Sốt xuất huyết tăng nhanh, đã có 6 trường hợp tử vong
Hiện nay, dịch sốt xuất huyết tăng nhanh và xuất hiện tại hầu hết các tỉnh thành, cả nước đã ghi nhận 87.806 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 6 trường hợp tử vong.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, cả nước đã ghi nhận 87.806 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 3,1 lần so với cùng kỳ năm 2018), trong đó có 6 trường hợp tử vong tại Bình Phước, Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Bình, Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, trong 5 tuần gần đây số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh tại 34 tỉnh, thành phố của các khu vực như miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam.
Sốt xuất huyết tăng nhanh tại 34 tỉnh, thành phố. Nguồn: TTXVN
Bộ Y tế đưa ra nhận định, hiện nay đang là cao điểm sốt xuất huyết hàng năm, nguy cơ số mắc bệnh tăng cao trong thời gian tới nếu không chủ động phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch và triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy, tình hình sốt xuất huyết trên thế giới cũng đang diễn biến phức tạp, gia tăng tại nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Cụ thể, báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới cập nhật đầu tháng 7 này cho thấy, dịch bệnh sốt xuất huyết ghi nhận số ca mắc cao tại nhiều quốc gia như: Philippines ghi nhận 92.267 ca mắc; Malaysia ghi nhận 62.421 ca mắc, tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2018; Lào, Campuchia, Singapore… cũng ghi nhận số ca mắc hằng tuần tăng, dự đoán tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và gia tăng trong thời gian tới.
Video đang HOT
Cục Y tế dự phòng nhận định, số ca sốt xuất huyết tăng cao là do điều kiện thời tiết nắng nóng liên tục kéo dài xen lẫn các đợt mưa là môi trường rất thuận lợi cho muỗi truyền bệnh và loăng quăng phát triển. Cùng với đó, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều công trường xây dựng, đất bỏ hoang, nhà trọ, lán trại… là môi trường thuận lợi cho muỗi và loăng quăng truyền bệnh phát triển và khó kiểm soát triệt để.
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh. Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh như:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng;
- Hằng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt côn trùng vào bát nước kê chân chạn…
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày;
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch…
Minh Tâm
Theo baonhandao
Bộ Y tế chỉ đạo khẩn về điều trị sốt xuất huyết
Tính tới nay, cả nước đã có 87.806 ca sốt xuất huyết, trong đó có 6 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2018, số mắc tăng 3,1 lần và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên.
Vì thế, ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã ký công văn khẩn yêu cầu các bệnh viện, sở y tế và y tế các bộ, ngành tăng cường điều trị sốt xuất huyết.
Bệnh nhi mắc sốt xuất huyết (Ảnh minh họa)
Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện, sở y tế và y tế các bộ, ngành thực hiện ngay 8 điều để nâng cao chất hiệu quả điều trị, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh sốt xuất huyết:
Một là, rà soát, điều chỉnh lại các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, tiêu chí phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh sốt xuất huyết cho phù hợp với tình hình dịch; tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh đến khám, khám lại.
Hai là, tư vấn, giải thích cho người bệnh hiểu để an tâm điều trị đúng tuyến, hạn chế quá tải các tuyến, không để người bệnh nằm ghép. Khi sức khỏe người bệnh ổn định, các nhân viên y tế cần tư vấn, giải thích để chuyển người bệnh về tuyến dưới để theo dõi, chăm sóc
Ba là, tăng cường việc theo dõi người bệnh sốt xuất huyết tại cơ sở khám, chữa bệnh trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời các ca bệnh có diễn biến nặng lên. Đồng thời, các cơ sở phải ghi chép hồ sơ bệnh án đầy đủ, chi tiết.
Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết
Bốn là, tăng cường củng cố và duy trì hoạt động của "Nhóm điều trị sốt xuất huyết" và "Đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch sốt xuất huyết" tại các đơn vị khám, chữa bệnh để thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết.
Năm là, bảo đảm việc đáp ứng đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, các lưu đồ xử trí để cấp cứu người bệnh...
Sáu là, Sở Y tế các tỉnh giao nhiệm vụ, phân công, điều phối kinh phí cho bệnh viện đa khoa và bệnh viện nhi, sản nhi để các bệnh viện này trực tiếp tập huấn, hướng dẫn và hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong địa bàn.
Bảy là, các bệnh viện gồm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, Nhi T.Ư, Bệnh viện đa khoa T.Ư Huế, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh tích cực, chủ động tập huấn, chỉ đạo tuyến, điều chỉnh các quy trình tiếp nhận, xử lý, theo dõi, điều trị phù hợp với tình hình của từng bệnh viện. Đồng thời, hỗ trợ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới theo khu vực đã được Bộ trưởng Bộ Y tế phân công. Các bệnh viện phải tổng hợp các trường hợp tử vong, phân tích nguyên nhân, rút kinh nghiệm, phổ biến kịp thời nhằm hạn chế tối đa các ca người bệnh thiệt mạng.
Tám là, thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, phun, diệt muỗi, phòng muỗi đốt cho người bệnh và người nhà người bệnh và nghiêm túc thực hiện việc báo cáo dịch theo quy định.
Theo viettimes
Một thanh niên ở Bình Phước tử vong do sốt xuất huyết Vừa có một thanh niên sinh sống ở huyện biên giới Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, giáp Vương quốc Campuchia tử vong do sốt xuất huyết sau hơn nửa tháng nhập viện điều trị. Ngày 11-7, bác sĩ Nguyễn Văn Sáu - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước - cho hay vừa có một trường hợp tử...