Sinh viên cũng khổ sở với học online
Việc học online đối với cả sinh viên ở bậc cao đẳng, đại học cũng là chuyện chẳng dễ dàng gì.
Không chỉ mệt mỏi, hiệu quả học giảm sút mà nhiều sinh viên còn rơi vào tình thế phải thi lại, bị cấm thi… vì trục trặc kỹ thuật, rớt mạng…
Sợ điểm danh, rớt mạng
Đối với nhiều sinh viên phải học online kéo dài, điều ám ảnh nhất là “mất mạng” và điểm danh. Những tai nạn này có thể ảnh hưởng đến kết quả của cả quá trình học tập. Thảo Phương, sinh viên năm thứ nhất Trường đại học (ĐH) Tôn Đức Thắng, cho rằng, một trong những khó khăn khi vừa vào ĐH là vấn đề học online.
Có nhiều môn phải làm kiểm tra trực tuyến nên khi đường truyền mạng không ổn định, gặp trục trặc dẫn đến không kịp giờ làm bài xảy ra thường xuyên. Khi rớt mạng, không thể chuyển sang điện thoại để lên 4G làm bài được, bởi học trên điện thoại thường chỉ nghe giảng, trao đổi với lớp chứ không thao tác làm bài.
Giảng viên Phạm Quỳnh Anh trong giờ dạy online
Nhiều sinh viên cho biết rất sợ rớt mạng khi học, nhất là nếu trúng vào đoạn giảng viên điểm danh mà không hay biết thì coi như bị tính vắng cả buổi đó. Chưa kể, trong đợt thi vừa rồi, không ít sinh viên bị rớt mạng, trục trặc kỹ thuật phải lập tức chụp lại màn hình làm bằng chứng gửi email về cho trường. Nếu kịp giờ làm bài tiếp thì sẽ vào lại làm luôn (sẽ không được bù giờ), không kịp thì phải chờ trường xem xét sắp xếp cho thi lại buổi sau.
Một sinh viên trường cao đẳng tại TPHCM mới đây đã yêu cầu nhà trường giải quyết học vụ, xem xét cho tham gia thi môn tin học. Nguyên nhân khiến sinh viên này không có tên trong danh sách thi là do nghỉ quá số tiết quy định. Việc nghỉ quá số tiết bị cấm thi là đúng, tuy nhiên, theo trình bày gửi đến nhà trường, sinh viên đưa ra lý do để xin được thi là lúc còn học trực tiếp có đi học trễ vì thường xuyên đi làm khuya; lúc học online thì do trục trặc kỹ thuật không nghe giảng viên nói gì nên có lần đã bỏ lỡ điểm danh…
Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, giảng viên Trường ĐH Công nghệ TPHCM, chia sẻ: Thực tế, trong quá trình dạy online sẽ có nhiều vấn đề, từ kỹ thuật cho đến kỹ năng ứng phó với sinh viên. Không ít sinh viên cũng có “chiêu” nhờ người học giùm, đưa đường link để hacker tấn công vào phòng học… Vì vậy, bắt buộc thầy cô phải có nhiều cách để giúp sinh viên học hiệu quả, chuyên cần, mà điểm danh hoặc kiểm tra đột xuất là một trong số đó.
Trường, khoa sẽ có quy định về tỷ lệ số giờ học được phép vắng, cách tính điểm của một môn học bao gồm điểm quá trình và điểm thi cuối kỳ. Từ đó, giảng viên của từng môn sẽ “giao kèo” với sinh viên về tỷ lệ điểm chuyên cần, điểm danh hoặc kiểm tra sẽ chiếm tỷ trọng bao nhiêu…
Với những giảng viên cởi mở, năng động thường không quá quan trọng điểm danh mà sẽ kiểm tra, đóng góp ý kiến, thuyết trình. Nhưng một số giảng viên chọn theo hướng truyền thống thì điểm danh đều đặn.
Không gian mở cần cách quản lý mở
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, học online là không gian mở, chú trọng nhiều hơn vào khả năng tự học và thích nghi của người học với nguồn học liệu mở dồi dào. Vì vậy, chúng ta cũng phải mở với cách quản lý lớp học, sinh viên.
Đôi khi người học không cần phải có mặt đầy đủ tất cả buổi trên lớp học ảo mà tâm trí đang lướt Facebook hoặc “check in” trên Instagram. Thay vào đó, sinh viên có thể tích lũy kiến thức từ các nguồn tài liệu, ghi âm và nghe lại bài giảng… miễn sao đạt được yêu cầu.
Hướng đến hiệu quả
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cho biết: Do trường đã triển khai việc học online khá bài bản nên những khiếu nại, phản ánh về sự cố dẫn đến thiệt thòi cho người học trong thời gian qua rất ít. Thỉnh thoảng, vẫn có tình trạng sinh viên bị “out” khỏi lớp, rớt mạng thì báo ngay với giảng viên xin lại file ghi âm bài giảng của giảng viên (các chương trình có bản quyền như Zoom, MS Teams… đều có chức năng ghi âm, ghi hình lớp học).
Trong trường hợp sinh viên không đủ điều kiện học online tốt thì trường sẵn sàng hoàn trả học phí và các em sẽ tích lũy học phần đó sau khi quay lại học trực tiếp. Còn trong thời gian thi gặp sự cố về đường truyền, kỹ thuật, nhà trường có thể sắp xếp để sinh viên thi lại vào buổi khác…
Trong tình thế học online thế này thì bản thân giảng viên và nhà trường cần có cách xử lý linh động, không nên cứng nhắc, việc cấm thi cũng phải được xem xét trong bối cảnh rộng hơn là chỉ căn cứ vào quy định. Ngoài ra, bản thân người học cũng phải chuyên cần học tập, có khó khăn gì phải báo ngay với giảng viên, khoa, phòng đào tạo để được hỗ trợ giải quyết.
Giảng viên Phạm Quỳnh Anh, Khoa Cơ bản Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM, cho rằng: Để một lớp học online diễn ra hiệu quả, tạo động lực cho sinh viên, khiến sinh viên tích cực, chủ động trong học tập, bên cạnh việc tập trung vào kiến thức, bản thân giảng viên cũng cần thay đổi.
Thứ nhất, hãy luôn nhấn mạnh mục tiêu môn học hướng đến. Khi sinh viên hiểu được giá trị môn học mang lại, các bạn sẽ có thái độ nghiêm túc để tiếp thu kiến thức và không bỏ lỡ các buổi học.
Thứ hai, đa dạng các hoạt động tương tác, khuyến khích sự tham gia của người học. Khác với phương pháp dạy học cũ – giảng viên nói, sinh viên nghe và ghi chép, phương pháp học tập qua trải nghiệm rất phù hợp với hình thức dạy học online. Mỗi môn học đều có đặc thù khác nhau, nhưng việc sinh viên được chia sẻ kiến thức, bày tỏ quan điểm sẽ giúp các em có những kỹ năng, cởi mở, tự tin, dễ dàng thích nghi, linh hoạt, lớp học trở nên sôi nổi.
Thứ ba, phải làm chủ các công cụ dạy học trực tuyến. Tổ chức trò chơi trực tuyến, các hoạt động tương tác, đóng góp ý kiến thông qua các công cụ sẽ làm cho lớp học thú vị hơn. Bằng không, người học sẽ nhàm chán khi phải ngồi trước máy tính nhiều tiếng đồng hồ mà không được tham gia bất cứ hoạt động nào.
“Tôi muốn nhấn mạnh từ “làm chủ” – có nghĩa là giảng viên không nên quá lạm dụng các công cụ. Nếu giải quyết được các vấn đề trên thì không cần đến cách điểm danh truyền thống sinh viên vẫn có mặt trên lớp. Tất nhiên, việc đánh giá sinh viên sau khi kết thúc môn học phải dựa vào quy định của môn học (về số buổi tham gia lớp học, kết quả thực hiện bài tập…) cũng như sự tương tác, tích cực trong giờ học. Vì thế, sinh viên cũng cần phải hết sức cố gắng, chuyên cần”, cô Quỳnh Anh nhấn mạnh.
Nhiều sinh viên không hài lòng chất lượng bài giảng online
ĐH Quốc gia TPHCM vừa công bố về sự tác động của COVID-19 đối với sức khỏe tâm thần của sinh viên ĐH này do Trường ĐH Quốc tế thuộc ĐH Quốc gia TPHCM thực hiện. Với hơn 37.000 phản hồi từ sinh viên, nghiên cứu đã phác họa rõ nét những ảnh hưởng tiêu cực mà đại dịch mang tới đối với sức khỏe tâm thần của sinh viên.
Kết quả khảo sát cho thấy, trong các áp lực tâm lý mà sinh viên phải chịu thì vấn đề áp lực học tập trực tuyến được ghi nhận cao nhất (65,1%). Sinh viên có xu hướng lo lắng vì lý do trang thiết bị, căng thẳng liên quan đến đại dịch, sự mất đi nền nếp của trường học…
Gần 59% sinh viên lo lắng về khả năng đóng học phí. Có đến 56,8% sinh viên cho biết thiếu tập trung hoặc không có hứng thú trong học tập, thể hiện việc tổ chức giảng dạy trong giai đoạn COVID-19 còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, còn có nhiều sinh viên không hài lòng với chất lượng bài giảng trực tuyến…
Trường đại học đầu tư phim trường cho sinh viên trải nghiệm
Ngày 9/11, Trường đại học Hoa Sen đưa vào sử dụng phim trường You Rock Studio để phục vụ giảng viên, sinh viên trong quá trình giảng dạy và trải nghiệm học tập. Đây sẽ là không gian để sinh viên thể hiện ý tưởng sáng tạo, tổ chức hội thảo, talk show, cuộc thi, chụp hình, quay phim, sinh hoạt câu lạc bộ…
Phim trường được thiết kế theo mô hình hiện đại có thể sử dụng cho cả hoạt động trực tuyến và trực tiếp, phát huy đúng vai trò là công cụ hỗ trợ đắc lực từ giảng dạy online đến việc tổ chức các buổi webinar, online workshop… Ngoài ra, có thể kể đến chức năng ghi hình bài giảng, chức năng minh họa sống động giúp tăng tính hứng thú, hấp dẫn hơn cho các buổi học.
Phó giáo sư – tiến sĩ Võ Thị Ngọc Thúy, Hiệu trưởng Trường đại học Hoa Sen, cho biết: Nhà trường sẽ tiếp tục lắng nghe nhu cầu, nguyện vọng của người học để đầu tư thêm các trang thiết bị, công nghệ hiện đại để sinh viên có thể trải nghiệm, thực chiến được hầu hết các hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực. Qua đó, gia tăng giá trị trải nghiệm nhằm khích lệ tinh thần sáng tạo, tự chủ, thúc đẩy tư duy thực chiến cho người học trên con đường học thuật và phát triển sự nghiệp sau này.
Tiêu Hà
Sau thời gian dài học online, sinh viên ngại ngần, hoang mang trước lúc trở lại trường
Sau thời gian dài học trực tuyến vì dịch bệnh, hiện nhiều trường đại học bắt đầu chuẩn bị các biện pháp an toàn phòng chống dịch để sẵn sàng đón sinh viên trở lại trường.
Tuy nhiên, nhiều sinh viên lại có tâm lý ngại ngần khi đi học trực tiếp. Vấn đề này sẽ là một bài toán tâm lý mà các trường đại học cần phải giải quyết khi việc học quay trở lại bình thường.
Khi nghe thông tin thành phố Hà Nội có thể cho sinh viên đi học trở lại, Phạm Đức Dũng (sinh viên năm 2, trường Đại học Thủy lợi) không tránh khỏi hoang mang. Bên cạnh nỗi lo lắng vì dịch bệnh, còn một lý do chủ quan khác: " Nếu như đi học trở lại, mình sẽ ngại khi phải dậy sớm đi học. Giờ học online quen rồi, chỉ cần mở máy lên học, việc phải đi lên trường tốn nhiều thời gian".
Đây là tâm lý chung của hầu hết các sinh viên, nhất là những người ở xa, khó khăn trong vấn đề đi lại. Sự thuận tiện khi học online cũng là nguyên nhân tạo nên tâm lý e ngại ở sinh viên nếu trở lại trường trong thời gian ngắn mà không có sự chuẩn bị từ trước.
Nhiều trường đã bắt đầu xây dựng kế hoạch chuẩn bị tâm lý cho sinh viên trước khi có quyết định đi học trở lại. (Ảnh: Dân trí)
Trên thực tế, chính các nhà trường cũng nhận thấy sự thay đổi tâm lý của sinh viên sau một thời gian dài học online tại nhà. Do đó, nhiều trường học đã bắt đầu xây dựng kế hoạch chuẩn bị tâm lý cho sinh viên trước khi có quyết định đi học trở lại.
Song song với việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch, các nhà trường đang thực hiện khảo sát toàn bộ sinh viên về tâm tư, nguyện vọng liên quan đến phương án học tập trong thời gian tới. Trước mắt, việc học online vẫn được duy trì cho đến khi tình hình dịch bệnh có dấu hiệu khả quan hơn. Tuy nhiên, việc sẵn sàng tâm lý để trở lại trường bất kỳ lúc nào là điều cần thiết ở mỗi sinh viên trong thời điểm này.
Lời khuyên học tiếng Anh cho tân sinh viên Khi chuyển từ THPT lên Đại học, đa số các bạn đều gặp nhiều thay đổi trong cuộc sống cũng như học tập, nhất là việc học tiếng Anh. Bạn đang học tiếng Anh như thế nào? Liệu đã tối ưu chưa? Hãy tham khảo những lời khuyên hữu ích dưới đây nhé! Hãy bắt đầu việc học tiếng Anh từ sớm Năm...