Sinh viên đại học có cần giáo viên chủ nhiệm?
Không chỉ bậc phổ thông, giáo viên chủ nhiệm vẫn được duy trì tại một số trường đại học bên cạnh đội ngũ cố vấn học tập. Vì sao một số trường ĐH vẫn cần lực lượng giáo viên chủ nhiệm?
Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM phân công khoảng 800 giảng viên làm giáo viên chủ nhiệm cho sinh viên – NGỌC DƯƠNG
Phân công 800 giảng viên làm… giáo viên chủ nhiệm
Năm học 2021-2022, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đã phân công khoảng 800 giảng viên làm công tác giáo viên chủ nhiệm của sinh viên. Cùng với đó, đây là năm đầu tiên trường này đã họp và quyết định ban hành một quy định cho công tác giáo viên chủ nhiệm lớp cho sinh viên.
Theo quy định, giáo viên chủ nhiệm có nhiệm vụ quản lý lớp học, nắm vững danh sách lớp, ban cán sự lớp và thông tin từng cá nhân sinh viên. Trên cơ sở đó, theo dõi tình hình học tập, rèn luyện, tư tưởng, đạo đức, lối sống của người học.
Cũng theo quy định này, giáo viên chủ nhiệm có nhiệm vụ báo cáo kịp thời về gia đình người học các trường hợp bị cảnh báo học vụ, kỷ luật, hình thức cảnh cáo, đình chỉ học tập, buộc thôi học để phối hợp giúp đỡ và giáo dục sinh viên. Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm còn động viên, hỗ trợ, tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các hoạt động ngoại khóa về học thuật, văn hóa, xã hội, văn nghệ, thể thao và hoạt động tình nguyện khác.
Trong số các nhiệm vụ được giao, giáo viên chủ nhiệm còn là người cố vấn học tập và giải đáp thắc mắc cho sinh viên.
Hiện nay, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM vẫn đang duy trì đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp. Theo một cán bộ đào tạo nhà trường, hình thức này đã được trường áp dụng từ nhiều năm trước đó.
Tương tự, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng có quyết định phân công 68 viên chức làm tư vấn viên cho sinh viên. Bên cạnh đội ngũ cố vấn học tập, các tư vấn viên này tư vấn chuyên sâu từ các phòng chức năng về các nội dung như: rèn luyện sinh viên, học vụ, vay vốn, học bổng…
Vì sao bậc ĐH vẫn có giáo viên chủ nhiệm?
Hiện nay tùy trường ĐH mà có hoặc không bố trí lực lượng giáo viên chủ nhiệm. Đại diện một số trường ĐH cho biết không bố trí người làm nhiệm vụ giáo viên chủ nhiệm lớp. Bởi theo quy chế đào tạo tín chỉ, các trường đã có đội ngũ cố vấn học tập quản lý sinh viên và hỗ trợ người học.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Đơ, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, việc duy trì đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp vẫn cần thiết. Đặc biệt, những trường có đông sinh viên thì việc hỗ trợ người học thông qua phòng Công tác sinh viên sẽ không bao quát bằng việc quản lý từng lớp học.
Video đang HOT
Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM vẫn duy trì 2 đội ngũ hỗ trợ người học song song: cố vấn học tập và giáo viên chủ nhiệm. Trong đó, cố vấn học tập do các khoa chuyên môn phân công và chủ yếu hỗ trợ học tập, còn giáo viên chủ nhiệm quản lý lớp học toàn diện hơn trên tất cả các mặt.
“Với quy định mới ban hành, giảng viên không chỉ đến trường để giảng dạy, mà còn phải có mối quan hệ khăng khít với người học, có trách nhiệm với sinh viên nhiều hơn. Khi sinh viên có bất cứ khó khăn gì, giáo viên chủ nhiệm sẽ là người nắm bắt thông tin đầu tiên để kịp thời báo cáo về trường và có biện pháp hỗ trợ. Những vấn đề sinh viên gặp phải không chỉ khó khăn về học tập mà còn trong rèn luyện, đời sống tâm lý tình cảm…”, ông Đơ phân tích thêm.
“Công tác chủ nhiệm còn nhằm tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức lối sống sinh viên. Dù công tác chủ nhiệm này đã có từ trước nhưng với quy định mới được ban hành, các chủ nhiệm lớp có quyền, trách nhiệm cụ thể hơn”, ông Đơ cho hay.
Trường ĐH Nông lâm TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến về nâng cao chất lượng cố vấn học tập
Không có chủ nhiệm, cố vấn học tập cần gần gũi sinh viên hơn
Trường ĐH Nông lâm TP.HCM hiện chỉ có đội ngũ cố vấn học tập, không còn lực lượng giáo viên chủ nhiệm như giai đoạn đào tạo niên chế trước đây.
Thông tin từ buổi tọa đàm trực tuyến về nâng cao chất lượng cố vấn học tập do Trường ĐH Nông lâm TP.HCM tổ chức vừa qua, tính đến tháng 5 năm nay trường có gần 300 cố vấn học tập tham gia hỗ trợ hơn 20.000 sinh viên toàn trường.
Để nâng cao công tác cố vấn học tập, thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác sinh viên trường này, cho rằng cần phải giảm số lượng sinh viên/ cố vấn học tập (hiện nay trung bình trên 70 sinh viên/ 1 cố vấn học tập). Đồng thời, cố vấn học tập cần gần gũi, sát sao hơn với sinh viên để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, đặc biệt sinh viên năm nhất còn nhiều bỡ ngỡ.
“Cố vấn học tập phải xác định được khó khăn sinh viên đang gặp phải là gì, từ đó giúp sinh viên tháo gỡ khó khăn. Có thể nói, đội ngũ này có ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công trong học tập và rèn luyện của sinh viên”, cán bộ này chia sẻ.
PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Quyền hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cũng nhấn mạnh tại tọa đàm: “Cố vấn học tập được xác định có vai trò đặc biệt quan trọng, nhân tố then chốt trong mối quan hệ giữa nhà trường và sinh viên. Đội ngũ này còn nắm bắt tâm tư nguyện vọng, hoàn cảnh của sinh viên để có hướng hỗ trợ kịp thời. Đặc biệt, không để sinh viên bỏ học vì không có tiền đóng học phí”.
Đào tạo đại học tràn lan, nhiều cử nhân đi xin việc không dám đưa bằng đại học
Bà Nguyễn Thị Khá chia sẻ: 'Một số em học đại học nhưng khi đi xin việc không dám đưa cái bằng đại học ra vì nhu cầu đó thực chất chỉ cần bằng nghề'.
Chạy theo "thị hiếu" thị trường nhưng phải đảm bảo chất lượng
Liên quan đến vấn đề các cơ sở giáo dục đại học hiện nay tuyển sinh, đào tạo không tập trung vào các ngành trọng điểm, thế mạnh mà chú trọng chạy theo "thị hiếu" của thị trường lao động một cách ồ ạt không đảm bảo đầu ra, cung ứng nhân lực chất lượng cao cho xã hội.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Khá, Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIII cho biết: "Đây là một vấn đề rất rộng và cần hiểu được từ gốc rễ thì mới có thể giải quyết được. Nó không chỉ nằm ở quy trình đào tạo mà còn là cách tiếp nhận, tuyển sinh của các cơ sở, tổ chức. Có những cơ sở giáo dục ngay khâu tiếp nhận đầu vào đã không đúng".
Theo bà Nguyễn Thị Khá, muốn giải quyết bài toán tổng thể thì các trường tuyển sinh hàng năm cần xây dựng kế hoạch đào tạo dựa trên cơ sở kế hoạch của các bộ, ngành. Chúng ta không chỉ đào tạo trong nước mà còn gửi sinh viên ra nước ngoài đào tạo. Vì vậy phải có kế hoạch, kinh tế xã hội dự kiến, định hướng như thế nào thì cần phải đào tạo đón đầu xu hướng, đào tạo phải có tầm nhìn.
Bà Nguyễn Thị Khá, Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIII. (Ảnh quochoi.vn)
Một trong những điều bà Nguyễn Thị Khá xem là yếu tố quyết định chính là ý chí của người học. Người học phải có phấn đấu, hướng thay đổi tích cực, toàn diện.
"Người học cần phải có sức khỏe, có đạo đức, có thực hành, nghiên cứu chứ không phải chỉ lý thuyết suông.
Ngay như việc trong thời gian tạm dừng đến trường do dịch bệnh, một số cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp dạy thực hành trực tuyến thì chắc chắn chất lượng không được đảm bảo. Chúng ta bắt buộc phải có những phương án dạy bù, dạy lại cho sinh viên sau khi các em trở lại trường.
Thực hành thực tế là kỹ năng cần thiết mà sinh viên cần được trang bị khi kết thúc khóa học. Nếu như trang bị tốt thì ngay cả bản thân người học cũng có nhiều cơ hội đến với mình. Thậm chí còn có những cơ hội làm việc tại nước ngoài. Ví như việc xuất khẩu lao động, người nào ưu tú, làm việc hiệu quả thì chất lượng, thành quả công việc cũng sẽ khác", bà Khá nói.
Như vậy, ở đây, chúng ta thấy một vòng tròn kết nối với nhau giữa người học, nhà trường và xã hội. Theo bà Khá, để vòng tròn này phát huy được hết hiệu quả, quá trình đào tạo có chất lượng thì cần phải có quy trình "thật". Chữ "thật" phải được xuyên suốt từ người dạy đến người học và sự tiếp nhận của xã hội về người tài.
Bà Nguyễn Thị Khá cho hay: "Các cơ quan, bộ ngành được phân công về công tác giáo dục, đào tạo thì cần có giám sát, kiểm tra và phải có định hướng, kế hoạch dài hơi trong cho tuyển sinh, đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học.
Các cơ sở đào tạo thì phải dạy cho chính quy, dạy ra dạy, không chỉ dạy chữ mà phải dạy người nữa. Đừng chỉ nghĩ dạy học là kinh doanh, dạy đại khái, lấy học phí của sinh viên. Như vậy là sẽ không đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng cho xã hội.
Sinh viên đi học phải xác định học thật, phải thúc đẩy được lòng tự giác về học tập, tránh ỷ lại, có suy nghĩ nộp tiền cho thầy cô đủ là xong, như vậy vừa tốn kém chi phí, vừa tốn thời gian mà sau khi tốt nghiệp vào thị trường lao động hiện nay sẽ sớm muộn bị đào thải".
Bà Nguyễn Thị Khá cho rằng, việc đào tạo các ngành mới để phù hợp với thị trường lao động ngày càng thay đổi thì không sai. Tuy nhiên, đào tạo cần có kế hoạch, có chất lượng chứ nếu cứ tập trung vào số lượng mà không chú trọng chất lượng sẽ dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu công việc, làm trái ngành, trái nghề, đào tạo mang tính hình thức mà hiệu quả không cao.
"Đào tạo là cung ứng nhân lực cho xã hội và quyết định tương lai của đất nước. Hiện nay, khi có quyết định cho lập trường, mở ngành thì các cơ quan chức năng phải kiểm tra cơ sở đó đủ tiêu chuẩn, điều kiện để lập trường, lập ngành mới không? Đủ điều kiện về cơ sở vật chất, cơ sở con người. Sau đó phải xem chương trình đào tạo như thế nào? Ở đây chính là vấn đề kiểm tra, giám sát phải được thực hiện một cách nghiêm túc, vô cùng quan trọng", bà Khá nhấn mạnh.
"Đừng đào tạo cái mình có, phải đào tạo cái người ta cần"
Đó là nhận định của bà Nguyễn Thị Khá, khi nói về thực trạng đào tạo tại một số cơ sở giáo dục đại học cũng như giáo dục nghề nghiệp của nước ta hiện nay.
Theo bà Nguyễn Thị Khá, con người là nhân tố quyết định mọi thắng lợi và tư tưởng này xuyên suốt trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Con người thì phải luôn đảm bảo hai thứ. Thứ nhất là sức khỏe, thứ hai là kiến thức. Kiến thức là nói chung trong đó có trình độ, nghề nghiệp... Nếu đào tạo nhân lực không có chất lượng thì không đáp ứng được nhu cầu của xã hội về mặt kiến thức.
Bà Nguyễn Thị Khá chia sẻ, "Tôi nghe và rất tâm đắc một câu nói: người dốt ở thế kỷ 21 không phải là người không biết đọc, không biết viết. Mà là người không học hỏi, từ chối học hỏi và từ chối học lại".
Thế giới đang chuyển động không ngừng nếu chúng ta tiếp tục vẫn giữ nếp cũ, tức là đào tạo có số lượng mà không có chất lượng thì sẽ bị giậm chân tại chỗ. Mà người ta chuyển động không ngừng, mình đứng yên thì mình trở nên lỗi thời.
Đã đào tạo thì phải có chất lượng có tay nghề và có thể áp dụng. Ví dụ, nếu sản xuất một mặt hàng với số lượng ít được 5-7 cái nhưng thật chất lượng, thật đẹp, tinh xảo thì sẽ phù hợp với thị trường đang cần hơn là sản xuất tràn lan, cẩu thả, lỗi thời thì không thể đưa lại hiệu quả cao. Cho nên đào tạo phải là những gì xã hội đang cần, không phải đào tạo những gì ta đang có".
Bà Khá kể, trước đây, có lần đi tiếp xúc cử tri, có rất nhiều người đề cập đến việc đào tạo không đúng chất lượng. Một số em học đại học nhưng khi đi xin việc không dám đưa cái bằng đại học ra vì nhu cầu đó thực chất chỉ cần bằng nghề. Trong khi học đại học trái ngành nên không đúng chuyên môn của nghề đang tuyển dụng. Cuối cùng phải lao động chân tay, một tấm bằng đại học đào tạo không chất lượng chỉ để cất đi.
"Chất lượng rất quan trọng. Nếu 10 người làm chỉ bằng 5 người làm, thì sẽ lựa chọn 5 người làm mà được lãnh lương của 10 người. Như vậy vừa tiết kiệm chi phí nhân công, làm việc hiệu quả và nâng cao đời sống xã hội", bà Khá nói.
Theo bà Nguyễn Thị Khá, những người yếu kém, không có kiến thức nếu được đặt vào một vị trí quan trọng thì vừa không đủ tài năng cáng đáng công việc, lại vừa tạo ra những lỗ hổng để tham nhũng quyền lực, vật chất.
Bà Nguyễn Thị Khá nhận định: "Người giỏi, người tốt thì họ chứng minh bằng khả năng, đồng tiền họ thu được từ công sức lao động chính đáng. Người không làm được việc thì luôn suy nghĩ vòi chỗ này, tham chỗ kia, sinh ra thói hư, tật xấu, lạm quyền, lạm chức để tham nhũng. Việc đào tạo phải có đủ chất lượng về cả kiến thức lẫn kỹ năng. Khi đó, nhân sự cung ứng cho xã hội có thể áp dụng kiến thức chuyên môn vào công việc đúng ngành nghề cũng như có kỹ năng để tránh những cám dỗ khi thực hiện công việc trong tương lai".
VUS tổ chức chuỗi lớp học miễn phí "Thành thạo IELTS trong 5 ngày" Trong tháng 10, Anh Văn Hội Việt Mỹ (VUS) phối hợp cùng Trung ương Đoàn triển khai chương trình 'Master IELTS in 5 days' (Thành thạo IELTS trong 5 ngày) miễn phí dành cho gần 10.000 học viên trên toàn quốc. Đây là một sự kiện học thuật nổi bật được Anh Văn Hội Việt Mỹ (VUS) phối hợp tổ chức cùng Trung...