Sinh viên “chóng mặt” với giá thuê trọ
Giá thuê nhà tăng, tiền điện, nước tăng, giá đồ ăn tăng…. Những sự tăng giá này đang tác động đời sống người dân và sinh viên có lẽ là đối tượng khó khăn nhất phải chống chọi với “bão” giá vì nguồn thu nhập chính là từ sự hỗ trợ của gia đình.
“Chóng mặt” với chủ nhà
Nguyễn Ngọc Hoa, sinh viên năm thứ 3, Trường ĐH Luật Hà Nội đang thuê nhà ở khu vực Cầu Giấy thở dài tâm sự: “Tháng này, em đang phải gọi điện về xin bố mẹ trợ cấp thêm ít tiền. Hôm qua chủ nhà xuống thông báo làm em chóng cả mặt”.
Hoa liệt kê: Giá nhà trọ tăng từ 800.000đ/tháng lên 1.000.000đ/tháng giá điện tăng từ 3.500đ – 5.000đ/số. Tiền nước 30.000đ – 50.000đ/tháng. Trước đây, một ngày Hoa và bạn cùng phòng nấu ăn mỗi ngày tính ra hết 50.000đ (tính cả tiền ga, mắm muối…) nay lên 70.000đ.
Chưa đủ, Hoa liệt kê thêm tiền chi phí trong tháng đủ thứ mà không thể bỏ được như tiền thuốc đánh răng, xà phòng, sữa tắm, tiền sách vở, vé xe buýt, tiền sinh nhật hàng tháng của các bạn trong lớp… Trong khi đó, cả tháng bố mẹ Hoa chu cấp 2 triệu đồng/tháng.
Hoa thật thà tâm sự: “Hai tháng nay, em chẳng dám mua thứ gì cho bản thân mình. Mua cái gì em cũng ghi vào sổ liệt kê xem chi tiêu thế nào. Hôm trước phải gọi điện về xin thêm bố mẹ 500.000đ/tháng, mới đủ”.
Còn Tuấn Anh, sinh viên năm thứ 4 Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội vất vả hơn rất nhiều. Quê Tuấn Anh ở huyện Trực Ninh, Nam Định. Bố mẹ đều làm nông nên cố gắng lắm mỗi tháng chỉ chu cấp cho con được 1,5 – 2 triệu đồng.
Video đang HOT
Tuấn Anh với người bạn cùng quê thuê nhà ở quận Thanh Xuân, căn phòng chật chội 11m2 có giá thuê 1 triệu đồng/tháng. Tháng vừa qua chủ nhà tăng giá nhà lên 1,2 triệu đồng. Trong phòng có 2 máy tính, nối mạng Internet, mỗi tháng Tuấn Anh và bạn trả cả tiền điện là 300.000đ/tháng nay chủ nhà tăng lên 400.000đ chưa kể tiền nước và đồ ăn.
Để tiết kiệm chi tiêu, hàng tháng Tuấn Anh đều về quê mang gạo, thậm chí mang cả mắm và cá khô lên.
“Vất vả việc mang lên nhưng cũng giảm được phần chi tiêu hàng tháng cho em vì tiền giấy vẽ, bút vẽ nhiều lúc đã làm cho em nhẵn túi, ăn mì tôm 2 ngày là chuyện thường” – Tuấn Anh tâm sự.
Nhà trọ “cổ” này với diện tích 15m2 ở Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, Hà Nội vừa tăng giá lên 1,2 triệu đồng/tháng.
Không thuê nhà ở khu vực gần trường, Phạm Trường Sinh, sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, quê ở Hưng Yên, thuê nhà tận cuối quận Hà Đông gần khu Ba la với giá 1,5 triệu/phòng 25 m2, cho 2 anh em ở. Vậy mà tháng vừa qua, chủ nhà tăng giá lên 2 triệu đồng/tháng. Sinh giải thích, năn nỉ thế nào chủ nhà để 3 tháng nữa mới tăng nhưng không được sự đồng ý. Không chỉ thế, Sinh phải chi thêm 50.000đ/tháng đối với tiền điện từ 150.000 – 200.000đ/tháng. Tăng giá thế nên việc nhịn ăn sáng với Sinh trở nên thường xuyên hơn.
Hát bài ca “bão giá”
Để động viên tinh thần chống chọi với bão giá, vừa qua, nhóm sinh viên phòng 416 trong ký túc xá, Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội đã sản xuất clip nói về “bão giá”.
Mở đầu clip là cảnh một nam sinh, mặc đồng phục thể dục, từ giảng đường trở về nhà. Cậu sinh viên thong dong ngồi trên chiếc xe đạp cào cào trở về phòng trọ, bụng lép kẹp. Tiếp đó là cảnh sinh hoạt ở phòng trọ 416 ở ký túc xá. Hai nam sinh đang miệt mài với đèn sách. Còn một anh chàng khác lại đang say giấc nồng, miệng chóp chép thèm ăn. Hôm sau, một bạn nữ mang thùng mì tôm và bánh mì, bim bim đến cho phòng trọ của các chàng trai. Mừng úm, nhảy cẫng lên các chàng trai xúm vào đùa nghịch, giành nhau đồ ăn.
Chia sẻ, an ủi với nhau để chống chọi với bãi giá, trong clip có đoạn: “Anh vẫn sống dù rằng thiếu mất đi bữa sáng. Vì do giá đã quá đắt nên bữa sáng và trưa là một. Anh sẽ cố gắng ăn mì tôm qua ngày, chờ đợi một ngày giá sẽ go down… Vì do giá tăng nên sinh viên khổ đủ đường, ngày xưa suất cơm năm nghìn nay lên đến tám. Đi ngang quán cơm không dám quay lại nhìn, dù bụng reo ca nhưng vẫn mong một ngày, cuối tháng mẹ gửi tiền, hạnh phúc ngất ngây trào dưng…”.
Càng khó khăn, sinh viên càng đoàn kết, gắn bó với nhau hơn: “Thời gian khó khăn anh em ta phải đồng lòng. Cùng mua bếp ga, xoong nồi, mua thêm bát đũa. Và anh hãy tin khi có em hậu cần, đặt bàn tay em con tim anh cùng cuộc đời. Dù cho giá lên xuống từng ngày, ta mãi còn bên nhau”.
Theo Dân Trí
Cộng đồng mạng phát sốt vì clip sinh viên hát về bão giá
Cuộc sống sinh viên thời kỳ "bão giá" phải chịu thêm nhiều vất vả, khó khăn nhưng họ vẫn biết cách vượt qua. Đó là thông điệp được gửi qua clip vui nhộn của một nhóm sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội.
Những lời hát trong clip thực sự gây xúc động trong cộng đồng mạng: "Vì do giá tăng nên sinh viên khổ đủ đường, ngày xưa suất cơm năm nghìn nay lên đến tám... Thời gian khó khăn anh em ta phải đồng lòng. Cùng mua bếp ga, xoong nồi, mua thêm bát đũa...".
Hai sinh viên đang tranh nhau một gói bim bim - (Ảnh cắt từ clip)
Hay như: " Anh vẫn sống dù rằng thiếu mất đi bữa sáng. Vì do giá đã quá đắt nên bữa sáng và trưa là một. Anh sẽ cố gắng ăn mì tôm qua ngày, chờ đợi một ngày giá sẽ go down...".
Nhiều bạn trẻ tỏ ra đồng cảm với nhóm tác giả clip vì đã từng trải qua thời sinh viên. Có bạn so sánh giá mỳ tôm năm 2006 và giá mỳ tôm năm 2011 rồi đưa ra nhận xét: "2006 thì 2000 đồng/1 mỳ tôm, giờ 3.500 đồng/1 mỳ tôm. Sinh viên sống thế nào được."
Thậm chí có bạn còn thật thà: "Đang vừa ăn mỳ tôm vừa xem, thấy đau ơi là sưng".
Có bạn còn đưa ra cả giá cơm trong Sài Gòn để so sánh với Hà Nội: "Ở Sài Gòn giờ cơm rẻ cũng 12 nghìn/ suất rồi. Không biết sống sao đây"...
Rất thông cảm với sinh viên trong cơn bão giá, nhiều bạn trẻ khẳng định, cuộc sống sinh viên luôn đầy ắp kỷ niệm, và những phút giây như thế này thật đẹp và đáng trân trọng. Nhiều bạn liên tưởng đến ca khúc "Bạn tôi", nhắn nhủ sinh viên hãy cố vượt qua giai đoạn gian khó này: "Bạn tôi, sáng nhịn ăn lên giảng đường... Tôi về một gói mỳ tôm..."
Theo thông tin chúng tôi được biết, clip này do các sinh viên phòng trọ 416 trong ký túc xá trường ĐH Kinh tế Quốc dân dàn dựng, là phần liên hệ thực tế cho bài kiểm tra môn Kinh tế Việt Nam.
Theo Dân Việt
Bão giá, vẫn chi 6,5 triệu cho giỏ hoa ngày 8.3 Giỏ hoa hồng trị giá 6,5 triệu đồng này được kết hợp hài hòa giữa hoa hồng và hoa ly, gồm hoa hồng, 28 cành hoa lan tượng trưng cho tuổi của người nhận, có gắn hạt kim sa. Đại diện Công ty Cổ phần Thế giới hoa tươi (Quận Phú Nhuận, TP.HCM) đã xác nhận thông tin trên. Giỏ hoa "khủng" này...