Sửa đổi chính sách đất đai trong nông nghiệp, đảm bảo quyền lợi người dân
Sáng 30/9, trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và phát triển Cộng đồng nông thôn (CCRD) tổ chức hội thảo “ Chính sách đất đai trong nông nghiệp – Đóng góp ý kiến sửa đổi Luật Đất đai 2013″.
Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Phạm Minh Anh, Hiệu trưởng trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong cho biết, sau hơn 8 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, bên cạnh những mặt tích cực, chính sách, pháp luật về đất đai hiện hành vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế – xã hội nói chung, phát triển nông nghiệp nói riêng.
Đơn cử, quá trình tích tụ, tập trung đất đai diễn ra còn chậm, việc thực hiện chưa thực sự gắn với tính công bằng, bền vững, hiệu quả và còn nhiều khó khăn, vướng mắc; Khung giá đất chưa phù hợp, chưa sát với thực tế giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường (đặc biệt là khu vực đất ven đô). Trong khi đó, biên độ giá đất khu vực nông thôn quy định còn rộng, dẫn đến còn nhiều khu vực chưa sát với thực tế; chính sách thu thuế từ các hoạt động chuyển quyền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thuê… chưa rõ ràng, chưa đồng bộ với quy định của Luật Đất đai năm 2013, gây nhiều khó khăn cho các cơ quan thực hiện và phiền hà cho người sử dụng đất…
“Do vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 là yêu cầu cấp thiết để khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành chính sách pháp luật về đất đai”, ông Phạm Minh Anh cho hay.
Đồng tình với PGS.TS Phạm Minh Anh, PGS.TS Đỗ Thị Tám, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, đất đai là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, là tư liệu sản xuất không thể thay thế trong nông nghiệp, là một yếu tố thiết yếu để thực hiện thành công xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, đời sống của người nông dân vẫn còn nhiều khó khăn, tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất vẫn còn diễn ra; tài nguyên đất nông nghiệp đã giao chưa được quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả.
Theo PGS.TS Đỗ Thị Tám, hiện nay, việc phân loại đất nông nghiệp theo mục đích sử dụng chưa thống nhất giữa các luật có liên quan (Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường…). Có sự chồng chéo các mục đích sử dụng đất trong một khu vực. Chưa có bộ tiêu chí đánh giá tiềm năng sử dụng đất cho các mục đích sử dụng đất nông nghiệp khác nhau.
Video đang HOT
Còn ThS. Trương Quốc Cần (Viện Tư vấn phát triển KTXH Nông thôn và Miền núi) đánh giá, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có những tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực hiện Luật Đất đai 2013. Tuy nhiên, ông Cần cho rằng, còn có những vấn đề cần cải thiện hoàn thiện hơn ở một số nội dung để bảo đảm tính hiệu quả của pháp luật về đất đai. “Quy định về hệ thống thông tin đất đai, tiếp cận thông tin đất đai và công khai thông tin đất đai còn nhiều điểm chưa có sự đồng bộ giữa các phần. Nên bổ sung một khoản để phân loại rõ các nhóm thông tin đất đai và giới hạn tiếp cận thông tin đất đai, trong đó làm rõ danh mục các loại thông tin và mức độ tiếp cận với từng nhóm đối tượng’, ông Cần phân tích.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận sâu vào các nội dung: bổ sung, sửa đổi chính sách, pháp luật đất đai để phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện đại phải bám sát tinh thần Nghị quyết số 18- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; thực trạng tập trung, tích tụ đất nông nghiệp ở nước ta hiện nay và giải pháp phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững; Các kinh nghiệm một số nước trên thế giới về tích tụ, tập trung đất nông nghiệp đáp ứng phát triển nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn, hiệu quả cao và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam cũng được các đại biểu chia sẻ.
Đánh thuế cao với người có nhiều nhà đất, đầu cơ
Tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Chính phủ quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ, chậm sử dụng hoặc bỏ hoang đất.
Trong tờ trình vừa gửi Quốc hội về Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), Chính phủ đánh giá Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, phức tạp và tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước.
Trong đó, những chính sách mới bao gồm việc hoàn thiện quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Đồng thời, quy định thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Đáng lưu ý, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ hoang đất.
Cùng đó là chính sách ưu đãi thông qua việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phù hợp với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư và các đối tượng chính sách.
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định việc đánh thuế cao hơn với người có nhiều nhà đất, đầu cơ, chậm sử dụng hoặc bỏ hoang đất. (Ảnh: Quỳnh Danh).
Dự thảo cũng bổ sung, quy định cụ thể hơn một số trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai; bổ sung rõ trình tự, thủ tục, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đi trước so với quyết định thu hồi đất.
Về quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, dự thảo bổ sung nguyên tắc bồi thường theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường về đất.
Cụ thể, hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi được bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở phù hợp với nhu cầu người dân và quỹ đất của địa phương.
Luật sửa đổi dự kiến bỏ quy định khung giá đất, đồng thời quy định cụ thể nguyên tắc định giá đất phải theo mục đích sử dụng đất định giá, theo thời hạn sử dụng đất, phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường.
Quy định bảng giá đất sẽ được xây dựng định kỳ hàng năm, công bố công khai và áp dụng từ ngày 1/1 của năm. Bảng giá được áp dụng để tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, thuế, phí, lệ phí...
Tại dự thảo này, Chính phủ quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Trong đó, cơ bản là thực hiện hình thức cho thuê đất trả tiền hàng năm và quy định cụ thể các trường hợp thuê đất trả tiền một lần phù hợp với tính chất, mục đích sử dụng đất, bảo đảm nguồn thu ổn định.
Về giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất, dự thảo quy định trường hợp đấu giá đất chưa bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với trường hợp được 100% người bị thu hồi đất đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Ngoài ra, Chính phủ cho biết, trong quá trình xây dựng Luật Đất đai sửa đổi còn 3 vấn đề cần xin ý kiến Quốc hội gồm: Mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa; bổ sung quy định về cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm.
Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Sau một thời gian thực thi, Chính phủ trình và Quốc hội đã quyết định đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai 2013 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Nhưng sau đó, Chính phủ liên tục đề nghị lùi.
Tính đến nay, dự án luật này có 4 lần được "đưa vào, rút ra" vì luật khó, nhạy cảm, chuẩn bị chưa kỹ lưỡng. Theo dự kiến, Luật Đất đai sửa đổi được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10 tới. Nếu đảm bảo điều kiện, luật này có thể được thông qua trong 3 kỳ họp (thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, diễn ra cuối năm 2023).
Bỏ khung giá đất cần được xem là bước đột phá khi sửa Luật Đất đai Dự thảo Luật Đất đai 2013 (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến đã bỏ khung giá đất, tiếp tục sử dụng bảng giá đất theo nguyên tắc thị trường do địa phương xây dựng và ban hành, dưới sự giám sát của Trung ương. Bỏ khung giá đất cần được xem là bước đột phá khi sửa Luật Đất đai....