‘Sửa cách khen thưởng để lôi cuốn người giỏi’
Từ tháng 2/2016, khen thưởng trong ngành giáo dục sẽ có điều chỉnh quan trọng theo hướng tạo điều kiện nhiều hơn cho người trực tiếp đứng lớp.
Ông Nguyễn Văn Vui, Vụ trưởng Vụ Thi đua – Khen thưởng (Bộ GD&ĐT) cho biết như vậy khi trao đổi về Thông tư hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành giáo dục.
Khen thưởng để khuyến khích người tâm huyết
- Xin ông có thể khái quát những điểm mới của Thông tư (TT) 35 về đánh giá thi đua khen thưởng?
- Những điểm được nêu thực ra không mới, chỉ là cụ thể hóa những quan điểm đã được nêu trong luật thi đua khen thưởng, với yêu cầu làm sao thi đua thiết thực, cụ thể, không được hình thức, khen đúng người , đúng việc, kịp thời, chính xác, lôi cuốn được người giỏi, thành tích đến đâu khen thưởng đến đó….
Thi đua khen thưởng cần khuyến khích đội ngũ nhà giáo, nhất là những người giỏi, có tâm huyết tham gia vào.
Thông tư 35 và Nghị định 27 của Chính phủ về xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú có những điểm tương đồng, tạo điều kiện nhiều hơn cho giáo viên – những người trực tiếp đứng lớp, thay vì chỉ tập trung vào những nhà quản lí như trước đây.
Cụ thể như Khoản 4, Điều 10: “Tỷ lệ Chiến sĩ thi đua cơ sở không quá 15% số cá nhân đạt danh hiệu Lao động tiên tiến của đơn vị, trong đó bảo đảm không quá 1/3 là cán bộ quản lý, nếu có số dư thì được làm tròn lên”. Như vậy, việc khen thưởng sẽ xem xét nhiều hơn đến giáo viên những người trực tiếp đứng lớp.
Việc khống chế tỷ lệ 15% và 1/3 không phải cán bộ quản lý cũng là thái độ kiên quyết của Bộ GD&ĐT. Lâu nay khen thưởng đã ít, phần lớn là cán bộ quản lý nên giảm động lực phấn đấu của giáo viên.
Các cô giáo ở Bắc Giang trao đổi kinh nghiệm chuyên môn. Ảnh: VietNamNet.
Có cán bộ quản lý nói: “Tôi làm nhiều việc hơn giáo viên” – nhưng thực ra phải thấy đó là chức trách, nhiệm vụ của mình. Nếu nhân viên làm tốt thì phải động viên, khen thưởng. Muốn như vậy, phải thể chế hóa bằng những tiêu chí cụ thể.
Trước đây, khen thưởng thường nặng về báo cáo, thành tích, phong trào, nay sẽ chú trọng khen thưởng theo chuyên đề, đột xuất.
Việc khen thưởng đối với nhà giáo, cán bộ quản lý có công trình nghiên cứu khoa học đem lại hiệu quả thực chất, phạm vi ảnh hưởng rộng thì có thể khen vượt cấp, vượt mức, không phải theo trình tự.
Ví dụ, vừa qua có nhà giáo Nguyễn Thị Kim Lan, ĐH Nông lâm, ĐH Thái Nguyên được phong Anh hùng lao động, bởi ngoài việc gắn bó trọn đời cho nghiên cứu khoa học, bà có nghiên cứu tạo ra loại vắc xin giúp giảm thiểu dịch bệnh trên gia súc, được 6 tỉnh miền Bắc công nhận.
Nhiều cách ghi nhận “sáng kiến kinh nghiệm”
TT35 và Nghị định 27 sẽ một mặt phát huy sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) mang tính thực chất; đồng thời điều chỉnh để phát huy được năng lực, tay nghề của giáo viên.
Video đang HOT
Cụ thể, về tiêu chuẩn Nhà giáo ưu tú, trước đây, yêu cầu nhà giáo phải đạt tiêu chí 7 lần chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, trong đó có 3 năm liền kề năm đề nghị xét tặng. Thực tế là giáo viên rất khó đạt.
Trong khi đó, danh hiệu rất cao quý với nhà giáo – người trực tiếp đứng lớp là”giáo viên dạy giỏi” – được xã hội, nhân dân tín nhiệm lại không được nhắc đến.
Chúng tôi đề xuất và lập luận đã thuyết phục được cho công nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp cũng tương đương danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Với giáo viên mầm non chẳng hạn (nhất là giáo viên vùng sâu, vùng xa), chỉ cần cải tiến giờ dạy, giáo dục học sinh cá biệt thành học sinh ngoan, việc hôm nay tốt hơn ngày mai là được. Gò vào mấy trang giấy SKKN sẽ buộc họ làm rối.
Giáo viên rèn được học sinh hư thành ngoan, được hội đồng trường công nhận; bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia thì cũng tương đương có SKKN.
Hoặc có bài báo đăng trên tạp chí khoa học, có tính ứng dụng- sao không thể là SKKN?
- Như vậy nghĩa là sẽ bỏ hoàn toàn việc đánh giá danh hiệu với giáo viên thông qua SKKN?
Không phải như vậy! Với danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, ngoài phần cứng, cần có SKKN. Tuy nhiên, cần có phần “mở ngoặc” để phù hợp đặc trưng nghề nghiệp, nhất là nghề dạy học.
Do vậy, đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên (với giáo viên mầm non), giáo viên phổ thông, TTGDTX là giáo viên giỏi cấp trường trở lên; bồi dưỡng được học sinh giỏi giải nhất, nhì, ba cấp tỉnh (với huyện nghèo, khó khăn là cấp huyện) cũng được tính là SKKN. Tức là giáo viên sẽ không bị gò bó bởi SKKN.
Nếu thầy cô đào tạo học sinh giỏi cấp quốc gia, cấp quốc tế, khu vực thì được coi là SKKN cấp tỉnh bộ. Hoặc thầy cô tham gia biên soạn chương trình SGK phổ thông, kết thúc được hội đồng thẩm định thông qua thì cũng được coi là sáng kiến.
Giáo viên thi tay nghề cấp nào, sáng kiến được công nhận tương đương cấp đó. Đánh giá SKKN sẽ đi vào thực chất, năng lực của nhà giáo.
Một chữ “vàng” của cô giáo trẻ
- Theo ông, giảm bớt thủ tục, căn bệnh hình thức như “nạn” SKKN có tạo sức sáng tạo hơn cho nhà giáo?
- Mọi việc cần có thời gian để kiểm chứng, nhưng tôi nghĩ quy định gì thì cũng phải hướng tới phát huy sức mạnh nghề, tâm huyết của thầy cô giáo. Cái chúng ta cần là làm sao thầy cô đứng lớp phát huy chuyên môn, đổi mới phương pháp giáo dục, dạy học, có giờ dạy tốt, biết phối hợp đồng nghiệp, bồi dưỡng được những thế hệ học trò có ích cho đất nước. Đừng chỉ chăm chăm vào SKKN.
Tôi ví dụ tiếp, với SKKN cấp tỉnh, thực sự giáo viên mầm non rất ít khi có sáng kiến lên được cấp này. Mặt khác, sáng kiến rất đa dạng, phong phú, hội đồng đánh giá sáng kiến khó có thể đánh giá, xếp loại đúng, nhất là ở các lĩnh vực chuyên môn hẹp.
Vậy thì rất khó để họ có thể phấn đấu danh hiệu cao quý nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú. Khâu xét duyệt hồ sơ nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, SKKN, chúng tôi trình Chính phủ cho phép giảm từ 9 cuộc họp hội xuống chỉ còn 5 nhưng vẫn bảo đảm chặt chẽ, chính xác.
Có bài học rút ra là khi một hồ sơ của người đăng ký danh hiệu nhà giáo ưu tú đưa ra hội đồng sơ duyệt thì 9/10 người ủng hộ. Đến lúc bỏ phiếu tán thành cũng chính các thành viên hội đồng đó thì 1/10 ủng hộ, trong khi các thành viên dự họp hội đồng lại không phát biểu, nhận xét gì. Điều đó khiến người phấn đấu thấy nản.
Chúng tôi nghiên cứu 1 năm cho TT 35, 18 tháng cho Nghị định 27.Chúng tôi đã có hàng loạt cuộc gặp, đề nghị được nói thẳng, nói thật với giáo viên.
Trong một cuộc thảo luận, có cô giáo mầm non ở Thái Nguyên, đọc dự thảo Nghị định đồng ý hết. Cô chỉ đề nghị chúng tôi sửa một từ trong cụm “nuôi dạy học sinh mầm non” thành “nuôi dạy “trẻ”. Tôi nghĩ cô giáo ấy đã rất tâm huyết và chữ sửa ấy làm tôi nhớ mãi. Chữ ấy bằng “vàng”.
Danh hiệu đa số là người quản lý
Hiện nay, trên 500 nhà giáo nhân dân, hơn 6.000 nhà giáo ưu tú, đa phần ở giáo dục đại học, chủ yếu làm quản lý. Đây là những thầy cô rất xứng đáng.
Tuy nhiên, điều trăn trở là cấp học giáo dục phổ thông rất ít. Ở bậc giáo dục mầm non, chỉ 0,004% đạt danh hiệu nhà giáo nhân dân. Phần lớn trong số ít đó cũng làm quản lý. Với những tiêu chí mới, tôi tin sẽ thay đổi tỷ lệ này.
Theo Văn Chung/VietNamNet
'Bạn Trinh giành mất hạng xuất sắc, con sẽ bị ăn đòn'
Vì thành tích, không ít bà mẹ dặn con phải "quan tâm đặc biệt" đến những bạn sẽ là đối thủ cạnh tranh vị trí với con mình.
Buổi họp phụ huynh kết thúc, dù đã nói kỹ việc học sinh được khen thưởng năm nay có những điểm thay đổi, nhưng tôi vẫn liên tục phải giải thích hết người này đến người khác những câu hỏi tựa như: Con tôi có được giấy khen không? Năm nay, cháu học kém lắm hả cô? Tại sao con tôi hơn điểm bạn mà vẫn không đạt học sinh nổi trội?...
Theo quy định tại Thông tư 30, việc khen thưởng năm nay không chỉ căn cứ vào điểm số của lần kiểm tra cuối kỳ mà phải xét trên cả ba mặt gồm: Hoạt động giáo dục (là các môn học), sự phát triển về năng lực, sự phát triển về phẩm chất trong suốt một năm học của các em. Giáo viên không còn "độc quyền" quyết định việc học sinh được khen thưởng như trước đây mà phải thông qua sự bình chọn của tất cả học sinh trong lớp...
Một tiết học của học sinh Trường Tiểu học Làng Sen, Nam Đàn (Nghệ An). Ảnh:VietNamNet.
Đón nhận kết quả học kỳ 1 của con, nhiều phụ huynh tỏ ra bức xúc và không vừa lòng với việc con mình "bỗng nhiên" không được khen thưởng như những năm trước đây.
Vừa bước ra khỏi cuộc họp, chị Hoa đã lôi xềnh xệch em Thúy (nãy giờ vẫn đứng ngoài cửa lớp nhìn vào) ra một góc. Tôi nghe rõ tiếng nói rít qua kẽ răng, chị đay nghiến, chửi rủa con mình với những lời lẽ thậm tệ: "Sao ngu thế không biết, cũng học như con người ta mà không được giấy khen. Nghe nói con Mai (vì Mai ở gần nhà Thúy) được lớp bình chọn là học sinh đạt thành tích phát triển về phẩm chất, sao mày không kể cho cô và các bạn nghe con Mai ở nhà không phụ ba mẹ làm việc gì, ăn còn để mẹ đút, có lần còn cãi lời ba mẹ nữa...".
Bị mẹ la, cô bé khóc thút thít và trả lời dấm dẳng: "Ở trên lớp, bạn ấy học giỏi và rất gương mẫu, ai cũng bầu cho bạn ý. Nhưng tại sao phải mắng chuyện đó hả mẹ?". Nghe con hỏi, người mẹ càng giận hơn và quát lớn: "Ăn gì mà ngu thế không biết. Đi về...".
Nói rồi chị tức giận cầm tay bé lôi đi trước nhiều ánh mắt nhìn ái ngại của mọi người.
Chuyện người mẹ dặn con phải "quan tâm" đặc biệt đến những bạn sẽ là "đối thủ' cạnh tranh vị thứ với con mình không phải là hiếm.
Trước đây, còn chấm điểm, cứ mỗi lần phát vở xuống là y như rằng hai cô bé Trinh và Liên cầm bài nhau so đo từng chút một rồi đem lên "kiện" cô: Vì sao con cũng làm thế mà điểm lại ít hơn, vì sao bạn viết dơ cô lại không trừ điểm...
Các em còn ghi lại tất cả con điểm của nhau "để về cho mẹ xem, mẹ dễ theo dõi" - một trong các em đã nói thế khi được tôi hỏi. Nếu lần này, Trinh bị thua điểm Liên thì y như rằng lần khác, em phải thật cố gắng để vượt lên. Có lần, Liên đã tranh thủ lúc nộp bài cho tổ để lấy bút sửa vài chỗ trong bài làm của Trinh để bạn bị điểm thấp hơn mình.
Phải rất lâu sự thật mới được phát hiện vì Trinh liên tục nói mình làm đúng, dấu sửa đó không phải của mình. Khi bị phát hiện, Liên thành thật trả lời: "Mẹ nói nếu để Trinh giành mất hạng xuất sắc sẽ bị ăn đòn...".
Người lớn phải học trẻ con
Để có danh sách học sinh được khen thưởng, giáo viên phải tổ chức một buổi bình chọn học sinh trước lớp.
Sau khi các tổ đề xuất những thành viên nổi trội tổ mình, giáo viên tập hợp lại một danh sách gần chục em để bầu chọn trước lớp một lần nữa chọn ra 5 bạn xuất sắc nhất.
Thầy cô gợi ý về cách thức bình chọn: "Các em sẽ tự do nhận xét về bạn như về học lực, sự hợp tác nhóm, chia sẻ, tinh thần tham gia các hoạt động giáo dục, quan hệ với bạn bè, thầy cô...; đồng thời chỉ ra những mặt còn tồn tại để bạn khắc phục...
Dù mới học lớp 2, nhưng khi nhận xét về mình và bạn, các em thật vô tư và thẳng thắn.
Em Hoài đã xung phong nhận xét về mình như con học tốt các môn, hay giúp đỡ bạn trong học tập, tham gia tốt các hoạt động của lớp nhưng còn vài lần nói chuyện riêng trong lớp, chưa làm vệ sinh khi được phân công.
Nhiều em đã thừa nhận điều tốt của các bạn nhưng cũng rất thẳng thắn khi chỉ ra những điều chưa tốt, như bạn Thông hay giảng bài cho con, nhiều lần cho con mượn bút nhưng trong giờ học âm nhạc, bạn Thông thường ít nghiêm túc nên bị cô nhắc nhở hoài...
Sau phần tự nhận xét đến phần bầu chọn: "Mỗi em có quyền lựa chọn 5 trong số 10 bạn có tên trên bảng xứng đáng được khen lần này".
Tôi để ý đến cô bé Nương cứ loay hoay hết viết rồi lại gạch xóa. Em là người cuối cùng cầm lá phiếu lên nộp nên tôi đã đọc được 5 bạn mà em bầu không có tên em. Tôi gọi em lại gần hỏi nhỏ: "Sao con không chọn mình? Con có quyền làm điều đó".
Không chút lưỡng lự, em trả lời ngay làm tôi vô cùng bất ngờ và sửng sốt: "Dạ con thấy mình chưa xứng đáng vì môn Tập làm văn con học còn yếu".
Nghe em nói, tôi thật sự cảm phục một cô bé mới 7 tuổi đầu đã làm được cả những điều nhiều người lớn không làm được.
Tôi vừa phục vừa thầm cám ơn em đã gỡ cho tôi một câu trả lời khó. Bởi lẽ cả tuần nay, tôi đang phải đắn đo suy nghĩ giữa em và một học sinh trong lớp nếu phải chọn một em để khen tôi chưa biết sẽ chọn em nào. Tôi do dự bởi phân môn Tập làm văn em học chưa được tốt bằng một số bạn, bù lại em là cô bé chăm học, ngoan ngoãn và rất tốt bụng...
Việc khen thưởng học sinh thông qua sự bình chọn của chính các em cùng với sự tham khảo ý kiến phụ huynh là nét mới mang tính tích cực của Thông tư 30. Thông qua việc bình chọn này, giúp các em ngày càng tự tin, biết thể hiện mình trước tập thể về những điều mình làm được, những mặt còn tồn tại cũng như biết nhận xét về bạn một cách khách quan, trung thực, biết ghi nhận những mặt mạnh bạn có được...
Nhưng để thực thi tốt theo tinh thần này, phụ huynh đóng vai trò rất quan trọng. Đó là sự đồng thuận, công tâm, không quyền lợi cá nhân để &'hà hơi, tiếp sức, nhồi nhét và thổi " vào con trẻ những tâm hồn còn non nớt ngây thơ lòng đố kị, sự ganh đua không lành mạnh.
Biến con trẻ đang hồn nhiên trong sáng thành những "gián điệp' có nghề luôn rình mò, để ý và soi mói người khác như cách làm của một số phụ huynh.
Theo cô giáo Phan Tuyết/Vietnamnet
Khi học sinh lớp 2 'hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ' Chỉ còn vài ngày nữa, các trường tiểu học lại tưng bừng tổng kết học kỳ I năm học 2015-2016, và nhiều học sinh có thành tích lại tưng bừng nhận giấy khen. Còn nhớ khi năm học 2014-2015 kết thúc, nhiều giấy khen lạ đời đã ra đời theo thông tư 30 (TT30) ở tiểu học. Không biết lần này giấy khen...