Sử dụng văn hoá địa phương để dạy tiếng Việt cho trẻ
Văn hóa không chỉ hình thành những giá trị và niềm tin mà còn bao gồm vai trò giới, cấu trúc gia đình, ngôn ngữ, quy tắc xã giao, cách nuôi dạy trẻ thậm chí cả những kỳ vọng của chúng ta đối với hành vi của trẻ.
Hiểu và tôn trọng bản sắc văn hóa của trẻ là bước đầu để tháo gỡ rào cản ngôn ngữ ở giáo dục mầm non
Trong môi trường giáo dục, giáo viên cần nhìn nhận và hiểu về văn hóa của bản thân để biết nó có ảnh hưởng gián tiếp đến những phương pháp hay những kỳ vọng của mình đối với trẻ. Ngược lại, giáo viên cũng cần hiểu là văn hóa và gia đình trẻ sẽ cũng có ảnh hưởng đến những hành vi và sự phát triển của trẻ. Chỉ khi hiểu được điều đó và vận dụng văn hóa địa phương của trẻ vào lớp học, giáo viên mới có thể đảm bảo rằng tất cả mọi trẻ đều có cơ hội công bằng và phát triển hết tiềm năng của mình.
Tầm quan trọng của văn hóa địa phương trong môi trường học của trẻ mầm non
Trước khi đến trường, mỗi đứa trẻ đều đã hình thành trong mình những bản sắc văn hoá từ việc sinh sống cùng với gia đình và cộng đồng. Khi đến trường, trẻ mang theo những kiến thức, kỹ năng, ngôn ngữ, và những giá trị từ văn hóa đó vào lớp học. Để hình thành những quan niệm về bản thân một cách tích cực, trẻ em phải biết tôn trọng bản thân, gia đình và nền văn hóa của chính mình. Từ đó, những người xung quanh cũng tôn trọng bản sắc văn hóa của trẻ.
Rất nhiều trẻ mầm non là người dân tộc thiểu số khi bắt đầu đến trường mới học ngôn ngữ thứ hai là Tiếng Việt. Trẻ không những gặp nhiều khó khăn trong việc giao tiếp với giáo viên và các bạn trong lớp mà còn gặp thách thức trong việc hiểu những nội dung được giảng dạy trong lớp. Điều này là do những nội dung trong bài học đôi khi chưa thực sự chú trọng và phản ánh khía cạnh văn hóa địa phương và đời sống hàng ngày của trẻ vào trong giờ học. Như vậy, trẻ vừa gặp khó khăn về rào cản ngôn ngữ và về nội dung bài học.
Nhằm đề cao những gì mỗi trẻ có thể đóng góp cho lớp học, giáo viên cần tìm hiểu về những giá trị văn hóa của mỗi gia đình, cộng đồng của trẻ. Giáo viên cần giúp trẻ nhìn thấy chính mình trong phương pháp sư phạm, trong chương trình giảng dạy, trong môi trường học tập cũng như trong các đồ dùng, tài liệu dạy và học của thầy cô để trẻ cảm thấy được chào đón và quý trọng.
Gợi ý để giáo viên đưa văn hóa địa phương vào trong lớp học
Những năm qua, giáo viên mầm non đã được nâng cao năng lực về phương pháp điều chỉnh bài giảng theo hướng phù hợp với bối cảnh địa phương thể hiện qua việc cải thiện đồ dùng dạy và học tập theo hướng tăng cường sử dụng các đồ dụng, vật liệu từ văn hóa địa phương như: trang phục, kiến trúc nhà cửa, các nhạc cụ dân tộc…Tuy nhiên, giáo viên vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc làm thế nào để sử dụng các yếu tố văn hóa này trong việc thiết kế các giờ học thú vị, phong phú cho trẻ.
Một hoạt động ngoài trời vận dụng văn hoá địa phương tại một trường mầm non ở tỉnh Kon Tum
Dưới đây là một số cách mà nhà trường và giáo viên mầm non có thể bắt đầu với một số phương pháp như sau:
- Thành lập các nhóm làm việc giữa phụ huynh và giáo viên nhằm cùng nhau thu thập một số những tư liệu văn hóa địa phương để lưu giữ và sử dụng trong các giờ học. Các tư liệu này có thể là các trò chơi dân gian, câu chuyện cổ tích, đồ dùng hay tác phẩm nghệ thuật mang bản sắc văn hóa dân tộc của trẻ. Hoạt động của các nhóm phụ huynh – giáo viên này không chỉ dừng lại ở các buổi họp phụ huynh, mà còn là nơi phụ huynh và giáo viên có sự trao đổi bình đẳng về những kiến thức văn hóa địa phương phù hợp với độ tuổi và hiểu biết của trẻ.
Video đang HOT
Cô giáo và phụ huynh ở tỉnh Kon Tum đã cùng tổ chức một chuyến tham quan và tìm hiểu nghề đan lát tại địa phương, thu thập hình ảnh để sử dụng cho các hoạt động giảng dạy
- Thảo luận cùng trẻ về các vấn đề và các hoạt động xung quanh cuộc sống hàng ngày của trẻ, như: ẩm thực, các công cụ lao động, tầm quan trọng của các trang phục và nhạc cụ truyền thống trong những dịp nhất định, cách trẻ xưng hô với người lớn tuổi, cách trẻ gọt trái cây… Thông qua các hoạt động này, trẻ sẽ có thể phát triển được vốn từ vựng Tiếng Việt một cách tự nhiên.
- Giáo viên có thể tự suy ngẫm về việc các tác phẩm nghệ thuật, đồ dùng dạy học trong lớp có phản ánh đúng cuộc sống và văn hóa của trẻ không hay lớp học chỉ được trang trí bởi những hình ảnh rập khuôn, những đồ chơi mua sẵn được mua từ cửa hàng? Trẻ có thực sự được chơi hay khám phá những đồ dùng dạy và học được giáo viên và phụ huynh chuẩn bị trong lớp học không hay những đồ dùng đó chỉ phục vụ trang trí lớp học?
- Nhà trường có thể tổ chức và duy trì các buổi sinh hoạt chuyên môn định kỳ nhằm tạo ra không gian cởi mở cho giáo viên học tập lẫn nhau, chia sẻ kiến thức và thực hành về việc mang văn hóa địa phương vào trong môi trường lớp học, điều chỉnh nội dung một chủ đề hoặc một bài học cụ thể theo hướng phù hợp với văn hóa địa phương.
Cô giáo T.T.N – trường mầm non Sơn Thành, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ sau khi tham gia tập huấn cùng Tổ chức VVOB: “Lớp tôi là lớp ghép 3 độ tuổi, trong đó có hơn 10 cháu là 3,4 tuổi mới ra lớp nên nhiều cháu rất nhút nhát, rụt rè và ngại giao tiếp, để cho trẻ có cảm giác thân thuộc về môi trường xung quanh tại trường lớp , tôi trang trí và sử dụng những đồ dùng gần gũi với trẻ ở nhà như: gùi, cuốc, xẻng, liềm…và một số loại nông sản như: lúa, ngô, sắn, mía… Khi nhìn thấy những hình ảnh, đồ vật quen thuộc, trẻ cũng sẽ không cảm thấy bị lạ lẫm mà còn bị thu hút vào các hoạt động. Và thông qua các hoạt động với những đồ vật quen thuộc đó, trẻ sẽ dần dần học được tiếng Việt dựa trên vốn kiến thức mà trẻ đã có sẵn về các đồ vật đó, bằng tiếng mẹ đẻ của trẻ.”
Trong bài viết tới, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu hơn về cách tạo môi trường tương tác giàu ngôn ngữ cho trẻ, mà ở đó việc vận dụng văn hoá địa phương cũng là một đóng góp quan trọng trong việc giúp trẻ cảm thấy thoải mái và an toàn.
VVOB là tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào năm 1982, tập trung vào lĩnh vực Giáo dục và bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1992. Mục tiêu chính của VVOB là cải thiện chất lượng, hiệu suất và hiệu quả của giáo dục một cách bền vững tại các nước đang phát triển. Trong thời gian gần đây, VVOB triển khai 3 dự án và chương trình trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam:
- Dự án giáo dục mầm non quan tâm đến giới (GENTLE) được triển khai bởi VVOB và CGFED tại 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi (Chương trình vừa kết thúc vào ngày 31/5/2021).
- Chương trình “Giảm thiểu rào cản đối với hoạt động học tập của trẻ mầm non tại các huyện khó khăn và có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống (BAMI)” tại 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum.
- Chương trình Lồng ghép các hoạt động học thông qua chơi cho học sinh Việt Nam (iPLAY) tại các tỉnh: Thái Nguyên, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Hồ Chí Minh, Lai Châu, Hà Giang và Thanh Hóa.
20 năm đi "xóa rào" ngôn ngữ
Trên trùng điệp núi rừng của xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà (Kon Tum) là bản làng của 8 dân tộc anh em.
Sau rào cản ngôn ngữ, học sinh đã tự tin hơn trong các hoạt động và tích cực học tập.
Hơn 20 năm giảng dạy ở đây, cô Nguyễn Thị Thủy đã không ngừng tìm cách xóa bỏ rào cản ngôn ngữ để mang đến môi trường giáo dục bình đẳng cho trẻ em.
Trống rỗng ở Đăk Ui
Năm 2000, cô Thủy bén duyên với nghề gõ đầu trẻ ở Trường Mẫu giáo Đăk Ui. Nơi đây với 77% dân cư thuộc dân tộc thiểu số. Khác biệt ngôn ngữ là rào cản mà cô trăn trở.
Cảm xúc về lần đầu tiên đứng lớp và tiếp xúc với trẻ dân tộc thiểu số cô Thủy vẫn không thể quên: "Tôi được nhà trường phân công dạy lớp mẫu giáo ghép cho trẻ 4 và 5 tuổi. Lớp có 36 học sinh, cách điểm trường chính 3km. Trẻ không hiểu tiếng Việt và nhút nhát, tránh tới gần cô giáo. Tôi lại không hiểu tiếng của trẻ. Mọi thứ trở nên trống rỗng có phần xa lạ"...
Chưa dừng ở đó, khó khăn còn đến từ giao tiếp với cha mẹ các em. Nhiều phụ huynh hạn chế khả năng tiếng Việt. Vì vậy, việc phối hợp trong công tác giáo dục trẻ giữa gia đình và nhà trường gặp trở ngại đủ đường. Trăn trở suốt nhiều ngày, cô Thủy đã tìm đến một chị làm ở hội phụ nữ trong thôn giúp khắc phục vấn đề giao tiếp với trẻ.
"Trong các hoạt động ở lớp, tôi sẽ nói tiếng Việt, còn người hỗ trợ nói lại bằng tiếng địa phương để trẻ hiểu. Dần dần trẻ đã bắt đầu giao tiếp với tôi nhiều hơn. Sau đó, tôi lại nhờ những trẻ nói tiếng Việt tốt giải thích bằng tiếng địa phương những từ mà trẻ khác chưa biết. Đồng thời, khi nói với trẻ tôi kèm theo cử chỉ và hành động để trẻ dễ hình dung", cô Thủy chia sẻ.
Đối với phụ huynh, cô Thủy cũng đánh máy nội dung tuyên truyền lên giấy và kèm theo hình ảnh để phụ huynh dễ hiểu. Cô còn kết hợp nhờ những người có uy tín trong thôn như già làng, thôn trưởng bản cùng tuyên truyền về việc phối hợp giáo dục cho trẻ ở nhà.
Theo đó, cha mẹ các em cần quan tâm chăm sóc con về dinh dưỡng, vệ sinh, và nhắc nhở phụ huynh đưa trẻ đi học chuyên cần. Bên cạnh đó, cô Thủy tự mình chủ động học thêm tiếng dân tộc để dễ dàng trò chuyện với các em và phụ huynh hơn.
Giáo viên Trường Mẫu giáo Đăk Ui đã sáng tạo nhiều mô hình truyền thống vào các góc chơi trong lớp học.
Lo lắng vì những đứa trẻ vẫn tiếp tục được... sinh ra
Tuy đã phần nào khắc phục được những khó khăn về ngôn ngữ và văn hóa, cô Thủy vẫn trăn trở làm sao để giải quyết triệt để tình trạng này. Bởi hàng năm, nhiều trẻ em dân tộc thiểu số vẫn tiếp tục được sinh ra, nuôi lớn và đến trường. Vì vậy, cần thiết phải có được một phương án mang tính bền vững hơn. Đồng thời, phương pháp phải được lan tỏa tới nhiều giáo viên cùng thực hiện.
Năm 2017, cô Thủy và các cô giáo khác ở tỉnh Kon Tum được tiếp xúc với dự án "Giảm thiểu rào cản đối với hoạt động học tập của trẻ mầm non tại các huyện khó khăn có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống" (BAMI). Chương trình do Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla-măng, Vương quốc Bỉ (VVOB) triển khai.
Trong dự án này, các chuyên gia đã khảo sát, nghiên cứu và phát triển những phương pháp giáo dục nhằm giúp trẻ mầm non vượt qua rào cản ngôn ngữ đặc biệt đối với trẻ em dân tộc ít người khi học ngôn ngữ thứ hai là tiếng Việt. Cô Thủy cùng nhiều giáo viên khác đã được hướng dẫn cụ thể qua các buổi tập huấn để ứng dụng vào thực tế giảng dạy.
Chẳng hạn, thay vì chỉ giảng bài theo cách truyền thống, cô sẽ đặt câu hỏi rồi dành thời gian cho trẻ trả lời. Mặc dù lời nói của các em không được đầy đủ, hoặc trẻ chỉ trả lời thông qua sử dụng cử chỉ điệu bộ, nhưng cô sẽ nói lại cả câu mà trẻ muốn diễn đạt.
Từ những gì học được, cô Thủy cũng áp dụng văn hóa địa phương và các kỹ thuật tạo môi trường học tập giàu ngôn ngữ tại các góc chơi. Ngoài ra, để tạo môi trường gần gũi hơn cho trẻ, cô Thủy đã tận dụng thêm các vật liệu, bối cảnh từ đồ dùng gia đình như rổ, rá, cồng, chiêng... để dạy học. Bởi đây là những vật liệu gần gũi với đời sống hàng ngày của trẻ. Cô cũng sử dụng những câu chuyện từ cuộc sống thường ngày nghề đan lát truyền thống để dạy cho trẻ.
Nhờ đó, trẻ vận dụng những kiến thức đó vào kể chuyện sáng tạo, thiết kế các hoạt động giới thiệu sách, hoạt động mở rộng sau khi đọc truyện, đọc thơ diễn cảm... một cách dễ dàng. Sự đa dạng trong cách tổ chức các hoạt động học giúp trẻ cảm thấy hứng thú hơn khi tham gia vì những hoạt động này hoàn toàn dựa trên sở thích và sáng kiến của trẻ.
Học trò đã tự tin, vui vẻ và mạnh dạn hơn khi được xóa bỏ rào cản ngôn ngữ. Ảnh: VVOB
Hành trình đưa trẻ đến gần tiếng Việt
Thành công đầu tiên của cô Thủy xuất phát từ việc áp dụng các lý thuyết và thực hành mà cô học được. Từ đó, cô đã điều chỉnh phương pháp giảng dạy và quan sát trẻ trên nền tảng khoa học hơn.
"Sau gần 2 năm tham gia, tôi hiểu hơn về quá trình phát triển ngôn ngữ ở trẻ mầm non. Tôi điều chỉnh phương pháp giảng dạy truyền thống và tìm cách đặt câu hỏi khác nhau để kích thích trẻ suy nghĩ trả lời. Tôi cũng tập trung vào việc sử dụng đa dạng các câu hỏi khác nhau. Ví dụ câu hỏi mở, câu hỏi trải nghiệm, câu hỏi đối lập khi giao tiếp với trẻ. Đặc biệt, tôi kiên nhẫn chờ đợi câu trả lời của các em sau khi đặt câu hỏi. Tôi nhận ra rằng dạy tiếng Việt cho trẻ không chỉ giới hạn ở trong môi trường lớp học mà còn có thể diễn ra ở mọi lúc mọi nơi. Quan trọng là giáo viên phải tạo môi trường học tập giàu ngôn ngữ để kích thích trẻ trò chuyện, trao đổi cùng nhau", cô Thủy chia sẻ.
Suốt nhiều năm theo đuổi hành trình cùng các bé đến gần hơn với tiếng Việt, cô Thủy đã gặp không ít những câu chuyện đáng nhớ. Nổi bật là một trải nghiệm đầy thử thách trong năm học 2019 - 2020. Lúc này, cô dạy lớp mẫu giáo ghép 4, 5 tuổi ở thôn 5b. Ngày đầu đến lớp, cô thấy có một cháu bé nhỏ con tên là Y Phi rất nhút nhát, cứ trốn sau lưng bạn.
Cô để ý thấy cháu rất sợ không dám nhìn thẳng vào mặt cô mà chỉ nhìn lén, cũng không nói chuyện với các bạn trong lớp. Cháu chỉ nói chuyện với bạn Y Chun Hiêng. Không chỉ riêng ngôn ngữ, mà trẻ còn gặp rào cản lớn về tâm lý khi đến trường.
Học sinh trường mẫu giáo Đak Ui vui vẻ đến trường.
"Tôi suy nghĩ mình phải có cách gì để trẻ nói và tham gia các hoạt động trong lớp, chứ cứ như thế này thì không ổn", cô kể. Ngày tiếp theo đến lớp, cô tới ngồi gần trẻ và hỏi chuyện nhưng trẻ không trả lời. Những ngày sau đó, cô đã cố tình làm quen, khen trẻ và nói chuyện với trẻ nhiều hơn, nhưng cũng không có kết quả...
Cô Thuỷ chia sẻ: "Nếu theo cách hiểu trước đây, tôi cần phải động viên nói càng nhiều càng tốt, đặc biệt là đề nghị tập trung học nói tiếng Việt thay vì nói tiếng mẹ đẻ. Nhưng dựa trên những kiến thức mới học được, tôi hiểu rằng, đây là một giai đoạn phát triển ngôn ngữ bình thường đối với mỗi trẻ chỉ tiếp xúc với tiếng Việt khi đến trường. Mặc dù, trẻ nhút nhát và không nói nhiều nhưng trẻ vẫn đang tiếp thu ngôn ngữ mới".
Ở thời điểm này, cô Thủy đã tập trung vào việc tạo cảm giác thoải mái để trẻ cảm thấy an toàn, thân thiện, được yêu thương, che chở như ở nhà. Khi trẻ cảm thấy an toàn, thoải mái trong môi trường lớp học, cô bắt đầu tương tác nhiều hơn với trẻ thông qua trò chuyện, hỏi han, kể chuyện... ở mọi thời điểm.
Trong khi giao tiếp với trẻ, cô cũng diễn tả điều mình muốn nói bằng lời nói và cả bằng ngôn ngữ cơ thể, điệu bộ, các cử chỉ, khuôn mặt... để giúp trẻ hiểu. Dần dần, trẻ bắt chước các từ vựng, các câu ngắn mà cô đã sử dụng một cách tự nhiên. Khi trẻ tiến bộ, cô Thủy cũng áp dụng nhiều phương pháp và kỹ thuật khác nhau để kích thích tương tác ngôn ngữ với các em.
Bằng sự kiên nhẫn và áp dụng nhiều phương pháp tạo môi trường giàu ngôn ngữ, cô Thủy đã có được thành quả tuyệt vời khi giúp trẻ vượt qua rào cản ngôn ngữ và tâm lý nhút nhát. Giờ đây, học trò của cô ngày ngày líu lo ca hát. Tiếng các em trong veo vang vọng trên bản làng. Mỗi ngày đến trường, những khuôn mặt sáng tự tin vào lớp khiến các cô giáo có thêm động lực để tiếp tục sự nghiệp. Đây chính là điểm sáng trong công tác giáo dục dạy trẻ vùng khó tại Kon Tum.
Gắn bó với miền núi nhiều năm, khi có cơ hội chuyển về xuôi làm việc, cô Thủy không nỡ. Cô Thủy hiểu rằng, xóa bỏ rào cản ngôn ngữ là nỗ lực của mỗi giáo viên khi đến với học sinh vùng khó. Để từ đó, việc học tập, sinh hoạt của cô và trò trở nên gần gũi hơn, trẻ tiến bộ hơn và sẵn sàng với tương lai tươi sáng.
"Đăk Ui có thể là một ngôi trường xa xôi, hẻo lánh, nhưng đối với tôi, nơi đây chỉ xa về địa giới hành chính, chứ không xa trong tâm trí", cô Thủy chia sẻ.
Việc mang văn hóa địa phương vào lớp học cũng như các hoạt động sẽ tạo môi trường cho trẻ dễ học và phát huy vốn tiếng Việt. Trẻ sẽ học được các từ mới thông qua các hoạt động, tương tác với cô cũng như với các đồ vật thân thuộc với trẻ. Cá nhân tôi cũng khuyến khích phụ huynh tổ chức các hoạt động chơi, tương tác với trẻ ở nhà, dựa trên các trò chơi, câu chuyện văn hóa dân gian tại địa phương. - Cô Nguyễn Thị Thủy
Nặng lòng với 'tiếng Việt xa xứ' TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh từng được nhiều người biết đến khi bà sáng lập Câu lạc bộ "Đọc sách cùng con" duy trì 11 năm qua và mới đây, bà được tạp chí Forbes bình chọn là 1 trong 20 phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng năm 2021. Trường phù thủy Stuttgart tại Stuttgart (Đức) - Ảnh: NVCC Nhưng, ít...