Sức mạnh của lời xin lỗi
(GDVN) – Xưa nay nhiều người lớn thường suy nghĩ: “người lớn làm sao phải xin lỗi trẻ con” nên dù mình có lỗi cũng thường lờ đi câu xin lỗi.
LTS: Lối suy nghĩ “người lớn làm sao phải xin lỗi trẻ con” đã khiến không biết bao đứa trẻ cảm thấy bị oan ức.
Nhìn nhận vấn đề này, cô giáo Phan Tuyết bày tỏ quan điểm của mình qua một tình huống cụ thể.
Tòa soạn xin trân trọng giới thiệu tới độc giả bài viết này.
Sáng nay, khi bước chân vào lớp, tôi bất ngờ thấy em Hải đang ôm mặt khóc nức nở. Nhìn bờ vai em rung lên bần bật, tiếng khóc nghe uất nghẹn cứ bật lên thổn thức dù em đã cố kìm nén.
Video đang HOT
Đợi cơn xúc động qua đi, tôi nhẹ nhàng hỏi em có chuyện gì? Chưa kịp trả lời, nhiều học sinh trong lớp nhanh miệng: “Bạn Hải ném cây thước xuống sân trường, trúng vai làm cô Trang chảy máu…”.
Hải vội giãi bày: “Em không ném…” và em bật khóc nghèn nghẹn đầy vẻ oan ức. Dù chưa hiểu tường tận câu chuyện nhưng nhìn em, nhìn cách khóc của một cậu con trai…tôi có linh cảm rằng em bị oan.
Cô giáo bốn lần xin lỗi học trò (Ảnh: news.zing.vn)
Tôi nhẹ nhàng nói: “Con cứ suy nghĩ cho kĩ, nếu con vô tình làm rơi cây thước gỗ vào vai cô Trang, lát nữa con chỉ cần xin lỗi cô là xong. Còn con không làm thì thôi, đừng khóc nữa”.
Lát sau, tôi tranh thủ gặp cô Trang để nghe tường tận hơn câu chuyện. Đang cho học trò lao động, cô Trang thấy đau nhói ở vai vì bị một vật ném trúng.
Nhìn lên thấy một cậu học trò đang đứng bên cửa sổ tầng 3 ngó xuống. Cô lên lầu vào lớp 3B để tìm thủ phạm. Cô được em học sinh tên Thắng mách: “Bạn Hải ném cây thước vào cô đó vì con thấy tay bạn ý đặt trên cửa sổ”.
Mặc dù Hải ra sức nói mình không phải là người ném…Nhưng cô giáo không tin, trong cơn nóng giận, cô Trang đã nặng lời với Hải và buộc tội em không thật thà, không biết nhận lỗi, lại chối quanh co…
Nghe chuyện xong, nhưng nhìn thái độ của em, tôi nghĩ có thể em bị oan và vẫn cứ tin linh cảm của mình không nhầm. Thế rồi, tôi bỏ công đi tìm sự thật. Lớp đầu tiên tôi vào là lớp 2B nằm ở tầng 2 phía dưới lớp của tôi.
Khi nghe tôi hỏi: “Sáng nay lớp mình, ai ném cây thước gỗ xuống sân?” cậu bé ngồi phía cuối dãy lớp đứng lên nhanh miệng: “Con đấy cô ạ. Con lỡ tay làm rớt”. Tôi dặn dò em lần sau không làm như thế vì không may sẽ gây nên thương tích cho người khác.
Tôi gặp riêng cô Trang kể lại câu chuyện ấy…Cô Trang đã xin tôi vào lớp và nói: “Cô xin lỗi em Hải vì cô đã nặng lời với em, cô đã không tin khi em giải thích.
Cô cũng phê bình bạn Thắng vì không nhìn thấy bạn ném thước nhưng lại khẳng định chắc chắn nên mới xảy ra sự hiểu lầm này. Thắng thì rút kinh nghiệm, còn Hải đừng buồn cô nữa”.
Nghe cô Trang nói thế, Hải tươi tỉnh khác thường. Em cười và nói: “Em không khóc nữa. Em vui rồi cô ạ.”.
Nói rồi Hải cười tươi khác xa vẻ ủ rũ, mệt mỏi, chán chường lúc nãy. Thấy thế, cả lớp đều cười vang và chọc ghẹo bạn: “Lêu lêu, con trai mà khóc nhè…”. Thấy các bạn nói thế, Hải cười chống chế: “Tại mình bị oan mà”.
Chỉ một lời xin lỗi của cô giáo làm em vui đến như thế. Xưa nay nhiều người lớn thường suy nghĩ: “người lớn làm sao phải xin lỗi trẻ con” nên dù mình có lỗi cũng thường lờ đi câu xin lỗi.
Vì thế, khi Hải nhận được lời xin lỗi từ giáo viên em đã vui đến thế nào. Tôi cũng thấy vui vì mình đã hiểu và tin tưởng em, thấy vui vì đã giải tỏa cho em được nỗi oan ức và càng vui hơn khi thấy rõ sức mạnh của một lời xin lỗi.
Theo GDVN