Sinh viên học trực tuyến thời Covid-19: “Cái khó ló cái khôn”
Dịch Covid-19 phức tạp, một lần nữa quay trở lại “ giảng đường online”, nhiều sinh viên cảm thấy thoải mái nhưng một số khác lại thấy bất tiện vì một vài vấn đề nảy sinh.
Thuận tiện cho sinh viên
Chia sẻ về cảm xúc khi một lần nữa quay trở lại với hình thức học trực tuyến, Mai Thị Bích Phượng (sinh viên năm 3, trường Đại học Dược Hà Nội) cho biết: “Mình nhận thấy việc học online trong mùa dịch Covid-19 là rất hợp lý, giúp đảm bảo sự an toàn cho sức khỏe của sinh viên nói riêng và cộng đồng nói chung.
Phương pháp học này còn giúp mình tiết kiệm khá nhiều thời gian. Mình không cần phải dậy sớm vào mỗi buổi sáng để chuẩn bị quần áo, sách vở tới trường”.
Làm quen với những khóa học trực tuyến từ những ngày ôn thi đại học, Trần Thị Kim Ngân (sinh viên năm 2 trường Đại học Thương mại) tỏ ra vô cùng hào hứng khi được học tập bằng phương pháp này.
“Cá nhân mình rất thích học online bởi hình thức học này đem lại nhiều sự thuận tiện. Mỗi khi đến tiết học, mình chỉ cần chuẩn bị một góc nhỏ, kiểm tra lại webcam, mic, wifi là có thể học bài một cách thoải mái” – Ngân chia sẻ.
Một buổi học trực tuyến của sinh viên Mai Thị Bích Phượng.
Tự nhận bản thân là một người hơi lười ghi chép, Bùi Thị Hà Anh – sinh viên Đại học Bách Khoa cho rằng, phương pháp học trực tuyến giúp đỡ cô rất nhiều trong việc ghi lại kiến thức bởi sinh viên có thể xem lại bài giảng sau khi kết thúc buổi học.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thầy và trò không thể gặp nhau trực tiếp trên giảng đường, thì học trực tuyến được coi là phương án linh hoạt, tối ưu. Không chỉ giúp giảm thiểu khả năng lây lan của dịch bệnh, hình thức học này còn đem lại cho sinh viên một tâm thế thoải mái, đồng thời giúp các bạn hoàn thành chương trình học đúng hạn.
“Mình cảm thấy mệt mỏi khi phải nhìn vào màn hình máy tính liên tục”
Video đang HOT
Thừa nhận những lợi ích của việc học online, nhưng Hà Anh cũng cho rằng, phương pháp học tập này đôi khi còn gây ra những cảm xúc tiêu cực: “Điều dễ thấy nhất là vào những ngày phải học quá nhiều. Nếu như học ở trên lớp có thầy cô, bạn bè, tâm trạng mình cũng cảm thấy bớt nặng nề hơn.
Tuy nhiên, khi học trực tuyến, do không được giao tiếp cùng mọi người, cộng với việc phải nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính liên tục khiến mình mệt mỏi và vô cùng buồn chán”.
Tương tự, Đỗ Gia Thành – sinh viên năm 4 trường Đại học Giao thông vận tải chia sẻ, khi học online, anh dễ rơi vào trạng thái buồn ngủ, mất tập trung vì không có ai giám sát, nhắc nhở.
Sinh viên Mai Thị Bích Phượng cũng cho rằng, hình thức học trực tuyến vẫn còn tồn tại khá nhiều nhược điểm so với phương pháp học truyền thống. Điển hình là việc đường truyền thường xuyên bị lỗi, một số bạn tham gia lớp học mà không tắt mic khiến lẫn lộn tạp âm, gây ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình tiếp thu bài giảng.
“Đôi khi, mình còn có cảm giác căng thẳng khi phải thuyết trình online bởi mình không biết thầy cô, bạn bè có đang nghe được những điều mình truyền đạt hay không” – Phượng bày tỏ.
“Cái khó ló cái khôn”
Sinh viên Mai Thị Bích Phượng cho rằng, mặc dù còn tồn tại nhiều nhược điểm, nhưng nếu biết cách học đúng đắn, phương pháp học online vẫn sẽ mang lại cho các bạn sinh viên kết quả tích cực.
Để chuẩn bị tốt nhất cho việc học trực tuyến, Phượng đã chủ động tìm kiếm các tài liệu liên quan đến môn học, đồng thời tham khảo những chia sẻ của anh chị khóa trên để rút kinh nghiệm cho bản thân. “Những kỳ học online trước, kết quả học tập của mình đều rất ổn. Do đó, đối với mình, học bằng hình thức nào không quan trọng. Điều quan trọng nhất phụ thuộc vào ý thức tự giác của mỗi cá nhân”, Phượng chia sẻ.
Là một sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật hóa học, thường xuyên phải thực hành ở phòng thí nghiệm; tuy nhiên, học online khiến Hà Anh không thể đến trường. Nhưng “trong cái khó ló cái khôn”, Hà Anh và các bạn của mình đã nghĩ ra cách học rất thú vị khác: từ bài giảng của thầy cô, các bạn sẽ quan sát và thực hành ngay các cuộc thí nghiệm tại nhà.
Sau khi thu được kết quả, mọi người quay lại video và nhờ thầy cô nhận xét. “Bình thường mình hay lên phòng thí nghiệm nên những cuộc thí nghiệm tại gia thế này mới là lần đầu. Mình thấy khá là thú vị, như thể vừa học vừa chơi vậy” – Hà Anh nói.
Không thể đến trường, nhưng nhiều sinh viên vẫn tìm được cách học khác thú vị mà hiệu quả (Ảnh minh họa.)
Bí quyết “vàng” cho kỳ học online hiệu quả
Theo thầy Phạm Ngọc Thạch (giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam), kể từ khi nhà trường triển khai dạy online, nhiều sinh viên đã than thở không biết học sao cho đúng cách.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, thầy Thạch cho rằng, yếu tố tiên quyết tác động đến kết quả học tập của sinh viên chính là tinh thần tự giác. “Trong quá trình học trực tuyến, hầu hết các giảng viên đều gửi bài giảng cho sinh viên trước buổi học. Do đó, các bạn hãy chịu khó đọc trước tài liệu, ghi lại những ý chính để dễ hiểu bài hơn”.
Bên cạnh đó, thầy còn nhấn mạnh: “Không chỉ học trên lớp mới có thể làm bài tập nhóm. Việc tạo nhóm trên zalo hay messenger… cũng là một bí quyết giúp quá trình học trở nên thú vị hơn.
Hình thức học nhóm rất có giá trị trong bối cảnh này vì thông qua học nhóm, sinh viên có thể chia sẻ bài vở, trao đổi thắc mắc và động viên nhau học tập theo đúng tiến độ và thời khóa biểu của lớp”.
“Dù là học online hay offline thì việc chủ động của các bạn là vô cùng cần thiết. Đừng ngần ngại trao đổi với giảng viên những điều mình chưa biết hoặc chưa hiểu. Tôi tin rằng các giảng viên đều sẽ vui vẻ và hỗ trợ các bạn hết mình khi có yêu cầu”, thầy gợi ý thêm.
Dịch Covid-19: Không được nghỉ học tập trung, nhiều sinh viên đến trường trong lo lắng
Phần lớn các trường đại học ở TP.HCM cho sinh viên ngừng học tập trung từ ngày 10.5 để phòng dịch Covid-19, nhưng sinh viên của một số trường vẫn phải đến lớp trong lo lắng vì chưa có thông báo dừng đến trường.
Mang khẩu trang là quy định bắt buộc khi sinh viên vào Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM học tập trung - THANH DUNG
Sinh viên muốn được học trực tuyến
Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên , vào sáng ngày 10.5, hầu hết các trường ĐH trên địa bàn TP.HCM đã cho sinh viên ngừng học tập trung và chuyển sang hình thức học trực tuyến để phòng dịch Covid-19. Tuy nhiên, vẫn còn sinh viên một số ít trường đi học bình thường như Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM.
Mai Văn Tuấn Tú, sinh viên năm 2 ngành Khoa học Môi trường tại Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết: "Tôi khá lo lắng khi phải đi học vào thời điểm nhạy cảm này. Sáng nay, tôi vẫn hy vọng trường sẽ thông báo cho sinh viên ngừng học tập trung".
Tương tự, Trường ĐH Thể dục Thể thao TP.HCM do chú trọng thực hành vẫn chưa thể chuyển sang dạy học trực tuyến. "Nhiều người cho rằng dân thể thao không phải sợ nhưng Covid-19 có thể tấn công bất cứ ai. Tôi mong trường xem xét cho sinh viên tạm nghỉ học tập trung vì sức khỏe mới là thứ quan trọng lúc này", Phạm Châu Đoan, sinh viên cao học ngành Giáo dục học tại Trường ĐH Thể dục Thể thao TP.HCM, nói.
Không chỉ riêng sinh viên, các phụ huynh cũng lo lắng và liên tục gọi điện hỏi thăm tình hình con mình. Chẳng hạn, Trần Thị Xuân Thi, sinh viên năm 3 Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết gia đình khuyên cô không nên đến trường để phòng dịch Covid-19. "Một lớp học có khá đông sinh viên vừa nghỉ lễ và có thể đi nhiều nơi khiến bố mẹ trở nên lo lắng. Bố mẹ cũng như tôi đều mong nhà trường nhanh chóng chuyển sang học trực tuyến", Thi nói.
Sinh viên đến trường tuân thủ quy định phòng chống dịch - THANH DUNG
"Khăn gói về quê lúc này khá nguy hiểm"
Phản ứng trước thông tin trên, tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết đến thời điểm này, trường đã cơ bản dạy và học xong các học phần lý thuyết. Phần thực hành và thực tập không thể dạy trực tuyến nên hiệu trưởng quyết định chia sinh viên thành các nhóm nhỏ để dạy tại trường nhằm tuân thủ quy định phòng dịch Covid-19.
Trước lo lắng của một số sinh viên về việc vẫn đến trường học tập trung trong thời điểm này, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, rất chia sẻ và nói: "Một số nơi, sinh viên khi được nghỉ học hoặc chuyển sang học tập trực tuyến, sinh viên đã tìm cách khăn gói về nhà, di chuyển nhiều hơn và rõ ràng điều này không tốt".
Theo tiến sĩ Lý, sinh viên hãy thực hiện đầy đủ các nguyên tắc phòng dịch, đảm bảo an toàn cho bản thân và xã hội bằng những hành động thiết thực.
Cụ thể, đảm bảo thói quen sinh hoạt lành mạnh, bảo vệ sức khỏe, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, hiện hiện 5K theo quy định của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, thường xuyên ghi lại lịch trình và lịch sử tiếp xúc, cài ứng dụng Bluezone, hạn chế đến những nơi không cần thiết, "ai ở đâu thì ở yên chỗ đó".
Trường Đại học An Giang chuyển sang hình thức học trực tuyến từ ngày 11-5-2021 Chiều 10-5, PGS.TS Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang (ĐHAG) ký Thông báo số 393/TB-ĐHAG về việc chuyển sang hình thức học trực tuyến từ ngày 11-5-2021. Cụ thể, Trường ĐHAG sẽ tổ chức học trực tuyến toàn bộ các môn học từ ngày 11-5-2021 đến khi có thông báo mới. Các khoa, bộ môn phân công giảng viên...