Suýt đi tù vì nhặt xác voọc Chà Vá
Bị cáo gầy đét, khuôn mặt đen nhẻm đứng trước tòa lắp bắp xin được HĐXX cho hưởng án treo để về đi làm nuôi vợ và 2 con nhỏ.
Ông K’Len tại phiên tòa phúc thẩm
Được em trai tên K’Lối chở đến tòa trên chiếc xe máy mượn của nhà hàng xóm, K’Lối cũng chính là người phiên dịch cho bị cáo tại tòa. Cả hai đứng tần ngần nơi khoảng sân nhỏ bên hông tòa, phân vân như không biết phải bước theo lối nào. Khi thấy HĐXX, người đàn ông bất giác cứng người lại, ánh mắt lộ vẻ lo lắng.
Bị cáo tên K’Len, là người dân tộc Châu Mạ. K’Len sinh ra và lớn lên tại huyện miền núi Tân Phú (Đồng Nai). Chưa rành tiếng Việt, ít tiếp xúc với xã hội nên khi nói chuyện, K’Len cứ “lơ ngơ” vì nhận thức hạn chế. Mới 35 tuổi nhưng gương mặt bị cáo như già trước tuổi và toát lên vẻ khắc khổ. Một mình ông nuôi vợ ốm đau quanh năm và 2 đứa con thơ còn độ tuổi đi học. Để kiếm miếng ăn nuôi gia đình, K’Len làm rẫy, làm mướn. Nếu không có việc gì làm, ông đi bẫy chim đem về nhà ăn.Một lần, ông K’Lenvào rừng bẫy chim, vô tình nhặt được con voọc đã chết, đem về ăn mà xảy ra cớ sự.
Trở lại chuyện K’Len đến tòa, theo cáo trạng của VKSND tỉnh Đồng Nai, ngày 6/11/2017, K’Len đem theo dụng cụ săn bắt là cái lồng sắt và con dao vào rừng Nam Cát Tiên bẫy chim. Sau khi bắt được một con chim chích chòe, trên đường đi K’Len phát hiện một con voọc chà vá chân đen đã chết sình nên dùng dao cắt lấy phần thịt đem về. Trên đường về thì gặp cán bộ kiểm lâm, họ kiểm tra phát hiện thấy xác con voọc trong túi thợ bẫy chim.
Sau khi xảy ra vụ việc, cán bộ Vườn Quốc gia Cát Tiên xác định con voọc chà vá chân đen đã chết sình, bốc mùi hôi và được bị cáo đem về ăn. Về vấn đề bồi thường thiệt hại, cơ quan chức năng định giá con voọc 1,5 triệu đồng và buộc gia đình bị cáo phải bồi thường.
Tưởng chừng như vụ việc đã kết thúc khi bị cáo đóng phạt. Thế nhưng, ngày 28/3/2018 TAND huyện Tân Phú đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo 4 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ”. Ngày 10/4/2018 bị cáo kháng cáo xin được hưởng án treo. Ngày 25/7/2018 TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án.
- Tại phiên tòa, HĐXX hỏi: “Bị cáo có biết con voọc đó thuộc động vật quý hiếm không?”
- “Thưa, không biết! Khi bị bắt bị cáo mới biết” – bị cáo trả lời.
-Tòa hỏi tiếp: “Thế tại sao trong bản cáo trạng có ghi là có biết, được cán bộ, báo, đài trong vùng đã tuyên truyền”
Video đang HOT
-”Thưa, bị cáo nghĩ nó đã chết rồi. Hơn nữa nhà bị cáo không có gì ăn nên đem về ăn”, K’Len đáp.
Trong suốt phiên tòa, khuôn mặt của K’Len đầy lo lắng, căng thẳng, đôi mắt ông vội cụp xuống mỗi khi nhìn ánh mắt của HĐXX phía trên và những người tham dự phiên tòa bên dưới.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nhiều ý kiến người tham dự cho rằng: Cán bộ Vườn Quốc Gia Cát Tiên đã vội vàng kết tội ông K’Len có sai phạm là thiếu chính xác. Bởi hành vi cấu thành sai phạm của ông K’Len chưa được cơ quan chức năng làm rõ, đồng thời chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự như HĐXX phiên tòa phúc thẩm đã kết luận.
Xét thấy có nhiều mâu thuẫn trong cáo trạng, HĐXX hỏi đại diện Vườn Quốc gia Cát Tiên “Vì sao định giá được con voọc đã chết có giá 1,5 triệu đồng mà không phải 2 hay 3 triệu đồng”
“Thưa, đó là loài quý hiếm và vô giá. Còn việc định giá thì theo quy định của UBND tỉnh Đồng Nai về việc mỗi cá thể là 1,5 triệu đồng” – Đại diện Vườn Quốc gia Cát Tiên cho biết.
Trong suốt phiên tòa, K’Lối – em trai bị cáo ngồi bên, mắt luôn theo dõi và đầy lo lắng. K’Lối kể, từ ngày xét xử sơ thẩm K’Len, ngày nào ông cũng trong tâm trạng buồn bã, căng thẳng vì lo. Dạo này, K’Len buồn hẳn, nói cười cũng ít đi. Nhiều lúc cũng chẳng muốn làm lụng, nương rẫy cũng bỏ bê. Bởi bản án sơ thẩm còn treo lơ lửng trên đầu khiến ông cứ phập phồng lo sợ.
Được nói lời sau cùng, bị cáo bày tỏ mình là lao động chính trong nhà, gia đình thuộc diện khó khăn. Bị cáo xin tòa cho hưởng án treo để về nhà đi làm phụ hồ nuôi vợ và 2 con nhỏ. (K’Lối phiên dịch).
Theo HĐXX, xét thấy con voọc mà bị cáo đem đi đã chết không rõ nguyên nhân. Sau khi bị phát hiện, bị cáo cũng rất ăn năn, hối lỗi và đã bồi thường thiệt hại cho vườn Quốc gia Cát Tiên. Hành vi của bị cáo là ít nghiêm trọng, không gây thiệt hại cho người khác. Mặt khác, đây là lần đầu K’Len phạm tội và là người dân tộc thiểu số, nên không cần phải cách ly ra khỏi xã hội. HĐXX quyết định miễn trách nhiệm hình sự và bị cáo không phải chịu án phí phúc thẩm.
Nghe mức án, biết mình không phải đi ngồi tù, gương mặt đen nhẻm của bị cáo dường tươi lên như được tiếp thêm sức sống. Không giấu vẻ mừng rỡ, ông mắt hướng về người em trai. Cả hai bước vội ra khỏi chốn công đường, đến cổng, họ cùng hướng mắt nhìn vào tòa lần nữa rồi dần khuất xa.
Nguyệt Minh
Theo baophapluat
Nhà tù nào đáng sợ nhất cho ông già 77 tuổi phạm tội "ấu dâm"?
Với ông già 77 tuổi phạm tội dâm ô trẻ em ở Vũng Tàu, chắc chắn sự nguyền rủa, khinh miệt của người đời còn đáng sợ hơn rất nhiều so với 4 bức vách lạnh lẽo sau song sắt nhà tù.
Ngày 11.5, ngay sau khi Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kết luận mức án cuối cùng dành cho bị cáo Nguyễn Khắc Thủy (77 tuổi) với hành vi dâm ô trẻ em là 18 tháng tù treo thay vì 3 năm tù giam ở phiên tòa sơ thẩm trước đó, tôi đã cảm nhận được một làn sóng dư luận đầy phẫn uất, ức chế đang sẵn sàng bùng nổ.
Bị cáo Nguyễn Khắc Thủy tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: N.A.
Trên timeline facebook cá nhân của tôi bắt đầu tràn ngập những lời chửi rủa, những nghi vấn, những câu hỏi đầy bức xúc về bản án cuối cùng này. Các câu hỏi không chỉ đến từ những nhà báo đã theo đuổi vụ việc khi có đơn thư tố cáo đầu tiên mà nạn nhân và bố mẹ họ phải run rẩy, sợ sệt khi viết ra nó; nó cũng không chỉ đến từ những chuyên gia tâm lý đã từng dành cả đời của mình tìm cách xoa dịu những nỗi đớn đau, ám ảnh, hoang mang tột độ của biết bao nhiêu đứa trẻ bị xâm hại, dâm ô; nó cũng không chỉ đến từ những những luật sư chân chính đã từng phải "bất lực" khi phải "mò kim đáy biển" tìm kiếm bằng chứng trong các vụ xâm hại, dâm ô tình dục cho thân chủ để đưa kẻ tội đồ ra ánh sáng...
...nó còn đến từ những bà nội trợ, những mẹ "bỉm sữa", những gia đình có con nhỏ đang ngày đêm sống trong nỗi lo lắng rằng: con cái họ lúc nào cũng có nguy cơ bị "giết chết" tuổi thơ trong bàn tay nhơ nhuốc của những kẻ dâm ô bẩn thỉu núp bóng người thân, bô lão, giáo viên, cán bộ... và rất rất nhiều những chức danh danh giá và đầy uy tín khác.
"Vì sao ông Thủy lại được giảm án? Tuổi cao đâu phải "tấm kim bài" miễn tử? Là cán bộ ngành nọ ngành kia thì được ưu tiên à? Ai sẽ bảo vệ con cái chúng tôi? Tại sao an toàn của trẻ lại bị coi rẻ như vậy?..."
Tôi lần giở lại tất cả những thời điểm quan trọng của vụ việc này, cố gắng tìm kiếm một một lời lý giải "thuận tình, đúng lý" nhất cho những hoài nghi của dư luận:
Tháng 7.2016, chị T (37 tuổi) tố cáo ông Thủy về hành vi ông dâm ô với con gái 8 tuổi của mình. Chị T cũng tố cáo rằng, ông Thủy đã xâm hại tình dục nhiều bé gái khác. Qua điều tra, Công an TP.Vũng Tàu xác định ông Thủy dâm ô với 4 bé gái. Trong đó, 2 bé có đủ chứng cứ buộc tội ông Thủy, 2 trường hợp còn lại đang được điều tra.
Tháng 11.2017, tòa án nhân dân TP. Vũng Tàu mở phiên sơ thẩm xét xử và tuyên phạt ông Thủy 3 năm tù về tội Dâm ô với trẻ em. Bị cáo 77 tuổi cho rằng ông bị oan nên khi phiên toà kết thúc, ông đã làm đơn kháng cáo. Trong khi đó, đại diện viện kiểm sát nói rằng lời khai của người bị hại, nhân chứng đều phù hợp và không có sự mâu thuẫn. Cơ quan điều tra đã thu thập chứng cứ theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, mới đây nhất, ngày 11.5.2018, Hội đồng xét xử lại nhận định các bằng chứng cho thấy ông Thủy có hành vi dâm ô với 1 bé gái, bé còn lại không có đủ căn cứ nên tòa chấp nhận một phần bản kháng cáo của bị cáo. Ngoài ra, xét thấy ông Thủy "tuổi cao, sức khỏe yếu, lại từng là cán bộ ngân hàng, có 51 tuổi Đảng", hội đồng xét xử đã tuyên giảm án cho ông già 77 tuổi từ 3 năm tù xuống 18 tháng tù treo, thời gian thử thách là 36 tháng, tính từ ngày tuyên án.
Như vậy, có 2 lý do giúp bị cáo Thủy được giảm án đó là: Bằng chứng và hoàn cảnh cá nhân
Nếu chiếu theo Bộ Luật hình sự tại khoản 2 điều 142, với hành vi dâm ô trẻ em, người phạm tội bị phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù giam. Nếu nạn nhân là "người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh" thì khung hình phạt là 3 năm đến 7 năm. Tuy nhiên, có một bất cập vô cùng lớn khiến nhiều vụ án về xâm hại, dâm ô tình dục đi vào "ngõ cụt" là việc thu thập bằng chứng.
Theo các luật sư, nạn nhân nếu không vì bị đe dọa đến quá sợ hãi thì cũng vì muốn bảo vệ danh dự của bản thân, gia đình mà im lặng. Ở những vụ mà nạn nhân là trẻ em thì còn khó hơn nữa khi các em chưa đủ nhận thức để hiểu hết sự nghiêm trọng trong hành vi thú tính của kẻ ác. Nếu nạn nhân dám lên tiếng thì việc có được bằng chứng cũng rất "mong manh", việc xâm hại có thể xét nghiệm qua y học và phải làm luôn nếu không muốn... mất dấu vết. Nhưng trong khi còn quá hoảng loạn, liệu có bao nhiêu nạn nhân, người thân đủ tỉnh táo để làm việc này?
Còn hành vi dâm ô thì khó khăn hơn gấp bội, ngoài lời kể 1 chiều từ nạn nhân (nếu nạn nhân là trẻ em thì ai tin?) thì vô cùng hiếm hoi mới có được các nhân chứng. Bởi lẽ, hầu hết các vụ việc đều diễn ra trong bóng tối, ở chỗ vắng người.
Cơ hội được pháp luật bảo vệ của những đứa trẻ bị xâm hại, dâm ô thật quá mong manh!
Tôi cũng nhận ra rằng, suốt 2 năm trời đằng đẵng khi vụ việc bắt đầu bị đưa ra ánh sáng, chưa bao giờ dư luận "rời mắt" khỏi từng diễn biến của vụ án. Không ít người đã từng phẫn nộ khi thấy bị cáo Thủy, 77 tuổi "dư sức" thực hiện hành vi thú tính với hàng loạt bé gái nhưng lại trở nên "yếu đuối, run rẩy" khi đứng trước vành móng ngựa vì... tuổi cao, phải cậy nhờ bác sỹ trợ giúp giữa phiên tòa.
Khi bị tuyên 3 năm tù giam ở phiên tòa sơ thẩm, bị cáo "tuổi cao, sức yếu" này đã dõng dạc hô lớn "phản đối, đả đảo", rồi lấy bật lửa tuyên bố đốt thẻ Đảng viên và tự thiêu sau phiên tòa. Run sợ trước bản án, vị "cán bộ" trong ngành ngân hàng này cũng phải lôi "chức tước", "uy tín" và cả tính mạng của mình ra để uy hiếp.
Chắc nhiều người cũng sẽ giống tôi tự thấy mỉa mai thay với cách mà bị cáo này đấu tranh để không phải ngồi tù. Một người tuổi càng cao lẽ ra phải sống càng chuẩn mực, đạo đức để con cháu noi gương? Một cán bộ từng có cống hiến nhiều năm trong một ngành danh giá lẽ ra ngoài năng lực chuyên môn còn phải có uy tín, danh dự và sự tôn trọng con người, tôn trọng pháp luật chứ? Và rằng ông ta có là gì, tuổi cao bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng không bao giờ được phép chà đạp lên một con người bình thường, chưa nói gì là một đứa trẻ.
Sau cùng, tôi không AQ nhưng dám khẳng định rằng, sự chửi rủa, khinh miệt của người đời sẽ là bản án nặng nề và đau đớn nhất cho bị cáo này suốt quãng đời còn lại. Chắc chắn, điều đó sẽ đáng sợ hơn rất nhiều so với 4 bức vách lạnh lẽo sau song sắt nhà tù.
Theo Danviet
Cuộc trở về ngoạn mục của người phụ nữ mang án mua bán người Cái chết của người chồng và thua lỗ trong làm ăn khiến chị Pay Thị Huyền mất phương hướng. Túng quẫn và thiếu hiểu biết pháp luật, chị Huyền sa chân vào đường dây mua bán người và phải ngồi tù. Cởi tấm áo tù nhân, người phụ nữ này đã mạnh mẽ đứng dậy, làm giàu ngay trên ở bản làng của...