Tám lý do bà mẹ Mỹ khuyến khích con cãi lại
Chị Pamela Li, sống tại Carlifornia (Mỹ), thường để con gái 4 tuổi cãi lại mình, tất nhiên không phải cãi láo, nói những từ ngữ thô lỗ.
Chị Pamela Li đã chia sẻ lý do cho phép con cãi lại trên trang Parentingforbrain.
Cãi láo thường là hậu quả từ việc bố mẹ không lắng nghe ý kiến của con, dẫn đến việc chúng bị ức chế và có những phản ứng tiêu cực. Còn cãi lại, đôi khi là cách thức giao tiếp mà qua đó tôi khuyến khích con được bày tỏ suy nghĩ của mình.
Giúp con cư xử văn minh, tôn trọng
Khi con muốn cãi lại bố mẹ một vấn đề nào đấy, tôi sẽ dạy con phải bình tĩnh, đưa ra những lý lẽ thuyết phục. Đồng thời, con không được phép sử dụng những từ ngữ thô lỗ hay có thái độ hỗn hào với bố mẹ.
Bằng cách đó, tôi giúp con có được sự bình tĩnh, cũng như luyện được cách phản ứng, giao tiếp văn minh và tôn trọng người khác.
Giúp con tôn trọng ý kiến người khác
Mỗi khi con cãi lại một vấn đề gì đó, tôi đều ngồi yên, lắng nghe hết toàn bộ ý kiến của con. Bởi vì tôi tôn trọng con trước nên sau đó con cũng học cách tôn trọng lại bố mẹ. Khi chúng tôi nói, con ngồi lắng nghe trước, sau đó mới nói lại.
Đôi khi, con gái tôi cũng thể hiện một số hành vi không đúng mực. Nhưng ngay khi được bố mẹ chỉ sai, con bé sẽ nghe lời và sửa đổi.
Bố mẹ và con cái nên tăng cường trao đổi. Ảnh: Parentingforbrain
Giúp con quyết đoán
Nhiều đứa trẻ thường rụt rè, sợ hãi khi bộc lộ suy nghĩ trước bố mẹ. Dù đôi khi ý kiến của bố mẹ không đúng, các con vẫn không dám nói gì và giấu kín ý kiến riêng. Bằng việc khuyến khích con cãi lại, tôi rèn cho con sự quyết đoán, dám nghĩ, dám nói.
Giúp con suy nghĩ nghiêm túc
Nếu con cãi lại đúng, tôi sẽ suy nghĩ về quyết định mình vừa đưa ra và thay đổi. Còn nếu con cãi sai, tôi sẽ không đồng ý và giải thích lý do tại sao.
Việc này giúp cho con gái tôi suy nghĩ về sự việc nghiêm túc và từ nhiều góc độ. Con bé sẽ phải nghĩ kỹ rồi mới đưa ra ý kiến với bố mẹ. Còn đối với tôi, lắng nghe suy nghĩ của con giúp tôi hiểu rõ hơn quan điểm của con bé về mọi thứ xung quanh, những điều mà đôi lúc tôi đã bỏ quên.
Video đang HOT
Giúp con suy nghĩ sáng tạo
Khi con cãi lại sai và bị tôi phản bác, ngay sau đó tôi thường khuyến khích con suy nghĩ, đưa ra một giải pháp nào đó khiến cả hai thấy vui vẻ, đồng tình.
Mỗi lần như vậy, tôi nhận ra con có khiếu sáng tạo hơn tôi tưởng rất nhiều.
Giúp con học cách giao tiếp, tranh luận và đàm phán
Đầu tiên, con tôi học được cách cãi lại người khác một cách văn minh, lịch sự. Sau đó, con bé biết được cách tranh luận nếu như không phục, không đồng tình với ý kiến của người lớn. Cuối cùng, con tôi học được cách đàm phán, đưa ra một thỏa hiệp để cả mẹ và con đều thấy vui vẻ. Đó là những lợi ích trước mắt mà tôi thấy được từ việc khuyến khích con cãi lại.
Giúp con điều tiết cảm xúc
Khi không được lắng nghe ý kiến, con người thường giận dữ và nảy sinh phản ứng tiêu cực. Bằng cách cho con cơ hội cãi lại, tôi đã giúp con được suy nghĩ lại những ý kiến, vấn đề bố mẹ nói. Nhiều khi, trong quá trình cãi lại, con bé dần hiểu được vì sao tôi lại nói, hay hành động về một vấn đề nào đó.
Và thế là con biết cách điều tiết cảm xúc của mình hơn.
Giúp con nhận ra bố mẹ không phải lúc nào cũng đúng
Bố mẹ không phải là đấng toàn năng và hoàn toàn có thể mắc lỗi, hoặc đưa ra nhận định sai lầm. Tôi không bao giờ dạy con phải chấp nhận một điều gì, chỉ vì do người lớn nói. Thay vào đó, tôi khuyến khích con dùng tư duy, trí thông minh để xác định xem liệu đó có phải điều đúng đắn để nghe theo.
Cách làm trên giúp tôi và con gái có mối quan hệ bình đẳng. Tuy nhiên, cũng có những việc tôi đưa ra và yêu cầu con phải tuân theo tuyệt đối. Những việc này tôi hoàn toàn có lý do chính đáng, nhưng tôi không nói lý do vì con còn quá bé để hiểu. Đến khi con ở độ tuổi trưởng thành hơn, tôi sẵn sàng giải thích và lắng nghe những ý kiến, phản bác của con.
Thanh Hương
Theo Parentingforbrain/VNE
Câu chuyện về người mẹ là giáo viên xuất sắc, xuất bản sách bán chạy nhưng thất bại trong cách dạy con
Xuất bản sách hé lộ bí quyết giúp con trở nên giỏi giang nhưng các con của chị đều đồng loạt nghỉ học. Chúng biết mối quan tâm hàng đầu của mẹ là trường học và thành tích nên đã làm vậy như một cách trả thù.
Chị Lý Liễu Nam - một giáo viên xuất sắc, cũng là một người mẹ của hai con. Chị từng xuất bản sách có tựa đề "55 bí quyết giúp con học giỏi tại trường", với số lượng tiêu thụ khoảng 100.000 quyển, lọt top bán chạy và nhận được sự yêu thích của mọi người.
Chị là một người mẹ và luôn nhớ "nguyên tắc vàng" tôn trọng, ủng hộ, khen ngợi con. Thế nhưng, chị đã không áp dụng vào thực tiễn và tự nhận tri thức của mình là "tri thức chết".
Chị Lý Liễu Nam đã tâm sự về cách nuôi dạy con sai lầm:
"Tôi rất keo kiệt trong việc khen ngợi con. Khi con trai của tôi đạt thành tích đứng nhất toàn trường, nó chạy về và reo lên:
"Mẹ ơi, con đứng nhất toàn trường rồi!".
Tôi đã nói rằng: "Nhỏ tiếng thôi, con hãy mang bảng thành tích tháng trước cho mẹ xem. Con hãy xem nè, ngoại ngữ có tiến bộ, nhưng tại sao môn toán thụt lùi thế này? Con biết là phí học thêm môn toán rất đắt đúng không? Con không nên tự mãn khi đạt 97/100 điểm và xếp nhất toàn trường".
Gia đình tôi không sống ở khu vực trung tâm thành phố, nhưng tôi vẫn kiên nhẫn đưa đón con đến những lớp học thêm tốt nhất. Thật may, con trai của tôi tiếp thu rất tốt. Khoảng 3 tuổi, con có thể nhận mặt chữ. Tôi đã nghĩ rằng con là thiên tài, nhưng cũng đồng thời cảm thấy "Con của tôi đạt trình độ này là lẽ đương nhiên".
Nhưng con gái của tôi không học giỏi như anh trai của nó. Từ 3 - 7 tuổi nó vẫn không thể nhận mặt chữ. Nó khiến tôi tức chết và tôi đã hoang mang với trình độ kém cỏi của con, làm sao nó có thể học tiểu học đây?
Khi con gái học lớp 1, nó sẽ có kỳ thi quan trọng là nghe viết. Tôi nhận định kỳ thi đó sẽ quyết định cuộc đời của con. Thời điểm đó, tôi cũng đang tập trung công trình nghiên cứu để lấy tấm bằng thạc sĩ.
Trên đường về nhà, vào lúc 10 giờ tối. Tôi gọi cho mẹ chồng và nhắc bà không được dỗ con gái đi ngủ. Về đến nhà, dù muộn đến mức nào, tôi cũng bắt con gái ngồi vào bàn, làm bài tập rèn khả năng nghe viết.
Tôi điên tiết và cao giọng nạt nộ con gái, bởi nó không thể làm xong một đề bài đơn giản. Con gái tỏ ra sợ hãi khi nghe tiếng quát mắng của tôi và nó làm sai ngày càng nhiều. Tôi đã chỉ trích nó: "Tại sao con không thể làm được? Những đứa trẻ bằng tuổi con, không chỉ tiếng mẹ đẻ mà tiếng Anh cũng biết viết. Tại sao con kém cỏi như vậy?".
Trời ngày càng khuya, mí mắt của con bé ngày càng nặng trĩu. Nó khóc lóc cầu xin tôi:
"Mẹ ơi, con buồn ngủ quá, con không thể làm tiếp bài tập. Mẹ cho con đi ngủ nha!".
Tôi hét ầm: "Giờ này con muốn đi ngủ à? Con đi rửa mặt rồi quay lại học tiếp ngay!".
Con gái của tôi khi đó mới 7 tuổi, nhưng tôi đã ép nó học như thể nó là học sinh cấp 3 sắp tham dự kỳ thi quốc gia.
Lần đầu tiên thi nghe viết, con gái tôi đạt 60/100 điểm. Con bé sợ sệt đưa kết quả thi để phụ huynh là tôi ký vào.
"Số điểm của con quá thấp và mẹ không muốn ký tên. Cả đời mẹ chưa bao giờ thấy số điểm thấp như vậy. Con dám trở về nhà và ăn cơm như thể không có chuyện gì sao? Anh trai của con mỗi lần thi đều đạt 100 điểm. Rốt cuộc là con giống ai hả? Gia đình chúng ta, rồi người thân đều là những người tài giỏi, con có biết không?" - Tôi trách con bé.
Con gái khóc nấc khi nghe những lời trách mắng của tôi, tôi càng quát: "Con oan ức lắm hay sao mà khóc? Đừng tưởng khóc lóc thì mẹ sẽ không ép con học!".
Lần tiếp theo, kết quả thi của con gái cao hơn, nó đạt 80/100 điểm. Nhưng tôi vẫn không hài lòng, tôi hỏi con: "Đề thi lần này dễ lắm đúng không?".
Khi con gái đạt 100 điểm, nó phấn khích nói với tôi rằng: "Mẹ ơi, con giống anh hai nè, con đạt 100 điểm rồi!".
Thời điểm đó, con bé khát vọng được nghe lời khen của mẹ. Nhưng tôi đã nhẫn tâm bảo rằng: "Lớp của con bao nhiêu người đạt 100 điểm?".
Tôi đã nhân danh tình yêu của một người mẹ để yêu cầu con trở nên tài giỏi hơn con của người khác. Tôi cứ ngỡ những điều tôi làm sẽ khiến con trở nên tốt hơn, khiêm tốn hơn. Nhưng tôi đã sai rồi, bởi những lời nói sắc bén của tôi đã khiến hai con bị tổn thương.
Thời điểm tôi xuất bản sách với tựa đề "55 bí quyết giúp con học giỏi tại trường", quyển sách được mọi người đón nhận nhiệt tình, họ tranh nhau từng suất để đưa con nhập học tại ngôi trường tôi đang giảng dạy. Cũng chính thời diểm đó, con trai giỏi giang của tôi đang học cấp 3 bất ngờ nghỉ học. Con gái học cấp 2 cũng bắt đầu trốn tiết và nghỉ học như anh trai của nó.
Mẹ xuất bản sách hé lộ bí quyết giúp con trở nên giỏi giang, nhưng các con đều đồng loạt nghỉ học, tôi cảm thấy đây là chuyện nực cười nhất trên đời. Các con biết mối quan tâm hàng đầu của tôi là trường học và thành tích nên chúng đã nghỉ học như một cách trả thù mẹ.
Kể từ ngày nghỉ học, chúng không bước chân ra cửa, chỉ nhốt mình trong phòng, ăn, ngủ, chơi game và xem ti vi. Tôi điên tiết bảo hai con dọn đến nhà nội hoặc nhà dì, bởi tôi không muốn nhìn thấy mặt chúng. Nhưng các con đã bảo: "Mẹ muốn đi thì tự mình đi, tại sao con phải dọn đi?". Giờ ngẫm lại, tôi mới nhận ra các con muốn trả thù mẹ thì đương nhiên nó phải lởn vởn trước mặt mẹ để trêu tức, chứ không dại gì mà khuất tầm mắt của mẹ.
Do áp lực và suy nghĩ quá nhiều, tôi đã 3 lần ngất xỉu phải đưa vào phòng cấp cứu, vô số lần tôi đã gặp tai nạn giao thông và thậm chí tôi đã trải qua 1 ca phẫu thuật nghiêm trọng. Khi hai đứa con nhìn thấy tình trạng suy sụp của tôi, chúng đã chế nhạo tôi: "Mẹ giả vờ giỏi thế?". Tôi không biết từ bao giờ, hai đứa con ngoan ngoãn của tôi trở nên đáng sợ và lạnh nhạt như vậy. Chúng xem tôi như kẻ thù, còn tôi tuyệt vọng đến mức muốn giết chúng rồi tự sát.
Tôi không thể chịu đựng tình cảnh tồi tệ này tiếp diễn, tôi nói chuyện với con trai và nó phản ứng bằng cách sỉ nhục tôi. Tôi tìm con gái nói chuyện nhưng nó đã khóc và cười như một kẻ điên loạn. Nhìn thấy tình trạng đó, tôi nhận ra không chỉ mình tôi đau khổ mà hai đứa con cũng quá mệt mỏi. Thế là, tôi bắt đầu suy nghĩ lại mọi chuyện, tôi nhận ra sai lầm của mình và từng bước sửa đổi để tìm lại tình yêu và tương lai của hai con.
Sự cố gắng của tôi đã có kết quả, hai đứa con của tôi đã quay lại trường và tiếp tục hành trình trên con đường tìm kiếm tri thức. Sau nhiều năm, con gái của tôi hỏi rằng: "Mẹ có biết tại sao con chọn ngành tâm lý học không?".
Tôi thắc mắc: "Tại sao?".Con gái tôi trả lời rằng: "Có thời điểm con muốn tự sát để trả thù mẹ. Con chỉ nghĩ nếu con chết, mẹ sẽ cắn rứt lương tâm vì đã ép con học như một cỗ máy. Nhưng thời điểm con muốn chết, con có quá nhiều lý do để tiếp tục sống và một trong số lý do quan trọng là mẹ đã thay đổi.
Những đứa trẻ đã tự sát là vì không thể tìm ra lý do để tiếp tục tồn tại. Con muốn giúp những đứa trẻ đã trải qua khoảng thời gian đau khổ giống như con và anh hai. Mặc dù đã muộn màng nhưng thật may mẹ đã suy nghĩ thông suốt. Đáng tiếc là trên đời này vẫn còn nhiều cha mẹ và giáo viên vẫn còn chưa hiểu điều đó".
Tôi cảm thấy áy náy và đau đớn vô cùng. Cho dù là gia đình tri thức nhưng tôi đã tước đoạt khoảng thời gian hạnh phúc trong thời thơ ấu và thanh xuân của các con. Tôi cảm thấy một người làm mẹ như tôi quá thất bại và đáng hổ thẹn, nhưng thật may mắn, ít nhất tôi vẫn còn có cơ hội để sửa sai và bù đắp lại tình yêu cho các con.
Theo TW/afamily
Thầy cô muốn học trò tin yêu, cần học cách gần gũi và biết tôn trọng học trò Trong bất cứ một lớp học nào thì trình độ các em đều không như nhau, về hoàn cảnh kinh tế gia đình cũng như nhận thức của bố mẹ. Muốn làm một giáo viên dạy tốt, chủ nhiệm tốt, được học sinh tin yêu, vượt qua những rào cản về suy nghĩ giữa 2 thế hệ thầy và trò là những điểm...