Sự thật bất ngờ về thiết bị siêu tiết kiệm điện năng
Bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng, những thiết bị được giới thiệu sử dụng đơn giản như chỉ cần cắm vào ổ cắm điện là có thể giúp tiết kiệm lượng điện tiêu thụ trong gia đình vẫn được giao dịch sôi động trên mạng xã hội, trang thương mại điện tử.
Thế nhưng, không chỉ “ném tiền qua cửa sổ”, khách hàng còn đối diện nguy cơ bị phạt vì gian lận tiêu thụ điện.
Chơi gameshow để giảm tiền điện
Vào mùa cao điểm nắng nóng, cộng thêm giá điện tăng, nhiều người tiêu dùng đang tìm mua loại thiết bị tiết kiệm điện. Đáp ứng nhu cầu, nhiều thiết bị đang được bày bán rộng rãi với cam kết sẽ giảm số điện năng tiêu thụ.
Tìm hiểu thực tế, PV Người Đưa Tin Pháp Luật đã tiếp cận với vài người bán thiết bị tiết kiệm điện để hỏi rõ thêm. Qua mạng xã hội, một thanh niên tên Giang sống tại quận 5 (TP.HCM) cho biết, đang bán bộ tiết kiệm điện năng cho hộ gia đình với giá 270.000 đồng.
Người này tư vấn rằng, bên trong thiết bị có tụ bù để làm ổn định dòng điện, giúp cho các vật dụng trong nhà có độ bền cao hơn, còn có thể tiết kiệm tiền điện từ 8 – 12%.
Bên trong thiết bị được quảng cáo có tác dụng giảm lượng điện tiêu thụ cho hộ gia đình.
Thiết bị tiết kiệm điện lắp vào gia đình giúp cho dòng điện trong nhà vận hành ổn định hơn. Từ đó, tối ưu được công suất tiêu thụ của các thiết bị điện và đưa nó tiến gần về công suất của nhà sản xuất, giúp tăng tuổi thọ của các thiết bị điện trong nhà và tiết kiệm được phần nhỏ điện năng.
Nguyên lý của thiết bị được mô tả là chủ yếu tiết kiệm lúc đề-pa, như tủ lạnh không phải lúc nào cũng bung hơi lạnh mà chỉ theo định kỳ khi nhiệt độ tăng. Khi hơi lạnh bung, máy nén hoạt động mạnh, nếu xài thiết bị sẽ tiết kiệm được một phần điện năng tiêu thụ.
Để nhấn mạnh lời tiếp thị, Giang còn quả quyết: “Sản phẩm của mình đã thử trên nhiều hộ gia đình. Chẳng hạn như bình đun nước siêu tốc được nhà sản xuất ghi thông tin là 1800W nhưng thực tế sẽ tiêu hao hơn 2000W. Thiết bị tiết kiệm điện này sẽ giảm phần hao hụt phát sinh trong quá trình sử dụng đồ điện”.
Thậm chí, người này còn đưa ra đề nghị “chơi gameshow” là cung cấp đồ điện cho khách hàng xài miễn phí như quạt máy. Sau 3 tháng sử dụng thiết bị tiết kiệm điện, nếu số điện trung bình giảm xuống, Giang sẽ quay lại lấy tiền đồ điện và phí dịch vụ. Nếu không, khách cứ giữ lại những món đồ điện.
Ví dụ như với một hộ gia đình thường xài 500 kWh/tháng, Giang cho biết sẽ cần xài 2 thiết bị tiết kiệm để giảm số điện còn khoảng 400 – 450 kWh.
Video đang HOT
Để tăng niềm tin cho người mua, trang mạng xã hội bán hàng của Giang chia sẻ hình ảnh khách hàng đã sử dụng thiết bị tiết kiệm điện.
“Nếu nhà xài từ 250 kWh/tháng đổ lại, dù xài 1 hay 10 cái cũng vậy. Còn trên 600kWh/tháng nên xài 3 thiết bị mới đạt hiệu quả. Vị trí để cắm thiết bị là bất kỳ ổ điện nào trong nhà, chỉ cần sau công tơ điện. Nếu muốn hiệu quả hơn, nên cắm vào ổ nào sử dụng nhiều đồ điện”, Giang nói.
Ngoài công dụng tiết kiệm điện, người bán hàng còn nói về việc giúp đồ điện tăng độ bền, từ 2 năm lên gần 3 năm. Nhưng khi khách hàng hỏi cách để xác nhận điều này, Giang đáp rằng “có thể đo độ nóng tại cục điện trở, khi xài nhiệt độ giảm mạnh”. Thế nhưng, thiết bị để đo đạc sự biến động này tìm mua ở đâu thì Giang không nói được.
Còn trang “Thiết Bị Tiết Kiệm Điện – Electricity saving box” lại chỉ bán online với giá 350.000 đồng/thiết bị (giá cũ là 590.000 đồng) nhưng không có cửa hàng để khách đến xem trực tiếp. Các bài viết trên trang này đưa thông tin ưu điểm của thiết bị là “nhỏ gọn,rất dê sử dụng, chỉ cần cắm vào ổ điện trong nhà là xong”. Sau đó, thiết bị sẽ giúp “tiết kiệm 20-30% chi phí tiền điện hằng tháng, tối ưu hóa chất lượng nguồn điện”.
Hàng tỷ đồng truy thu gian lận
Trước tình trạng rao bán, tìm mua thiết bị tiết kiệm điện ngày càng nhiều, PV đã có trao đổi với ông Bùi Trung Kiên – Phó Tổng Giám đốc EVN TP.HCM – khẳng định: “Những quảng cáo thiết bị tiết kiệm điện, thẻ tiết kiệm điện chỉ là chiêu trò lừa đảo khách hàng, lợi dụng tâm lý muốn tiết kiệm chi tiêu của người tiêu dùng.
Vì vậy, khách hàng sử dụng điện không nên mua và không sử dụng các thiết bị trên do các thiết bị này không được các cơ quan quản lý nhà nước hoặc đơn vị chuyên ngành về tiết kiệm năng lượng có uy tín chứng nhận”.
Tất cả nơi bán thiết bị tiết kiệm điện đều giao dịch qua online, không có địa chỉ cụ thể để khách hàng tìm hiểu trực tiếp.
“Về cơ bản, năng lượng điện bao gồm điện năng hữu công và điện năng vô công. Trong đó điện năng hữu công sẽ được các thiết bị điện Sử dụng và được công tơ đo đếm để tính hóa đơn cho khách hàng Các thiết bị được quảng cáo là tiết kiệm điện đấu vào mạch điện phía sau công tơ chỉ có thể cải thiện một phần hệ số công suất của thiết bị điện, làm giảm tổn thất điện năng của dây dẫn và giảm một phần rất nhỏ hao phí. Tuy nhiên, không thể có thiết bị nào đấu nối sau công tơ làm giảm tới 30-40% lượng điện năng tiêu thụ như quảng cáo”, ông Kiên diễn giải.
Trong thời gian qua, EVN TP.HCM chưa phát hiện các thiết bị tiết kiệm điện nào mà khách hàng tự ý lắp đặt làm ảnh hưởng đến chỉ số công tơ mà chỉ phát hiện khách hàng dùng các thiết bị trộm cắp điện làm cho công tơ không đo đếm đủ lượng điện năng tiêu thụ.
Ví dụ như thiết bị máy tạo dòng mục đích là tạo ra dòng điện đối kháng với dòng điện của khách hàng sử dụng, dùng cục nam châm vĩnh cữu tác động vào cơ cấu đo của công tơ, dùng que, vật nhọn tác động vào cơ cấu đếm (bộ số, bánh răng, đĩa quay)…
Vị Phó Tổng Giám đốc cũng cho biết, trường hợp khách hàng dùng loại thiết bị có tác dụng can thiệp trực tiếp vào hoạt động công tơ điện, làm cho công tơ điện chạy chậm lại, thì hành vi này được coi là vi phạm sử dụng điện do trộm cắp điện. Nếu bị phát hiện, khách hàng sẽ bị lập biên bản kiểm tra sử dụng điện, bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Các biện pháp tiếp theo là buộc khách hàng bồi thường thiệt hại do hành vi trộm cắp điện. Khi hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, hồ sơ và các tang vật, phương tiện vi phạm được chuyển tới cơ quan điều tra để xử lý. Đối với hành vi trộm cắp điện, trong năm 2019, EVN TP.HCM đã thực hiện truy thu gần 11 tỷ đồng và trong 6 tháng đầu năm 2020 là gần 3,5 tỷ đồng.
Nhiều giải pháp tiết kiệm điện đúng đắn, thông minh
Đại diện công ty CP Bóng đèn Điện Quang, ông Lê Xuân Nghiêm – Giám đốc Kỹ thuật khoa học công nghệ – chia sẻ một số giải pháp tiết kiệm điện trong gia đình như sử dụng đèn Led tiết kiệm điện, không nên để thiết bị điện ở trạng thái chờ, sử dụng các thiết bị có nhãn xác nhận là sản phẩm tiết kiệm điện,…
Ngoài ra, người dân có thể lắp các thiết bị cảm biến chuyển động để tránh lãng phí điện. Thiết bị này sẽ tự động bật đèn khi có người di chuyển vào khu vực cảm ứng, còn khi người rời đi hoặc khi không có người thì đèn sẽ tự động tắt nên sẽ giúp tránh được tình trạng quên tắt đèn gây lãng phí điện.
Hay các giải pháp khác như sử dụng các thiết bị hẹn giờ để bật/tắt thiết bị điện gia dụng như công tắc điện hẹn giờ; ổ cắm điện hẹn giờ… Về lâu dài, nguồn điện năng lượng mặt trời sẽ mang lại hiệu quả bền vững với chi phí lắp đặt hệ thống không quá cao.
Thiết bị giúp tiết kiệm đến 45% điện năng tiêu thụ: Sự thật bất ngờ
Được giới thiệu có thể tiết kiệm đến 45% điện năng tiêu thụ, các thiết bị tiết kiệm điện tiếp tục "làm mưa làm gió" trên thị trường trong những ngày hè nắng nóng.
Tuy nhiên, trái ngược với những lời quảng cáo hoa mĩ, nhiều người đã thất vọng khi bỏ tiền mua sản phẩm. Thậm chí sản phẩm này đang bị Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo sẽ "tiền mất tật mang" nếu niềm tin người mua đặt nhầm chỗ.
Bước vào những tháng hè nóng bức, hóa đơn tiền điện của nhiều gia đình đã tăng mạnh lên 1,5 đến 2 lần, thậm chí nhiều gia đình tăng gấp 3-4 lần so với bình thường. Với những người đi thuê trọ, vấn đề tiền điện càng trở nên nan giải bởi họ đang phải trả từ 3.500-5.000 đồng cho mỗi số điện sử dụng. Do đó, thời gian qua nhiều người đã tìm mọi biện pháp để giảm lượng điện tiêu thụ, giảm chi phí tiền điện hàng tháng bằng những thiết bị tiết kiệm điện gắn ngoài, phía sau đồng hồ.
Thiết bị tiết kiệm điện được giao bán với giá rẻ trên các sàn thương mại điện tử
Theo tìm hiểu của PV, trên thị trường hiện nay tiếp tục xuất hiện hàng loạt các quảng cáo, giới thiệu về các sản phẩm tiết kiệm điện cho các hộ gia đình với tên gọi "Thiết bị tiết kiệm điện" hay "Hộp tiết kiệm điện - Electricity Saving Box". Các đối tượng sử dụng các trang mạng xã hội Facebook, Website bán hàng để tiếp cận người mua.
Vào một trang bán hàng trực tuyến, một thợ điện giới thiệu có 14 năm kinh nghiệm xưng tên Trần Minh Đức chia sẻ cách tiết kiệm tới 40% điện mỗi tháng mà không vi phạm pháp luật nhằm quảng cáo cho sản phẩm Electricity Saving Box. Sản phẩm này được giới thiệu có nguồn gốc xuất xứ từ Đức, sản xuất và lắp ráp hoàn toàn từ nước ngoài, nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam. Theo giới thiệu, sản phẩm này có thể tiết kiệm 50% điện năng tiêu thụ của máy giặt, máy rửa bát, quạt điện; tiết kiệm 45% điện năng tiêu thụ với bàn là, máy sấy tóc, bình nóng lạnh; tiết kiệm 43% điện năng với tủ lạnh, điều hòa,....
Ngoài những bằng chứng được đưa ra, người bán hàng cũng hút người mua bằng cách khuyến mãi sâu đối thiết bị này. Theo đó 50 người đầu tiên đặt mua thiết bị tiết kiệm điện Electricity Saving Box, sẽ được hưởng khuyến mãi lên đến 43%. Giá niêm yết của sản phẩm là 920.000đ, giảm còn 520.000đ, cùng với đó, người bán còn miễn phí giao hàng cho khách hàng trên toàn quốc.
Trên trang web bán hàng, có giá gần 1 triệu đồng và được giới thiệu có xuất xứ từ Đức
Bên cạnh việc được quảng cáo và rao bán tràn lan trên các trang web và hội nhóm online, các loại thiết bị tiết kiệm điện cũng đang được rao bán nhiều trên các sàn thương mại điện tử với giá dao động từ 50.000đ đến tiền triệu mỗi sản phẩm. Chị Huyền ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết từng đặt mua một chiếc thiết bị tiết kiệm điện với giá 490.000đ trên một trang web bán hàng thế nhưng, sau 1 tháng sử dụng thì tiền điện nhà chị dùng vẫn dao động như những tháng trước đó, không hề có một chút tiết kiệm nào.
Tương tự anh Hùng ở Hà Đông (Hà Nội) sau khi sử dụng thiết bị tiết kiệm điện được bán trên sàn thương mại điện tử với giá chỉ 45.000đ cũng cho biết sản phẩm này không hiệu quả như lời quảng cáo của người bán hàng. Bởi hóa đơn tiền điện nhà anh không những không giảm mà còn tăng hơn sau khi cắm thiết bị này vào mạng lưới điện của gia đình.
Tò mò về cấu tạo của thiết bị này, anh Hùng đã tháo phần vỏ ngoài thì thấy bên trong vô cùng đơn giản. Sản phẩm gồm hai dây nhỏ nối từ phích cắm vào một bo mạch có gắn một đèn LED, từ bo mạch này sẽ có dây nối vào một tụ điện nhỏ. "Với cấu tạo đơn giản như vậy thì làm sao có thể giảm được gần nửa điện năng tiêu thụ của một hộ gia đình. Rõ ràng là lừa đảo!" anh Hùng thất vọng. Trong phần phản hồi về chất lượng sản phẩm tiết kiệm điện được bán trên các sàn thương mại điện tử, nhiều khách hàng cho biết đường điện nhà mình thậm chí đã bị sự cố chập điện do sử dụng thiết bị này.
Trước việc hàng loạt người dân bị lừa đảo mua phải những thiết bị tiết kiệm điện rởm được bán tràn lan trên các trang web, mạng xã hội và sàn thương mại điện tử, đại diện của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cùng Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã lên tiếng cảnh báo. Theo đại diện của EVN, đây chỉ là chiêu trò lừa bịp khách hàng đánh trúng vào tâm lý muốn tiết kiệm chi tiêu của người tiêu dùng. Các thiết bị trên hoàn toàn không được Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Công Thương hoặc đơn vị chuyên ngành về tiết kiệm năng lượng có uy tín trên thị trường chứng nhận về hiệu quả tiết kiệm điện như quảng cáo.
Sản phẩm cấu tạo đơn giản được quảng cáo có thể tiết kiệm tới 45% hóa đơn tiền điện mỗi tháng
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng khuyến cáo người tiêu dùng tìm hiểu kỹ thông tin trước khi mua bán, sử dụng các thiết bị được quảng cáo có chức năng tiết kiệm điện. Đối với các loại thiết bị có khả năng can thiệp trực tiếp vào hoạt động công tơ điện làm công tơ điện chạy chậm lại đồng nghĩa với việc đang thực hiện hành vi ăn cắp điện, vi phạm quy định sử dụng điện, có thể vẫn bị truy thu tiền điện, đồng thời bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Người dân nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm điện bằng các giải pháp như: tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, không nên sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn (như điều hòa, bếp đun điện, bình đun nước nóng...), khi bật điều hoà làm mát chỉ đặt ở mức 26-27 độ C trở lên và sử dụng quạt kết hợp,...
Với những khuyến cáo của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng như EVN thì rõ ràng, các thiết bị tiết kiệm điện đang được quảng cáo với các tác dụng thần kỳ hoàn toàn không hiệu quả, không có cơ sở khoa học. Các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý thị trường cần vào cuộc để quản lý và kiểm soát chặt chẽ hơn loại mặt hàng này, góp phần làm lành mạnh thị trường và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng.
Tiền điện tăng vọt, đổ xô mua thiết bị tiết kiệm điện Vào mùa hè, tiêu thụ điện tăng cao nên nhiều gia đình tìm cách giảm chi phí, trong đó có việc mua các sản phẩm tiết kiệm điện dù thực tế không có tác dụng như quảng cáo. Thời gian gần đây, thấy tình trạng tiền điện tăng cao, chị Lan Anh (Tây Hồ, Hà Nội) bắt đầu quan tâm đến các sản...