơn với việc đến trường, nâng cao năng lực tiếng Việt, chuyên cần học tập, 3 em đã trao đổi với cô Đinh Thị Phương Chi (giáo viên môn Ngữ văn) để thực hiện ý tưởng.
Em Lê Thị Hiếu tâm sự: Ban đầu chúng em dự định thu âm các câu chuyện, bài thơ để trẻ em DTTS tiếp cận thêm ngoài giờ học. Trong quá trình đi thực tế cùng với sự góp ý của các thầy, cô, chúng em đã thực hiện theo 35 tuần học. Tổng thời gian thực hiện dự án cho tới khi thành công là 7 tháng. Hầu hết, kinh phí chính đều do nhà trường, các mạnh thường quân hỗ trợ. Để thực hiện dự án này có 12 thành viên tham gia tư vấn, dịch, thu âm và biên tập. Theo đó, các bài thơ sẽ được lặp lại 5 lần, câu chuyện lặp lại 2 lần để giúp các em nhớ lâu hơn.
Mong dự án lan tỏa nhiều nơi
Khi dự án được công bố đã nhận được sự đồng tình và khích lệ, hướng dẫn từ đông đảo giáo viên, chuyên viên bậc mầm non của ngành Giáo dục huyện Chư Sê và Sở GD&ĐT Gia Lai. Được sự tham mưu của cô Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoa Huệ (xã Ayun), các em đã thu âm file theo chủ đề 35 tuần học của bậc học mầm non để dễ tiếp cận và phù hợp với chương trình dạy của giáo viên.
Ngoài ra, Siu Thơm, Hiếu và Quỳnh còn tạo các video truyện, thơ, câu đố song ngữ để đăng lên kênh YouTube, Facebook nhằm nhân rộng đến nhiều người. Đặc biệt các video, file ghi âm đều được các em làm bằng điện thoại.
"Chúng em mong muốn góp phần nhỏ bé của mình vào việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS. Thông qua các bài thơ, câu đố, câu chuyện... của bậc học mầm non được ghi âm và nghe qua loa MP3, chúng em tin rằng, các em nhỏ sẽ dễ dàng tiếp thu. Qua đó, việc nghe, nói và hiểu tiếng Việt cơ bản, giúp việc tiếp thu kiến thức khi vào lớp 1 sẽ dễ dàng hơn. Đó sẽ là nền tảng để các em tự tin trong việc học tập và nuôi dưỡng những ước mơ, khát khao thay đổi, xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp", em Quỳnh tâm sự.
Cô Bùi Thị Bình, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoa Huệ cho biết: File mềm song ngữ, ghi âm truyện, thơ, câu đố giúp nâng cao năng lực tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo người dân tộc thiểu số mà các em tặng cho nhà trường vô cùng ý nghĩa. Qua đó, 35 chiếc loa được phân bổ về 8 điểm làng cho các giáo viên đứng lớp. Dự án này hỗ trợ các cô rất nhiều trong công tác dạy và học. Đặc biệt, trẻ mẫu giáo có thêm một môi trường học tập mới lạ, nhưng gần gũi dễ tiếp thu.
Với nỗ lực, cố gắng của các em cùng sự giúp đỡ của thầy cô, dự án "File mềm song ngữ, ghi âm truyện, thơ, câu đố giúp nâng cao năng lực tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo người dân tộc thiểu số" đã đoạt giải Nhất trong cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Gia Lai lần thứ VIII năm 2020.
Chia sẻ về dự định sắp tới, em Lê Thị Mai Quỳnh cho hay: Chúng em đang biên dịch, thu âm song ngữ tiếng Jrai - tiếng Việt theo chương trình Tiếng Việt lớp 1. Qua đó, tăng cường tiếng Việt cho học sinh người Jrai. Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng mong dự án sẽ được lan tỏa nhiều hơn đến các em ở các vùng sâu, vùng xa được tiếp cận, giúp nâng cao khả năng sử dụng tiếng Việt, giúp việc giao tiếp, học tập dễ dàng hơn.
Dạy tiếng Việt cho HS dân tộc thiểu số: Chủ động gỡ khó Quảng An và Quảng Lâm (huyện Đầm Hà - Quảng Ninh) là 2 xã vùng núi có nhiều người dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Việc dạy học tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh DTTS tại địa bàn còn nhiều khó khăn, trở ngại. Tuy nhiên, các trường chủ động gỡ khó, có nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo...