SOHR: Hơn 380.000 người chết trong gần 9 năm chiến tranh ở Syria
Báo cáo mới SOHR nêu rõ trong số hơn 380.000 người chết có hơn 115.000 dân thường thiệt mạng bao gồm 22.000 trẻ em và 13.612 phụ nữ.
Người tị nạn Syria tại thị trấn Dana, Đông Bắc Syria ngày 23/12/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn báo cáo của Cơ quan Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) công bố hôm 4/1 cho biết hơn 380.000 người đã thiệt mạng trong cuộc chiến tranh kéo dài 9 năm qua ở Syria, trong đó có hơn 115.000 dân thường.
Cụ thể, báo cáo mới SOHR nêu rõ trong số hơn 115.000 dân thường thiệt mạng có 22.000 trẻ em và 13.612 phụ nữ.
Ngoài ra, hơn 128.100 binh sỹ quân đội Syria, các thành viên của các nhóm dân quân Syria và binh sỹ của liên minh nước ngoài đã thiệt mạng trong chiến tranh kể từ năm 2011.
Trong số các thành viên dân quân thiệt mạng bao gồm 1.682 tay súng Hezbollah của Liban.
Cùng với đó, hơn 69.100 chiến binh nổi dậy và phe đối lập cũng như các chiến binh người Kurd, và hơn 67.000 thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Hayat Tahrir al-Cham (HTS), một nhánh cũ của mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda ở Syria và các nhóm thánh chiến khác, đã thiệt mạng trong cuộc chiến này.
Trong báo cáo thương vong công bố hồi tháng 3/2018, SOHR, có trụ sở tại Anh, cho biết có 370.000 thiệt mạng trong cuộc chiến tại Syria.
Khởi phát từ các cuộc biểu tình chống chính phủ tại thành phố Daraa từ tháng 3/2011, cuộc xung đột sau đó diễn biến phức tạp hơn với sự tham gia của các nhóm thánh chiến và các thế lực nước ngoài.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cục diện Syria đã có nhiều thay đổi khi lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad đã giành lại khoảng 2/3 lãnh thổ nhờ sự hỗ trợ quân sự của Nga.
Hiện một số khu vực vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền Damacus như tỉnh Idlib với khoảng 3 triệu dân do nhóm phiến quân Hồi giáo HTS chiếm đóng.
Video đang HOT
Ở miền Đông Bắc Syria, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng ủy nhiệm vẫn kiểm soát một dải rộng lớn dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Ankara giành quyền kiểm soát khu vực từ các tay súng người Kurd hồi cuối năm 2019.
Các lực lượng do người Kurd đứng đầu kiểm soát vùng viễn Đông, khu vực mà Mỹ mới triển khai binh lính gần các giếng dầu lớn.
Xung đột khiến khoảng 13 triệu người Syria phải rời bỏ nhà cửa hoặc lưu đày và hủy hoại khối tài sản trị giá hàng tỷ USD.Ước tính, chiến sự khiến kinh tế Syria tụt hậu 3 thập kỷ, phá hủy các cơ sở hạ tầng, gián đoạn hoạt động sản xuất năng lượng và dầu mỏ./.
Theo Tấn Đạt (TTXVN/Vietnamplus.vn )
Nước mắt người Kurd
Chỉ có 1.000 quân, số lượng không phải là lớn nếu chiến tranh nổ ra nhưng quyết định của Tổng thống Donald Trump rút 1.000 quân Mỹ này ra khỏi vùng Đông Bắc Syria đã làm rúng động thế giới, dẫn tới những hệ lụy cực kỳ nghiêm trọng mà một trong số đó là chiến dịch tấn công vượt biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào các lực lượng người Kurd ở Syria.
Trong thời gian qua, 1.000 lính đặc nhiệm Mỹ vẫn hoạt động ở vùng Đông Bắc Syria, nơi đang diễn ra cuộc thư hùng của các lực lượng quân sự khác nhau, mỗi bên đều có đồng minh và kẻ thù riêng, có những lợi ích và mục tiêu riêng nên chưa bao giờ thực sự đoàn kết vì một mục tiêu chung nào đó.
Không có kẻ thù hay đồng minh nào là vĩnh viễn
Trong cái mạng nhện chằng chịt của những mâu thuẫn lợi ích ấy, không có kẻ thù hay đồng minh nào là vĩnh viễn. Nổi bật trong số này có Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) được Mỹ hậu thuẫn. Mỹ hậu thuẫn SDF nhằm mục tiêu vừa để chống chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al Assad, vừa để chiến với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, một trong những kẻ thù nguy hiểm nhất của Mỹ và phần còn lại của thế giới.
Nhưng nòng cốt của SDF lại là các đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), lực lượng chính đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giúp các lực lượng của Mỹ cơ bản xóa sổ IS ở địa bàn Đông Bắc Syia. Có nghĩa YPG là một đồng minh chủ chốt của Mỹ trong cuộc chiến chống IS.
Oái oăm nằm ở chỗ YPG lại là kẻ thù bất cộng đái thiên của... Thổ Nhĩ Kỳ, cũng là một đồng minh trong NATO của Mỹ! Thổ Nhĩ Kỳ luôn coi YPG là một nhánh của đảng Công nhân người Kurd, vốn bị Ankara lâu nay liệt vào danh sách "tổ chức khủng bố" bởi lẽ mục tiêu của tổ chức này hướng tới là thiết lập một khu vực tự trị cho người Kurd ở vùng biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ (và một số nước khác).
Vì là lãnh thổ của Syria nên hiển nhiên ở vùng Đông Bắc này cũng có sự hiện diện của... quân Chính phủ Syria cùng lực lượng đồng minh của họ là Nga, sau khi Nga chính thức can thiệp quân sự vào Syria vào năm 2015. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cũng không đơn độc ở vùng này. Quân đội Quốc gia Syria (SNA) là một nhóm nổi dậy chống chính quyền Tổng thống Bashar al Assad, với thành phần cơ bản là Quân đội Syria Tự do (FSA). Đây là lực lượng ủy nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria, bị quân chính phủ phối hợp với Nga đánh dẹp, phải lùi về tỉnh Idlib và phía Bắc Aleppo sau năm 2015.
Thành viên của Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) tại Raqqa, Syria. Ảnh: L.G.
Và dù cho Mỹ tuyên bố đã đánh bại IS nhưng lực lượng này không hoàn toàn bị xóa sổ mà vẫn còn các nhóm lẻ tẻ len lỏi ở khu vực Đông Bắc Syria, chỉ chờ cơ hội thuận lợi là tìm lại vị thế đã mất của mình.
Trong mớ hầm bà lằng của những lực lượng cùng với các lợi ích chồng chéo đan xen đó, sự hiện diện của 1.000 quân đặc nhiệm Mỹ ở Đông Bắc giống như một chiếc nút gắn xi chắc chắn, bảo đảm bít kín chiếc bình Pandora, không để đổ ộc ra những bất hạnh! Nhưng với việc Tổng thống Trump quyết định rút toàn bộ quân Mỹ khỏi khu vực Đông Bắc Syria, nút của chiếc bình Pandora đã được mở! Ông Trump tuyên bố rút quân hôm trước, hôm sau, các đơn vị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ lập tức phát động tấn công vượt biên giới vào Syria.
Chuyển hướng liên tục
Hành động tấn công quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào khu vực lãnh thổ Đông Bắc Syria thật ra là hệ quả của hàng loạt những chuyển hướng chính sách mà Ankara liên tục đưa ra đối với chính quyền của Tổng thống Bashar al Assad.
Vốn từng là một đồng minh thân thiết với Damascus, khi những cuộc nổi dậy chống chính quyền Syria nổ ra năm 2011, Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ quay sang vũ trang cho các nhóm vũ trang Hồi giáo chống lại Damascus. Trong số này có các nhóm dân quân người Kurd. Đồng thời, trong thời gian đó, Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa biên giới, tiếp nhận tổng cộng tới 3,6 triệu người tị nạn Syria chạy trốn khỏi chiến tranh.
Thế nhưng, song song với cuộc chiến chống chính quyền Tổng thống Bashar al Assad (và cả IS), các lực lượng người Kurd chưa bao giờ từ bỏ mục tiêu chính yếu: thiết lập một khu vực tự trị của người Kurd trên khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Đó cũng là mối lo trong tâm can của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cùng đảng Công lý và Phát triển, vốn đã bị mất thế đa số trong quốc hội vào năm 2015 do thành công bất ngờ của một đảng đại diện cho cộng đồng người Kurd. Thế nên, gió lập tức xoay chiều. Ưu tiên hàng đầu là bằng mọi cách ngăn chặn những nỗ lực của người Kurd nhằm thiết lập quyền tự trị ở khu vực trải rộng từ miền Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ sang miền Bắc Syria.
Năm 2016, các lực lượng do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn quay sang tấn công quân chống Chính phủ Syria, tạo điều kiện để lực lượng của Tổng thống Bashar al Assad tái chiếm Aleppo, thành trì của quân nổi dậy. Sang năm 2017, Ankara gần như hợp tác hoàn toàn với chính quyền của Tổng thống Bashar al Assad. Thổ Nhĩ Kỳ phối hợp với Nga và Iran thống nhất lập ra một số vùng gọi là "khu vực an toàn", nơi cả quân chính phủ và phe đối lập phải thực thi các lệnh ngừng bắn có giới hạn...
Quyết định rút quân của Tổng thống Trump chính là cú "bật đèn xanh" để Tổng thống Recep Erdogan nhanh chóng xuống tay với người Kurd ở Syria bằng một chiến dịch quân sự nhanh, mạnh, bạo liệt, dù biết chắc sẽ vấp phải sự phản đối của đa số cộng đồng quốc tế. Mục tiêu lớn nhất là tiêu hao sinh lực của các lực lượng người Kurd, không để các lực lượng này có cơ hội thực hiện giấc mơ tự trị.
Mục tiêu thứ hai, kín đáo hơn, là đẩy lùi các lực lượng người Kurd vào sâu trong nội địa Syria, thiết lập một "vùng đệm" dài 300 dặm, rộng 20 dặm dọc biên giới bên trong lãnh thổ Syria nhưng do Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn kiểm soát. Công dụng của "vùng đệm" này là gì? Đó chính là một "lãnh thổ" đặc biệt để Thổ Nhĩ Kỳ tái định cư lại phần lớn trong số 3,6 triệu người tị nạn Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận từ trước đến nay.
Gánh nặng của số lượng lớn người nhập cư này đã tỏ ra là quá sức đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ và ông Recep Erdogan không muốn mạo hiểm để nó ảnh hưởng đến các kết quả bầu cử trong tương lai đối với mình cùng đảng Công lý và Phát triển.
Lựa chọn của ông Trump
Bất ngờ quyết định rút quân khỏi Syria, Tổng thống Trump cũng chẳng dễ chịu gì khi bị nhiều thành viên của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ phản đối, nhiều đồng minh lên án. Tuy nhiên, về thực chất, nó vẫn là sự tiếp nối không thể tránh khỏi của chính sách "Nước Mỹ trên hết" mà ông Trump theo đuổi từ lâu.
Với sự ủng hộ của Nga, các lực lượng của Tổng thống Bashar al Assad đã kiểm soát được hầu hết lãnh thổ Syria nên việc để lại một nhúm quân Mỹ ở nước này hầu như không có một ý nghĩa chiến lược nào. Khi lực lượng vũ trang người Kurd do Mỹ hậu thuẫn đã không giữ được khu vực phía Bắc Syria thì giờ đây, Syria đã trở thành một gánh nặng. Rút quân ra khỏi Syria nằm trong chiến lược dài hạn nhằm rút chân Mỹ ra khỏi cục diện hỗn loạn ở Trung Đông.
Lực lượng Mỹ bắt đầu rút quân khỏi căn cứ lớn nhất của họ ở miền Bắc Syria hôm 20-10. Ảnh: L.G.
Để giải quyết những mâu thuẫn lớn và gặt hái những lợi ích chiến lược, đảm bảo an ninh cho nước Mỹ, sở trường của ông Trump là các đòn thế kinh tế, thương mại, những cuộc đàm phán cân não mà ông nghĩ mình là bậc thầy, chứ không phải là những cuộc động binh lớn.
Người Kurd là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống IS nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cũng là đồng minh trong NATO. Bất chấp những xung khắc trong vụ Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, vụ Mỹ không chịu dẫn độ giáo sĩ Gulen, bị coi là "chủ mưu" vụ đảo chính hụt ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7-2016..., giá trị của Thổ Nhĩ Kỳ như một đồng minh NATO chiến lược đối với Mỹ vẫn lớn hơn nhiều so với người Kurd. Khi bị đặt vào tình thế phải lựa chọn, ông Trump chọn Thổ Nhĩ Kỳ!
"Người Kurd không có bạn bè nào ngoại trừ những ngọn núi"
Nghe tin bị Mỹ "thí tốt", nhiều người Kurd ở Syria đã rơi nước mắt. "Người Kurd không có bạn bè nào ngoại trừ những ngọn núi" - câu châm ngôn ấy lại một lần nữa ứng vào người Kurd Syria. Cuối cùng, trong toàn bộ ván cờ đẫm máu ở Syria nói riêng và vùng Trung Đông này, nếu có một "nạn nhân" phải rơi nước mắt vì bị phản bội thì đó chính là người Kurd. Chính xác hơn là các lực lượng người Kurd mơ giấc mơ lập quốc hay tự trị.
Chính giấc mơ xa vời đó đã khiến cho người Kurd liên tục bị lợi dụng rồi bỏ rơi. Trong cả Chiến tranh thế giới thứ nhất và Chiến tranh thế giới thứ hai, phương Tây đã lợi dụng người Kurd để đạt được lợi ích của mình rồi bỏ rơi một cách tàn nhẫn.
Khi tạo dựng liên minh với Mỹ cách đây vài năm, người Kurd hẳn là không phải không biết về những bài học trong lịch sử. Chỉ có điều là họ không có lựa chọn nào khác. Giờ đây, khi mục tiêu sử dụng người Kurd chống IS đã hoàn thành, đối với Mỹ, giá trị của họ không còn bao nhiêu nữa. Số phận của họ lại một lần nữa bị gạt sang bên lề của cuộc chơi chiến lược giữa các cường quốc...
Yên Ba
Theo cand.com.vn
Quân đội Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đụng độ Hãng tin nhà nước Syria, SANA, ngày 27-10 cho biết đã xảy ra đụng độ giữa quân đội Syria và lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng nông thôn xung quanh thị trấn Ras al-Ain. Theo hãng tin SANA, Ras al-Ain là thị trấn ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, thuộc miền Bắc Syria. Hãng tin này chỉ thông báo đã xảy ra...