So sánh điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin các ĐH phía Bắc
Trong những năm qua, ngành Công nghệ thông tin luôn dẫn đầu về điểm chuẩn ở hầu hết các trường đào tạo. Mức học phí tối thiểu của ngành học này là 12 triệu đồng/năm.
Ảnh minh họa
Với những trường thuộc khối kỹ thuật như Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Trường ĐH Công nghệ hay Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin luôn ở mức cao nhất trong số các ngành tuyển sinh, dao động từ 26 – 29 điểm.
Với Trường ĐH Kinh tế Quốc dân hay Trường ĐH Hà Nội, dù ngành Công nghệ thông tin không phải thế mạnh đào tạo, nhưng điểm chuẩn vẫn ở mức cao, đều trên 24 điểm.
Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội
Năm 2020, điểm chuẩn ngành Khoa học máy tính thuộc nhóm ngành Công nghệ thông tin là ngành học có điểm chuẩn cao nhất Trường ĐH Bách khoa Hà Nội với 29,04 điểm. Năm 2018, mức điểm chuẩn vào ngành này là 27,42 – cũng là ngành có điểm chuẩn cao nhất vào trường.
Xếp sau đó là ngành Kỹ thuật máy tính cũng thuộc nhóm ngành Công nghệ thông tin với 28,65 điểm.
Đây cũng là ngôi trường có điểm chuẩn nhóm ngành Công nghệ thông tin cao nhất cả nước.
Học phí chương trình đào tạo chuẩn của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dao động từ 22 – 28 triệu/năm
Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội
Công nghệ thông tin cũng là ngành có mức điểm chuẩn cao nhất tại Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội với mức điểm 28,1. Nhóm ngành này còn bao gồm ngành Công nghệ thông tin định hướng thị trường Nhật Bản, cũng lấy mức điểm 28,1. Học phí cho các ngành đào tạo của hệ chuẩn này là 1,17 triệu/ tháng.
Đối với nhóm ngành Công nghệ thôn tin chất lượng cao, trường có 4 ngành bao gồm Khoa học Máy tính, Hệ thống thông tin, Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu với mức điểm chuẩn chung là 27 trong năm 2020. Đối với ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử – viễn thông có điểm chuẩn là 26.
Video đang HOT
Học phí đối với chương trình đào tạo chất lượng cao là 35 triệu/năm và được giữ ổn định trong toàn khóa học.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
Là một trong những trường đào tạo Công nghệ thông tin nổi tiếng cả nước, vì thế, ngành Công nghệ thông tin tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông luôn có mức điểm chuẩn cao nhất vào trường. Năm 2020, điểm chuẩn ngành này là 26,65 điểm tại cơ sở phía Bắc và 25,1 điểm tại cơ sở phía Nam.
Mức học phí theo học tại trường trong năm học 2021 – 2022 trung bình từ 19,5 – 21 triệu đồng/ năm tùy từng ngành học.
Trường ĐH Giao thông Vận tải
Năm 2020, Công nghệ thông tin là ngành học có mức điểm chuẩn cao thứ hai của Trường ĐH Giao thông Vận tải với 24,75 điểm, chỉ xếp sau ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng với 25 điểm.
Điểm chuẩn cao nhất ngành Công nghệ thông tin của một số trường phía Bắc năm 2020
Trường ĐH Xây dựng Hà Nội
Năm 2020, ngành Công nghệ thông tin của Trường ĐH Xây dựng lấy điểm chuẩn cao nhất là 24,25, xếp ngay sau đó là Khoa học Máy tính với 23 điểm.
Trường ĐH Xây dựng cũng đưa ra mức học phí dự kiến đối với sinh viên chính quy nhập học năm 2021 khoảng 12 triệu/ năm học.
Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội
Năm 2020, ngành Công nghệ thông tin của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội lấy điểm chuẩn là 25,6 điểm. Trong khi đó, ngành Khoa học máy tính lấy 24,7 điểm, ngành Công nghệ kỹ thuật máy tính lấy 24 điểm, ngành Kỹ thuật phần mềm lấy 24,3 điểm.
Nhà trường cũng đưa ra mức học phí cho năm học 2021-2022 là 18,5 triệu/năm. Học phí năm học tiếp theo tăng không quá 10% so với năm học liền trước.
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân
Dù không phải ngành “hot” nhất của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nhưng mức điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin của trường này tương đối cao, với 26,6 điểm. Ngoài ra, Trường ĐH Kinh tế quốc dân còn có ngành Khoa học máy tính với điểm chuẩn là 26,4.
Mức học phí chương trình chuẩn của trường năm 2021 – 2022 từ 15 – 20 triệu/ năm, tùy từng ngành học. Riêng với các chương trình đặc thù, mức học phí từ 40 – 60 triệu/ năm.
Trường ĐH Hà Nội
Năm 2020, mức điểm chuẩn vào ngành Công nghệ thông tin của Trường ĐH Hà Nội là 24,65 điểm và ngành Công nghệ thông tin chất lượng cao là 23,45 điểm. Việc dạy học hoàn toàn bằng tiếng Anh cũng khiến Trường ĐH Hà Nội thu hút sự quan tâm của nhiều thí sinh.
Ngoài ra, có một số trường điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin ở mức dưới 20 như Trường ĐH Điện Lực hay Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam,…
Muốn "đầu quân" ngành Công nghệ thông tin, thí sinh cần đạt 8 điểm Toán trở lên
Nhiều chuyên gia cho rằng, Công nghệ thông tin (CNTT) là một trong những ngành mũi nhọn góp phần mang đến sự phát triển vượt bậc về khoa học kỹ thuật. Chính vì vậy, nó đem đến cơ hội việc làm lớn với thu nhập cao.
Nếu để ý các thí sinh sẽ thấy phổ điểm các trường, ngành CNTT có điểm trúng tuyển khá cao, có những trường lấy điểm chuẩn ngành CNTT còn cao hơn cả ngành Y đa khoa.
Giỏi toán là một lợi thế khi theo học ngành Công nghệ thông tin.
Điển hình như điểm trúng tuyển năm 2020 của trường ĐH Bách khoa Hà Nội, điểm chuẩn những mã ngành cao nhất đều của Viện CNTT và truyền thông. Với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, điểm chuẩn ngành cao nhất là 29,04 điểm (ngành Khoa học máy tính). Trong khi đó ngành lấy điểm cao nhất của ĐH Y Hà Nội là Y đa khoa với 28,9 điểm.
Các ngành điểm chuẩn cao tiếp theo là Kỹ thuật máy tính (28,65); Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo chương trình tiên tiến 28,65; CNTT Global ICT 28,38.
Ngoài ra, những mã ngành khác trong nhóm ngành CNTT cũng đều có mức điểm chuẩn cao, khoảng 26 điểm trở lên.
Vậy lý do gì khiến những năm gần đây ngành CNTT trở nên hot như thế?
Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng ĐH Duy Tân thì một điều ai cũng nhận ra là thời gian qua chúng ta đã quen với khái niệm như chuyển đổi số hay cách mạng công nghiệp 4.0 mà nền tảng là lĩnh vực CNTT, trong đó nổi bật là trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn (big data).
Nhất là khi dịch bệnh Covid-19 ập đến, có những địa phương phải cách ly xã hội thì thứ kết nối mọi người an toàn lại là sản phẩm của CNTT.
Lĩnh vực CNTT đang phủ khắp các lĩnh vực trong đời sống từ việc gọi đồ ăn đến xe ôm công nghệ, các ứng dụng trên điện thoại hay các ứng dụng lớn hơn. Đó là chưa kể khối ngành về CNTT có cơ hội việc làm rất nhiều và lương rất cao khiến nó luôn thu hút thí sinh.
Để thành công khi ra trường trong lĩnh vực CNTT, sinh viên cần trang bị thêm nhiều kỹ năng bên cạnh kiến thức chuyên môn như: ngoại ngữ, giao tiếp, thực hiện dự án, cập nhật thông tin thời sự...
Nhiều người nhận định Toán - Tin là 2 yếu tố cơ bản của ngành CNTT. Điều đó dẫn tới nhiều thí sinh băn khoăn là: Học khối A (Toán, Lý, Hóa) không quá xuất sắc thì có thể đầu quân vào ngành CNTT không?
Về vấn đề này, ông Lê Tấn Hùng, Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo, Viện CNTT và truyền thông (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng muốn học được ngành CNTT người học cần phải có khả năng học nhất định về khoa học tự nhiên, cụ thể là 3 môn Toán, Lý, Hóa, đặc biệt là môn Toán.
"Hiện nay, tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, các chương trình đào tạo đi vào các hướng chuyên sâu, vì thế các vấn đề cần giải quyết khá phức tạp, nên người học cần phải học giỏi ở phổ thông thì việc học sau này ở ĐH mới không vất vả.
Học giỏi toán là một lợi thế khi học CNTT. Nếu sinh viên không giỏi toán thì không nên học CNTT, vì toán là minh chứng cho năng lực tư duy logic của người học.
Tuy nhiên, không cần toán quá cao siêu mà chỉ cần tạm gọi là giỏi (tức khoảng 8 điểm trở lên). Nhưng giỏi là giỏi tư duy, hiểu và nắm chắc kiến thức, chứ không phải giỏi theo kiểu "thợ giải bài tập". Nếu bạn có một nền tảng kiến thức toán vững thì việc học sẽ vui hơn", ông Hùng cho biết.
Hoặc cũng có một phương án khác là hiện nay các trường đào tạo theo học chế tín chỉ. Nếu sau 1 năm, thí sinh thấy không thể đi theo ngành CNTT vì đuối toán, nhiều trường cho phép các em chuyển ngành, thậm chí chuyển sang lĩnh vực khác, nếu điểm trúng tuyển bằng hoặc cao hơn ngành chuyển đến nên đó cũng là một lựa chọn cho thí sinh cơ hội thử sức.
9X Việt và 'cái gật đầu' của Facebook, Google sau 2 lần bị từ chối Học tập tại Việt Nam, từng "không làm bạn" với tiếng Anh, Lam cho rằng đó là rào cản lớn nhất trên hành trình cô đến với các công ty công nghệ hàng đầu như Facebook, Google, Amazon. Nhưng "nếu không thử thì sẽ chẳng bao giờ có cơ hội", sau 2 lần bị từ chối, Đỗ Thanh Lam (1997, Bà Rịa -...