“Tân vương” Olympia chia sẻ cách ôn thi ĐH
Hệ thống lại kiến thức đã ôn theo chủ đề, bám sát kiến thức SGK, đọc tham khảo đề thi và cách tính điểm trong đáp án đề thi những năm trước, rũ bỏ suy nghĩ “buộc phải đậu”…
Kỳ thi ĐH, CĐ 2012 sắp diễn ra. Thời điểm đã cận kề, “tân vương” Olympia 2012 – Đặng Thái Hoàng và Thân Ngọc Tĩnh – giải nhì đã chia sẻ phương pháp ôn nhanh để chuẩn bị cho kỳ thi ĐH sắp tới. Hai bạn đưa ra lời khuyên: Nên hệ thống lại kiến thức, tránh áp lực tâm lý để có kết quả thi tốt nhất.
Hệ thống lại kiến thức đã ôn
Theo Thái Hoàng, đây là thời điểm mà thí sinh (TS) nên khái quát lại tất cả những gì mình đã “thu gom” được trong quá trình ôn. Vì ôn thi ĐH là một quá trình dài tích lũy, đào sâu kiến thức, đòi hỏi sự nỗ lực cá nhân và phương pháp ôn thích hợp nên nếu không hệ thống lại thì rất dễ để “rơi vãi thành quả”, ảnh hưởng tới kết quả thi.
“Vẫn có thể phân theo chủ đề ôn cho mỗi môn như: môn Toán phân thành các chủ đề về Lượng giác, Hàm số, Tổ hợp, Đẳng thức và Bất đẳng thức… môn Vật lý phân chủ đề theo các chương của SGK như Giao động cơ học, Giao động điện từ, Ánh sáng… môn Lịch sử phân chủ đề theo giai đoạn lịch sử, nội dung các sự kiện lớn, hoàn cảnh, diễn biến, ý nghĩa của các phong trào cách mạng… môn Văn ôn theo tác giả, nghị luận xã hội, nghị luận văn học, lưu ý sự kiện quan trọng đang diễn ra trong xã hội… môn Hóa thì theo hóa học hữu cơ, hóa học vô cơ… môn Anh văn theo các phần của dạng đề thi những năm trước” – Thái Hoàng chia sẻ.
Trước khi đi Úc du học, Thái Hoàng vẫn chăm chỉ ôn để tham gia kỳ thi ĐH 2012. Theo Hoàng, kỳ thi này sẽ giúp Hoàng có thêm trải nghiệm, trau dồi, đánh giá kiến thức bản thân. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Chung quan điểm, Ngọc Tĩnh cho rằng hầu hết đề thi ĐH những năm trước đều nằm trong chương trình THPT. Lượng kiến thức này khá “đồ sộ”, cần một quá trình ôn lâu dài, thường xuyên mới có thể hiểu được trọn vẹn. Vì thế, trong thời gian ngắn này, TS thi khối các môn tự nhiên như A, A1, B… chỉ nên dành thời gian xem lại các công thức, định lý, phương pháp giải các dạng bài tập quan trọng đã được giáo viên chỉ trên lớp, không nên lãng phí thời gian vào việc tìm “đề thi lạ” để giải. Với TS thi khối các môn xã hội, không nên “bói đề, học tủ” mà cần xem lại cách trình bày ý làm sáng tỏ nội dung chính khi làm bài thi, tham khảo cách “chẻ ý tính điểm” trong đáp án của Bộ GD&ĐT trong đề thi ĐH những năm trước.
“Không còn thời gian để đọc các loại sách tham khảo lan man, vì không chắc những cuốn sách đó có nhiều kiến thức phục vụ cho việc thi ĐH. Đa phần kiến thức trong đề thi ĐH, CĐ đều nằm trong SGK. Bởi vậy, bám sát SGK để ôn là phương pháp hiệu quả nhất… SGK là tài liệu chính thống, đề thi, đáp án cũng dựa vào đây mà ra nên em nghĩ những TS nào học kỹ kiến thức đó sẽ có điểm cao” – Thái Hoàng nhận định.Tài liệu ôn tốt nhất là SGK
Ngọc Tĩnh chia sẻ: “Em cũng hay đọc sách tham khảo, nhất là những cuốn sách phục vụ ôn thi ĐH khối A và D. Mỗi khi đọc em thường để ý các dữ kiện quan trọng có trong những cuốn sách này để so sánh với những dữ kiện trong SGK. Nếu có sự khác nhau về nội dung giữa hai loại sách này thì em luôn lấy dữ liệu trong SGK làm chuẩn. Theo em thì chỉ cần học thật kỹ SGK kết hợp với những kiến thức thầy, cô dạy trên lớp là đã có cơ hội cao để đậu ĐH… Điều này có thể chứng minh bằng việc nhiều năm nay nội dung đề thi ĐH yêu cầu có đến 70%-80% kiến thức nằm trong SGK”.
Tự tin để chiến thắng
Video đang HOT
Theo Ngọc Tĩnh và Thái Hoàng, tâm lý căng thẳng, hồi hộp sẽ khiến TS quên đi nhiều kiến thức đã tích lũy được. Khi tiếp xúc với đề thi mà quá hồi hộp thì không thể suy nghĩ, tìm cách giải quyết tốt nhất cho yêu cầu của đề bài. Trong những ngày này, nhiều TS còn gồng mình, thức thâu đêm để ôn. Điều này rất dễ làm TS kiệt sức khi vào phòng thi, không thể hoàn thành bài thi một cách tốt nhất.
“Nên tạo cho mình tâm lý thật thoải mái để thi tốt. ĐH không phải là con đường duy nhất để thành công. Đừng quá quan trọng là phải đậu bằng được. Vì đôi khi chính ý nghĩ “đậu bằng mọi giá” sẽ là vật cản dẫn đến thực trạng dù đã cố hết sức cũng không thể nào đậu được… Thực tế chỉ 1/3 TS có cơ hội được bước vào ĐH mỗi năm. Bởi vậy, ai bản lĩnh, tự tin, có sự chuẩn bị tốt hơn người đó sẽ chiến thắng” – Thái Hoàng bộc bạch.
Không nên quá mê tín Hiện nay trước mỗi kỳ thi, TS, phụ huynh thường lên chùa, đến nhà thờ… cầu may. Một số TS còn cho rằng việc ăn kiêng, ăn chay hay đi xin xăm trước và trong ngày thi sẽ làm cho TS có kết quả thi tốt hơn. “Có một chút duy tâm cũng tốt. Nó khiến cho bản thân có thêm niềm tin, động lực và cảm giác thoải mái để thi. Nhưng quá mê tín thì không nên. Kết quả thi là thành quả của quá trình học tập, khả năng tư duy và bản lĩnh của mỗi TS chứ không phải là những thứ gì đó siêu nhiên, siêu hình mang lại…” – Thân Ngọc Tĩnh, giải nhì Olympia 2012, nói.
Theo Anh Phú
Pháp luật TPHCM
Trường PT Năng khiếu gửi văn bản đến BTC cuộc thi Olympia
Chiều qua (27/6), Hiệu trưởng Trường PT Năng khiếu (nơi á quân Thân Ngọc Tĩnh học) cho biết đã gửi văn bản đến đài truyền hình với mong muốn có thông tin về câu hỏi sai trong trận chung kết.
4 thí sinh trong phần giới thiệu, trước khi bước vào phần thi Khởi động của chung kết Đường lên đỉnh Olympia. Từ trái qua phải: Ngọc Khánh, Ngọc Tĩnh, Lê Phương, Thái Hoàng.
Gửi văn bản nhưng không muốn làm căng thẳng sự việc
Sau khi có nhiều thông tin cho rằng trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2012 (diễn ra vào ngày 24/6) có dữ liệu sai trong câu hỏi ở phần Tăng tốc, ảnh hưởng nhiều đến điểm số của các thí sinh, nhà vô địch Đặng Thái Hoàng đã khẳng định rằng em đã tính được 5,6666 (con số được dư luận và cố vấn chương trình cho là chính xác nhất)... nhưng quyết định đưa ra con số làm tròn là 6 (trùng với các lựa chọn của câu hỏi, vì trong đó chỉ có 4-5-6-7-8-9, không có số lẻ).
Trong khi đó, á quân Thân Ngọc Tĩnh (học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu (thuộc ĐHQG TP.HCM) cũng cho biết với em điều đó không quan trọng, chuyện đã qua và nếu lúc đó phát hiện sai, thay câu hỏi khác thì các thí sinh cũng có thể đạt điểm và không ảnh hưởng đến kết quả chung cuộc.
Đến ngày hôm nay, phía ban tổ chức mới chỉ cho biết đang xem xét vụ việc, thì chiều nay (27/6), Phó giáo sư, tiến sĩ Võ Thị Bạch Mai - Hiệu trưởng Trường PT Năng khiếu, cho biết đã gửi văn bản đến ban tổ chức - tức đài truyền hình Việt Nam.
Bà Bạch Mai nói: "Sáng nay, nhà trường đã gửi văn bản ra đài truyền hình Việt Nam. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, đây là một sân chơi thôi nên nhà trường không muốn làm tình hình căng thẳng".
Bà Mai cho biết, nội dung chủ yếu trong văn bản là cảm ơn phía đài truyền hình đã tổ chức cuộc thi, giúp nhà trường thực hiện cầu truyền hình trong trận chung kết. Tuy nhiên, theo chuyên môn của nhà trường thì câu hỏi với dữ liệu đáp án đầu tiên trong phần Tăng tốc là không chính xác, do đó nhà trường mong muốn ban tổ chức trả lời về vấn đề này.
Bà Mai chia sẻ rằng đây là thời điểm Ngọc Tĩnh tham gia trận chung kết đang chịu áp lực sau cuộc thi và chuẩn bị bước vào kỳ tuyển sinh đại học diễn ra vào tuần sau nên nhà trường và gia đình mong muốn em không tiếp tục bị ảnh hưởng của dư luận.
Câu hỏi được dư luận lẫn các thí sinh cho rằng dữ liệu đưa ra không chính xác.
Sai sót là khó tránh khỏi, nhưng....
Trong khi đó, chủ đề về vụ tai tiếng này vẫn tiếp tục được cộng đồng mạng quan tâm. Trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội.... mọi người vẫn bàn tán sôi nổi xung quanh vấn đề này.
Khá nhiều ý kiến đồng tình với việc Đặng Thái Hoàng xứng đáng với vòng nguyệt quế của trận chung kết năm. Lập luận đưa ra là trong câu hỏi không có số lẻ nên việc làm tròn được chấp nhận, và Thái Hoàng đã "leo núi" bằng chính khả năng của mình.
Trên mạng xã hội Zing Me, thành viên Trang Sara95 cho rằng: "Đáp án chỉ có 4, 5, 6, 7, 8, 9 thì kết quả là 5,66667 người ta chọn thế đúng quá. Hơn nữa ban tổ chức Olympia làm gì có chuyện lộ đề. Chiến thắng này rất vinh quang".
Thành viên Trần Ngọc Hân nêu ý kiến: "Theo dõi suốt chương trình, mình đồng ý là Ngọc Tĩnh giỏi và thông minh hơn Thái Hoàng, nhưng không có nghĩa là Thái Hoàng không có tài năng và chiến thắng mà bạn ấy có được là do lộ đề. Bạn ấy có tài thực sự. Trong cuộc thi này, theo mình bạn ấy là một người may mắn.
Nếu mọi người nghĩ Thái Hoàng biết trước đề thì: thứ nhất: vì lý do gì mà Thái Hoàng lại ""được"" biết trước đề? (chẳng lẽ bạn ấy nhiều tiền đến nỗi để mua chuộc một chương trình lớn tầm cỡ quốc gia) thứ hai, nếu đã biết trước đề tại sao Thái Hoàng còn bị mất điểm nhiều ở vòng thi Khởi động?
Thật độc ác khi làm tổn thương lòng tự trọng và danh dự của Thái Hoàng! Thành công không chỉ phụ thuộc vào trí óc mà đôi khi còn là một chút may mắn".
Tuy nhiên, hiện nay việc thí sinh nào thông minh hay ai xứng đáng không phải là vấn đề "nóng", mà chuyện ban tổ chức (phía đài truyền hình) sẽ thông tin về sai sót và xử lý như thế nào hay không lại là điều mà dư luận đang quan tâm.
Độc giả Trần Bảo Quốc ở địa chỉ email Jakebob....@gmail.com cho rằng: "Ban tổ chức cuộc thi nên sửa sai vì vụ việc lần này rất nghiêm trọng. Đây là một cuộc chung kết năm và câu hỏi đưa ra sai thì phải bảo vệ quyền lợi của thí sinh. Ban tổ chức đã sửa sai vào năm 2009 vậy sao 2012 nên tiếp tục để mang lại công bằng cho các em".
Độc giả ở địa chỉ email Bigmama....@yahoo.com phản hồi: "Tôi đã được nghe rất nhiều ý kiến trái chiều từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp về vấn đề trên. Riêng bản thân tôi nghĩ trong một chương trình được truyền đi trực tiếp, sai sót ắt hẳn khó trách khỏi, nhưng Olympia là cuộc thi được tổ chức thường xuyên và liên tục, có những sai sót không thể không kể đến.
Năm 2009, chương trình cũng đã vấp phải sai sót trong phần trả lời của thí sinh Bạch Đình Thắng về môn sinh học và họ đã kịp thời sửa sai khi công nhận có đến 2 nhà vô địch. Điều tôi băn khoăn là liệu năm 2012 này, lịch sử có lặp lại một lần nữa. Cá nhân tôi thấy thì ban tổ chức nên sửa sai bằng chính cách mà họ đã làm cách đây 3 năm về trước, tôi nghĩ Thân Ngọc Tĩnh hoàn toàn có quyền có được danh hiệu này một cách thuyết phục chứ không phải là của người khác trao lại cho mình.
Tôi mong rằng ở các chương trình sau, Olympia phải rà soát thật cẩn thận nội dung tất cả các câu hỏi và đưa ra những câu trả lời chính xác nhất. Tôi cũng mong rằng Olympia vẫn còn giữ được độ nồng và sẽ mãi là sân chơi tri thức bổ ích cho lứa tuổi học trò".
Trên diễn đàn Webtretho, thành viên Binhthuongthoi774 nêu ý kiến: "Cuộc thi kiến thức mà năm nào cũng sai sót phần kiến thức. Những sai sót dẫn đến kết quả sai lệch là do nhà đài hay do ban cố vấn: Nếu do nhà đài sao ban cố vấn không lên tiếng phản đối?"
Một thành viên khác bày tỏ: "Hi vọng ban tổ chức sẽ lên tiếng để tỏ tường dư luận. Mình không dồn ép hay chê bai Thái Hoàng mặc dù ủng hộ Ngọc Tĩnh. Nhưng bây giờ mình cảm thông với Thái Hoàng vì để đạt được danh hiệu vô địch mà em phải gồng mình lên chống đỡ dư luận.
Các em không có lỗi gì. Lỗi là do ban tổ chức. Một cuộc thi trí tuệ, căng thẳng như vậy mà cẩu thả trong khâu biên tập câu hỏi. Những cuộc thi như thế này phải nghiêm túc, công khai, công bằng vậy mà lại làm mất đi tính trong sáng của nó. Lùm xùm như vậy nhưng không ban tổ chức (nhà đài) lên tiếng. Cứ như vậy làm sao các em đi thi sau này có đủ tin tưởng vào chương trình nữa?".
THỦY NGUYÊN - MINH NGUYỆT
Theo Infonet
Nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia sẵn sàng thi lại Sự cố sai câu hỏi đã được BTC xác nhận và đưa ra lời xin lỗi, tuy nhiên kết quả không thay đổi. Xung quanh vấn đề này, các nhà khoa học cho rằng nên tổ chức thi lại, nhà vô địch Đặng Thái Hoàng cũng sẵn sàng cho điều đó. Thầy Nguyễn Vũ Lương, Hiệu trưởng Trường Chuyên Khoa học tự nhiên,...