Tâm huyết trong từng bài giảng
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, ngay từ khi còn nhỏ, Đặng Hoàng Hà đã mơ ước được trở thành một cô giáo. Quyết tâm biến ước mơ thành sự thật, Hà chọn học Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây.
Với quan niệm “nhiều thay đổi nhỏ sẽ tạo nên một sự thay đổi lớn, từng cái nhỏ sẽ dẫn tới một cái lớn vững chắc hơn”, những năm qua, cô giáo Đặng Hoàng Hà (giáo viên Trường Tiểu học Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã tìm ra cho mình phương pháp dạy học phù hợp, tích cực; qua đó khơi gợi niềm say mê hứng thú, lôi cuốn học sinh vào từng bài giảng.
Biến lớp học thành rạp chiếu phim mini
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, ngay từ khi còn nhỏ, Đặng Hoàng Hà đã mơ ước được trở thành một cô giáo. Quyết tâm biến ước mơ thành sự thật, Hà chọn học Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây.
Tốt nghiệp năm 2010, Hà về làm giáo viên tại Trường Tiểu học Giáp Bát và gắn bó với trường từ đó đến nay. Với 10 năm tuổi nghề, được Ban Giám hiệu nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ chủ nhiệm nhiều khối lớp, cô giáo Đặng Hoàng Hà luôn có trách nhiệm cao với công việc, hết lòng yêu thương học sinh, quan tâm giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật, đi đầu trong việc đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá.
Cô giáo Đặng Hoàng Hà trong một giờ dạy. (Ảnh: L.H)
Bằng kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy, cô giáo Đặng Hoàng Hà nhận thấy học sinh tiểu học có trí nhớ trực quan – hình tượng phát triển chiếm ưu thế. Từ đó, cô đã nghiên cứu, tự học, tự làm các bộ phim hoạt hình, các clip tình huống gắn với chính thực tế của học sinh… nhằm tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn học sinh vào tiết học khiến cho hiệu quả giờ dạy được nâng cao.
Đặc biệt, để tránh đi vào lối mòn của cách giảng dạy truyền thống, cô Hà đã biến lớp học của mình thành một rạp chiếu phim mini. Những đoạn phim hoạt hình vui nhộn được chọn lọc với độ dài phù hợp do chính cô tạo ra đã kích thích trí tò mò của học sinh, khiến học sinh không còn cảm giác khô khan, cứng nhắc khi tiếp nhận những kiến thức mang tính lý thuyết, trừu tượng.
“Với môn học Đạo đức, tôi thường lồng ghép gương mặt của học sinh vào gương mặt của các nhân vật hoạt hình. Khi nhìn thấy những gương mặt quen thuộc xuất hiện trong đoạn phim, học sinh trở nên hào hứng tham gia giải quyết các tình huống trong bài giảng.
Thông qua các tình huống trực quan cùng sự phân tích, giải đáp của cô giáo, các em sẽ hiểu được việc làm của mình là đúng hay sai để từ đó tự thay đổi hành vi bản thân. Hay đối với môn Toán và Tiếng Việt, thay vì kiểm tra bài cũ theo phương pháp truyền thống, tôi sẽ cho nhân vật hoạt hình đối thoại với học sinh theo hình thức hỏi đáp, nhờ vậy sẽ kích thích trí tò mò của các em” – cô giáo Đặng Hoàng Hà chia sẻ.
Từ việc vận dụng hoạt hình hóa các nội dung học tập, học sinh đã yêu thích môn học hơn, có sự gắn kết, yêu thương, chia sẻ với nhau nhiều hơn. Đồng thời cũng từ những tình huống đạo đức có trong đoạn phim hoạt hình, học sinh đã tự tin và biết cách tự giải quyết các vấn đề cụ thể trong cuộc sống hàng ngày.Việc làm này của cô giáo Đặng Hoàng Hà đã nhận được sự hưởng ứng và phối hợp nhiệt tình của các bậc phụ huynh. Nhiều chủ đề, cô Hà đã nhờ các phụ huynh tự quay và gửi clip để cô lưu trữ thành tư liệu phục vụ cho công tác giảng dạy.
Video đang HOT
Trong phân môn Tập làm văn, giáo viên thường hướng dẫn, dạy học sinh cách viết các câu văn theo mẫu, nhiều câu văn không có sự sáng tạo, thiếu vắng những từ ngữ hồn nhiên của trẻ nhỏ. Trăn trở và khao khát sự thay đổi, cô Hà đã điều chỉnh phương pháp và hình thức dạy học theo hướng phát triển trí lực.
Trong giờ giảng, cô Hà đã đề nghị học sinh tự nói lên những suy nghĩ, những hiểu biết của mình về chủ đề sách giáo khoa yêu cầu. Từ việc phải tư duy và nói ra thành lời rồi nhớ và viết lại, học sinh sẽ nhớ lâu hơn những kiến thức thu nhận được. Những đoạn văn của học sinh được thể hiện sinh động hơn với các từ ngữ hồn nhiên đúng với lứa tuổi. Bản thân học sinh cũng tự tin hơn, ngôn ngữ phát triển tốt hơn.
“Trường Tiểu học Giáp Bát là cái nôi giúp tôi trưởng thành. Trong những năm qua, sự thấu hiểu, tạo điều kiện của Ban Giám hiệu nhà trường cùng sự phối hợp nhiệt tình của các đồng nghiệp, sự ủng hộ từ cha mẹ học sinh và không thể không kể tới tình yêu của các học sinh thương mến đã cho tôi động lực để tận tụy với nghề, có ý thức vươn lên đổi mới, sáng tạo đáp ứng yêu cầu giáo dục mới của thời kì mới” – cô giáo Đặng Hoàng Hà chia sẻ.
Tiếp tục sáng tạo, cống hiến
Không chỉ sáng tạo trong các giờ dạy trên lớp, cô Hà còn nỗ lực sáng tạo trong các giờ hoạt động ngoại khóa. Những trải nghiệm phong phú đã tạo cho học sinh hiểu và nhận ra giá trị của cuộc sống, lòng biết ơn, trách nhiệm của bản thân; đồng thời trang bị cho học sinh các kỹ năng sống cần thiết để thực hành, vận dụng vào cuộc sống hàng ngày.
Nhận xét về giáo viên của mình,Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giáp Bát Ngô Thị Hằng cho biết: Khi nhắc đến cô giáo Đặng Hoàng Hà, cả giáo viên và học sinh ai cũng biết đến là một cô giáo rất hiền hậu và tràn đầy nhiệt huyết. Bản thân cô là một cô giáo rất vững về chuyên môn. Cô đã từng dạy từ lớp 2 đến lớp 5 và dù nhận nhiệm vụ ở bất kì khối lớp nào, cô cũng tìm được ra phương pháp riêng để tiếp cận, tìm hiểu học sinh. Ở trong cô thấy được sự nhiệt huyết rất mạnh mẽ. Bản thân cô luôn luôn hướng đến cái đích là làm thế nào để học sinh đến trường được vui nhất và tiếp thu được nhiều ý kiến nhất.
“Tôi cảm thấy những việc tôi đang làm, tôi đã nhận lại được nhiều hơn những vất vả tôi đã bỏ ra. Có một kỷ niệm mà tôi nhớ nhất đó là khi tiếng trống giờ ra chơi vang lên, tất cả học sinh lớp khác ùa ra nhưng riêng học sinh lớp tôi vẫn ngồi say sưa xem những thước phim hoạt hình. Điều ấy càng thôi thúc bản thân tôi phải cố gắng, cố gắng nhiều hơn nữa để có thể cho các em nhiều bài học, nhiều tiết học vui hơn thế” – cô Hà tâm sự.
Mọi đổi mới, sáng tạo đều được khơi nguồn từ sự tâm huyết, lòng yêu nghề, mến trẻ. Giáo viên không chỉ là những người truyền thụ kiến thức mà còn là nhà tâm lý, nhà giáo dục học, người biết khơi những đam mê của học sinh, biết phát huy những tố chất, nội lực để học sinh được bộc lộ hết khả năng, tình cảm của mình.
“Chứng kiến những thay đổi dù rất nhỏ của học sinh trong việc hình thành nhân cách, có khi chỉ một lời chào khi gặp người lớn, tự tin bộc lộ cảm xúc, biết bày tỏ ước mơ, tôi biết mình đã đi đúng hướng và chọn đúng nghề. Được làm việc vì hạnh phúc của học sinh và luôn coi học sinh như con mình, tôi càng thêm yêu nghề giáo. Tôi thấy vinh dự được làm công việc tuyệt vời này” – cô giáo Đặng Hoàng Hà chia sẻ.
Với những tâm huyết, sáng kiến, sáng tạo của mình, tại Lễ tuyên dương khen thưởng các điển hình tiên tiến, nhà giáo mẫu mực tiêu biểu ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô năm 2020 vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào sáng 10/11 tại Cung Văn hoá Lao động Hữu nghị Việt – Xô, cô giáo Đặng Hoàng Hà đã được vinh danh là một trong 40 Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo.
Môi trường hòa nhập cho trẻ tự kỷ: Vẫn chưa có lời giải
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Minh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến hiện tại, tự kỷ chưa được công nhận là một dạng tật riêng nên các văn bản hướng dẫn vẫn chưa đạt được sự hoàn thiện.
Còn nhiều bất cập
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy: "Khi nhắc tới môi trường hòa nhập là hướng tới sự công bằng, không phân biệt đối xử. Tuy nhiên, hiện nay các văn bản liên quan đến "học sinh rối loạn phổ tự kỷ (RLPTK) " chưa cụ thể. Trong "Hướng dẫn nhiệm vụ năm học mới 2020 - 2021" của Bộ GD&ĐT, nội dung liên quan dành cho đối tượng khuyết tật không nhiều. Trong hướng dẫn thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới chưa thấy đề cập đến những điều chỉnh dành cho học sinh khuyết tật nói chung và học sinh RLPTK nói riêng.
Hiện nay, Việt Nam chỉ còn 3 trường Đại học có đào tạo GV chuyên ngành giáo dục đặc biệt (GDĐB). Theo quy định mới từ năm học 2020 - 2021, trường Cao đẳng không được tuyển sinh ngành giáo dục đặc biệt vì thế tình trạng thiếu GV chuyên ngành GDĐB có nguy cơ ngày càng trầm trọng hơn. Bên cạnh đó, nội dung GDĐB chỉ là môn tự chọn trong chương trình đào tạo GV ở các trường Đại học vì thế nhiều GV sau tốt nghiệp thiếu kiến thức về giáo dục học sinh khuyết tật.
Đến hiện tại, tự kỷ chưa được công nhận là một dạng tật riêng nên các văn bản hướng dẫn vẫn chưa đạt được sự hoàn thiện.(Ảnh minh họa)
Chính sách nhiều nhưng cần thực tế hơn
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Minh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: "Hiên nay, giáo dục hòa nhập (GDHN) trong trường công lập ở Hà Nội còn nhiều hạn chế về các mặt: thực hiện văn bản chính sách của nhà nước, thiếu nguồn lực tài chính, thiếu phương tiện, thiết bị và học liệu dạy học. Đến thời điểm hiện tại, tự kỷ chưa được công nhận là một dạng tật riêng mà chỉ nằm trong các dạng khuyết tật khác. Cũng vì thế các văn bản hướng dẫn vẫn chưa đạt được sự hoàn thiện".
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Đức Minh, từ lâu Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trương xây dựng một hệ thống Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Giáo dục Hòa nhập (HT&PT GDHN). Đến tháng 10/2020 cả nước có 14 trung tâm HT & PT GDHN cấp tỉnh đang hoạt động, cung cấp các dịch vụ về GD ĐB. Thành phố Hà Nội chưa có trung tâm HT & PTGDHN.
Do chính sách của Nhà nước, khi mà bộ Bội Nội vụ chưa đưa ra quyết định chính thức nên vấn đề bổ sung biên chế giáo viên, nhân viên hỗ trợ người khuyết tật chưa có lời giải. Nghị định 28 của Chính phủ về Chế độ phụ cấp cho giáo viên dạy GDHN đã có từ năm 2012, 23/63 tỉnh thành đã thực hiện, riêng Hà Nội là một trong những tỉnh/TP vẫn chưa thống nhất được chính sách này.
"Về mặt chính sách, nước ta hiện nay rất nhiều, nhưng chưa sát với thực tế. Chẳng hạn như chính sách phổ cập giáo dục mới là tạo điều kiện cho học sinh trên địa bàn đúng độ tuổi được theo học, bao gồm cả học sinh khuyết tật. Tuy nhiên về cơ sở vật chất, phương tiện chưa đáp ứng được, cán bộ quản lý chưa được đào tạo bồi dưỡng về GDĐB... cũng là một khó khăn chưa được tháo gỡ. Cá nhân tôi nghĩ rằng, Nhà nước ta nên đưa ra các chính sách phù hợp hơn. Trước hết là chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trước khi tiếp nhận trẻ khuyết tật tham gia GDHN", PGS.TS Nguyễn Đức Minh nói.
Giáo dục người khuyết tật nói chung, trẻ RLPTK nói riêng đòi hỏi rất lớn về tài chính. Trong bối cảnh đất nước còn khó khăn, nhiều đối tượng cần quan tâm thì trước hết ngành giáo dục cần tận dụng triệt để các nguồn xã hội hóa. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức sẵn sàng chung tay giúp đỡ người khuyết tật. Những gia đình có điều kiện về kinh tế có thể tự trang trải phí can thiệp hỗ trợ trẻ RLPTK. Nhưng thiết nghĩ, Nhà nước cũng cần có cơ chế hỗ trợ toàn phần hoặc một phần đối với gia đình là hộ nghèo, hộ cận nghèo có con là trẻ khuyết tật đang học hòa nhập.
Bên cạnh đó cần nêu cao trách nhiệm của gia đình trong việc đồng hành cùng nhà trường, bởi có rất nhiều cha mẹ không đánh giá đúng năng lực của con và đẩy hết trách nhiệm cho nhà trường.
"Theo tôi, với trẻ tự kỷ nói riêng, trẻ em khuyết tật nói chung, chúng ta nên đặc biệt quan tới việc nâng mức kỹ năng sống của các cháu, thay vì đặt nặng vào vấn đề học thuật và thành tích thi cử", PGS.TS Nguyễn Đức Minh đề xuất.
chúng ta nên đặc biệt quan tới việc nâng mức kỹ năng sống của các cháu, thay vì đặt nặng vào vấn đề học thuật và thành tích thi cử. (Ảnh minh họa)
Thay đổi nhận thức đưa tới thay đổi hành động
TS. Nguyễn Thị Kim Hoa - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục đặc biệt Quốc gia chia sẻ: "So với những năm trước đây, GDHN cho trẻ khuyết tật nói chung và trẻ tự kỷ nói riêng đã có những bước tiến rất tốt.
Là một thành viên của Hội đồng Giáo dục đặc biệt Đông Nam Á, có cơ hội được tham gia cá hoạt động hội thảo, hội nghị và phát triển chuyên môn về GDĐB, TS. Nguyễn Thị Kim Hoa nhận thấy rằng: "Trong 10 năm trở lại đây những kiến thức, kỹ năng của đội ngũ chuyên gia, giáo viên, cán bộ quản lý của Việt Nam về giáo dục trẻ RLPTK có sự phát triển vượt trội. Phụ huynh, cha mẹ trẻ RLPTK rất tích cực, chủ động trong việc tự nâng cao trình độ của bản thân và nâng cao nhận thức cộng đồng về quyền được giáo dục của trẻ RLPTK. Nhiều gia đình có điều kiện còn tự túc tài chính để đi nước ngoài hoặc mời chuyên gia, mua tài liệu về các phương pháp giáo dục trẻ RLPTK để tự nâng cao kiến thức, kỹ năng cho mình và các cha mẹ khác.
Bên cạnh đó, khá nhiều dự án của các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội dân sự vì người khuyết tật trong nước rất quan tâm đến trẻ tự kỷ. Vì thế nhiều hoạt động liên quan đến giáo dục trẻ RLPTK được diễn ra: tập huấn, thăm khám sàng lọc; hội thi thể thao văn nghệ.... Giáo viên, cha mẹ trẻ được nâng cao trình độ hiểu biết, nhận dạng trẻ rối loạn phổ tự kỷ, có được kỹ năng tương tác với trẻ, các kỹ năng can thiệp cá nhân hay nhóm trong lớp học hòa nhập và tại gia đình.
Tuy nhiên, những kiến thức và kỹ năng này chủ yếu phổ biến trong môi trường can thiệp hỗ trợ trực tiếp cho trẻ tại các trung tâm hay tại chính gia đình học sinh. Việc chuyển giao vào cơ sở giáo dục hòa nhập ở các trường công lập vẫn còn nhiều hạn chế. Và các dự án từ các tổ chức này cũng chỉ tập trung ở một số vùng chứ không phải ở tất cả các tỉnh, các trường".
Cũng theo TS. Nguyễn Thị Kim Hoa: "Trong một môi trường có trẻ tự kỷ học hòa nhập, các cháu có những khiếm khuyết, khó khăn rất đặc trưng về mặt tương tác xã hội, giao tiếp và đặc biệt là các vấn đề về hành vi không mong muốn. Để GDHN hiệu quả cần thay đổi và điều chỉnh.
Nói như thế không có nghĩa là làm mọi cách để khiến trẻ RLPTK phải thay đổi hành vi để phù hợp với các học sinh khác mà bằng các phương pháp, kỹ thuật đặc thù nhà giáo dục cần tác động vào điểm mạnh, khắc phục điểm yếu của trẻ RLPTK. Đồng thời giúp thay đổi nhận thức, hành vi, thái độ của tất cả mọi người xung quanh tạo ra một môi trường thân thiện chào đón và tôn trọng các khác biệt của từng cá nhân.
Để cải thiện tình trạng nêu trên Ban chỉ đạo Giáo dục Trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Bộ GD&ĐT đã có những chỉ đạo và việc làm cụ thể trong thời gian tới.
Ban chỉ đạo giao cho Trung tâm Giáo dục đặc biệt Quốc gia, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chủ trì trong các hoạt động: Xây dựng cơ sở dữ liệu cho việc thực hiện quy hoạch các cơ sở giáo dục chuyên biệt và trung tâm HT Phát triển hệ thống dịch vụ HT &PTGDHN trong cả nước và xây dựng mô hình cơ cơ sở giáo dục và hỗ trợ người có rối loạn phát triển. Trong đó có trẻ RLPTK là đối tựng được đặc biệt quan tâm và tập trung nghiên cứu"./.
Cô giáo giúp "tránh thất học" xứ cù lao 13 năm theo nghề, cô Phạm Minh Thùy, GV Trường Tiểu học thị trấn Cù Lao Dung (Sóc Trăng) đã giúp không biết bao nhiêu em nhỏ tránh "thất học". Để làm được vậy, cô cho rằng phải không ngừng yêu thương học sinh. Cô Thùy đang hướng dẫn học sinh làm bài. Muốn có học sinh phải vận động trẻ đến trường...