Tai nạn nghề nghiệp
Nhà bà Hòa vốn rộng rãi, đất vườn bạt ngàn bao năm. Khi tỉnh có dự án đầu tư khu công nghiệp lớn, nhà bà trở thành đắc địa.
Thằng con ngơ ngẩn mất một tuần, lại thản nhiên sống vô tư lự như trước.(Hình minh họa).
Nhà phía ngoài mặt đường bà cho hàng cơm, hàng điện tử thuê, còn bà thì bán tạp hóa, đồng thời trông nom vài chục cái nhà lớn bé cho công nhân trọ, chả mấy mà thu hồi được hết vốn bỏ ra.
Nhờ đó mà dù chồng mất đã lâu song hiện nhà bà chả thiếu gì, cuộc sống lúc nào cũng sung túc hơn người. Tháng nào bà cũng hớn hở đi thu tiền, gửi thành món kha khá ở ngân hàng. Ngắm những cuốn sổ tiết kiệm ngày một dày thêm, bà lại tủm tỉm, nghề này nom thế mà cũng dễ, thoắt cái là hết tháng. Mà nhu cầu nhà ở lớn, cứ đứa này chưa đi khỏi đã có kẻ ngấp nghé tự lò mò đến xin ở.
Khu trọ nhà bà có con bé miệng lưỡi dẻo quánh đến sợ, cứ thẽ thọt dịu dàng nhưng bà không thích vì mắt nó lúng liếng không thật, hai nữa xuất thân không rõ ràng. Chỉ nghe bố mẹ nó đi buôn hàng Tàu hay ở đâu đó, trước nó ở cùng ông bà ngoại, bao đời làm nghề mổ lợn thuê, giờ già yếu lọ mọ chả đủ sức mà ngó sang xem cháu sống chết thế nào. Nó đến trọ để làm công nhân, nhưng giờ giấc rất quái chiêu, chả hiểu nó làm ca kiểu gì nhưng xem ra không phải việc đàng hoàng.
Video đang HOT
Hình thức của nó thì chỉ ở mức trung bình nhưng cái giọng lưỡi thì cánh đàn ông ngả rạp cũng đúng. Song bà tý ngất khi biết thằng con út của bà cũng mê mệt con nhỏ ấy.
Bà chỉ có hai thằng con trai, đứa lớn đi Nhật vừa học vừa làm đã ngốn của bà số tiền đáng kể rồi. Còn thằng này lại chẳng có định hướng gì khiến bà vô cùng khổ tâm. Nó nghiện điện tử, chả chịu làm ăn. Kể ra con bé số cũng chả ra làm sao khi vớ phải con trai bà, bà cũng nói trước thế, song nó lại đưa đôi mắt long lanh ra, ngọt ngào: “Bác cứ yên tâm, con sẽ khuyên nhủ được anh ấy tu chí hơn”. Thâm tâm bà thì cho rằng chả biết đứa nào sẽ hướng thiện cho đứa nào, nhưng cũng đành chịu, tổ chức cưới cho chúng nó cho xong.
Thằng chồng mê điện tử đề đóm nên cương quyết xin mẹ vốn đầu tư dàn máy tính khủng để mở quán Internet, khốn nỗi với kiến thức IT bằng không, gặp sự cố gì nó cũng cuống cà kê lên quát tháo, khiến khách cứ tản đi dần, có khi chỉ còn mình nó ngồi gác chân bắn chém tất bật cả ngày.
Để phục vụ cho thú vui của chồng, con vợ ngồi ghi lô đề, bán xổ số, tuy nhiên chẳng ăn thua vì thi thoảng “ông chủ nhỏ” lại nổi máu “làm giàu không khó” ôm hết vào, thua lỗ trắng mắt ra.
Vợ chồng nó “tự sản tự tiêu”, nhưng vẫn toàn tiêu vèn, ăn lẹm vào số tiền bà tích cóp bấy lâu. Con vợ nó còn đang có chửa, bà phen này cũng hết hơi với nhà chúng nó.
Đang chấp nhận và dần quen với những nỗi buồn, thì một ngày bà về thấy tủ đựng tiền, vàng bị cậy tung, đang chưa hoàn hồn thì phát hiện con xe mới coong vừa mua cũng chẳng thấy đâu, sờ đến giấy tờ cũng mất hút. Cô con dâu quý hóa bặt tăm, chạy sang hỏi thằng con thì nó vẫn đang say sưa chém giết.
Mãi hơn tuần sau lần mò tìm hiểu bà mới vỡ lẽ, con bé đã ôm hết đồ chôm được của bà để bỏ trốn theo nhân tình, cái thai trong bụng cũng là của thằng chết toi ấy. Thằng con bà ngơ ngẩn mất tuần đó, song rồi lại thản nhiên sống vô tư lự như trước.
Bà ngân ngấn nước mắt, kể lể với người thân: “Tai nạn nghề nghiệp đấy các bà ạ”.
Theo VNE
Yêu em, yêu thêm tình phụ
Tôi biết anh từ lúc còn là con bé 10 tuổi, thích cắn móng tay và chỉ mê chơi búp bê. Bố tôi là thầy giáo chủ nhiệm của anh, bố hay gọi anh đến nhà giúp ông chấm bài. Ngoài việc anh hay cốc đầu tụi con nít, tôi mê tít mọi thứ của anh.
Anh rất khéo tay, hình như anh biết làm mọi đồ chơi trên đời. Lũ bạn trong xóm cứ phải mắt tròn, mắt dẹt nhìn tôi hết khoe con diều giấy được anh tô vẽ cẩn thận đến quả thuyền không thấm nước có thể bơi quanh ao. Khoản đồ chơi đã thế, khoản đồ ăn còn thích hơn. Anh học giỏi, có nhiều chị hâm mộ, gửi thư tình và tặng cả bánh kẹo. Thư tình thì tôi chả mấy hứng thú với những dòng sến sẩm của các chị "vắt mũi còn chưa sạch" (đấy là bố tôi bảo thế), nhưng bánh kẹo thì tôi giúp anh giải quyết hết. Sau này lớn lên tôi vẫn trách anh ngày xưa đầu độc tôi quá nhiều kẹo nên tôi mới thành ra mũm mĩm quá đà.
Lên cấp ba nữ sinh phải mặc áo dài trắng đến trường. Những ngày đầu, tôi khóc suýt cạn nước mắt vì tai họa trời giáng đó, tôi vốn chẳng thon thả gì, mặc áo dài nhìn y chang con vịt lạch bạch. Một hôm anh đến trường tìm, gọi mãi tôi mới chịu ra gặp. Anh bảo vừa bắt xe đò trên Hà Nội về, có mua cốm Vòng nên ghé vào cho tôi. Được quà mà mặt tôi vẫn ỉu xìu, anh cốc đầu hỏi "con bé này hôm nay bị ngớ ngẩn à", tôi phụng phịu chẳng nói gì hết. Nhìn tôi vụng về vén tà áo dài anh phì cười rồi ra về, lúc quay đi còn đánh rơi câu nói chẳng biết đùa hay thật "em mặc áo dài đẹp lắm!". Chỉ thế thôi mà suốt buổi học, hai má tôi nóng ran.
Tôi ngập ngừng bước chân vào tình đầu từ năm nhất đại học, lúc đấy anh đã ra trường đi làm. Nhớ mãi một ngày mưa gió bão bùng, tôi nằm bẹp trong phòng trọ, sốt li bì. Anh đội mưa mang thuốc đến, thấy tôi ốm như xác ve anh nói thương tôi. Nhìn ánh mắt anh tôi hiểu ra rằng đó không còn là niềm thương thuở nhỏ dại mà là niềm thương sẽ ám ảnh tôi suốt đời. Nhiều ngày nhiều tháng trôi đi, tình yêu lúc lên lúc xuống, nhưng chưa lúc nào hết mặn nồng. Tôi chưa thấy ai chiều người yêu như anh, dường như mọi ngóc ngách Hà Nội, anh đều đã đưa tôi qua. Giờ ngoái lại, thấy ngóc ngách nào của tuổi thanh xuân cũng có nụ cười, cả nước mắt của anh. Cứ ngỡ rằng tôi sẽ không thể cưới ai khác ngoài anh, người đã ở bên những lúc tôi đau khổ nhất, đã từng đêm dịch tài liệu cho tôi học thi, đã dốc hết khoản tiền tiết kiệm giúp tôi chữa khỏi bệnh hiểm nghèo cho mẹ.
Nhưng rồi dông bão cũng ập đến. Năm cuối, tôi đi thực tập tại một công ty nước ngoài, sếp của tôi là một chàng trai trẻ nhưng rất tài năng. Lúc đấy vẻ lịch lãm hào hoa của người đàn ông thành đạt vừa đi du học nước ngoài về đã làm tôi mờ mắt. Tôi nhận lời yêu anh ta chỉ sau vài tuần quen biết, nhận lời làm vợ chỉ sau vài tháng yêu đương.
Đêm trước ngày cưới, con bạn thân từ Mỹ gọi điện về chúc mừng "nhất mày nhá vớ được ông sếp vừa giàu có vừa đẹp trai", tôi cười hả hê "số tao nó thế". Đêm ấy anh cũng gọi, giọng say khướt, anh đọc đi đọc lại bài thơ thời sinh viên đã viết tặng tôi. Tôi cười nhạt, bảo "nếu muốn tôi hạnh phúc thì hãy cắt đứt liên lạc", đầu dây bên kia chợt im lặng đến thảng thốt. Nỗi im lặng đáng sợ ấy đã kéo dài 3 năm, cho đến một ngày... chuông cửa nhà tôi rung lên.
Vẫn là cánh cửa nâu cũ kĩ, vẫn bậc thềm ngày xưa anh ngồi chơi ô ăn quan với tôi, nhưng đón anh không còn là con bé sún răng vì ăn nhiều kẹo của anh, không còn là cô gái hai má đỏ hồng lúc mới yêu. Tôi tự hỏi anh còn trở lại nơi này làm gì, khi tôi giờ đã là gái một con, đã héo mòn vì cuộc hôn nhân chết yểu sau ba năm chịu đựng cảnh chồng ngoại tình. Anh chẳng thay đổi gì cả, sau ngần ấy đau khổ vẫn tìm tôi để nói lại bắt đầu, vẫn đứng trước hiên nhà xưa mà thầm thì "yêu em yêu thêm tình phụ, yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ". Tôi òa khóc vì ân hận và hổ thẹn, không dám tin những lời anh nói, không dám nhìn kĩ gương mặt anh, nhìn kĩ vào quá khứ chưa phai màu.
Theo VNE
Coi bếp chọn dâu Ba mươi năm trước, khi tôi báo tin cho mẹ tôi biết rằng tôi đã chọn cho mẹ nàng dâu tương lai, mẹ tôi chỉ hỏi một câu ngắn gọn: "Cái bếp nhà con nhỏ ấy coi được không?". Tôi không ngạc nhiên vì sao mẹ không hỏi về nhan sắc, học hành, nghề nghiệp, tính nết của con dâu tương lai mà...