Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc: Nỗ lực từ nhiều phía
Nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc, các địa phương trên cả nước đều chú trọng tăng cường tiếng Việt (TCTV) trong nhà trường.
Giờ chơi của HS điểm trường MN Nà Hẩu, huyện Văn Yên (Yên Bái). Ảnh: TG
Bên cạnh thực hiện đúng chế độ chính sách của Nhà nước, hỗ trợ của địa phương cho trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS) nhằm bảo đảm tỷ lệ chuyên cần, việc đa dạng hóa, linh hoạt hoạt động TCTV đã và đang đem lại kết quả cao.
Đa dạng hình thức
Thấy rõ nhất là việc tích cực phối hợp với cơ quan, ban ngành, đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ban Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Công đoàn các nhà trường, già làng, trưởng bản… các bậc cha mẹ trẻ trong việc TCTV cho trẻ em người DTTS. Ông Nguyễn Minh Thanh – Bí thư Đảng ủy xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ xã được sự trợ giúp của các thầy cô giáo ở Trường Tiểu học & THCS Hưng Thịnh đã đến từng ngõ, gõ từng nhà để thuyết phục phụ huynh cùng tham gia dạy học, giúp con làm quen với tiếng Việt.
Tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện hơn 300 lượt truyền thông về nhiệm vụ TCTV cho trẻ mầm non và HS tiểu học vùng DTTS với nhiều hình thức khác nhau cho hơn 30.000 lượt phụ huynh HS. Các trường kết hợp tuyên truyền qua buổi họp phụ huynh định kỳ, lồng ghép hoạt động trong trường mầm non, thông qua loa đài, bảng tuyên truyền tại trường lớp…
Nhiều tỉnh tổ chức ngày hội giao lưu tăng cường tiếng Việt qua phóng sự “Tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số” trên Đài Truyền hình, báo viết của địa phương, trang tin điện tử của ngành GD-ĐT. Quảng Ninh là một trong những địa phương thực hiện tốt điều này. Bà Đàm Thị Thanh Thủy – Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên và Giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT Quảng Ninh) cho biết:
Chúng tôi luôn xác định việc tăng cường dạy tiếng Việt cho HS khu vực dân tộc thiểu số vô cùng quan trọng. Các cháu có sõi tiếng Việt mới học giỏi, nâng cao chất lượng dạy – học ở khu vực này được. Thế nên hàng năm, có hơn 600 lượt tuyên truyền trên loa, đài phát thanh ở các thôn bản, trên 400 đợt họp phụ huynh, hơn 9.500 cha mẹ, phụ huynh, cộng tác viên và cộng đồng được tuyên truyền, phổ biến về nội dung TCTV cho trẻ.
Tăng cường tiếng Việt giúp HS tự tin, học tốt hơn khi vào lớp 1.
Tích cực vào cuộc
Trường Mầm non Nà Hẩu, huyện Văn Yên (Yên Bái) có đông HS người Mông nên nhiều năm qua, ban giám hiệu, đội ngũ GV nhà trường luôn quan tâm và tăng cường dạy tiếng Việt cho các em.
Video đang HOT
Cô Phạm Thị Thanh, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Trẻ nhập học đều chưa biết hoặc chưa nói thạo tiếng Việt và rụt rè trong giao tiếp. Trước thực tế đó, nhà trường và tổ chuyên môn đã xây dựng kế hoạch dạy tiếng Việt cho các em phù hợp với tình hình thực tế. GV sẽ lồng ghép, tổ chức hoạt động sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt kết hợp với văn hóa dân tộc, nghe kể chuyện dân gian, đọc thơ, ca dao.
Giờ học trải nghiệm của lớp mẫu giáo 5 tuổi, Trường MN Hưng Thịnh huyện Trấn Yên (Yên Bái), do cô giáo Đinh Thị Nga phụ trách. Lớp có 30 HS là người dân tộc Tày được chuyển từ điểm lẻ Yên Thuận về trung tâm. Để giúp trẻ dân tộc thiểu số TCTV, cô Nga chủ động tổ chức soạn bài và chuẩn bị tranh ảnh, băng đĩa, phù hợp, thân thiện với trẻ em DTTS. Những quả táo, cam, bưởi và hình ảnh con trâu, bò… gần gũi, thân thiện được cô giáo giới thiệu bằng tiếng dân tộc và tiếng Việt, giúp trẻ dễ dàng nhận biết, tăng cưởng khả năng nói tiếng Việt.
Cô Trần Thị Kim Oanh – giáo viên lớp 1, Trường Tiểu học & THCS Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái) chia sẻ: Tiếp cận nội dung bài học dù mới bước vào lớp 1 nhưng các em nhanh chóng làm quen và ham thích môn học. “Giúp trẻ người dân tộc làm quen với tiếng Việt ở bậc học mầm non rất quan trọng. Lên lớp 1 các em tiếp cận bài học được ngay, GV không phải dạy lại tiếng Việt nên chất lượng giờ học cao hơn”, cô Oanh thông tin.
Đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa của việc TCTV cho HS dân tộc, bà Tô Thị Ánh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Yên Bái, cho biết: Các trường đã linh hoạt trong hoạt động dạy – học: Tổ chức hội thi, ngày hội đọc sách, tổ chức hoạt động vui chơi gắn với tiếng Việt, trong đó tập trung vào việc luyện phát âm cho trẻ…
Huyện Văn Chấn, để TCTV cho HS DTTS, phòng GD&ĐT chỉ đạo nhà trường đã xây dựng các mô hình thư viện lưu động, thư viện thân thiện, tổ chức “Ngày hội đọc sách”, Hội thi “Giao lưu tiếng Việt”; tăng cường thời gian luyện nói cho HS trong các giờ chính khóa. Thông qua hoạt động tập thể như sinh hoạt Đội, sao nhi đồng… HS tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp. Để hiệu quả hơn, phòng GD&ĐT biên tập hai cuốn sổ tay từ vựng của đồng bào Dao, Mông giúp GV tự học và giao tiếp với trẻ mầm non. Với cách làm trên, trẻ DTTS đều phát âm và nhận biết chuẩn tiếng Việt để chuẩn bị vào lớp 1.
Theo PGS.TS Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ GD Mầm non (Bộ GD&ĐT), các cơ sở giáo dục mầm non xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng năm học theo nội dung phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường và nhu cầu TCTV của từng trẻ. Nhiều tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở GDMN tổ chức cho trẻ “Làm quen và giao tiếp bằng tiếng Việt” trước khi bước vào năm học mới; tổ chức “Xây dựng môi trường văn hoá đọc”; “Thư viện thân thiện”; “Tiếng Việt của chúng em”; “Câu lạc bộ nói, viết bằng tiếng Việt”, “Tổ chức hội thi kể truyện, đọc thơ, hát”… Điều này đã và đang góp phần nâng cao chất lượng GD vùng dân tộc thiểu số.
Tác giả "Kỷ luật mềm trái tim": Nhiều học sinh ngày nay "mất chất" vì phụ huynh chỉ chú trọng cho con học tiếng Anh mà bỏ qua 1 điều quan trọng
Chị Aki Nguyễn cho rằng, 12 năm du học Nhật, điều chị đúc kết ra đó là giỏi ngoại ngữ không phải là yếu tố quan trọng nhất. Có những thứ còn đáng được "đầu tư" hơn nhiều.
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không thuộc về tòa soạn.
Nhà nhà học tiếng Anh, người người học tiếng Anh, điều này là đương nhiên trong thời đại toàn cầu hóa, cả thế giới như chỉ cách nhau bởi một màn hình. Giỏi tiếng Anh đem lại quá nhiều lợi thế, không chỉ về giao tiếp mà còn mở ra nhiều cơ hội, cải thiện cuộc sống hiện tại và tương lai. Đây có thể được ví như một tấm vé thông hành đưa một người chạm vào thế giới.
Tuy nhiên, theo chị Aki Nguyễn (Nguyễn Thị Thu) có một tình trạng chị nhận thấy rất phổ biến hiện nay, đó chính là: "Bây giờ nhiều bạn nhỏ nói tiếng Anh giỏi hơn Tiếng Việt, viết tiếng Anh dễ hơn viết tiếng Việt, yêu nhạc Âu Mỹ với Kpop còn hơn nhạc Việt, hiểu biết thế giới và xã hội Âu Mỹ hơn cả Việt Nam".
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu - tác giả của hai cuốn sách rất hot "Kỉ luật mềm của trái tim" và "Đọc ehon cho bé".
Quan điểm này của tác giả cuốn sách "Kỷ luật mềm trái tim" nhận được sự đồng tình từ nhiều phụ huynh:
Có vẻ như những diễn đàn về học tiếng Anh, Homeschooling (giáo dục tại gia) rất thu hút sự quan tâm của bố mẹ. Khi bố mẹ lựa chọn cho con học tiếng Anh hay Homeschooling thì có lẽ mong muốn con nói được tiếng Anh, tiếp cận kiến thức và tư duy bằng tiếng Anh để có thể rộng đường cho việc tìm kiếm công việc, khả năng du học sau này.
Mình chỉ thắc mắc một điều là không biết các con học nhiều bằng tiếng Anh như thế có khi nào con hiểu biết về Âu Mỹ còn rõ hơn là hiểu biết về Việt Nam không. Kiểu như chúng ta xem phim Trung Quốc nhiều nên hiểu lịch sử Trung Quốc còn giỏi hơn lịch sử Việt Nam.
Đó cũng là câu hỏi mình đặt ra khi tham khảo các chương trình Tiếng Anh và cũng cân nhắc việc học giáo trình này giáo trình kia để áp dụng cho con .
Thực tế hiện nay trẻ em đang tiếp xúc với quá nhiều thứ thuộc về văn hoá Âu Mỹ ngay từ sớm, đến nỗi mình cảm thấy văn hoá Việt Nam trong tâm hồn trẻ con bây giờ rất mờ nhạt.
N ếu bố mẹ không chú trọng gieo cho trẻ tình yêu với văn hoá Việt Nam, yêu địa lý, lịch sử hay xã hội Việt Nam thì rất khó tạo cho con nền tảng văn hoá Việt. Học tiếng Anh cũng tốt nhưng cũng rất cần chú trọng nền tảng tiếng Việt nữa. Và bố mẹ phải là người làm điều đó.
Giáo trình của nước ngoài họ làm quá hay và hấp dẫn trẻ con, nên chuyện trẻ thích học chương trình nước ngoài hơn chương trình của Việt Nam là điều rất dễ hiểu. Chờ giáo dục thay đổi thì rất lâu nên chính bố mẹ phải là người định hướng cho con .
Bây giờ nhiều bạn nhỏ nói tiếng Anh giỏi hơn Tiếng Việt, viết tiếng Anh dễ hơn viết tiếng Việt, yêu nhạc Âu Mỹ với Kpop còn hơn nhạc Việt, hiểu biết thế giới và xã hội Âu Mỹ hơn cả Việt Nam. Có giáo viên dạy tiếng Anh tâm sự học sinh bây giờ nhiều bạn dịch tiếng Việt sang tiếng Anh còn giỏi hơn dịch tiếng Anh sang tiếng Việt. Bởi vì vốn tiếng Việt rất nghèo nàn.
Nếu tiếng Việt kém thì làm sao hiểu được văn hoá và tâm hồn, đời sống xã hội của đất nước được. Không giỏi tiếng Việt và hiểu sâu sắc văn hoá Việt làm sao đủ sâu sắc để so sánh và nhìn ra sự khác biệt với những nền văn hoá khác.
12 năm du học Nhật, điều mình đúc kết ra đó là giỏi ngoại ngữ không quan trọng lắm đâu (vì mình là đứa học tiếng Nhật dốt gần nhất khoá mình sang Nhật), nhưng yêu và hiểu văn hoá dân tộc mình đến đâu mới là thứ tạo nên khác biệt trong cái "chất" của mỗi một con người.
Nhật không cần sản xuất samurai sang nước họ, họ cần người Việt hiểu và yêu văn hoá Việt để giúp họ biết cái hay cái đẹp của văn hoá Việt Nam.
Người Nhật không giỏi tiếng Anh nhưng họ vẫn là cường quốc về văn hoá, về kinh tế. Đơn giản vì họ giữ được văn hoá dân tộc mình rất tốt, có những giá trị cốt lõi không để bị đồng hoá với văn hoá Âu Mỹ. Thế giới càng phẳng người ta lại càng trân trọng cái riêng và khác biệt.
Tiếng Anh vẫn rất cần thiết, mình xin khẳng định như vậy, nhưng chỉ là công cụ tiếp cận thế giới mà thôi. Học tiếng Anh giỏi cũng rất cần tiếng Việt giỏi. Hiểu biết về Việt Nam cũng quan trọng như hiểu về thế giới, thậm chí còn cần hơn vì chúng ta là người Việt.
Nhiều học sinh người Việt dịch từ Việt sang Anh dễ hơn là từ Anh sang Việt
Chị Thu chia sẻ, qua quá trình quan sát, chị nhận thấy nhiều học sinh học chương trình song ngữ ở một số trường và quốc tế thì điều kiện để các bạn am hiểu về văn hoá Việt không nhiều, vì ai cũng chỉ chú trọng tiếng Anh. Thậm chí nhiều học sinh bây giờ dịch từ Việt sang Anh dễ hơn là từ Anh sang Việt.
Ở Việt Nam, xây dựng văn hoá gia đình chưa được bố mẹ coi trọng. Thế nên con sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi văn hóa bên ngoài, nhất là vào tuổi teen trở đi, trẻ có xu hướng thích văn hoá ngoại hơn văn hóa Việt Nam.
"Khi mình nói chuyện với một đạo diễn người Nhật đài truyền hình NHK, ông ấy bảo rằng ông khâm phục vì mình hiểu và yêu quê hương Việt Nam, tự hào về nó hơn là việc mình giỏi tiếng Nhật. Những lần mình phỏng vấn học bổng và đi giao lưu cùng những người Nhật đáng kính, việc mình hiểu Việt Nam để có thể so sánh và tìm thấy sự khác biệt giữa Nhật với Việt Nam cũng khiến mình trở nên thú vị hơn trong mắt họ.
Sau 12 năm về lại Việt Nam sinh sống mình không hề sốc văn hoá như nhiều người định nghĩa. Mọi thứ hòa nhập rất nhanh vì mình hiểu văn hoá và đời sống xã hội Việt Nam để có thể thích nghi ngay với môi trường. Nó chỉ là một vài ví dụ mà mình thấy rằng lợi thế của việc hiểu văn hoá dân tộc, hiểu biết và có trải nghiệm thực tế với đời sống xã hội của dân tộc là công cụ rất hữu ích cho cuộc sống sau này".
Theo chị Thu, chị muốn nhấn mạnh đến việc đừng thiên lệch về bên nào. Trên thực tế, nhiều bạn trẻ bây giờ "mất chất" vì mải mê học tiếng Anh và văn hóa nước ngoài mà quên đi cái gốc là văn hoá Việt.
Nói về việc bồi đắp và nuôi dưỡng tình yêu với văn hóa Việt Nam, chị Thu cho rằng vai trò của gia đình là vô cùng quan trọng: "Ưu tiên nuôi dưỡng tiếng mẹ đẻ thông qua trò chuyện, đọc sách văn học Việt Nam, trải nghiệm thực tế đi tham quan tìm hiểu về di tích lịch sử văn hoá Việt Nam và cùng con trò chuyện về nó. Sau đó đọc sách tìm hiểu. Bên cạnh đó, những vấn đề con thuyết trình bằng tiếng Anh mình vẫn ưu tiên con phải diễn đạt tốt bằng tiếng Việt.
Mình không cho con học trường quốc tế từ mầm non và cấp 1 vì giai đoạn này nền tảng tiếng Việt cũng như văn hoá Việt Nam chưa thực sự được bồi đắp vững chắc nên sẽ rất dễ bị ảnh hưởng bởi văn hoá nước ngoài.
Và điểm quan trọng nhất là chú trọng xây dựng văn hoá gia đình có kỷ luật và nền nếp phù hợp văn hóa của Việt Nam như biết chào hỏi, thưa gửi lễ phép, hiếu thảo với bố mẹ, thăm hỏi họ hàng, thấu hiểu đạo lý có trên có dưới... Đây cũng là những điều cần bố mẹ chú trọng bồi đắp cho con ", chị Thu chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Thu tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Tsukuba, Nhật Bản, là đồng sáng lập và kiêm giám đốc đào tạo của hệ thống Trường Mầm non Tsubaki. Chị là tác giả của hai cuốn sách rất hot "Kỉ luật mềm của trái tim" và "Đọc ehon cho bé" và là dịch giả của nhiều đầu sách nuôi dạy con của Nhật như: "Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn", "Cha mẹ Nhật dạy con tự lập", "Nuôi dạy con kiểu Nhật Bản, tập 2", và rất nhiều Ehon Nhật như bộ "Chơi cùng Momo", bộ "Voi Pao" ...
Học sinh Hà Nội thi "Sáng tạo tương lai xanh - Future Blue Innovation" Sáng 10/3, Thành đoàn Hà Nội đã tổ chức lễ phát động cuộc thi "Sáng tạo tương lai xanh - Future Blue Innovation" 2021. Cuộc thi nhằm tạo cơ hội thúc đẩy sự sáng tạo, tìm kiếm sáng kiến trong lĩnh vực bảo vệ môi trường từ học sinh trên địa bàn Hà Nội. Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Trần Quang...