Tám nơi tốt nhất châu Á để du học
Malaysia, Hong Kong, Hàn Quốc là những nơi có nhiều đại học uy tín, cung cấp trải nghiệm học tập tốt cho sinh viên quốc tế.
Bài viết đăng tải trên Top Universities gợi ý những quốc gia, vùng lãnh thổ đáng để du học nhất ở lục địa lớn và đông dân nhất thế giới.
1. Malaysia
Malaysia là lựa chọn tốt cho những sinh viên muốn đắm chìm vào không gian đa văn hóa. Quốc gia Đông Nam Á này được xếp hạng 25 thế giới về hệ thống giáo dục đại học và đang trong quá trình mở rộng chiến lược đào tạo bậc cao bằng cách thu hút đại học danh tiếng thế giới mở chi nhánh quốc tế tại đây. Ví dụ chi nhánh Đại học Nottingham của Vương quốc Anh được mở tại Malaysia với học phí thường thấp hơn nhiều so với mức phải trả ở chi nhánh chính.
Một góc thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. Ảnh: JLT
Sinh viên quốc tế thường bị thu hút bởi các thành phố năng động, vẻ đẹp thiên nhiên cùng chi phí học tập và sinh hoạt thấp ở các thành phố của Malaysia. Thủ đô Kuala Lumpur được đánh giá là thành phố ở châu Á có chi phí phải chăng nhất đối với sinh viên và đứng thứ hai thế giới trên bảng xếp hạng QS Best Student Cities 2018.
Trong bảng xếp hạng QS Asia 2019, Malaysia có 26 đại diện góp mặt, trong đó 6 trường nằm trong top 100. Universiti Malaya được xếp hạng cao nhất, thứ 19.
2. Đài Loan
Được mệnh danh là “Con hổ châu Á”, Đài Loan là nơi lý tưởng cho những sinh viên quan tâm đến công nghệ và đổi mới. Nơi đây nổi tiếng với các ngành công nghệ cao và nhiều trường đại học uy tín đào tạo các ngành này.
Đài Loan có hệ thống giáo dục đại học vững mạnh và nền văn hóa đa dạng, kết hợp cả truyền thống lẫn hiện đại với sự ảnh hưởng từ Trung Quốc đại lục cả trong kiến trúc, ẩm thực và ngôn ngữ chính thức.
Ngày càng nhiều sinh viên quốc tế lựa chọn du học tại Đài Loan bởi chi phí học tập và sinh hoạt khá hợp lý. Đài Loan có 36 đại học góp mặt trong bảng xếp hạng QS Asia 2019, trong đó 5 trường nằm trong top 50. Đại học Quốc gia Đài Loan là trường tốt nhất, giữ vị trí 22.
3. Indonesia
Indonesia là điểm đến tiếp theo mà sinh viên có thể lựa chọn. Nước này có dân số đông thứ tư thế giới và có nền kinh tế lớn bậc nhất Đông Nam Á, là nơi có hàng trăm nhóm sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa hòa quyện. Nhìn chung, Indonesia là lựa chọn hoàn hảo cho sinh viên muốn mở rộng tầm nhìn.
Giáo dục đại học ở Indonesia đã phát triển đáng kể kể từ khi nước này giành độc lập vào năm 1945. Đây là điểm du học không tốn kém với học phí chỉ khoảng 3.000 USD/năm cho một số chuyên ngành.
Video đang HOT
22 trường đại học của Indonesia nằm trong top 350 châu Á, trong đó Universitas Indonesia xếp hạng cao nhất (ở vị trí 57). Có khoảng 5.700 sinh viên quốc tế đang theo học ở đây.
4. Trung Quốc
Trung Quốc là một trong những điểm đến du học không nói tiếng Anh phổ biến nhất thế giới và cũng là một trong những hệ thống giáo dục lớn mạnh nhất thế giới. Có 113 đại học Trung Quốc được QS Asia xếp hạng, trong đó Đại học Thanh Hoa dẫn đầu ở vị trí thứ ba.
Với 5.000 năm lịch sử, Trung Quốc cũng cung cấp rất nhiều địa điểm giúp sinh viên khám phá, nghiên cứu. Thủ đô Bắc Kinh và Thượng Hải đều xuất hiện trên bảng xếp hạng thành phố tốt nhất để học tập năm 2018.
5. Singapore
Singapore là đất nước nhỏ, đông dân cư và đang phát triển như một trung tâm giáo dục đại học xuất sắc với Đại học Quốc gia Singapore đứng đầu trên bảng xếp hạng châu Á và Đại học Công nghệ Nanyang xếp thứ ba.
Singapore nổi tiếng là nước hàng đầu thế giới trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo cũng như nền kinh tế thịnh vượng, tỷ lệ thất nghiệp, tội phạm thấp và hệ thống giáo dục có tiếng – điều giúp cho sinh viên tốt nghiệp đại học ở Singapore được các nhà tuyển dụng ưa thích.
Đại học Quốc gia Singapore đứng đầu bảng xếp hạng QS Asia 2019. Ảnh: King’s College London
6. Nhật Bản
Những năm gần đây, Nhật Bản thực hiện nhiều chính sách nhằm thu hút sinh viên quốc tế như tăng cường các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh hay tuyển sinh dễ dàng hơn. Mặc dù chi phí sinh hoạt cao hơn nhiều nơi ở châu Á, học phí vẫn thấp hơn nhiều so với các điểm du học phổ biến khác.
Giống như Singapore, Nhật Bản thừa hưởng nền văn hóa phong phú, pha trộn giữa cái cũ và mới, giúp du học sinh không cảm thấy nhàm chán, đặc biệt là ở những thành phố lớn như Tokyo – nơi được xếp thứ nhì trên bảng xếp hạng QS Best Student Cities 2018. Đây cũng là điểm đến tuyệt vời cho những sinh viên yêu công nghệ và ẩm thực.
Nhờ những đặc điểm trên, năm 2017, đất nước Mặt Trời mọc thu hút lượng sinh viên quốc tế cao kỷ lục – 267.000. Có 88 trường được QS xếp hạng trong top 500 châu Á năm nay.
7. Hàn Quốc
Hàn Quốc là cường quốc châu Á về giáo dục, công nghệ và du lịch. Nước này đầu tư rất mạnh vào nghiên cứu và giáo dục. 58 đại học của Hàn Quốc nằm trong top 500 trường hàng đầu châu Á năm 2019. Trong đó, Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) nằm ở trung tâm công nghệ Daejeon, xếp vị trí thứ 8.
Thủ đô Seoul được xếp hạng 10 trong số thành phố tốt nhất dành cho sinh viên. Ngoài ra, đất nước này còn có nhiều địa điểm lý tưởng cho du học sinh yêu thích khám phá với nhiều đỉnh núi, rừng tự nhiên đẹp.
8. Hong Kong
Là lãnh thổ tự trị của Trung Quốc, Hong Kong nổi tiếng nhờ sự kết hợp văn hóa phương Đông và phương Tây, được coi như trung tâm thương mại, tài chính và logistics quan trọng của thế giới.
Hong Kong là sự lựa chọn hấp dẫn với sinh viên quốc tế nhờ các tiêu chí như có nhiều đại học danh tiếng, sử dụng tiếng Anh cả trong cuộc sống hàng ngày và trong giáo dục, dễ dàng tiếp cận Trung Quốc đại lục, xã hội đa văn hóa và tư duy tiến bộ.
Trong top 10 đại học hàng đầu châu Á, có tới ba đại diện của Hong Kong, gồm Đại học Hong Kong, Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong và Đại học Trung văn Hương Cảng.
Dương Tâm
Theo VNE
Xếp hạng đại học: Không thể đòi hỏi cao khi đầu tư thấp
Các chuyên gia cho rằng được lọt vào top 500 bảng xếp hạng QS châu Á là dịp để các đơn vị đào tạo ĐH ở VN có thể soi mình, nhận thấy điểm yếu nhằm khắc phục nếu muốn duy trì thứ hạng hoặc không bị loại ra khỏi bảng xếp hạng những năm sau.
Một phòng nghiên cứu của trường thành viên ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH xếp thứ 124 trong bảng xếp hạng QS ASIA 2018 - 2019 - ẢNH: BÙI TUẤN
Chỉ tiệm cận với mức trung bình của châu Á
Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy, Giám đốc Trung tâm kiểm định giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, đánh giá số lượng các trường ĐH VN gia tăng trong các bảng xếp hạng QS châu Á cho thấy xu thế năng lực hội nhập của trường ĐH VN trong tương quan với các trường khác trong khu vực và trên thế giới.
"Bảng xếp hạng QS hướng vào các tiêu chí lớn: đánh giá của cộng đồng về chất lượng nghiên cứu khoa học (qua khảo sát các học giả và nhà tuyển dụng); năng lực quốc tế hóa thông qua công bố quốc tế, thông qua lượt trao đổi sinh viên và học giả; năng lực khoa học công nghệ thông qua số lượng bài, số lượng trích dẫn... Thế mạnh của các trường ĐH VN đang gia tăng cả 3 phần này, điều đó cho thấy năng lực hội nhập ở đây không chỉ câu chuyện về đào tạo mà còn về nghiên cứu, thể hiện ở chỉ số trong công bố quốc tế, chỉ số trích dẫn, các chỉ số khác liên quan tới năng lực học thuật, tỷ lệ giảng viên (GV) là tiến sĩ, đều đang tiếp cận với khu vực và thế giới", tiến sĩ Huy nhận xét.
Tuy nhiên, ông Huy cho rằng: "Điểm yếu cố hữu của VN là chỉ số về GV/sinh viên khá thấp so với mặt bằng chung của khu vực châu Á. Ngay cả ĐH Quốc gia Hà Nội là tốt nhất, nhưng cũng chỉ tiệm cận với mức độ trung bình của châu Á".
Một điểm yếu khác, theo tiến sĩ Huy, là tỷ lệ GV/bài báo. Ngay cả ĐH Quốc gia Hà Nội, đơn vị có chỉ số GV/bài báo tốt nhất VN, cũng chỉ đạt 0,2 GV/bài báo công bố trên tạp chí Scopus.
Đòi hỏi đầu tư phải hết sức bài bản
Trước thông tin nhiều nước trong khu vực ASEAN như Indonesia, Malaysia, Philippines đều có các trường được lọt vào top 100 bảng xếp hạng QS ASIA 2018 - 2019, trong khi đơn vị đạt thứ hạng cao nhất của ta cũng chỉ ở vị trí 124, PGS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, chia sẻ: "Việc phấn đấu xếp hạng là một câu chuyện đầy thách thức. Việc phấn đấu thăng hạng phản ánh phần nào nỗ lực tăng chất lượng của chúng ta, nhưng bản chất là câu chuyện đầu tư. Trong khi đầu tư đối với giáo dục ĐH chỉ ở mức trung bình (nếu tính mức bình quân thì thấp rất nhiều so với các nước trong khu vực), thì đạt được những thành tích như đang có là rất đáng trân trọng".
PGS Sơn cho rằng tất cả các bảng xếp hạng đều dành trọng số cao cho việc đánh giá về mức độ nghiên cứu. Trong khi đó, các trường ĐH không thể lấy nguồn thu từ học phí của sinh viên ra để làm nghiên cứu, mà đòi hỏi phải có sự đầu tư của nhà nước, doanh nghiệp.
"Muốn nghiên cứu tốt, không phải chỉ đầu tư cho các đề tài mà còn cho phát triển con người, cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu. Đã là nghiên cứu, mà nghiên cứu đỉnh cao để có công bố quốc tế thì đòi hỏi sự đầu tư phải hết sức bài bản, tốn kém, hiện đại. Cho nên, hiện nay 7 trường của VN nằm trong tốp 500, trong đó 2 ĐH quốc gia đứng ở vị trí 124 và 144 là cao, phản ánh giáo dục ĐH hiệu quả rất tốt so với mức độ đầu tư. Đầu tư chưa cao mà lại mong ở top 50 - 100 thì đó là điều không tưởng", PGS Sơn nói.
Vì thế trong điều kiện hiện nay, theo PGS Sơn, khi phấn đấu để nâng các chỉ số phục vụ cho việc xếp hạng thì cũng cần để ý làm sao những nỗ lực phải trong phạm vi mình làm được mà không phải tốn kém gì thêm. Chẳng hạn như việc tăng số bài báo quốc tế. Việc này không tốn kém hơn nhiều nhưng phải công bố chọn lọc, hoặc gia công thêm tiếng Anh cho công bố ở tạp chí quốc tế để tăng sự ghi nhận của thế giới.
Cần quan tâm chất lượng trước xếp hạng
PGS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng việc tham gia các bảng xếp hạng có ý nghĩa ở chỗ khi muốn hội nhập quốc tế thì cũng cần biết mình đang ở đâu. Đánh giá của các hệ thống xếp hạng, dù họ lựa chọn hệ thống tiêu chí nào vẫn là những đánh giá có tính khách quan, để nhìn nhận lại hệ thống giáo dục ĐH của chúng ta, sự phấn đấu của các cơ sở giáo dục ĐH và cả công tác quản lý.
Theo PGS Bình, trên thế giới, nhiều ĐH truyền thống không quan tâm tới xếp hạng. Họ cho rằng họ nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong việc tạo nên và giữ được chất lượng của mình. Xếp hạng là một vấn đề mới, ở VN lại càng mới. Gần đây khi đặt ra vấn đề tự chủ, cạnh tranh, thì mới có nhu cầu được xếp hạng. Cho nên cũng không cần đặt vấn đề 7 trường được lọt vào bảng xếp hạng châu Á hay 2 trường vào bảng 1.000 thế giới mà trước hết đặt vấn đề chất lượng. Cứ có chất lượng thì tự động nó sẽ đi vào xếp hạng.
Tuy nhiên, theo ông Bình, khi hội nhập thì phải quan tâm đến xếp hạng nhưng ở khía cạnh xác định chuẩn mực của các trường ĐH trên thế giới, phải đặt chất lượng trong bối cảnh chuẩn mực của thế giới.
Giáo dục ĐH VN bắt đầu quan tâm nghiên cứu khoa học quốc tế
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, các cơ sở giáo dục ĐH trong những năm qua đã ý thức được việc xây dựng uy tín, chất lượng, hội nhập với thế giới. Hiện nay đã có 117 trường được kiểm định, hơn 100 chương trình được kiểm định quốc tế... Các cơ sở giáo dục ĐH bắt đầu quan tâm đến nghiên cứu khoa học quốc tế.
"Việc phấn đấu thăng hạng phản ánh phần nào nỗ lực tăng chất lượng của chúng ta, nhưng bản chất là câu chuyện đầu tư"
PGS Hoàng Minh Sơn,Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội
Theo thanhnien
Đại học lý giải vì sao thay đổi vị trí trên bảng xếp hạng châu Á Đại học Bách khoa Hà Nội tăng 30 bậc nhờ chủ động trong việc tham gia xếp hạng; Đại học Huế tụt hạng do còn nhiều điểm yếu. Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) của Anh hôm 23/10 công bố bảng xếp hạng 505 đại học tốt nhất châu Á năm 2019 (QS Asia 2019). Việt Nam có bảy đại diện góp...