Sinh hoạt chuyên môn ‘nâng chất’ giáo viên tiểu học đáp ứng Giáo dục phổ thông mới
Để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, ngoài việc chủ động thời gian, không gian khi tham gia các khóa bồi dưỡng online, giáo viên còn tự thảo luận, trao đổi thường xuyên trong quá trình làm việc, thông qua sinh hoạt chuyên môn ở trường.
Cùng “gỡ khó” khi bồi dưỡng chương trình mới
Tại trường Tiểu học Dân Tiến (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), cứ đều đặn 2 tuần/lần là các tổ chuyên môn lại tổ chức sinh hoạt; ở cấp trường là 1 tháng/lần. Nếu có bất thường hoặc vấn đề “ nóng” phát sinh trong quá trình dạy học, tổ chuyên môn sẽ họp để trao đổi, thống nhất cách giải quyết.
Hoạt động này diễn ra nhiều năm qua và đặc biệt được đẩy mạnh từ năm học 2019 – 2020 khi chương trình giáo dục phổ thông mới (CT GDPT 2018) bắt đầu được triển khai ở lớp 1 và tịnh tiến những năm tiếp theo tổ chức cho các lớp 2, 3, 4, 5.
Tại các buổi sinh hoạt chuyên môn này, những nội dung tìm hiểu về CT GDPT 2018, bao gồm cả chương trình tổng thể và chương trình môn học/hoạt động giáo dục theo chuyên môn giảng dạy của từng tổ, được đưa ra trao đổi, thảo luận.
Khi sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, các thành viên sẽ cùng thiết kế bài học minh hoạ, tổ chức dạy học và dự giờ, phân tích tác động của lời giảng, các câu hỏi, nhiệm vụ học tập mà giáo viên đưa ra cho học sinh trong bài giảng minh hoạ.
Từ kết quả phân tích bài học đó và những điều đã quan sát, học tập được qua dự giờ, thầy cô sẽ rút ra những kinh nghiệm để chủ động, sáng tạo áp dụng vào các bài học hàng ngày cho hiệu quả hơn với học sinh lớp mình.
Theo cô giáo Hoàng Thị Hoa Chinh (trường Tiểu học Dân Tiến), các buổi sinh hoạt chuyên môn, đã giúp ích nhiều cho quá trình bồi dưỡng các module thực hiện CT GDPT 2018 của giáo viên, đặc biệt là đội ngũ đại trà như cô.
“Bất cứ thắc mắc nào liên quan đến CT GDPT 2018 đều được chúng tôi đưa ra trao đổi, thảo luận kỹ lưỡng trong tổ chuyên môn để cùng nhau tháo gỡ. Những nội dung nào mình thấy hay, tâm đắc trong các module bồi dưỡng của Chương trình ETEP, cũng sẽ nêu ra để đồng nghiệp tìm hiểu sâu hơn”, cô giáo Chinh nói.
Video đang HOT
Đánh giá hoạt động sinh hoạt của các tổ chuyên môn trong trường, Hiệu trưởng Đào Thị Tâm cho biết các thầy cô đều tích cực tham gia. Sau mỗi buổi sinh hoạt như thế, giáo viên tự tin, vững vàng đổi mới cách dạy và kiểm tra đánh giá để phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, đáp ứng các yêu cầu của CT GDPT 2018.
Sinh hoạt chuyên môn qua video tiết dạy minh họa
Cũng giống trường Tiểu học Dân Tiến, Ban giám hiệu và cán bộ, giáo viên trường Tiểu học Trần Nhân Tông (TP. Nam Định, tỉnh Nam Định) đặc biệt coi trọng hoạt động sinh hoạt tổ chuyên môn để nâng cao năng lực đội ngũ.
Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học được duy trì đều đặn, đặc biệt là giai đoạn đầu năm học đối với lớp 1. Mỗi tuần, tổ chuyên môn sẽ tập trung xây dựng giáo án của một môn học cụ thể; giao cho giáo viên dạy thực nghiệm để từ đó rút ra quy trình dạy cũng như những ưu điểm, hạn chế của mỗi tiết dạy… Sau giai đoạn 2 tháng đi vào ổn định, sinh hoạt chuyên môn được tổ chức định kỳ 2 tuần/lần.
Bên cạnh sinh hoạt tại trường, hoạt động sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường cũng được giáo viên tham gia sôi nổi.
Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Nhân Tông (Nam Định) – cô Hoàng Thanh Bình nói: “Toàn bộ giáo viên lớp 1 của từng cụm trường sẽ dự giờ tiết minh họa tại một điểm trường. Tiết dạy được quay video để giáo viên các trường tham khảo, học tập và rút kinh nghiệm cho bản thân.
Thông qua sinh hoạt chuyên môn, giáo viên có cơ hội chia sẻ những kinh nghiệm hay cũng như bày tỏ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đồng thời phát huy sức mạnh tập thể để thực hiện tốt CT GDPT mới”.
Cô Bình cũng cho biết, song song với những hoạt động trên, ban giám hiệu còn tích cực dự giờ, thăm lớp, khuyến khích phụ huynh cùng dự giờ và tương tác với con trong một số hoạt động.
Trường cũng đẩy mạnh công tác truyền thông để giáo viên, phụ huynh và cộng đồng hiểu đúng về CT GDPT mới và tin tưởng vào quá trình thực hiện của nhà trường; cũng như các giáo viên phải ý thức sâu sắc tầm quan trọng của việc tự bồi dưỡng, hỗ trợ đồng nghiệp bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, ngay trong quá trình làm việc.
Cô Phạm Thị Yến, giáo viên trường Tiểu học Trần Nhân Tông nói: “Tôi luôn tự bồi dưỡng qua sinh hoạt chuyên môn tại trường dựa trên nghiên cứu bài học. Hoạt động này giúp giáo viên chúng tôi có cơ hội học hỏi kinh nghiệm, cách làm hay để áp dụng vào việc giảng dạy và bồi dưỡng năng lực chuyên môn.
Tôi giờ đây đã cởi mở chia sẻ với đồng nghiệp về những vấn đề liên quan tới việc học của học sinh; biết quan sát, lắng nghe, cảm nhận trước việc học của từng học trò, chấp nhận sự khác biệt của học sinh và đồng nghiệp; nỗ lực thực hiện tốt các yêu cầu của CT GDPT 2018″.
Thiết bị phục vụ Chương trình SGK lớp 2 và lớp 6: Cần triển khai đồng bộ
Triển khai chương trình SGK lớp 2 và lớp 6 đồng nghĩa với yêu cầu về dụng cụ dạy học, cơ sở vật chất và đội ngũ tương ứng.
Học sinh Trường THCS Ngọc Tụ trong một giờ thực hành, sử dụng thiết bị.
Trong đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học là mối quan tâm hàng đầu đối với các trường, địa phương khó khăn tại Kon Tum.
Giáo viên kiêm nhà thiết kế
Thầy Nguyễn Thành Long - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Lý Thường Kiệt (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, Kon Tum) cho biết: Năm học 2021 - 2022, trường có khoảng 80 em học sinh từ lớp 1 lên lớp 2. Năm học này, giáo viên và học sinh đã làm quen với chương trình mới nên sẽ không còn bỡ ngỡ. Tuy nhiên, trong số 80 học sinh chỉ có khoảng 25 em hưởng chế độ, chính sách và được cấp SGK. Nhà trường đang lên các phương án để hỗ trợ cho 55 em còn lại, bởi việc tự mua đối với gia đình các em khá khó khăn.
Cũng theo thầy Long, trường ở vùng sâu vùng xa nên thường xuyên được các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ. Theo đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng được quan tâm, phân bổ trước khi thực hiện chương trình mới. Tuy nhiên, năm học vừa qua, mặc dù chương trình SGK lớp 1 đã triển khai, nhưng một thời gian sau thiết bị mới được phân bổ về, ảnh hưởng phần nào đến quá trình dạy và học.
Để ứng phó với tình trạng này, trong năm học 2021 - 2022, nếu chương trình SGK lớp 2 triển khai mà thiết bị chưa về, giáo viên sẽ sử dụng đồ dùng cũ để đáp ứng nhu cầu dạy học trước mắt.
Vị hiệu trưởng cho hay, đồ dùng dạy học sử dụng hơn chục năm nên đã xuống cấp và cũ đi nhiều. Do đó, những thiết bị, tranh ảnh... cần thiết hoặc không thể tận dụng được, giáo viên của trường sẽ chủ động làm để hỗ trợ các em trong quá trình học tập.
Tương tự, cô Hồ Thị Thuỳ Vân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Đắk Hà (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) thông tin: Năm học 2020 - 2021, học sinh lớp 1 học tập chương trình mới. Do đó, năm học 2021 - 2022, nhà trường sẽ kế thừa những thuận lợi và rút kinh nghiệm từ những thiếu sót của năm học trước. Tuy nhiên, giáo viên trong trường đang lo lắng về việc "chương trình đi trước, thiết bị theo sau".
Theo cô Vân, chương trình SGK lớp 1 dạy được vài tháng thì trang thiết bị dạy học mới được bàn giao về trường. "Lo lắng năm học này sẽ giống như năm trước nên nhà trường cùng giáo viên lên phương án chuẩn bị trang thiết bị dạy học cho học sinh. Theo đó, với những tranh ảnh, bảng tính chục, trăm, nghìn... sử dụng cho chương trình lớp 2, giáo viên sẽ chủ động mua vật liệu về làm. Vào năm học mới, nếu thiết bị chưa kịp thời được trang bị, giáo viên sẽ sử dụng phục vụ công tác giảng dạy", cô Vân nói.
Trường Tiểu học xã Đắk Hà chủ động làm thiết bị phục vụ dạy học cho chương trình mới.
Mong thiết bị song hành với chương trình
"Nhà trường vẫn mong muốn danh mục thiết bị dạy học do Bộ GD&ĐT ban hành sẽ được địa phương trang bị kịp thời, song hành với chương trình SGK lớp 2. Tuy nhiên, để ứng phó trong tình huống xấu, nhà trường vẫn chuẩn bị các trang thiết bị đơn giản, do giáo viên tự "chế" để nâng cao kỹ năng thực hành cho học sinh. Tuy nhiên, hiệu quả của thiết bị do giáo viên làm không cao, thiếu độ chính xác...", cô Vân chia sẻ.
Năm học 2021 - 2022 là năm đầu tiên các học sinh lớp 6 của Trường THCS Ngọc Tụ (huyện Đăk Tô, Kon Tum) làm quen với Chương trình SGK mới. Thầy Hồ Quốc Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Ngọc Tụ cho hay: Được sự quan tâm của các cấp chính quyền nên nhiều năm qua, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy, học... tương đối đầy đủ. Đối với trang thiết bị dạy học chương trình SGK mới, nhà trường cũng đã lập tờ trình xin tivi, máy tính, thiết bị thí nghiệm... để đáp ứng yêu cầu dạy và học.
Tuy nhiên, thầy Tuấn cũng không tránh khỏi lo lắng dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ mua sắm. Chương trình, SGK mới cần sự hỗ trợ nhiều của thiết bị trong quá trình giảng dạy. Nếu chương trình đi trước, thiết bị chưa kịp thời đáp ứng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Do đó, nhà trường đã lên phương án kêu gọi các mạnh thường quân, hỗ trợ SGK cho học sinh và thiết bị dạy học cần thiết. Theo thầy Tuấn vấn đề này khá khó khăn vì đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn túng thiếu. Hoạt động xã hội hóa lâu nay còn khiêm tốn. Đầu tư cho giáo dục vẫn trông chờ chủ yếu vào ngân sách địa phương, sự đóng góp, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của trường đang thiếu và cũ do đã sử dụng nhiều năm nay, do đó, khó đáp ứng yêu cầu Chương trình SGK mới. Vừa qua, nhà trường đã báo cáo đề xuất lên phòng GD&ĐT để xin hỗ trợ, nhằm đáp ứng việc dạy và học của chương trình mới. - Thầy Ngô Đình Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh (Thị trấn Đăk Tô, Kon Tum)
Luồng gió mát từ triển khai chương trình mới ở Hưng Yên, Phú Thọ Từ khi dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới giáo viên được sáng tạo, năng động hơn, linh hoạt đổi vị trí nội dung trong bài giảng nếu thấy phù hợp. Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam sau khi lắng nghe chia sẻ của một số giáo viên đang giảng dạy lớp 1...