“Siêu lừa” Nguyễn Thị Tuyết Trinh với những đơn hàng khống hàng trăm tỷ đồng
Lâm vào cảnh nợ nần, “siêu lừa” Nguyễn Thị Tuyết Trinh (SN 1985, trú tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) “giở trò” huy động vốn để đầu tư buôn bán hàng hải sản xuất khẩu với số lượng lớn để lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 405 tỷ đồng.
Điều đáng nói, dù trước đó, Trinh mang bản án 10 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và đang được tạm hoãn thi hành án vì nuôi con dưới 36 tháng tuổi, nhưng không lấy đó làm bài học, mà Trinh lại tiếp tục con đường phạm tội để rồi mới đây, phải tiếp tục đối mặt với mức án chung thân.
Lập 11 đơn hàng khống để chiếm đoạt 264 tỷ đồng
Theo hồ sơ vụ án, năm 2011, Nguyễn Thị Tuyết Trinh từng bị TAND tỉnh Quảng Nam xử phạt 10 năm tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nhưng được tạm hoãn thời gian chấp hành hình phạt tù vì đang nuôi con nhỏ (dưới 36 tháng tuối). Trong thời gian được hoãn chấp hành án, Trinh làm nghề buôn bán hàng hải sản nhỏ lẻ tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Trinh mua hải sản từ Lê Thị Linh để bán lẻ với giá trị các đơn hàng khoảng vài chục triệu đồng.
Nguyễn Thị Tuyết Trinh (thứ 3 từ trái qua) tại phiên tòa
Nhưng do làm ăn thua lỗ và để có tiền trả nợ cho những khoản vay trước đó, Nguyễn Thị Tuyết Trinh đã nảy sinh ý chiếm đoạt tài sản của người khác bằng cách đưa ra những thông tin gian dối để bị hại tin tưởng thật và giao tài sản cho mình. Vào khoảng tháng 6/2019, Trinh đưa ra thông tin gian dối là Trinh đang buôn bán hàng hải sản xuất khẩu với số lượng lớn và kêu gọi người khác đầu tư vốn để được hưởng lợi nhuận. Trinh đưa thông tin là lấy nguồn hàng hải sản từ đầu mối là Lê Thị Linh, sau đó chuyển về bán cho những người có tên: Hiền, Phát, Quang (theo Trinh, những người này là các đầu mối thu mua hải sản số luợng lớn của Trinh) để đưa đi xuất khẩu.
Trinh kêu gọi người đầu tư tham gia góp vốn để kinh doanh hải sản; căn cứ theo số tiền góp vốn, người đầu tư sẽ được Trinh chia lợi nhuận từ 10% đến 12% trên một đơn hàng. Mỗi đơn hàng sẽ được thanh toán cả gốc lẫn lãi chỉ từ 3 đến 5 ngày. Ban đầu, Trinh đưa ra thông tin gian dối để kêu gọi số tiền đầu tư chỉ từ vài chục triệu đến vài trăm triệu từ một số bị hại ở tỉnh Quảng Nam. Trinh sử dụng số tiền chiếm đoạt được để chi trả cho các khoản nợ của mình, chi trả tiền lợi nhuận kinh doanh một phần tiền vốn góp cho người đầu tư. Để có tiền chi trả thường xuyên cho người đầu tư, Nguyễn Thị Tuyết Trinh tiếp tục tạo dựng lên các đơn hàng hải sản không có thật với giá trị của đơn hàng sau cao hơn đơn hàng trước để huy động số tiền đầu tư nhiều hơn và kêu gọi được thêm nhiều người đầu tư. Việc trả lợi nhuận đầu tư của Trinh cũng tăng lên nên nhiều người đã tin tưởng và tập trung tiền đầu tư cho Trinh, trong đó có anh Nguyễn Ngọc Kh., chị Nguyễn Thị Ph., anh Võ Tân C. và chị Trần Thị Hồng Th. đều ở tại tỉnh Quảng Nam.
Video đang HOT
Theo Cơ quan điều tra, để chiếm đoạt tiền của các bị hại, Trinh đã “bắt tay” với các đối tượng: Lê Thị Linh (SN 1991, trú TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), Phạm Văn Thái (SN 1989, trú huyện Phú Ninh, Quảng Nam), Nguyễn Thị Thanh Thúy (SN 1993, trú huyện Núi Thành, Quảng Nam). Để tạo được niềm tin cho người đầu tư, Trinh bàn bạc, thống nhất với Linh lập 11 hóa đơn bán hàng hải sản với nội dung không có thật và giá trị mỗi đơn từ vài chục tỷ đồng đến vài trăm tỷ đồng để giao cho người đầu tư xem. Linh đứng ra xác nhận với người đầu tư về việc Linh là nguồn cung cấp hải sản số lượng lớn cho Trinh và có các kho hàng hải sản đặt tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Đồng thời, Linh còn trực tiếp nhận tiền đầu tư của những người góp vốn dưới hình thức nhận tiền bán hải sản cho Trinh theo các đơn đặt hàng giả mà Trinh đã cung cấp cho người đầu tư xem, rồi chuyển tiền ngược lại cho Trinh để Trinh chiếm đoạt.
Trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, Linh đã gặp, tiếp xúc với anh Nguyễn Ngọc Kh., chị Nguyễn Thị Ph., anh Võ Tân C. và chị Trần Thị Hồng Th. để xác nhận mình là người cung cấp hàng số lượng lớn cho Trinh. Linh còn đưa chị Nguyễn Thị Ph. đến xem các kho hàng hải sản lớn tại thành phố Nha Trang và giới thiệu với chị rằng, đó là kho hàng hải sản của Linh. Trước các thông tin gian dối mà Trinh và Linh đưa ra hoàn toàn khớp nhau, những người đầu tư đã tin tưởng và giao tiền đầu tư cho Trinh thông qua hình thức giao tiền mặt trực tiếp cho Trinh hoặc chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng của Trinh và Linh. Trong đó, với danh nghĩa nhận tiền cung cấp hàng hải sản số lượng lớn cho Trinh, Linh trực tiếp nhận số tiền hơn 264 tỷ đồng của Nguyễn Ngọc Kh., Nguyễn Thị Ph., Nguyễn Thị Minh H., Nguyễn Thị Ngh., Nguyễn Thị Hồng H, Võ Tấn C. Sau khi nhận tiền, Linh trừ ra và thu về một phần tiền cho các khoản nợ mua hàng hải sản nhỏ lẻ của Trinh trên thực tế, số còn lại hơn 247 tỷ đồng thì Linh chuyển cho Trinh thông qua hệ thống ngân hàng để Trinh chiếm đoạt.
Lập nhóm Zalo, đóng giả nhiều khách hàng
Ngoài sự giúp sức của Lê Thị Linh, để tạo niềm tin vững chắc cho người góp vồn, Nguyễn Thị Tuyết Trinh đưa ra thông tin gian dối là đang kinh doanh cung cấp hàng hải sản số lượng lớn theo đơn đặt hàng của người mua có tên Hiền sinh sống tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trinh giới thiệu với chị Nguyễn Thị Ph. và anh Nguyễn Ngọc Kh. (là những người đang góp vốn, đầu tư tiền cho Trinh) về Hiền và các đơn đặt hàng giả do Hiền đặt. Ban đầu các đơn đặt hàng giả có giá trị thấp nên những người đầu tư không quan tâm mà chỉ tin tưởng vào đầu mối cung cấp hàng Lê Thị Linh để đầu tư tiền cho Trinh thu mua các mặt hàng hải sản theo đơn. Tuy nhiên, để tạo niềm tin và có cơ sở kêu gọi thêm số tiền đầu tư, Nguyễn Thị Tuyết Trinh và Nguyễn Thị Thanh Thúy cùng bàn bạc thống nhất Thúy đóng giả thành người mua hàng hải sản của Trinh với tên gọi là “Hiền” và Thúy đồng ý. Sau đó, Trinh tạo ra một nhóm trò chuyện trên ứng dụng Zalo có tên “Hải Sản Hương Quảng” và kết nối anh Kh. cùng với Thúy vào nhóm Zalo này. Trinh đã yêu cầu Thúy (giả mạo tên Hiền) thường xuyên trao đổi đặt mua hàng hải sản của Trinh qua nhóm zalo để anh Kh. tin tưởng.
Bị cáo Nguyễn Thị Tuyết Trinh ngã khuỵu xuống ghế khi nghe Hội đồng xét xử tuyên án tù chung thân.
Vào khoảng giữa tháng 6/2020, khi chị Nguyễn Thị Ph. thấy số tiền đầu tư của mình cho Trinh quá lớn và bắt đầu suy giảm niềm tin nên chị Ph. yêu cầu được tham gia quản lý việc kinh doanh hải sản của Trinh, được tiếp xúc, trao đổi với người mua hàng. Để chị Nguyễn Thị Ph. tin tưởng tiếp tục đầu tư tiền cho Trinh, Trinh tiếp tục bàn bạc, thống nhất với Nguyễn Thị Thanh Thúy vẫn đóng giả người mua hàng tên Hiền để trực tiếp liên lạc, trao đổi đặt mua hàng hải sản số lượng lớn với chị Nguyễn Thị Ph. Thúy thường xuyên nhắn tin cho chị Ph. đặt mua hàng để chị Nguyễn Thị Ph. tin tưởng có nguồn tiêu thụ và chuyển tiền cho Linh hoặc Trinh để mua hàng về cung cấp cho Thúy.
Cụ thể, Thúy “núp bóng” bằng tên Hiền đã nhắn tin đặt mua 2 đơn hàng hải sản của chị Nguyễn Thị Ph. với số tiền 55 tỷ đồng. Trong đó, đơn hàng thứ nhất, Trinh thông báo với chị Nguyễn Thị Ph. có nhận 1 đơn đặt hàng hải sản có giá trị 17 tỷ đồng từ người mua tên Hiền và yêu cầu chị Nguyễn Thị Ph. đầu tư tiền để Trinh kinh doanh. Khi chị Nguyễn Thị Ph yêu cầu được tiếp xúc, trao đổi với Hiền về nội dung đơn hàng và giá cả thì Trinh đã giới thiệu chị tiếp xúc với Nguyễn Thị Thanh Thúy (với tên gọi là Hiền). Dưới sự dẫn dắt của Trinh, Thúy đã nhắn tin trao đổi nhiều nội dung mua bán hàng hải sản với chị Nguyễn Thị Ph qua ứng dụng Zalo. Qua trao đổi, chị Ph. tin tưởng Thúy là người đặt mua hàng hải sản số lượng lớn của Trinh nên chị Ph. đồng ý đầu tư tiền cho Trinh kinh doanh đơn hàng trên. Chưa dừng lại ở đó, Nguyễn Thị Thanh Thúy tiếp tục trực tiếp đặt mua hàng với chị Nguyễn Thị Ph. với giá trị 38 tỷ đồng. Theo sự hướng dẫn của Trinh, Thúy đã chủ động nhắn tin đặt mua hàng hải sản và trao đổi trực tiếp với chị Ph. về các nội dung mua bán. Chị Ph. đồng ý góp một phần tiền đầu tư. Theo kết luận của cơ quan điều tra, chỉ trong 2 tháng, Nguyễn Thị Thanh Thúy và Nguyễn Thị Tuyết Trinh đã cấu kết chiếm đoạt của chị Nguyễn Thị Ph. số tiền đầu tư là 23 tỷ đồng.
Ngoài việc cấu kết với Lê Thị Linh, Nguyễn Thị Thanh Thuý; Trinh còn bàn bạc, thống nhất với Phạm Văn Thái đóng giả thành người mua hàng hải sản số lượng lớn nhắn tin, gọi điện xác nhận với chị Nguyễn Thị Ph. nhằm tạo niềm tin để huy động vốn và chiếm đoạt tiền đầu tư. Cụ thể, vào thời điểm ban đầu khi kêu gọi tiền đầu tư của chị Ph, Nguyễn Thị Tuyết Trinh đã đưa ra thông tin gian dối đang kinh doanh cung cấp hàng hải sản số lượng lớn theo đơn đặt hàng của người tên Quang sinh sống tại TP Đà Nẵng. Thời điểm này, Trinh kêu gọi lượng tiền đầu tư nhỏ nên chỉ thông báo cho chị Ph. về các đơn đặt hàng giả do Trinh tự tạo ra để huy động vốn. Nhưng do chậm trễ trong việc xoay vòng vốn đầu tư của những người đầu tư khác để lấy tiền trả lợi nhuận cho chị Ph., Trinh đã nói với chị Ph. đầu mối mua hàng hải sản tên “Quang” chưa thanh toán tiền đơn hàng.
Khi chị Ph. yêu cầu Trinh kết nối, trao đổi với người mua hàng tên “Quang” để hối thúc việc trả nợ thì Trinh đã liên hệ, thống nhất với Phạm Văn Thái – đóng giả tên “Quang”, trực tiếp xác nhận với chị Ph. và trao đổi xin hoãn thời gian trả tiền thanh toán đơn hàng. Sau khi bàn bạc, thống nhất với Trinh và được Trinh hứa hẹn thường xuyên cung cấp tiền để tiêu xài, Phạm Văn Thái đồng ý thực hiện theo yêu cầu và hướng dẫn của Trinh. Để tạo điều kiện cho Thái thực hiện hành vi lừa đảo, Trinh đã mua điện thoại và sim rác và làm theo hướng dẫn, sắp xếp của Trinh.
Để tiếp tục chiếm đoạt tiền của chị Nguyễn Thị Ph., Trinh tự tạo ra các đơn đặt hàng hải sản số lượng lớn khác với tên đầu mối mua hàng là “Phát”, Trinh giới thiệu với chị Ph. về đầu mối mua hàng hải sản này và tạo ra các đơn đặt hàng giả cho chị Ph. xem và chị Ph. đồng ý. Khi chị Ph. yêu cầu Trinh kết nối với “Phát” để chị Ph. trao đổi việc thanh toán đơn hàng, Trinh tiếp tục hướng dẫn Phạm Văn Thái đóng giả đầu mối tên “Phát”, gọi điện, nhắn tin đến số điện thoại của chị Ph., xác nhận với chị Ph. về thời gian thanh toán tiền cho đơn hàng để tạo niềm tin cho chị Ph. vào việc kinh doanh của Trinh. Sau khi tạo được niềm tin về người mua hàng tên “Phát”, Trinh liên tiếp tạo ra 13 đơn đặt hàng giả đứng tên người mua là “Phát” với tổng giá trị hơn 64,5 tỷ đồng và giao cho chị Ph. xem. Chị Ph. đồng ý góp vốn 27,8 tỷ đồng và Trinh chiếm đoạt toàn bộ số tiền đầu tư này.
Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam xác định, tổng số tiền mà 7 bị hại chuyển cho Trinh và Trinh chiếm đoạt là hơn 405 tỷ đồng, gồm: anh Nguyễn Ngọc Kh. hơn 168 tỷ đồng; chị Nguyễn Thị Ph. hơn 106 tỷ đồng; anh Nguyễn Văn Ph. là hơn 13 tỷ đồng; chị Nguyễn Thị Ng. hơn 5,7 tỷ đồng; chị Nguyễn Thị Minh Hà hơn 25 tỷ đồng; chị Trần Thị Hồng Th. hơn 78 tỷ đồng; anh Võ Tấn C. hơn 7,6 tỷ đồng… Điều đáng nói, để có một nguồn tiền lớn góp vốn đầu tư cho Trinh, một số bị hại đã phải huy động nguồn tiền từ nhiều người thân, bạn bè, thậm chí phải đi “vay nóng”, thế chấp nhà… Vì vậy, khi nghe tin Trinh thông báo mất khả năng chi trả đã khiến không ít gia đình rơi vào cảnh khốn đốn, điêu đứng. Theo Cơ quan điều tra, trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, để người bị hại tin tưởng việc làm có lợi nhuận và tiếp tục đầu tư thì Trinh liên tục huy động vốn đầu tư của người này để chi trả tiền lợi nhuận và một phần tiền gốc cho người kia và ngược lại. Số tiền Trinh đã chi trả cho các bị hại là hơn 375 tỷ đồng.
Sau 2 ngày xét xử, ngày 8/8 vừa qua, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Thị Tuyết Trinh tù chung thân, Lê Thị Linh 18 năm tù, Phạm Văn Thái 13 năm tù và Nguyễn Thị Thanh Thúy 12 năm tù về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau khi nghe HĐXX tuyên án tù chung thân, bị cáo Nguyễn Thị Tuyết Trinh ngã khuỵu xuống ghế òa khóc nức nở. Những giọt nước mắt của bị cáo Trinh đã quá muộn màng, đó là cái giá Trinh phải trả cho lòng tham lam của mình. Rồi, giờ đây Trinh không khỏi đau xót, dày vò khi 3 đứa con thơ dại của mình dần lớn lên mà thiếu vắng hơi ấm, sự chăm sóc của người mẹ.
Quảng Nam: Vợ chồng chủ môi giới bất động sản lãnh 30 năm tù vì lừa đảo
Lập công ty môi giới bất động sản nhưng làm ăn thua lỗ, đôi vợ chồng ở tỉnh Quảng Nam đã lừa đảo chiếm đoạt của nhiều người với số tiền gần 25 tỉ đồng.
Chiều 9.5, TAND tỉnh Quảng Nam mở phiên sơ thẩm xét xử 2 bị cáo Lê Thị Thảo (29 tuổi, ở xã Điện Thắng Trung, TX.Điện Bàn, Quảng Nam) và chồng là Ngô Hòa (39 tuổi) tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Theo cáo trạng, Công ty TNHH môi giới bất động sản TH LAND (địa chỉ: Lô B9.19, thôn Thanh Quýt 6, xã Điện Thắng Trung) đăng ký lần đầu ngày 10.4.2019, mã số doanh nghiệp 4001176959 do Lê Thị Thảo làm giám đốc, và là người đại diện theo pháp luật của công ty.
Hai bị cáo Thảo và Hòa tại phiên tòa chiều ngày 9.5. Ảnh C.X
Ngày 19.4.2021, công ty đã ban hành quyết định về việc giải thể công ty và thông báo về việc giải thể doanh nghiệp.
Trong quá trình kinh doanh, vợ chồng bị cáo Lê Thị Thảo có nhiều thông tin về các dự án, nhu cầu chuyển nhượng, cho thuê, cầm cố bất động sản trên địa bàn.
Từ năm 2019 đến tháng 6.2020, do kinh doanh bất động sản thua lỗ nên Lê Thị Thảo và Ngô Hòa đã lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết của các bị hại để ký hợp đồng bán tài sản cho các bị hại khi không được chủ tài sản đồng ý bán hoặc ủy quyền bán, sau đó chiếm đoạt tiền.
Tổng số tiền mà vợ chồng bị cáo Lê Thị Thảo lừa đảo chiếm đoạt của 19 bị hại là gần 25 tỉ đồng.
Ngoài hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vợ chồng Thảo còn có hành vi mua đất và bán lại cho người khác (nhưng đi khỏi địa phương) để trốn tránh việc trả nợ dẫn đến không thể tiếp tục thực hiện theo hợp đồng ký kết với bên mua, bên bán đất. Hành vi trên không cấu thành tội phạm nhưng Thảo và Hòa phải có nghĩa vụ trả số tiền gần 1,6 tỉ đồng cho những người có liên quan.
Qua xem xét hồ sơ vụ án và lời khai của 2 bị cáo tại phiên tòa, TAND tỉnh Quảng Nam quyết định tuyên bị cáo Lê Thị Thảo 18 năm tù và Ngô Hòa 12 năm tù về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nhờ "chạy" công chức, nhân viên hải quan mất tiền tỷ Ngày 22/8, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Trần Thượng Nam (SN 1992, trú tại phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội) và tuyên phạt bị cáo này 12 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Theo bản án sơ thẩm, ngày 28/9/2022, Cơ quan CSĐT Công an quận Đống...