Tai nạn tàu ngầm hạt nhân Mỹ “thổi bùng” lo ngại an toàn ở Biển Đông
Vụ tàu ngầm Mỹ va chạm với “vật thể lạ” ở Biển Đông hồi đầu tháng đã làm dấy lên lo ngại về mức độ an toàn khi triển khai hoạt động tại khu vực này.
Tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Connecticut (Ảnh: US Navy).
Các chuyên gia quốc phòng đã cảnh báo rằng, tàu ngầm hạt nhân, một trong số vũ khí nguy hiểm nhất thế giới, cũng dễ bị tổn thương trong trường hợp xảy ra tai nạn dưới nước gây rò rỉ hạt nhân, bất kể đó là tàu ngầm tấn công thông thường (SSN) hay tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo (SSBN).
“Sở hữu tàu ngầm hạt nhân có thể cho thấy năng lực phòng thủ và tấn công của một quốc gia, nhưng việc thiếu các quy tắc bắt buộc về tàu ngầm hạt nhân để yêu cầu mọi quốc gia phải tuân thủ theo vẫn là một vấn đề lớn”, chuyên gia hải quân Li Jie tại Bắc Kinh cho biết.
“Không quốc gia nào trên thế giới, bao gồm cả các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc và một số nước phương Tây phát triển, đưa ra các hướng dẫn vận hành để thực thi khi cần giải quyết các vấn đề phát sinh sau các vụ tai nạn liên quan tới tàu ngầm hạt nhân”, chuyên gia Li nói thêm.
Theo báo cáo gần đây của Hải quân Mỹ, tàu ngầm lớp Seawolf chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Connecticut đã va chạm một vật thể không xác định ở Biển Đông vào ngày 2/10, khiến 11 thủy thủ bị thương. Báo cáo cho biết hệ thống động cơ hạt nhân của tàu ngầm không bị ảnh hưởng và tàu đã được đưa về căn cứ hải quân Guam để kiểm tra thêm.
6 ngày sau khi va chạm xảy ra, Hải quân Mỹ mới công bố thông tin về vụ việc. Tuy nhiên, hiện chưa có thông tin chi tiết về việc tàu USS Connecticut đã va chạm với vật thể gì hay vị trí chính xác nơi xảy ra vụ việc.
Địa hình phức tạp dưới biển
Do hoạt động địa chất diễn ra thường xuyên, đáy biển liên tục thay đổi, Biển Đông là khu vực gây nhiều khó khăn cho tàu ngầm. Một số khu vực rất sâu, nhưng khu vực lân cận lại rất nông và xuất hiện những cấu trúc gần như dựng đứng.
Aaron Amick, cựu chuyên viên định vị thủy âm với 20 năm kinh nghiệm trong lực lượng tàu ngầm Mỹ, cho rằng có thể có những điểm mù mà con tàu không thể phát hiện chướng ngại vật trên đường đi. Theo chuyên gia Amick, nguy cơ va chạm tàu ngầm ở Biển Đông cao hơn so với các vùng biển khác trên thế giới do đây là vùng biển nhộn nhịp hoạt động của nhiều loại tàu khác nhau, trong đó có tàu ngầm.
Video đang HOT
Mặc dù tàu ngầm được trang bị các hệ thống định vị hàng hải tinh vi, các chuyên gia cho rằng địa hình dưới nước hay thay đổi và phức tạp ở Biển Đông là môi trường đầy thách thức đối với tàu ngầm khổng lồ của Mỹ – con tàu có chiều dài hơn 107 mét và có lượng choán nước lên tới 9.000 tấn.
Collin Koh, nhà phân tích an ninh hàng hải tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, cho biết các tàu ngầm hạt nhân thường lớn hơn các tàu ngầm thông thường, do vậy chúng sẽ gặp nhiều thách thức hơn khi hoạt động trong phạm vi bờ biển chật hẹp hơn.
“Các rủi ro chung áp dụng cho tất cả tàu ngầm, và tàu ngầm hạt nhân còn mang rủi ro về an toàn phóng xạ”, chuyên gia Koh cho biết thêm.
Nhóm thủy thủ vận hành hệ thống cảm biến trên một tàu ngầm của Mỹ (Ảnh minh họa: US Navy).
Là một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới cho các tàu thương mại và tàu đánh cá cũng như tàu chiến, Biển Đông cũng là nơi có nhiều tàu và container bị chìm.
“Có rất nhiều rủi ro va chạm, từ địa hình phức tạp dưới đáy biển cho đến những vật thể như xác tàu đắm, container bị bỏ rơi và các vật dụng cồng kềnh khác có thể bị vứt bỏ dưới biển”, chuyên gia Koh nhận định.
Zhou Chenming, nhà nghiên cứu tại Viện khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh, cho biết nguy cơ rò rỉ chất phóng xạ từ tàu USS Connecticut là mối quan tâm hàng đầu của các nước trong khu vực.
“Vẫn có khả năng chất phóng xạ bị rò rỉ từ các đường ống của tàu ngầm trong vụ va chạm, và điều này có vẻ khá nghiêm trọng, vì nó đã gây ra thương tích cho 11 thủy thủ. Việc phía Mỹ chần chừ tiết lộ thêm thông tin chi tiết sẽ chỉ làm dấy lên nhiều đồn đoán hơn”, ông Yuan nói.
Chi phí tháo dỡ tàu ngầm
Cả chuyên gia Zhou và Li đều cho rằng vụ va chạm của tàu ngầm Mỹ đã cảnh báo khu vực về nguy cơ và chi phí ngày càng tăng từ các tàu ngầm hạt nhân.
Vụ tai nạn của tàu ngầm Mỹ cũng đặt ra vấn đề về chi phí tháo dỡ một tàu ngầm hạt nhân. Theo một nguồn tin của quân đội Trung Quốc, chi phí tháo dỡ tương đương với việc đóng một tàu ngầm hạt nhân mới.
“Ở Trung Quốc, khi chính phủ chi ngân sách 10 tỷ Nhân dân tệ (1,5 tỷ USD) để đóng một tàu ngầm hạt nhân mới, họ cũng phải chuẩn bị 10 tỷ Nhân dân tệ khác cho chi phí tháo dỡ tàu. Cả Trung Quốc và Mỹ đều tháo dỡ các lò phản ứng hạt nhân ra khỏi thân tàu, sau đó dùng hóa chất và xi măng để bịt kín các bộ phận phóng xạ, rồi tìm nơi nào đó để cất giữ chúng. Việc này tốn kém và cần nhiều công nghệ hơn”, nguồn tin cho biết.
Mỹ thường đánh chìm các lò phản ứng hạt nhân đã được bịt kín từ các tàu ngầm hạt nhân ngừng hoạt động ở dưới đáy biển ngoài khơi Hawaii, trong khi Trung Quốc chôn chúng ở một khu vực không có người ở tại vùng hẻo lánh ở Tân Cương. Nga chỉ đơn giản là bỏ tàu ngầm hạt nhân ngừng hoạt động của nước này tại một cảng gần quần đảo Novaya Zemlya xa xôi ở Bắc Băng Dương.
Tàu ngầm K-27 của Liên Xô bị đánh đắm ở biển Kara, ngoài khơi bờ biển phía đông bắc Novaya Zemlya, vào năm 1981 ở độ sâu chỉ 30 m, sau khi một vụ rò rỉ hạt nhân bên trong tàu ngầm khiến 9 thủy thủ thiệt mạng.
“Tương tự Liên Xô trước đây và Nga ngày nay, nhiều quốc gia khác đã không xử lý đúng cách các tàu con hạt nhân bị loại bỏ, họ chỉ để chúng cập cảng của mình. Khi ngày càng có nhiều tàu ngầm hạt nhân đến tuổi ngừng hoạt động và được thay thế bằng tàu ngầm mới, nhiều thân tàu cũ có lò phản ứng hạt nhân sẽ bị bỏ lại”, chuyên gia Li nói.
Theo chuyên gia Li, số lượng tàu ngầm hạt nhân ngày càng tăng trong khu vực và những thay đổi liên tục của địa hình dưới biển cho thấy chi phí vận hành các tàu này cũng đang tăng lên.
“Các nhà khoa học đã phát hiện thêm nhiều núi lửa đang hoạt động dưới đáy Biển Đông trong những năm gần đây. Điều này đã làm thay đổi địa hình dưới nước, đòi hỏi phải liên tục lập bản đồ đáy biển”, ông Li cho biết.
Vào tháng 7/2013, một nhóm nghiên cứu đại dương gồm các học giả hàng đầu của Đài Loan cho biết, họ đã phát hiện 8 núi lửa dưới đáy Biển Đông trong bán kính 10 km.
Wu Junfei, Phó giám đốc Viện nghiên cứu Tianda ở Hong Kong, nhận định vụ va chạm tàu ngầm là “lời nhắc nhở” cho Hải quân Mỹ rằng Biển Đông là nơi có điều kiện địa lý phức tạp và giao thông hàng hải đông đúc. Do vậy Mỹ nên xem xét các hoạt động tại vùng biển này trong tương lai.
Mỹ phản pháo cáo buộc của Trung Quốc giấu sự cố tàu ngầm ở Biển Đông
Lầu Năm Góc đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Trung Quốc rằng Washington che giấu vụ việc tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut bị đâm vào vật thể lạ ở Biển Đông.
Tàu ngầm tấn công năng lượng hạt nhân lớp Seawolf USS Connecticut (Ảnh: Quân đội Mỹ)
USNI News đưa tin, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby hôm 12/10 đã bác bỏ cáo buộc từ phía Trung Quốc rằng Washington đang cố gắng che giấu vụ tàu ngầm USS Connecticut của họ gặp sự cố ở Biển Đông.
"Đó hẳn là một cách che đậy kỳ lạ khi chúng tôi còn phát đi cả thông cáo báo chí về vụ việc đó", ông Kirby nói trong buổi họp báo khi được hỏi về cáo buộc từ phía Trung Quốc.
Tàu ngầm tấn công năng lượng hạt nhân lớp Seawolf USS Connecticut của Mỹ đâm phải một "vật thể lạ" khi lặn dưới vùng biển quốc tế ở Biển Đông hôm 2/10. Vụ tai nạn làm 11 thủy thủ bị thương, làm tàu ngầm bị hỏng phần mũi, nhưng không ảnh hưởng tới lò phản ứng hạt nhân cung cấp năng lượng cho tàu.
USS Connecticut đã tự di chuyển về Guam và Mỹ hiện đang mở cuộc điều tra cũng như xem xét sửa chữa sơ bộ cho khí tài quân sự trị giá 8,5 tỷ USD (tính theo tỷ giá năm 2021).
Hải quân Mỹ chưa công bố vật thể mà tàu ngầm của họ đâm phải. Trước đó, USNI News đưa tin rằng, USS Connecticut không đâm phải một con tàu khác.
Sau 5 ngày xảy ra sự cố, hải quân Mỹ đã công bố thông tin về vụ việc. Điều này khiến phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên yêu cầu Mỹ cung cấp thông tin chi tiết và cáo buộc Washington cố tình che giấu sự cố.
"Mỹ nên minh bạch thêm chi tiết về vụ việc, bao gồm vị trí cụ thể, ý định điều hướng, các diễn biến chi tiết, vật thể mà tàu ngầm đã đụng phải, và liệu vụ va chạm có gây rò rỉ hạt nhân hay gây tổn hại cho môi trường biển không", ông Triệu phát biểu hôm 8/10.
Hiện Hạm đội 7 của Mỹ đang dẫn đầu một cuộc điều tra về hệ thống chỉ huy tàu ngầm, trong khi Bộ chỉ huy lực lượng tàu ngầm của Hạm đội Thái Bình Dương mở cuộc điều tra riêng biệt về khía cạnh an toàn của tàu.
USS Connecticut là một trong 3 tàu ngầm tấn công lớp Seawolf hiện đại hàng đầu trong kho vũ khí Mỹ. Nó được xem là biểu tượng cho năng lực tấn công dưới lòng đại dương của hải quân Mỹ. Tàu ngầm này nổi tiếng với khả năng di chuyển một cách im lặng trong thời gian dài dưới lòng đại dương.
USS Connecticut có khả năng tìm diệt tàu ngầm đối phương với hệ thống thiết bị sonar tiên tiến và khí tài uy lực gồm tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk, tên lửa chống hạm Harpoon và ngư lôi chống hạm Mk 48.
Tàu ngầm trên đóng tại căn cứ ở Bremerton, Washington. Nó đã lên đường làm nhiệm vụ vào tháng 5, tới khu vực Tây Thái Bình Dương và đã ít nhất 2 lần thăm cảng ở Nhật Bản trước khi sự cố xảy ra.
Đô đốc Nga phỏng đoán "vật thể lạ" tàu ngầm hạt nhân Mỹ va chạm ở Biển Đông Đô đốc nghỉ hưu của Nga cho rằng, rất có thể tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut của Mỹ đã va chạm với một giàn khoan dầu khi hoạt động ở Biển Đông, khiến 11 thủy thủ bị thương. Tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut của Mỹ (Ảnh: Drive). Tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut ngày 8/10 đã cập cảng ở đảo Guam...