Sự thờ ơ khó hiểu của Trung Quốc trong căng thẳng liên Triều
Căng thẳng hai miền Triều Tiên vừa qua có thể xuất phát từ việc Bình Nhưỡng muốn lôi kéo sự chú ý của Trung Quốc khi đồng minh duy nhất này đang ngày càng lạnh nhạt, đồng thời chia rẽ tình bạn chớm nở Trung – Hàn.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un quan sát một buổi tập trận. Ảnh: KCNA
Sáng sớm 25/8, Hàn Quốc và Triều Tiên đã kết thúc căng thẳng bắt đầu từ tuần trước, khi hai nước đấu pháo lần đầu tiên trong 5 năm. Tuy nhiên, còn có những chuyện hậu trường khác quan trọng hơn diễn ra đằng sau, giữa Triều Tiên với đối tác thương mại chính và đồng minh duy nhất của nước này – Trung Quốc.
“Với tư cách là đồng minh duy nhất của Triều Tiên và ngày càng thân thiết với Hàn Quốc, Trung Quốc đương nhiên có vai trò trong vấn đề này”, tạp chí Time dẫn lời John Delury, giáo sư tại Đại học Yonsei ở Seoul, nói. Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng Bắc Kinh “đã vắng mặt trong căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên trong tuần qua. Ngoài việc kêu gọi các bên kiềm chế, Bắc Kinh không có lời lẽ và hành động khác để cải thiện tình hình”.
Gây chú ý
Trong lịch sử, khi Triều Tiên có hành vi khiêu khích Hàn Quốc, nước này làm như vậy để có thể thổi bùng niềm tự hào quốc gia hoặc giành được sự chú ý của Bắc Kinh. Theo William Johnson, một quan chức từng làm việc cho Bộ Ngoại giao Mỹ và có thời gian sống tại biên giới Trung – Triều, hai nước này có thể đã tổ chức đàm phán, chủ yếu ở khu vực biên giới tỉnh Liêu Ninh vào giữa những năm 2000, liên quan đến việc Trung Quốc kêu gọi kiềm chế giữa hai miền Triều Tiên. Nếu cuộc chiến nổ ra giữa hai miền, hàng triệu người Triều Tiên có thể sẽ chạy sang Trung Quốc, vì vậy, Bắc Kinh có lợi ích trong việc giúp đảm bảo hòa bình trên bán đảo.
Nội dung chính trong cuộc thảo luận có thể chủ yếu xoay quanh những thứ Triều Tiên muốn từ Trung Quốc, chứ không nhất thiết đến từ Hàn Quốc. Bình Nhưỡng phụ thuộc vào Bắc Kinh về thực phẩm, vũ khí và năng lượng, Bắc Kinh cũng nghiêng về hướng “chìa cà rốt” thay vì “gậy” để đạt được sự hợp tác từ phía Triều Tiên.
Theo Johnson, điều đó có vẻ như cũng đúng trong trường hợp này, các hành động gần đây có nhiều khả năng xuất phát từ việc Triều Tiên thiếu tiền mặt, lương thực, và phải đối mặt với sự lạnh nhạt từ Bắc Kinh.
Đợt hạn hán hồi tháng 6 ở Triều Tiên gây thiệt hại lớn sản lượng thu hoạch của nước này. Triều Tiên mô tả đợt hạn hán năm 2015 là tồi tệ nhất trong 100 năm qua. Hơn nữa, việc Triều Tiên đóng cửa biên giới trong vài tháng vì lo ngại dịch bệnh Ebola cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp du lịch, trong khi đây là nguồn thu ngoại tệ mạnh quan trọng của Bình Nhưỡng.
Ông Kim Jong-un vẫn chưa nhận được lời mời đến thăm Trung Quốc dù đã lãnh đạo đất nước trong hơn ba năm. Bắc Kinh còn ủng hộ lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên về việc thử vũ khí hạt nhân và thử nghiệm tên lửa.
“Thiếu tiền mặt, thực phẩm, và ‘tình cảm’ từ Bắc Kinh, hành vi khiêu khích của Triều Tiên không phải là điều đáng ngạc nhiên”, Johnson viết. Trong khi quốc tế đa phần tập trung vào các sự kiện diễn ra tại làng đình chiến Panmunjom, kinh nghiệm quá khứ cho thấy rằng chúng ta nên chờ đợi những hoạt động diễn ra tại thị trấn biên giới Đan Đông của Trung Quốc, lối đường bộ và đường sắt để vào Triều Tiên.
Sau vụ chạm trán hải quân liên Triều tháng 11/2009, viện trợ lương thực (chủ yếu là ngô) đã được chuyển qua cây cầu đường sắt ở đây để vào Triều Tiên. Các nhà quan sát thấy những chiếc xe tải Trung Quốc mới, sáng bóng và thiết bị hạng nặng đột nhiên xuất hiện ở bên kia biên giới Triều Tiên.
Johnson cho rằng có vẻ như một điều tương tự sẽ xảy ra lần này: bằng vụ đấu pháo với Hàn Quốc, Triều Tiên có thể yêu cầu Trung Quốc viện trợ thêm, vì nước này từng làm thành công trong quá khứ.
Video đang HOT
Các phóng viên và các nhà phân tích thường đặt câu hỏi tại sao Trung Quốc, nhà sản xuất ngô lớn thứ hai thế giới, lại nhập khẩu và dự trữ ngô nhiều đến mức phải xây cơ sở mới để chứa. Không phải ngẫu nhiên mà những kho dự trữ này lại nằm gần biên giới với Triều Tiên. Trong khi truyền thông còn mải quân tâm đến việc Mỹ và Hàn Quốc xử lý vấn đề với Triều Tiên như thế nào, thì họ ít chú trọng đến thực tế rằng Trung Quốc là bên bảo đảm chính cho sự ổn định, cung cấp hầu hết thực phẩm và hơn 90% năng lượng của Triều Tiên.
Cách phản ứng
Cách Trung Quốc phản ứng trước căng thẳng này khá khác so với quá khứ. Trong những ngày gần đây, Trung Quốc được cho là đã chuyển số lượng lớn quân vào thành phố Diên Cát, cách biên giới Triều Tiên khoảng 30 km.
Ông Johnson cho rằng việc này nhằm thể hiện trong trường hợp Bình Nhưỡng cần hỗ trợ quân sự nước ngoài, Trung Quốc sẽ đến đó đầu tiên. “Tôi dự đoán rằng, sau khi liên Triều rút khỏi căng thẳng, Trung Quốc sẽ cung cấp cho miền Bắc bất cứ điều gì họ muốn”.
Tuy nhiên, trong bài viết trên Eurasiareview, nhà báo tại Seoul, Shim Jae Hoon, lại cho rằng động thái này của Bắc Kinh không nhằm thể hiện sự cảm thông với Triều Tiên, mà nhằm chấn chỉnh “người anh em tốt”. Kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn và Bắc Kinh không muốn có bất cứ cuộc khủng hoảng nào đe dọa đến ổn định khu vực.
Zhu Feng, một chuyên gia về chính sách đối ngoại tại Đại học Nam Kinh nhận định hành động của Triều Tiên còn liên quan đến cuộc duyệt binh ngày 3/9 sắp tới của Trung Quốc. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye sẽ có mặt ở Bắc Kinh vào ngày này. Ông Kim Jong-un không có tên trong danh sách, mà chỉ có quan chức phụ tá Choe Ryong-Hae đến dự.
“Hành động gần đây của ông Kim rõ ràng nhằm chia rẽ mối quan hệ giữa Seoul và Bắc Kinh”, ông Zhu nhận định. “Có nhiều sự thất vọng và bất mãn ở cả hai bên Trung Quốc và Triều Tiên”.
Tờ Global Times đánh giá căng thẳng mới nhất có thể nhằm buộc bà Park phải hủy bỏ chuyến thăm Bắc Kinh. Nhưng tại thời điểm đang muốn phô diễn các thiết bị quân sự mới và thể hiện sức mạnh địa chính trị, thì “Bắc Kinh sẽ không để bị dắt mũi”, tờ này viết.
Phương Vũ
Theo VNE
Thỏa thuận tháo ngòi căng thẳng liên Triều - hàng dễ vỡ
Bàn về bản thỏa thuận tháo gỡ căng thẳng được thống nhất hôm qua giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, một chuyên gia nhận xét nó giống như một chiếc hộp giấy ghi dòng chữ 'hàng dễ vỡ', có thể đổ bể bất cứ lúc nào.
Đại diện Triều Tiên - Hàn Quốc trong cuộc đàm phán tháo ngòi căng thẳng ở làng đình chiến Panmunjom hôm qua. Ảnh: Reuters
Thỏa thuận được thống nhất hôm qua đã chấm dứt căng thẳng suốt gần một tuần giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Nó đồng thời cho thấy bản chất của mối quan hệ hai miền: dù đối đầu nhưng họ vẫn có thể ngồi vào bàn đàm phán vì lợi ích của chính mình, theo New York Times.
Thái độ thù địch giữa Seoul và Bình Nhưỡng càng được thể hiện rõ ràng hơn sau vụ đấu pháo qua biên giới hôm 20/8. Các phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên thường xuyên miêu tả Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cùng các quan chức quân đội nước này là những "kẻ cuồng chiến tranh". Còn bà Park gọi những chính sách của ông Kim Jong-un là "ảo tưởng".
Giới chuyên gia nhận định, mỗi người đều có lý do chính trị riêng khi thể hiện sự cứng rắn của mình. Chính vì thế, tình thế đối đầu mới nhanh chóng leo thang và bị đẩy đến bờ vực của một cuộc xung đột vũ trang. Nhưng, mỗi lãnh đạo cũng có những động cơ khác nhau khi muốn thể hiện mình như một chính trị gia có tài thao lược và kiểm soát tình hình. Vậy nên, một bản thỏa thuận được đưa ra.
Khởi đầu hứa hẹn
"Cả hai nhà lãnh đạo sẽ giải thích bản thỏa thuận vừa được thông qua theo những cách rất khác nhau và cùng khẳng định mình là bên giành thắng lợi", Yang Moo-jin, nhà phân tích tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, bình luận. "Bà Park Geun-hye nói sự kiên nhẫn và phương pháp tiếp cận có nguyên tắc của bà đối với Triều Tiên cuối cùng cũng phát huy tác dụng. Ông Kim Jong-un sẽ không ngần ngại tuyên bố rằng sáng kiến táo bạo của ông đã buộc Hàn Quốc phải đàm phán".
Giới quan sát cho rằng bản thỏa thuận ít nhất sẽ mở ra cơ hội để mối quan hệ Hàn - Triều phát triển lên một cấp độ mới. "Thỏa thuận này thực sự là một bước ngoặt với hai miền Triều Tiên", John Delury, giáo sư lịch sử tại Đại học Yonsei ở Seoul, người chuyên nghiên cứu về Trung Quốc và Triều Tiên, nhận xét. "Đây là một khởi đầu đầy hứa hẹn".
Seoul hôm qua giữ lời khi ngừng chiến dịch tuyên truyền qua loa phóng thanh dọc biên giới. Bình Nhưỡng từng chỉ trích chiến dịch tuyên truyền này là sự xúc phạm nghiêm trọng đến "phẩm giá tối cao" của ông Kim.
Đổi lại, Triều Tiên cũng xóa bỏ tình trạng "cận kề chiến tranh" và cho biết "lấy làm tiếc" về vụ nổ mìn hồi đầu tháng ở khu phi quân sự (DMZ) khiến hai lính Hàn Quốc bị thương, đồng thời hứa hẹn những hành động khiêu khích sẽ không tái diễn. Ngôn từ phía Triều Tiên sử dụng khiến người nghe có cảm giác nó không giống một lời xin lỗi như yêu cầu ban đầu của Hàn Quốc. Song, Seoul cho rằng như vậy là đủ.
Hai miền Triều Tiên còn đạt được thỏa thuận sẽ tổ chức đối thoại Hội Chữ thập đỏ vào đầu tháng 9 để sắp xếp cho các gia đình ly tán gặp gỡ nhau kể từ sau khi chia cắt từ những năm 1950 - 1953.
Cùng thắng
Hàn Quốc và Triều Tiên về kỹ thuật vẫn đang trong tình trạng chiến tranh bởi cuộc xung đột xảy ra hơn nửa thế kỷ trước kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn, không phải hiệp ước hòa bình. Nhưng căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai miền đặc biệt trở nên nóng hơn dưới thời hai lãnh đạo đương nhiệm, theo bình luận viên Choe Sang-hun.
Dưới thời ông Kim, Triều Tiên liên tục thực hiện những động thái khiêu khích quân sự nhằm vào Hàn Quốc. Tháng 12/2012, Bình Nhưỡng phóng thành công một tên lửa tầm xa. Tháng 2/2013, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ ba, vài tuần trước khi bà Park tuyên thệ nhậm chức. Khi Liên Hợp Quốc phản ứng lại hành động này bằng cách áp thêm trừng phạt đối với Triều Tiên, chính quyền ông Kim dọa sẽ tiêu diệt Hàn Quốc bằng một "đòn hủy diệt hạt nhân". Hàn Quốc đáp trả với tuyên bố "xóa sổ Triều Tiên khỏi Trái Đất".
Theo NY Times, sự kiên quyết trong lời nói và cử chỉ của Tổng thống Park trước vụ việc lần này giúp bà tạo dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo không hề nao núng trước sức ép từ Bình Nhưỡng và đem về cho bà sự ủng hộ từ những thành phần bảo thủ ở Hàn Quốc. Tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Park gia tăng đáng kể trong gần một tuần xảy ra căng thẳng với Triều Tiên, dù trước đó, chính phủ của bà phải nhận nhiều lời chỉ trích khi lúng túng trong công tác xử lý thảm họa chìm phá Sewol hồi năm ngoái, cũng như dịch cúm MERS vừa qua.
Khi áp dụng chính sách "bên miệng hố chiến tranh", bà Park sẽ phải đối mặt với nguy cơ không thực hiện được những gì mà mình từng hứa, đó là xây dựng niềm tin với Triều Tiên và hướng tới mục tiêu cuối cùng là sự thống nhất hai miền, ông Delury đánh giá. Thỏa thuận đạt được hôm qua có thể chính là "át chủ bài" giúp bà Park hiện thực hóa kế hoạch của mình.
Mặt khác, cuộc đàm phán cũng là bài kiểm tra dành cho ông Kim Jong-un, người tiếp quản vị trí lãnh đạo Triều Tiên từ cha mình từ cuối năm 2011. Ông Kim đến nay vẫn chưa thể thực hiện lời hứa thúc đẩy nền kinh tế Triều Tiên. Nhiệm vụ này càng trở nên khó khăn hơn trước áp lực từ những lệnh trừng phạt và phong tỏa của quốc tế.
Các chuyên gia phân tích nhận định thành công của thỏa thuận cho thấy dù trẻ tuổi nhưng ông Kim vẫn đủ khả năng chủ trì một cuộc đàm phàn phức tạp với Seoul. Theo một số quan chức Hàn Quốc, cuộc đối thoại tại làng đình chiến Panmunjom, sở dĩ phải kéo dài suốt nhiều ngày là bởi các nhà đàm phán Triều Tiên, dù là những lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy nhà nước, vẫn thường xuyên phải rời phòng họp để tham vấn với Bình Nhưỡng.
"Nếu bạn tận mắt thấy cuộc thảo luận diễn ra như thế nào thì bạn sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về việc ông Kim Jong-un đã tính toán kỹ lưỡng ra sao", ông Yang nói.
Cách dùng từ "lấy làm tiếc" về vụ nổ mìn cũng có thể được giải thích trước công chúng Triều Tiên rằng đó là một cử chỉ thể hiện sự cảm thông hơn là một hành động nhận trách nhiệm, giới phân tích đánh giá.
"Tôi thậm chí còn hoài nghi liệu Triều Tiên có thực sự quan tâm đến dàn loa phóng thanh của Hàn Quốc hay không. Tác động của chúng vẫn chưa được chứng minh", ông Kim Dong-yup, chuyên gia tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên, nói. Thể hiện sự giận dữ thái quá trước hành động này nhiều khả năng là một cách để Triều Tiên "kích động và lôi kéo Hàn Quốc vào một cuộc thương thảo", ông cho biết thêm.
Theo một số nhà phê bình, từ "lấy làm tiếc" mang tính chất thỏa hiệp mà Triều Tiên đưa ra cũng có thể coi là một thành công đối với bà Park bởi nó góp phần làm chệch hướng những lời chỉ trích, cho rằng lập trường cứng rắn của bà là nguyên nhân khiến Triều Tiên ngày càng lấn lướt. Thỏa thuận này cũng sẽ xóa tan hình ảnh "một nhà lãnh đạo bàn giấy" mà bà Park từng bị gán ghép, ông Lee Byong-chul, thành viên cấp cao tại Viện Hòa bình và Hợp tác ở Seoul, nhận xét.
Nguy cơ đổ vỡ
Tổng thống Park hôm qua cho hay thỏa thuận đạt được là nhờ chính phủ của bà duy trì "nguyên tắc nhất quán trong việc đối phó với hành động khiêu khích từ phía Triều Tiên nhưng vẫn để ngỏ cơ hội đối thoại".
Các nhà phân tích cho rằng Seoul khá khôn khéo khi hứa ngừng chương trình truyền thanh chống Bình Nhưỡng dọc biên giới, trừ khi "có tình huống bất thường". Nhà chức trách Hàn Quốc nói động thái này sẽ khiến Triều Tiên hạn chế hành vi khiêu khích. Song, dường như đôi bên có những định nghĩa rất khác nhau về "tình huống bất thường", theo NYTimes. Sự bất đồng này là một trong những nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến sự đổ vỡ của bản thỏa thuận.
Tinh thần sẵn sàng xây dựng lòng tin và hợp tác của hai miền Triều Tiên sẽ được thử thách trong những lần đối thoại dự kiến diễn ra trong vài tuần tới. Trong quá khứ, sau khi đạt đến những gì được nhìn nhận như bước đột phá, Seoul và Bình Nhưỡng thông thường sẽ lại quay về thế bế tắc.
"Bản thỏa thuận này giống như một chiếc hộp giấy ghi dòng chữ 'hàng dễ vỡ' vậy", ông Lee so sánh. "Nếu không cẩn thận, có thể đổ bể bất cứ lúc nào".
Tương quan lực lượng hai miền Triều Tiên (chi tiết). Đồ họa: Việt Chung
Vũ Hoàng
Theo New York Times
Căng thẳng liên Triều trên báo chí Bình Nhưỡng Gọi đối phương là "những kẻ cuồng chiến tranh", kể các câu chuyện cho thấy ý chí chiến đấu mãnh liệt của một bộ phận người dân là cách Triều Tiên truyền tải thông tin về những căng thẳng tại khu vực biên giới gần một tuần qua. Đại diện Hàn Quốc và Triều Tiên sáng sớm nay đạt được thỏa thuận loại...